"Thiên nga trắng" Tu-160M2
Tái sản xuất sau 25 năm
Tupolev Tu-160M2 là nguyên mẫu của biến thể thế hệ mới thuộc dòng Tu-160 danh tiếng mà thế hệ đầu tiên đã được chế tạo từ những năm 1980 trước khi Liên Xô sụp đổ. Nga hiện đang vận hành 16 chiếc Tu-160 dạng này như những phi cơ mang tên lửa hành trình tầm xa, giữ vai trò quan trọng trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược nòng cốt của Moscow.
Chiếc Tu-160M2 sẽ được thử nghiệm trên mặt đất trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2-2018. Việc sản xuất hàng loạt máy bay ném bom chiến lược Tu-160, được gọi là Thiên Nga trắng, bị trì hoãn từ năm 1992 do khó khăn về kinh tế thời hậu Xôviết.
Tupolev Tu-160 đã phô diễn rất tốt trong chiến dịch không kích của Nga tại Syria với vai trò là phương tiện phóng các tên lửa hành trình tàng hình MKB Raduga H-101, được cho là có tầm bắn từ 4.500 km – 5.500 km.
Theo Hãng thông tấn TASS, ban đầu, chiếc Tu-160 nâng cấp mới sẽ đảm trách các sứ mệnh tương tự như phi đội Tu-160 hiện nay. Tuy nhiên, sau đó máy bay sẽ được cải tiến thành phiên bản Tu-160M2 tiêu chuẩn.
Thiếu tướng Sergey Kobylash, Tư lệnh Không quân tầm xa của Nga nói với Ria Novosti rằng, Tu-160M2 sẽ được sản xuất hàng loạt trở lại sau khi máy bay chứng minh nó phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật trong tác chiến hiện đại.
Quân đội Nga tuyên bố sẽ tiếp tục sản xuất Tu-160 với phiên bản mới là Tu-160M2 vào năm 2015. Quá trình sản xuất hàng loạt có thể bắt đầu từ năm 2020. Bộ Quốc phňng Nga đã phê duyệt kế hoạch mua 50 máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2.
Tu-160M2 được chế tạo dựa trên khung máy bay cũ nhưng toàn bộ thiết bị bên trong được thay mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn hiện đại. Phiên bản M2 được trang bị động cơ phản lực NK-32 02 mới cung cấp lực đẩy mạnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Tinh hoa Nga hội tụ
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tu-160M2 sẽ là hình mẫu hội tụ những nỗ lực hiện đại hóa máy bay ném bom cơ bản của Nga. Nó sẽ được trang bị những hệ thống thực thi nhiệm vụ hoàn toàn mới và sử dụng động cơ turbofan nâng cấp từ động cơ Kuznetsov NK-32 hiện nay. Các động cơ được hiện đại hóa tiết kiệm nhiên liệu hơn và đáng tin cậy hơn các động cơ trước đây.
Theo truyền thông Nga, phiên bản Tu-160M2 dự kiến sẽ được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động. Nó cũng sẽ có một hệ thống điều khiển hỏa lực mới giúp gia tăng thêm hiệu quả của các tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 và Kh-102 (tầm bắn tối đa 5.500 km - thuộc dạng xa nhất thế giới).
Ngoài ra, Tu-160M2 cũng sẽ được trang bị một hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, đối phó hiệu quả với các mối đe dọa đến từ các tên lửa phòng không phóng từ mặt đất hoặc máy bay.
Moscow có thể tận dụng rất tốt các máy bay Tu-160M2 cho lực lượng ném bom chiến lược của mình. Báo chí Nga cho rằng, vì có thể đạt vận tốc Mach 2 (2.400km/h), Tu-160M2 sẽ bay tới đúng vị trí để phóng các tên lửa hành trình từ xa mà không rơi vào tầm với hỏa lực phòng không của đối phương. Như vậy, tàng hình không phải là yếu tố đặc biệt quan trọng. Tư duy này khác biệt với Mỹ, F-22 của Mỹ cũng đạt Mach 2 nhưng khả năng tàng hình là “vô đối”.
Theo nhà phân tích quốc phòng Majumdar, Tu-160M2 không phải là nỗ lực thay thế cho Tu-95 (NATO gọi là "Gấu bay"), dòng máy bay ném bom chiến lược từng giữ vai trò rường cột trong phi đội ném bom hạng nặng của Liên Xô và Nga suốt hơn 60 năm qua.
Tu-95 hiện đang được nâng cấp để mang theo các tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-102, trong đó Kh-101 có đầu nổ nặng tới 400 kg, còn Kh-102 thì mang đầu đạn hạt nhân 250 kiloton. Cả Kh-101 và Kh-102 đều được thiết kế để xâm nhập các không phận đối phương có hệ thống phòng thủ dày đặc.
Theo Majumdar, đây chính là những dấu hiệu cho thấy Tu-95 sẽ không dễ gì "sớm nghỉ hưu".
Nga cũng được cho là đang nghiên cứu phát triển loại máy bay ném bom tàng hình Tupolev PAK-DA. Tuy nhiên, dự án này nhiều khả năng sẽ không sớm thành hiện thực và dường như Nga cũng không quá cấp bách hay dồi dào nguồn lực để mà phải chế tạo một máy bay như vậy.
Tu-160M2 sẽ là bước đệm để duy trì năng lực răn đe hạt nhân đường không và khả năng tấn công chiến lược tầm xa của Nga, trong khi chờ đợi quá trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK DA.