TPP không Mỹ

10:32 23/01/2017
Cho đến nay, cùng với việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, những hy vọng về một TPP với đầy đủ 12 thành viên như trước đây đã tan thành mây khói. Chính ông Trump đã công bố video cho biết rút khỏi TPP sẽ là ưu tiên trong 100 ngày làm việc đầu tiên của ông ở Nhà Trắng. Với việc rút lui của Mỹ, tương lai TPP sẽ như thế nào?


Với GDP chiếm tới 62% tổng GDP của tất cả thành viên, có thể nói trung tâm của TPP chính là Mỹ. Nói cách khác, tiếp cận tốt hơn thị trường Mỹ chính là mục tiêu quan trọng nhất khi các nước khác tham gia TPP. Vì vậy, trong một cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên TPP tại Lima, Peru gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không giấu giếm sự thất vọng: “TPP sẽ vô nghĩa nếu không có Mỹ”.

Không còn ý nghĩa

Tuy nhiên, thực tế là việc Mỹ rút lui không chỉ khiến TPP trở nên vô nghĩa, mà không thể thành hiện thực. Trên nguyên tắc đã thỏa thuận, hiệp định này chỉ có thể có hiệu lực nếu có ít nhất 6 thành viên chiếm hơn 85% GDP phê chuẩn nó trước tháng 2-2018. Mỹ và Nhật Bản đều có GDP lớn hơn 15% GDP của 12 nước, nên nếu 1 trong 2 nước này rút lui, TPP không thể có hiệu lực. Nói cách khác, với sự rút lui của Mỹ, TPP sẽ tan rã. Để có thể đi tiếp, các nước còn lại phải “bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”, tức phải đàm phán lại, xem như không có Mỹ.

Cho đến nay, cả Singapore và Nhật Bản đều có những bước đi tích cực để “tiếp sức” cho TPP. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 19-11 cam kết đảo quốc này sẽ thông qua về mặt pháp lý để TPP có hiệu lực vào năm 2017. Tại Nhật Bản, Hạ viện nước này đã phê chuẩn TPP và chuyển lên bỏ phiếu ở Thượng viện.

TPP-11?

Nhiều lãnh đạo các nước thành viên cũng đã lên tiếng khẳng định tiếp tục đưa TPP đến đích cuối cùng. Phát biểu với báo giới ngày 22-11, Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh dù Mỹ có tham gia TPP hay không, các nước thành viên vẫn nhất trí sẽ đưa hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đến thành công với quyết tâm và thiện chí cao.

Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros đề xuất điều chỉnh TPP nhằm cứu vãn hiệp định này sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Theo Bộ trưởng Ferreyros, các nước thành viên có thể hợp tác để điều chỉnh các điều khoản TPP và sửa đổi một số chi tiết để phù hợp với các nước còn lại.

Một TPP không Mỹ, hay TPP-11, sẽ thiết lập những luật lệ và chuẩn mực có lợi cho tất cả thành viên, bao gồm bảo vệ người lao động, môi trường, tài sản trí tuệ và thương mại số...

Những cải tổ dưới các thỏa thuận này sẽ giúp nền kinh tế các thành viên hiệu quả hơn và cạnh tranh hơn; các ngành xuất khẩu vẫn có thể hưởng lợi từ mở rộng thương mại; và người tiêu dùng trong hiệp định vẫn có thể tiếp cận hàng hóa giá rẻ hơn.

Cho dù không có Mỹ, TPP vẫn có thể đưa những đồng minh của Nhà Trắng như Nhật Bản, Singapore và Australia lên hàng đầu trong tự do hóa thương mại, cho các nước khác một sự thay thế mà họ có thể ngưỡng mộ. Và bằng sự kết nối thông qua TPP, các nước châu Á sẽ đoàn kết hơn, đây là điều cực kỳ quan trọng trong một khu vực nhiều biến động và tranh chấp.

Trump sẽ “suy nghĩ lại”?

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo TPP vẫn nuôi hy vọng ông Trump sẽ “suy nghĩ lại”. Theo Bộ trưởng Công thương Malaysia, ông Ong Ka Chuan, ý định rút khỏi TPP của ông Trump chỉ là tầm nhìn tạm thời, và có thể vị doanh nhân này sẽ nhận ra những lợi ích hữu hình của TPP và thay đổi quyết định của mình. Điều này không phải vô căn cứ, vì cho đến nay dường như ông Trump chưa tìm được lý do thuyết phục để phản đối TPP.

Bộ trưởng Công thương Malaysia, ông Ong Ka Chuan.

Trump cho rằng TPP là “sự phản bội lớn nhất trong chuỗi dài những sự phản bội” đối với các công nhân Mỹ. Nhưng khi được hỏi trong một cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa về các phần của hiệp định đã không được thương lượng thỏa đáng,

Trump chỉ có thể dẫn ra chuyện thao túng tiền tệ và “cách Trung Quốc và Ấn Độ và hầu hết các nước khác đã lợi dụng Mỹ”. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không phải là thành viên của TPP!

Trump và những người theo chủ nghĩa bảo hộ tin rằng nếu dựng lên các rào cản thương mại và chấm dứt đầu tư ra nước ngoài, Mỹ có thể khiến các công ty đang “đem chuông đi đánh xứ người” quay lại quê hương, từ đó giúp tăng trưởng việc làm và làm gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu như giai đoạn giữa Thế chiến 2 và những năm 1970. Điều này thể hiện rõ trong khẩu hiệu tranh cử của Trump: “Làm Mỹ vĩ đại trở lại”.

Người ta hy vọng Trump sẽ suy nghĩ lại khi thấy rằng chủ nghĩa bảo hộ của ông không những không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, mà còn khiến nước Mỹ chịu nhiều tổn thất.

Tuy nhiên, người ta hy vọng những nhà kinh tế trong chính phủ Trump sau này sẽ làm ông thay đổi quan niệm, nhận ra đó là một sự sai lầm. Bạn không thể “lấy lại” việc làm nếu nó không tồn tại. Trong thực tế, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang ngày càng giảm, kể cả ở Trung Quốc. Nhà kinh tế Joseph Stiglitz tóm lược: “Việc làm trong hoạt động sản xuất trên toàn cầu đang giảm vì năng suất tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nguồn cầu đối với các sản phẩm của ngành sản xuất”.

Vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng không thể giải quyết vấn đề này về việc làm. Điều tốt nhất nó có thể làm là cố kiếm được miếng to hơn trong chiếc bánh đang ngày càng nhỏ, và điều này chỉ dẫn đến thảm họa cho tất cả mọi người ở tất cả quốc gia.

Thiệt hại quá lớn

Người ta cũng hy vọng Trump sẽ suy nghĩ lại khi thấy rằng chủ nghĩa bảo hộ của ông không những không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, mà còn khiến nước Mỹ chịu nhiều tổn thất.

Về kinh tế, tờ The Diplomat tin rằng việc rút khỏi TPP sẽ khiến sức mạnh của kinh tế Mỹ kém đi, tiếng nói của “chú Sam” trong các vấn đề quốc tế cũng không còn nhiều trọng lượng. Cụ thể, phân tích của Viện Peterson cho biết nếu gia nhập TPP, Mỹ sẽ tăng trưởng thu nhập thêm 59 tỷ USD/ năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Không có TPP, mối lợi trên tất nhiên sẽ không còn. Điều này, trước tiên sẽ ảnh hưởng tới ngân sách chi cho an ninh quốc phòng và củng cố sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Xét theo phương diện đó, chính sách thương mại cũng chính là chính sách an ninh quốc gia, và Mỹ đang thất bại.

Xét về chính trị, có nhiều lý do để tin rằng Mỹ sẽ gặp nhiều hệ quả xấu nếu TPP không thành công. Thứ nhất, Mỹ sẽ gặp khó trong việc xây dựng thêm quan hệ đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Nếu TPP bị hủy bỏ, tất nhiên trọng tâm chú ý sẽ dịch chuyển về phía hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt” - Thủ tướng Abe nói ngay trước khi lên đường sang Mỹ gặp ông Donald Trump.

Sẽ không có nhiều nước mặn mà với việc bỏ tiền bỏ nhân lực ra để cùng với Mỹ thực hiện những mục tiêu Nhà Trắng quan tâm như chống khủng bố hay thay đổi khí hậu. Khi không thấy được lợi ích rõ ràng trong mối quan hệ với Mỹ, nhiều quốc gia sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định có tiến lại gần hơn với Mỹ hay không.

Thứ hai, thất bại của TPP sẽ khiến nguy cơ bất ổn và khủng hoảng cao hơn. Hãy xét đến trường hợp Trung Quốc tranh chấp về lãnh thổ với một nước láng giềng nào đó. Nếu có TPP, chắc chắn các tranh chấp sẽ không bùng phát thành khủng hoảng toàn diện, bởi Trung Quốc thừa hiểu Mỹ sẽ can thiệp vào những tình huống có thể gây tổn hại đến quyền lợi thương mại của Mỹ. Nhưng nếu không có TPP, khả năng Mỹ can thiệp sẽ thấp hơn nhiều, nguy cơ bất đồng leo thang thành khủng hoảng sẽ tăng cao.

Thứ ba, nếu TPP thất bại, các nước trong khu vực dù không muốn cũng sẽ phải tự hiểu rằng thật ra Mỹ cũng không tha thiết gì với vai trò lãnh đạo khu vực. Từ trước, nhiều nước trong khu vực đã hoài nghi về việc Mỹ thực sự có muốn tham gia vào các vấn đề của họ hay không.

Lựa chọn thay thế

Nhưng nói gì thì nói, người ta cũng phải tính đến khả năng cao nhất là Trump vẫn kiên quyết “biết sai vẫn làm”. Vì vậy, nhiều nước TPP đã tỏ ý tìm kiếm những hiệp định thay thế, chẳng hạn RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) hay FTAAP (Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương).

Ngoại trưởng Peru Eduardo Ferreyros cho biết với những tuyên bố bất lợi cho TPP của cả 2 ứng cử viên Nhà Trắng, ngay từ tháng 8-2016, Peru đã chủ động trao đổi với Bắc Kinh về việc tham gia đàm phán RCEP.

Một thành viên khác của TPP là Chile cũng có động thái tương tự. Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ trong TPP là Australia và Nhật Bản cũng tỏ ý thiên về RCEP, dù trước đây 2 nước này chỉ tham gia RCEP theo kiểu “đặt gạch giữ chỗ”. “Nếu TPP bị hủy bỏ, tất nhiên trọng tâm chú ý sẽ dịch chuyển về phía hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt” - Thủ tướng Abe nói ngay trước khi lên đường sang Mỹ gặp ông Donald Trump.

Đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á là Singapore giờ đây cũng sẽ phải cân nhắc những đề xuất hiệp định thương mại mới trên cơ sở rằng chúng sẽ mang lại những lợi ích nhất định còn hơn là không gì cả. “Vẫn còn những con đường khác để tiến đến tự do thương mại ở châu Á -Thái Bình Dương” - Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu gần đây.

RCEP là sáng kiến của các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy tự do thương mại với các đối tác quan trọng. Theo kế hoạch ban đầu, những mảng bao phủ chính của RCEP gồm thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế/kỹ thuật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử và các vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tóm lại, RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, không hướng tới những mục tiêu “cao cả” như bảo vệ môi trường hay cải thiện điều kiện kinh doanh...

Một điểm khác biệt nữa với TPP là RCEP có Trung Quốc, trong khi lại không có Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc được cho là nền kinh tế quan trọng nhất trong RCEP.

Hiện tại, RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15 và kỳ vọng sẽ hoàn tất vào giữa năm 2017. RCEP không hướng tới những mục tiêu “cao cả” nhưng cũng đầy tham vọng. Chẳng hạn, đây là lần đầu tiên một hiệp định thương mại kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Những con số biết nói về TPP

28,1 nghìn tỷ USD

Ðây là tổng GDP của 12 nước tham gia đàm phán TPP gồm Australia, New Zealand, Mỹ, Peru, Chile, Mexico, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản. Như vậy, 12 nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 1/3 thương mại toàn cầu.

698 tỷ USD

Ðây là tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang các nước TPP năm 2013, chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

18.000 loại thuế

Theo Nhà Trắng, TPP sẽ giúp xóa bỏ khoảng 18.000 loại thuế áp đặt đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Ðiều này có nghĩa là hàng hóa xuất xứ từ Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực từ sản xuất, nông nghiệp đến ô tô sẽ được hưởng cơ chế miễn thuế khi TPP có hiệu lực.

Hiện thuế đánh vào máy móc xuất khẩu của Mỹ vào các nước TPP cao nhất lên đến 59%, với sản phẩm thịt gia súc gia cầm lên đến 40%, đậu tương 35%, hoa quả 40%, ô tô 70%, sản phẩm công nghệ thông tin là 35%.

Vĩnh Ðông

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文