Thổ Nhĩ Kỳ: Nhiều Cảnh sát tiếp tục bị bắt giữ
- Giáo sĩ Gulen - Tiền đề cho sự khởi đầu mới giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
- Thổ Nhĩ Kỳ vinh danh cảnh sát dũng cảm
Theo hãng Reuters, ngày 15-2, 27 sỹ quan Cảnh sát đã bị bắt tại 8 tỉnh và đây là một phần trong việc mở rộng đàn áp những người bị coi có liên quan tới cuộc đảo chính tối 15-7-2016. Trong số những người bị bắt có 3 cảnh sát trưởng.
Tuy vụ bắt giữ diễn ra tại 8 tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu tại tỉnh Adana, nhằm triệt phá những người ủng hộ Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính kể trên.
Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong cuộc gặp với tân Giám đốc CIA Mike Pompeo, Thủ tướng Binali Yildirim đã nhắc lại yêu cầu hợp tác của Ankara với Washington trong việc bắt dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen.
Theo giới truyền thông, vụ bắt giữ gần 30 sỹ quan cảnh sát diễn ra sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan ký phê chuẩn dự luật sửa đổi Hiến pháp mở đường cho chế độ hành pháp mới và cuộc trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp này sẽ diễn ra vào ngày 16-4.
Theo dự luật sửa đổi Hiến pháp, ông Tayyip Erdogan, tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng thống đến năm 2029 với 2 nhiệm kỳ theo quy định mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019. Dự luật cũng cho phép Tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán Quốc hội.
Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định, cải cách này sẽ giúp ổn định và ngăn chặn việc lặp lại các liên minh mong manh trong quá khứ, trong khi các đối thủ của ông quan ngại việc này báo hiệu sự cai trị độc đoán sẽ gia tăng. Giới chuyên môn cho rằng, sau vụ đảo chính bất thành, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và đang tiến hành các chiến dịch truy quét, bắt bớ và sa thải công chức chưa từng có tiền lệ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy bắt nghi phạm. |
Ngày 10-2, cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình kéo vào Đại học Ankara nhằm phản đối sắc lệnh được Chính phủ đưa ra hôm 7-2, trong đó yêu cầu sa thải 330 học giả. Chính phủ công bố quyết định sa thải kể trên mà không cần Quốc hội thông qua theo luật tình trạng khẩn cấp (dự kiến đến ngày 19-4).
1 tháng trước (21-1), hãng thông tấn Dogan đưa tin, trong 24 giờ qua đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát và quan chức đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Tối 20-1, một trụ sở cảnh sát và văn phòng đại diện của đảng AKP tại Istanbul đã trở thành mục tiêu trong các vụ tấn công bằng rocket.
Và cơ quan chức năng cho rằng, nhiều khả năng đảng Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C) cực hữu đứng đằng sau các vụ tấn công kể trên. Trước đó, những kẻ tấn công đã kích nổ một xe bom ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, sát hại 1 cảnh sát và 1 nhân viên tòa án.
Sở chỉ huy cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ từng thông báo, 12.801 sỹ quan cảnh sát đã bị đình chỉ công tác vì bị tình nghi có quan hệ với Giáo sỹ Fethullah Gulen cũng như mạng lưới của ông vốn bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn mở cuộc điều tra đối với số cảnh sát sử dụng ByLock, một ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh ít được biết tới.
10 ngày trước (11-2), cảnh sát cho biết, đã có tổng cộng 3.609 người bị bắt trong các chiến dịch "hòa bình và an toàn" nhằm bảo đảm trật tự công cộng trên khắp nước này.
Theo đó, 3.609 người bị bắt trong các chiến dịch phối hợp giữa cảnh sát, hiến binh với lực lượng bảo vệ bờ biển và được tiến hành từ cuối hôm 10-2 đến sáng sớm 11-2. Và cơ quan chức năng đã huy động khoảng 81.000 cảnh sát và nhân viên an ninh cùng 17 máy bay không người lái và 71 tàu thủy tham gia truy bắt số người kể trên.
Theo tạp chí Spigel của Đức, sự truy quét "tàn dư hậu đảo chính" đã khiến 40 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ tại các căn cứ của NATO trên lãnh thổ Đức nộp đơn xin tị nạn chính trị tại nước này. Đức từng lên án chiến dịch bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành.
Ngày 30-1, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã mở phiên xét xử lớn chưa từng có liên quan đến vụ đảo chính bất thành tối 15-7-2016, đối với 270 đối tượng, trong đó có Giáo sỹ Fethullah Gulen. Theo hãng thông tấn Anadolu, trong số những đối tượng bị đưa ra xét xử ở thành phố Izmir, có 152 người đã bị bắt trước khi xét xử và họ phải đối mặt với nhiều cáo buộc, bao gồm cả việc bị coi là thành viên của nhóm khủng bố có vũ trang. |