Thái Lan chao đảo vì nhà sư 'dính' bê bối
Sự việc bắt đầu vào tháng trước khi Hội đồng Tăng lữ tối cao (Giáo Hội Phật giáo Thái Lan), cơ quan quản lý của Phật giáo Thái Lan cáo buộc nhà sư Abbot Phra Dhammachayo - người trụ trì một ngôi chùa có tiếng ở Thái Lan biển thủ 900 triệu baht (18 triệu bảng Anh) tiền công đức. Tuy nhiên, nhà sư Abbot Phra Dhammachayo bác bỏ cáo buộc trên. Vào tháng 1 vừa qua, Phra Phromsuthi, trụ trì chùa Wat Sa Ket - ngôi chùa cổ kính nhất Thái Lan đã bị cách chức vì đã biển thủ 2 triệu bath tiền công đức.
Không chỉ bị cáo buộc "biển thủ" tiền công đức, có nhà sư Thái Lan còn bị cáo buộc buôn bán ma túy và đầu tư chứng khoán. Gần đây, một nhà sư đã bị cơ quan chức năng Thái Lan bắt giữ khi mang theo 120.000 viên thuốc methamphetamine (một chất kích thích gây nghiện). Nhà sư Phra Kru Wisit, trụ trì chùa Wat Hiranyararm ở huyện Pho Thale, tỉnh Phichit đã bị khai trừ khỏi Giáo hội vì lấy khoản tiền công đức trị giá khoảng 700.000 bảng Anh để đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, có nhà sư Thái Lan bị bắt giữ vì điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn hoặc phạm tội buôn bán động vật hoang dã.
Một nhà sư Thái Lan từng gây xôn xao dư luận vì sở hữu máy bay riêng cùng hàng loạt xe siêu sang hồi cuối năm 2014. |
Trước đó, nhà sư Luang Pu Nenkham cũng đã gây rúng động giới tăng lữ Thái Lan khi đoạn video quay cảnh ông dùng túi hiệu Louis Vuitton trên chiếc máy bay riêng được tung lên Youtube. Hiện nay, Luang Pu Nenkham đang trốn chạy sau khi chính quyền Thái Lan ban lệnh bắt giữ với cáo buộc Luang Pu Nenkham có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Gần đây nhất, vào ngày 17.4, cảnh sát tỉnh Udon Thani (Thái Lan) cho biết, nhà sư Phra Eun Aphiyo, 65 tuổi cùng Woraphong Senaphon, 20 tuổi và Khunthong Khetnu, 32 tuổi bị bắt vì nghi đã lấy trộm 4 thi thể từ nghĩa trang để luyện tà thuật.
"Những vụ bê bối đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo ở Thái Lan", chị Chalita, một người dân thường xuyên đi lễ chùa trả lời phóng viên tờ Bangkok Post. "Nếu không có sự thay đổi và thức tỉnh kịp thời, Phật giáo Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ không thể lường trước", chị Chalita nói tiếp. Somchai Surchartri, người phát ngôn Văn phòng Phật giáo quốc gia nói rằng, cơ cấu tổ chức trong hệ thống Phật giáo Thái Lan rất rõ ràng, mỗi ngôi chùa đều do một nhà sư trụ trì.
Nhà sư này phải thường xuyên báo cáo thông tin đến Hội đồng Tăng lữ tối cao. "Nếu một tu sĩ có hành vi bất minh, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý phù hợp", người phát ngôn Văn phòng Phật giáo Thái Lan cho biết. Somchai Surchartri cho biết thêm, Hội đồng Cải cách Quốc gia đang soạn thảo bản hiến pháp mới nhằm ngăn chặn, đấu tranh với hành vi tham nhũng gây hại cho giáo pháp trong Giáo hội Phật giáo Thái Lan.
"Tiền và quyền lực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại trong nền Phật giáo Thái Lan hiện đại", Sulak Sivaraksa, một trong những học giả Phật giáo nổi tiếng của Thái Lan cho biết. "Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải cải tổ Hội đồng Tăng lữ và bắt đầu lại từ đầu". Hội đồng Tăng lữ tối cao gồm 20 vị cao tăng có trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động của Phật giáo quốc gia. Điều này có lẽ cần phải thay đổi".
Nhiều phật tử Thái cảm thấy những người lớn tuổi không có khả năng giám sát đầy đủ hành vi của 300.000 nhà sư trong một quốc gia hiện đại hóa nhanh chóng và "đầy cám dỗ" như Thái Lan. "Điều quan trọng là, họ tiến hành giám sát mọi người nhưng ai giám sát họ", nhà sư Issara nói. Nhà sư Issara muốn chính phủ tiến hành kiểm tra tài khoản cá nhân của tất cả những người trụ trì các đền, thờ trên toàn lãnh thổ và làm rõ tài sản của những người có nghi vấn.