Tăng tốc cuộc đua trên không gian
Tuyên bố của Trung Quốc
Tân Hoa xã cho biết, Thần Châu 11 đã được phóng lên quỹ đạo lúc 7h49' sáng 17-10 (theo giờ Bắc Kinh), tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Đây sẽ là lần đầu tiên phi hành gia Trung Quốc ở lại trên vũ trụ hơn 1 tháng (33 ngày), để tiến hành một số thí nghiệm nhằm phát triển khoa học công nghệ mới.
Và 2 phi hành gia Cảnh Hải Bằng và Trần Đông (Cảnh Hải Bằng từng làm việc trên Thần Châu 7 và Thần Châu 9, còn Trần Đông lần đầu tiên lên quỹ đạo) sẽ tiến hành các thí nghiệm khoa học, cũng như thử nghiệm kỹ thuật tại Trạm không gian Thiên Cung 2 (trạm thí nghiệm không gian).
Thần Châu 11 rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền ngày 17-10. |
Đây là nhiệm vụ ngoài không gian có sự tham gia của phi hành gia dài nhất do Trung Quốc thực hiện. Thiên Cung 2 được Trung Quốc phóng hơn 1 tháng trước (15-9-2016).
Trong số những người có mặt tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc ở vùng sa mạc Gobi có Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Phạm Trường Long.
30 phút sau khi phóng Thần Châu 11, ông Trương Hựu Hiệp, người phụ trách chương trình không gian có người điều khiển của Trung Quốc cho biết, tên lửa đã bay theo kế hoạch và Thần Châu 11 đang ở quỹ đạo theo lộ trình.
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, sứ mệnh của Thần Châu 11 là bổ sung hàng hóa thiết yếu cho trạm không gian, thực nghiệm kỹ thuật kết nối giữa Thần Châu 11 với trạm không gian, duy tu bảo dưỡng trạm không gian và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học khác. Đây là sứ mệnh có người điều khiển thứ 6 của Thần Châu và là dài nhất kể từ trước tới nay.
Trung Quốc là quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Nga và Mỹ) đưa người lên vũ trụ. Trước khi phóng Thần Châu 11 lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F và được truyền hình trực tiếp, bà Vũ Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hàng không vũ trụ có người điều khiển Trung Quốc cho biết, có 3 mục đích trong lần này. Thứ nhất, đưa người, phương tiện và hàng tiếp tế lên module Thiên Cung 2, cũng như kiểm tra công nghệ kết nối với trạm vũ trụ.
Thứ hai, kết nối với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2, lập tổ hợp để phi hành gia ở lại trên đó, đồng thời kiểm tra năng lực đảm bảo sinh sống, làm việc và sức khỏe của họ. Thứ ba, triển khai các thí nghiệm về y học hàng không vũ trụ, khoa học vũ trụ, duy tu bảo dưỡng trên quỹ đạo...
Theo bà Vũ Bình, sau khi lên quỹ đạo, Thần Châu 11 sẽ tự động kết nối với module Thiên Cung 2 trong 2 ngày, để hình thành tổ hợp và trong thời gian này, 2 phi hành gia triển khai các thí nghiệm theo kế hoạch.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Thần Châu 11 sẽ tách khỏi module Thiên Cung 2. Được biết, hiện module Thiên Cung 2 đang hoạt động trên quỹ đạo ở độ cao 393km, có trạng thái ổn định, các thiết bị hoạt động bình thường.
Nhận định của giới chuyên môn
Theo giới chuyên môn, việc phóng Thần Châu 11 là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc - thiết lập một trạm vũ trụ có người điều hành thường trực. Dự kiến, trạm không gian này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022.
Việc này diễn ra trong bối cảnh Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do Mỹ dẫn đầu, dự kiến sẽ "nghỉ hưu" trong năm 2024. Và khi đó, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất còn hiện diện trên vũ trụ.
Theo hãng Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt quan tâm tới những tiến triển trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc, và luôn cho rằng, Bắc Kinh muốn ngăn cản các nước khác sử dụng "tài sản không gian" khi có khủng hoảng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từng nhận định, Trung Quốc là nước chi cho vũ trụ lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), với ngân sách thường niên 13 tỷ USD.
Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc tăng tốc chương trình vũ trụ để thách thức Mỹ. Có người nhận định, việc phóng Thần Châu 11 nhằm thực hiện tham vọng chế tạo một thiết bị ngoài không gian có thể theo dõi tàu ngầm hạt nhân trên Trái đất.
Bởi Trạm không gian Thiên Cung 2 có gắn chiếc đồng hồ nguyên tử lạnh ngoài không gian (CACS) đầu tiên trên thế giới. CACS có độ chính xác cao sẽ hỗ trợ cho thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh (CAI) với độ tinh nhạy chưa từng có. Và thiết bị này có khả năng sẽ được dùng để theo dõi mọi di biến động của tàu ngầm.
Gần 1 tháng trước (27-9), Hạ nghị sĩ Lamar Smith, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về khoa học, công nghệ và vũ trụ Mỹ từng cảnh báo, Washington không thể ru ngủ bản thân để nhớ về những thành tựu trong quá khứ. Đã tới lúc Mỹ phải tái khẳng định vai trò đi đầu trong vũ trụ.
Được biết, hiện Mỹ chỉ có thể đưa phi hành gia lên vũ trụ bằng cách thuê chỗ trên tàu vũ trụ của Nga, bởi Washington đã chấm dứt chương trình tàu con thoi từ năm 2011.
Giới quân sự cho rằng, chương trình đưa người lên không gian của Trung Quốc đã tạo cho phi hành gia cơ hội hoàn thành nhiệm vụ về lĩnh vực quân sự.
Theo giới truyền thông, trước cuối thập niên này, Trung Quốc muốn đưa robot tới vùng tối của Mặt trăng và đây có thể là tiền đề để Bắc Kinh đưa phi hành gia lên đó vào năm 2030.
Hơn 4 năm trước (4-7-2012), hãng RIA Novosti từng dẫn thông tin từ nhà sản xuất động cơ tên lửa cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử khám phá vũ trụ, Trung Quốc đã vượt Nga về số lần phóng tên lửa vào không gian trong 6 tháng. Bởi chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã thực hiện 10 đợt phóng tên lửa đưa vệ tinh và tàu vũ trụ vào không gian, trong tổng số 35 đợt phóng của thế giới.
Trong năm 2015, Trung Quốc đã tiến hành 19 vụ phóng thành công, đứng thứ 2 thế giới (sau Nga với 26 lần và lớn hơn Mỹ với 18 lần), và Bắc Kinh đang đặt mục tiêu thực hiện 20 vụ phóng trong năm nay.
Những con số biết nói
Năm 2013, đã có 3 phi hành gia làm việc trên vũ trụ 15 ngày - làm việc tại Trạm không gian Thiên Cung 1. Cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc xác nhận, Thiên Cung 1 sẽ rớt xuống Trái đất vào cuối năm 2017, nhưng hiện không chắc kiểm soát được quá trình đốt cháy của trạm này.
Thiên Cung 1 có chức năng như một nguyên mẫu thử nghiệm cho trạm không gian do Trung Quốc xây dựng và đi vào hoạt động trong năm 2022.
Hai phi hành gia trên Thần Châu 11 là Cảnh Hải Bằng (trái) và Trần Đông. |
Cũng trong năm 2013, Trung Quốc đã đưa tàu thám hiểm Thỏ Ngọc lên Mặt trăng, và Bắc Kinh luôn khẳng định, chương trình không gian hoạt động vì mục đích hòa bình. Ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành cường quốc trong lĩnh vực không gian.
Trong khi đó, hãng Reuters cho rằng, Trung Quốc đã và đang phát triển chương trình không gian với mục đích quân sự, thương mại và khoa học, nhưng chưa thể đuổi kịp cường quốc không gian là Mỹ và Nga.
Phát biểu khi Trung Quốc lần đầu tiên lấy ngày 25-4 hằng năm là Ngày vũ trụ, ông Tập Cận Bình đã hối thúc Bắc Kinh cần đẩy nhanh chương trình vũ trụ.
Trung Quốc từng công bố kế hoạch xây dựng một kính viễn vọng vũ trụ có độ bao phủ lớn hơn 300 lần so với kính viễn vọng Hubble của Mỹ và kính này sẽ nằm gần Trạm không gian Thiên Cung 3 trong tương lai để dễ hoạt động.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu sản xuất rượu vang Pinot Noir và Merlot tốt hơn trên Trạm không gian Thiên Cung 2. Bắc Kinh đã phóng vệ tinh thứ 23 trong hệ thống định vị Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh, trị giá 810 triệu USD, để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Và trong tháng 9-2016, Trung Quốc đã hoàn thành kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới (có kích cỡ tương đương 30 sân bóng đá) với trị giá 180 triệu USD.
Và ông Tập Cận Bình đã ví đó là "con mắt của Trung Quốc trên bầu trời", bởi kính viễn vọng này có thể giúp vẽ bản đồ vũ trụ và có thể nhận tín hiệu từ khoảng cách 13,7 tỷ năm ánh sáng.
Theo giới truyền thông, để thực hiện sứ mệnh đưa tàu vũ trụ có người điều khiển (lần thứ 5) lên không trung, vào hồi 17 giờ 38 phút ngày 11-6-2013 (theo giờ địa phương), Trung Quốc đã phóng Thần Châu 10 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo 3 phi hành gia (Nhiếp Hải Thắng, Trương Hiểu Quang và Vương Á Bình).
Khi Thần Châu 10 được phóng, giới chuyên môn đã coi đây là một trong những chuyến bay mang tính ứng dụng đầu tiên của hệ thống vận chuyển giữa vũ trụ và Trái đất mà Trung Quốc đang tiến hành.
Bởi Thần Châu 10 hoạt động 15 ngày và đó là khoảng thời gian lâu nhất đối với sứ mệnh vũ trụ của Trung Quốc và là lần đầu tiên phi hành gia thuộc thế hệ 8X bay vào không trung.
Ông Tập Cận Bình đã có mặt tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (được thành lập ngày 20-10-1958) và theo dõi khoảnh khắc Thần Châu 10 rời bệ phóng. Vì từng bay trên Thần Châu 6 (2008) nên ông Nhiếp Hải Thắng là cơ trưởng và là người ghép nối thủ công với module Thiên Cung 1.
Tổng công trình sư chương trình vũ trụ có người điều khiển của Trung Quốc, ông Chu Kiến Bình từng cho biết, hệ thống vận chuyển giữa vũ trụ và Trái đất gồm tàu vũ trụ Thần Châu và tên lửa đẩy Trường Chinh 2F là hệ thống có thể đưa phi hành gia và vật tư giữa vũ trụ với Trái đất và ngược lại. Hiện trên thế giới ngoài tàu vũ trụ liên hợp của Nga, Trung Quốc cũng đã đạt trình độ này. Và nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là Lưu Dương đã bay vào quỹ đạo hồi tháng 6-2012 trên Thần Châu 9, còn Vương Á Bình là nữ phi hành gia thứ hai (bay trên Thần Châu 10). |