Sách Trắng chống tham nhũng của Trung Quốc
- Ông Từ Tài Hậu phải đối diện với mức án nào?
- Hành trình ra trước vành móng ngựa của ông Chu Vĩnh Khang
- Có khả năng ông Chu Vĩnh Khang đối diện với mức án cao hơn ông Bạc Hy Lai
Tại buổi công bố Sách Trắng về chống tham nhũng hôm 15-12, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã nhấn mạnh, Bắc Kinh kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời khẳng định, việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đẩy mạnh điều tra tham nhũng đã góp phần ngăn chặn mạnh mẽ vấn nạn này.
Được biết, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã sửa đổi các quy tắc về hành vi trong sạch, các quy định về kỷ luật, trách nhiệm giải trình, giám sát nội bộ đảng, cũng như các cuộc thanh tra nhằm tạo một khuôn khổ để ngăn chặn và chống tham nhũng có hệ thống.
Theo giới truyền thông, sau Đại hội XIX (trung tuần tháng 10), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã điều tra hơn 440 cán bộ cấp tỉnh trở lên. Riêng trong năm 2016, khoảng 57.000 cán bộ Nhà nước đã thừa nhận các hành vi vi phạm kỷ luật của đảng.
Kể từ năm 2014 đến hết tháng 10-2017, thông qua chiến dịch "Thiên võng", Trung Quốc đã bắt 3.587 tội phạm tham nhũng chạy trốn ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước quy án, thu hồi 9,5 tỷ nhân dân tệ (NDT).
Bức tường nạm ngọc ở biệt thự của ông Từ Tài Hậu trị giá lên tới 90 triệu nhân dân tệ/bức. |
Trước khi công bố Sách Trắng về chống tham nhũng, ngày 14-12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo về 8 vụ tham nhũng điển hình trong lĩnh vực hỗ trợ thoát nghèo.
Theo đó, 27 cán bộ nghỉ hưu và đương nhiệm có liên quan đã tham ô quỹ hỗ trợ sinh kế, làm giả báo cáo để chiếm đoạt trái phép tiền trợ cấp dành cho cải tạo nhà cửa cũ nát, và ngăn chặn nông dân tiếp cận với các khoản trợ cấp xã hội.
Một trong những trường hợp điển hình là vụ vi phạm tại Cục Dân chính và Cục Quản lý Cứu trợ xã hội huyện Tuy Ninh, tỉnh Hồ Nam. Từ tháng 11-2014 đến tháng 7-2016, hai cơ quan kể trên đã chiếm đoạt hơn 1,4 triệu NDT quỹ hỗ trợ sinh kế dùng để mua thiết bị điện tử cho 21 viện dưỡng lão thông qua thủ đoạn nâng giá.
Sau khi thông báo về 8 vụ tham nhũng kể trên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp phải bám sát "Phương án công tác liên quan hoạt động triển khai xử lý các vấn đề tham nhũng và tác phong trong lĩnh vực hỗ trợ thoát nghèo, giai đoạn 2018-2020" để đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với các quỹ hỗ trợ sinh kế, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và những dự án hỗ trợ thoát nghèo khác.
Ngày 12-12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố quyết định điều tra đối với ông Trương Kiệt Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Bắc (nguyên Phó Tỉnh trưởng Hà Bắc) vì bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Cùng ngày 12-12, ông Vương Khắc Thành, Ủy viên Thường vụ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nội vụ và Tư pháp Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Cát Lâm cũng bị điều tra với cáo buộc tương tự.
Được biết, Ủy ban Giám sát Quốc gia mới sẽ được thành lập tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào đầu tháng 3-2018. Khi được thành lập, Ủy ban Giám sát Quốc gia có quyền lưu giữ nghi phạm tham nhũng để thẩm vấn tới 6 tháng.
Theo Tân Hoa xã, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xúc tiến "những biện pháp cưỡng chế" đối với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài như triệu tập, nộp tiền bảo lãnh, giam giữ và bắt đầu tiến hành các thủ tục khởi tố chính thức. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã mở cuộc điều tra đối với ông Tôn Chính Tài vì có dấu hiệu "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Mấy ngày trước, hãng Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, những quan chức đang cố che giấu các khoản chi tiêu xa hoa sẽ nằm trong tầm ngắm của chiến dịch loại bỏ chủ nghĩa khoái lạc. Theo đó, việc tổ chức các bữa tiệc xa hoa, tận dụng đi tham quan trong khi đi công tác, đi nghỉ dưỡng tại các spa đắt tiền… đều nằm trong tầm ngắm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Theo hãng Reuters, trong quá trình "đả Hổ, diệt Ruồi", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng quyết liệt loại trừ chủ nghĩa khoái lạc. Theo thống kê, nhiều quan chức đã và đang cố gắng chi tiêu lớn thông qua việc tổ chức đám cưới, đám tang, mua sắm quà tặng và chấp nhận thẻ quà tặng điện tử hoặc "phong bao đỏ" thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến.
Nhân vật điển hình của chủ nghĩa khoái lạc đã bị loại bỏ là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu - sở hữu ngôi biệt thự lộng lẫy với những bức tường nạm ngọc trị giá lên tới 90 triệu NDT/bức. Ông Chu Vĩnh Khang sở hữu 6 tư dinh để vui vẻ với hơn 400 phụ nữ vốn là "quà tặng" của thuộc hạ và cấp dưới.