"Sốt đất" ở biên giới liên Triều
- Những ngôi làng trên biên giới liên Triều
- Hàn Quốc chi 16 triệu USD nâng cấp loa tại biên giới liên Triều
Reuters cho biết hiện nhu cầu mua nhà ở các thị trấn nhỏ và các khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt xung quanh Vùng phi quân sự biên giới liên Triều (DMZ) đang tăng mạnh do kỳ vọng của người mua và nhà đầu tư từ Hàn Quốc.
Tính đến tháng 3, các hoạt động chuyển nhượng đất ở Paju - khu vực cửa ngõ đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm - đã tăng gấp đôi so với tháng 2-2018. Con số này vượt xa các thị trường nổi tiếng như Gangnam, nơi chỉ tăng 9%. Trong những khu định cư ở Jangdan-myun, nơi có nhà ga Dorasan ngăn cách miền Nam với biên giới, các hoạt động chuyển nhượng tăng gấp 4 lần so với một năm trước, trong khi đó giá đất tăng 17%.
Các hoạt động ở khu vực biên giới tăng vọt không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc hay lĩnh vực bất động sản. Tại biên giới phía đông bắc của Triều Tiên với Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng đang đẩy giá và lãi suất lên cao với khu vực bên trong lãnh thổ Triều Tiên.
Trước đây, giá đất khu vực biên giới cũng tăng mạnh khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2007. Nhưng giá đất đã giảm mạnh một năm sau đó khi quan hệ hai bên xấu đi.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng quá trình mở cửa khu vực biên giới có thể không nhanh chóng và suôn sẻ dù kinh tế Triều Tiên có mở cửa đi chăng nữa. Một nguy cơ lớn cho các nhà đầu tư là phần lớn đất DMZ đều bị cấm phát triển vì mục đích bảo tồn, chuyên gia nói.
Dù vậy, hy vọng dành cho những mảnh đất này là khá lớn, nhất là khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra. “Tôi có một niềm tin vững chắc là Triều Tiên sẽ theo đuổi mở cửa kinh tế giống Việt Nam” - một chủ đầu tư bất động sản nói. “Ông Kim Jong-un sẽ không đi đến bất cứ nơi nào và sẽ không đến Trung Quốc đến 2 lần nếu có ý định lừa gạt”.
Anh Kang Sung-wook 37 tuổi, một nha sĩ Hàn Quốc đến từ thành phố biên giới Paju, đã mua 8 mảnh đất riêng biệt ở trong và xung quanh DMZ từ trung tuần tháng 3. Trong số này, có 5 mảnh đất anh mua mà thậm chí chưa từng đặt chân đến, chỉ dùng ảnh vệ tinh Google Earth và bản đồ, vì công chúng không thể tiếp cận khu vực bên trong DMZ.
Theo anh Kang, nhu cầu mua tăng nhanh khi mối quan hệ giữa hai bên đang được cải thiện tích cực, vì vậy anh phải lập tức đưa ra quyết định này. “Tôi đã dõi theo các tin tức từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được thông báo vào tháng 3, mà dường như những chỗ tốt đều đã hết rồi. Khi đó tôi mới nhận ra thị trường đang rất nóng”, anh nói. Khoản đầu tư dọc biên giới của Kang giờ có giá trị khoảng 3 tỷ won (khoảng 64 tỷ đồng) với gần 20 hecta đất.
Kim Yoon-sik, một người buôn bán bất động sản với 25 năm kinh nghiệm ở Paju cho biết chủ sở hữu các mảnh đất ở DMZ bao gồm những người thừa kế đất nông nghiệp từ tổ tiên trước chiến tranh và một số nhà đầu tư dài hạn. "Với cầu vượt quá cung, tôi thường thấy người bán phải hủy các hợp đồng đặt cọc. Thị trường nóng đến mức đó”, Kim nói.
Theo chuyên gia bom mìn tại Cơ quan Mạng lưới bảo tồn Vườn Quốc gia Hàn Quốc, hơn 1 triệu quả mìn mặt đất được rải trong các khu vực biên giới, bao gồm DMZ và Vùng kiểm soát dân sự ở phía Nam. Dù công chúng không được vào, họ vẫn có thể đăng ký và mua khu vực đất trong vòng 2 km về phía Hàn Quốc và các khu vực biên giới khác.