Phần mềm chống tội phạm tình dục ở Nhật Bản
Phần mềm trợ giúp đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em
Theo tờ Independent (Anh), ứng dụng Mimamotchi được cảnh sát Nhật triển khai trên diện rộng vào tháng 1/2017 với mục đích trợ giúp đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em an toàn khi đi trên đường phố.
Sau hơn một tháng triển khai, Mimamotchi nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía người dân. Theo đó, khi cài đặt ứng dụng Mimamotchi vào máy điện thoại, người dùng sẽ được cảnh báo khi bước vào một khu vực mà trước đó tại địa điểm này đã xảy ra các vụ tấn công tình dục.
Một số người dùng đã đưa ra nhận xét khá tích cực về phần mềm Mimamotchi. |
Mimamotchi được cài đặt miễn phí và người dân cũng không phải trả bất cứ khoản phí nào trong suốt quá trình sử dụng. Thông qua GPS, Mimamotchi sẽ định vị, xác định chính xác vị trí của người dùng. Mimamotchi thống kê, phân tích dữ liệu về tội phạm tình dục bao gồm hành vi tấn công tình dục hoặc hành vi không đứng đắn đối với phụ nữ trong thời gian một năm để đưa ra cảnh báo cho người dùng trong bán kính từ 100m đến 5km. Khu vực xảy ra nhiều vụ tấn công sẽ được đánh dấu bằng màu đỏ trên bản đồ.
Ngoài chức năng cảnh báo người dùng, Mimamotchi còn cho phép người dùng báo động bằng âm thanh và gọi cho cảnh sát bằng cách chạm vào màn hình. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể gửi tin nhắn hiển thị thông tin "tôi đang bị tấn công tình dục" khi rơi vào tình huống nào đó mà không thể nói.
Những quan điểm trái chiều
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, một số người dùng đã đưa ra nhận xét khá tích cực về phần mềm Mimamotchi. "Tội phạm tình dục có thể xảy ra lần đầu tiên ở bất cứ đâu nhưng với những khu vực xảy ra nhiều vụ tấn công tình dục hơn thì ứng dụng Mimamotchi vô cùng hữu ích. Chúng tôi đã chờ đợi một ứng dụng như thế này từ rất lâu", một người dùng nhận xét.
"Đó là một ứng dụng tuyệt vời. Tất cả phụ nữ ở thành phố Fukuoka nên cài đặt ứng dụng Mimamotchi vào điện thoại thông minh", một người dùng khác cho hay.
Khu vực xảy ra nhiều vụ tấn công sẽ được đánh dấu bằng màu đỏ trên bản đồ. |
Tuy nhiên, một số người lại có quan điểm trái chiều khi nhận xét về ứng dụng Mimamotchi. Những người theo quan điểm này cho rằng, Mimamotchi có thể tạo "cơ hội" cho tội phạm tình dục hoạt động như phụ nữ mất cảnh giác, hoặc ăn mặc quá "mát mẻ" khi đi xuống phố.
"Tôi cho rằng, không thể ngăn chặn tội phạm tình dục thông qua các ứng dụng công nghệ như Mimamotchi. Giải pháp cốt lõi của vấn đề là "tái giáo dục đàn ông" (và cả một số ít phụ nữ) để họ có nhận thức đúng đắn, loại bỏ trong đầu những suy nghĩ lệch lạc, mầm mống, nguy cơ dẫn đến hành vi phạm tội tình dục", một người dân Nhật Bản bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội.
Nhà phát triển ứng dụng Mimamotchi, Masako Tsuru cho biết, sự ra đời của phần mềm chống tội phạm tình dục là nỗ lực rất lớn của chính phủ và đó là một hướng đi đúng đắn.
"Thực tế cho thấy, nhiều người nghĩ rằng, tội phạm tình dục là vấn đề của người khác, thông qua Mimamotchi, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp rằng, giải quyết vấn đề tội phạm tình dục cần sự chung tay của toàn xã hội mà trước hết là nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm", ông Masako Tsuru nói.
Một công ty ở Đức mới tung ra thị trường sản phẩm độc đáo "đồ lót chống hiếp dâm" sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công tình dục ở nước này. Chiếc quần lót được trang bị một khóa và có khả năng gây báo động khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn của chủ nhân. Khi bị khóa, chiếc quần không thể kéo ra hay cắt đứt vì được làm bằng loại chất liệu đặc biệt. Các phương tiện truyền thông Đức cho biết, chiếc quần lót đã được bán trên một số cửa hàng trực tuyến với giá 100 euro/chiếc. Được biết, trước đó, sản phẩm quần lót chống hiếp dâm lần đầu tiên được bán ở thị trường Mỹ vào năm 2013 và vấp phải không ít sự chỉ trích của các nhà hoạt động nữ quyền. Các nhà hoạt động gọi đó là "vành đai trinh tiết thời hiện đại" và nói rằng, để chống nạn hiếp dâm cần tập trung các giải pháp vào đàn ông thay vì "cướp" đi sự tự do của phụ nữ. |