Thổ Nhĩ Kỳ: Mở rộng điều tra vụ nghe lén của cảnh sát
- Hệ lụy của vụ bê bối nghe lén tại Macedonia
- Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bị nghe lén
- Mỹ- Italia: Căng thẳng vì bê bối nghe lén
- NSA sẽ tiếp tục được nghe lén
Và trước đó (18-4), hãng Anadolu đưa tin, cảnh sát đã bắt gần 100 người bị tình nghi có liên hệ tài chính với giáo sỹ Fethullah Gulen, người đang bị chính quyền Ankara phát lệnh bắt giữ. Được biết, trong chiến dịch bắt giữ tại 9 tỉnh, cảnh sát đã bắt 88/140 đối tượng có tên trong danh sách của công tố viên. Và họ chủ yếu là những người hoạt động trong ngành hành pháp và nhân viên của Ngân hàng Hồi giáo Bank Asya do những người ủng hộ giáo sỹ Fethullah Gulen thành lập.
Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, những người kể trên đã hỗ trợ khoảng 17 triệu USD cho nhóm của giáo sỹ Fethullah Gulen.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. |
Chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc ông Fethullah Gulen câu kết với nhiều nhân vật cấp cao trong các cơ quan tư pháp, cảnh sát và nhiều cơ quan quyền lực khác của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lật đổ chính phủ hiện nay. Đồng thời cáo buộc phong trào Hizmet của ông Fethullah Gulen đã dựng lên vụ bê bối tham nhũng nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phát lệnh bắt giữ giáo sỹ Fethullah Gulen, nhưng Mỹ vẫn không hồi đáp. Và chiến dịch thanh lọc hàng nghìn cảnh sát và các quan chức ngành tư pháp bắt đầu từ tháng 7-2014 và đến nay vẫn đang tiếp tục.
Theo thống kê, đã có hàng nghìn nhân viên và sỹ quan cảnh sát ủng hộ ông Fethullah Gulen bị cách chức hoặc sa thải. Theo giới truyền thông, những cảnh sát kể trên từng bí mật thiết lập một tổ chức bí mật để nghe lén điện thoại của hơn 2.200 người, trong đó có nhiều chính trị gia, nhà báo và đại diện giới khoa học.
Và ông Recep Tayyip Erdogan đã sa thải hàng nghìn cảnh sát và công tố viên bị tình nghi là thân cận với ông Fethullah Gulen. Theo tờ Star, các đồng minh của ông Fethullah Gulen đã nghe lén hơn 7.000 người kể từ năm 2011 với cái cớ họ là thành viên của một tổ chức khủng bố có tên Tawhid Salam.
Giới truyền thông cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler đã từ chức hồi tháng 12-2013 sau khi cảnh sát bắt con trai với cáo buộc hối lộ để nhận các dự án xây dựng và chuyển tiền trái phép. Sau khi ông Muammer Guler từ chức, người ta đã bắt 55 sỹ quan cảnh sát cấp cao (22-7-2014) trong khuôn khổ điều tra hình sự về các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức vụ.
Cùng ngày 22-7-2014, có tới 115 cảnh sát bị bắt và 31 người trong số này bị tạm giam vì liên quan đến cáo buộc nghe trộm điện thoại và hoạt động tội phạm có tổ chức. Sau đó (5-8-2014), lực lượng chức năng bắt 33 sỹ quan cảnh sát trong chiến dịch điều tra vụ nghe lén điện thoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Số cảnh sát bị bắt vì liên quan đến cáo buộc nghe trộm điện thoại các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ngày một dài thêm.
Ngày 24-2-2015, một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giáo sỹ Fethullah Gulen (lần thứ hai), phóng viên Emre Uslu và một cựu sỹ quan cảnh sát cao cấp với cáo buộc nghe lén điện thoại của hơn 100 người.
Trước đó (8-2-2015), 21 cảnh sát đã bị bắt với cáo buộc nghe lén điện thoại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các quan chức cấp cao khác. Và đó là vụ bắt giữ thứ 9 nhằm vào lực lượng cảnh sát trong cuộc điều tra về âm mưu tố cáo tham nhũng nhằm vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và con trai ông, kể từ ngày 22-7-2014.
Giáo sỹ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen. |
Hơn 7 tháng trước (1-9-2015), cảnh sát từng bao vây văn phòng của tập đoàn truyền thông và năng lượng Koza-Ipek, có liên hệ mật thiết với ông Fethullah Gulen. Koza-Ipek là tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực gồm truyền thông, năng lượng và khai thác mỏ. Và từ cuối năm 2014, cảnh sát đã bắt hàng chục người tại các cơ quan truyền thông có liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen.
Hơn 1 năm trước (5-4-2015), cơ quan công tố Istanbul đã ra lệnh bắt 34 quân nhân bị tình nghi tham gia hoạt động với tổ chức khủng bố và mưu toan gây cản trở công việc của chính phủ. Và đó là đợt bắt giữ thứ 3 trong quá trình điều tra âm mưu lật đổ chính phủ, liên quan tới hoạt động của tổ chức khủng bố "Tawhid Salam" cùng cái gọi là "cơ cấu song song" hay "nội các ngầm" bên trong các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cho rằng, những người tham gia "cơ cấu song song" là thành viên phong trào Hizmet của giáo sỹ Fethullah Gulen. Trước đó (25-2-2015), giới chức Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch truy quét trên cả nước đối với các nghi can bị cáo buộc nghe lén điện thoại quan chức cấp cao nước này, trong đó có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.