Án phạt 1 tỷ USD của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra
- Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lại hầu tòa
- Cựu Thủ tướng Thái Lan giải trình trước tòa về 16 triệu USD
- “Niềm vui” kinh doanh của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin
Ngày 21-10, phát biểu với báo giới bên ngoài trụ sở Tòa án Bangkok, bà Yingluck Shinawatra tuyên bố, sẽ thực hiện mọi quyền của mình để chống lại quyết định kể trên. Theo đó, đệ đơn lên Tòa án hành chính yêu cầu hủy bỏ hoặc rút lại quyết định đòi bồi thường này.
Bà Yingluck Shinawatra có 45 ngày để kháng án. 4 tháng trước (25-6), Ủy ban Hội thẩm pháp lý dân sự Thái Lan đã đề xuất mức phạt 1 tỷ USD (cao gấp 66 lần so với số tài sản 578 triệu baht mà bà Yingluck Shinawatra kê khai hồi tháng 6-2015), tương đương với 20% số tiền Thái Lan bị thiệt hại vì chương trình thu mua gạo được thực hiện trong 2 năm 2012-2013.
Theo giới truyền thông, ngoài án phạt 1 tỷ USD, bà Yingluck Shinawatra còn phải đối mặt với 15 cáo buộc như cấp hộ chiếu cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, can thiệp quá mức vào cải tổ quân đội, hỗ trợ bất hợp pháp cho những người bị truy tố về tội phạm chính trị, cho phép Bộ Tài chính vay 350 tỉ baht (10 tỉ USD) để hỗ trợ đề án quản lý nước...
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. |
Liên quan tới chương trình trợ giá gạo, Ủy ban chống tham nhũng công (PACC) cho biết, đã mở rộng điều tra khoảng 1.000 quan chức liên đới. Theo Tổng thư ký PACC Prayong Preeyachit, đã xác định hơn 800 trường hợp quan chức sai phạm trong chương trình trợ giá gạo.
Tướng Sansern Kaewkamnerd, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho biết, ngoài điều tra bà Yingluck Shinawatra và nhiều thành viên cao cấp trong nội các của chính phủ trước, Ủy ban hành chính còn đang điều tra hơn 850 người khác liên quan đến chương trình trợ giá gạo. Theo chương trình trợ giá gạo, Chính phủ Thái Lan khi đó đã mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.
Được biết, cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom và 21 người, trong đó có quan chức và doanh nhân phải đối mặt với vụ kiện đòi bồi thường vì bị cáo buộc tham gia giao dịch mua bán gạo liên chính phủ giả mạo, với mức thiệt hại khoảng 20 tỷ baht (561 triệu USD).
Báo chí Thái Lan từng dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-ocha khẳng định (26-9), chính quyền đã làm đúng trách nhiệm khi yêu cầu bà Yingluck Shinawatra bồi thường 35,7 tỷ baht vì trách nhiệm đối với các thiệt hại liên quan đến chương trình trợ giá gạo.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha cho rằng, đây không phải là "hành động trấn áp". Ngày 26-9, tờ Asian Correspondent đã dẫn lời bà Yingluck Shinawatra cho rằng, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nên điều tra Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng Preecha Chan-ocha, người em ông từng dính líu tới các cáo buộc tham nhũng trong những hợp đồng liên quan tới việc sử dụng ảnh hưởng của gia đình.
Được biết, con trai tướng Preecha Chan-ocha đang có cổ phần trong một công ty được cho đã nhận 7 dự án của quân đội, trị giá khoảng 3 triệu USD. Và hiện công ty này đang bị điều tra.
Hơn 2 tháng trước (5-8), bà Yingluck Shinawatra đã tự bào chữa trước 9 thẩm phán Tòa án tối cao, trong đó khẳng định chương trình trợ giá gạo được kiểm soát tốt. Đồng thời nhấn mạnh, không có nhân chứng nào làm chứng về gian dối trong chương trình trợ giá gạo. Chính quyền cáo buộc, chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck Shinawatra đã gây thiệt hại 286,6 tỉ baht (khoảng 8,2 tỉ USD).
Ngày 1-8, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, ông Panada Disakul cho biết, một ủy ban điều tra đã xác định mức độ thiệt hại của chương trình trợ giá gạo là 286,6 tỷ baht và đó là lần đầu tiên một con số cụ thể được đưa ra để đánh giá về vấn đề này.
Theo tờ Bangkok Post, con số kể trên từng được ông Jirachai Moonthongroy, Phó Bí thư thường trực Văn phòng Thủ tướng đưa ra trước Tòa án tối cao hôm 13-5. Còn theo ước tính của Bộ Tài chính, mức thiệt hại liên quan tới chương trình này đã vượt con số 500 tỉ baht (14 tỉ USD).
Những người ủng hộ bà Yingluck Shinawatra cho rằng, việc khởi tố và tịch thu tài sản của cựu Thủ tướng là một phần trong kế hoạch triệt tiêu tầm ảnh hưởng của gia đình nhà Shinawatra. "Đây là một phần sau đảo chính nhằm loại bỏ thách thức từ nhà Shinawatra một lần và mãi mãi", Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn tuyên bố. Sau khi bị quân đội đảo chính (2014), bà Yingl.uck Shinawatra bị Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc sao nhãng nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại lớn. Đến tháng 1-2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) buộc tội bà Yingluck Shinawatra và cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm. Nữ cựu Thủ tướng từng kiện Tổng Chưởng lý Trakul Winitnaiyaphak và 3 công tố viên vì cho rằng, họ đã lạm dụng quyền lực trong việc xử lý vụ việc của bà. |