Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ sớm từ chức?
Thượng nghị sỹ Aecio Neves, Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ (PSDB) đối lập tuyên bố, người dân Brazil đã quá mệt mỏi và bà Dilma Rousseff nên từ chức. Cuộc biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau khi Quốc hội mở phiên luận tội nhằm vào bà Dilma Rousseff, và Thẩm phán Sergio Moro cùng Thẩm phán Itagiba Catta Preta phản đối quyết định bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula da Silva làm Chánh văn phòng nội các.
Nhưng ngày 17-3, ông Lula da Silva vẫn tuyên thệ nhậm chức Chánh văn phòng nội các, bất chấp việc ngăn chặn của Thẩm phán Sergio Moro và Thẩm phán Itagiba Catta Preta. Tổng Chưởng lý Jose Eduardo Cardozo tuyên bố, sẽ kháng nghị phán quyết ngăn cản ông Lula da Silva trở thành thành viên chính phủ của Thẩm phán Itagiba Catta Preta. Trong khi đó, Hạ viện đã thành lập ủy ban gồm 65 thành viên bắt đầu quá trình luận tội để xem có đủ căn cứ loại bỏ Tổng thống Dilma Rousseff hay không.
Tổng thống Dilma Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva. |
Theo giới truyền thông, đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Dilma Rousseff với cựu Tổng thống Lula da Silva được coi là "ngòi nổ" cho những cuộc biểu tình ở Brazil càng trở nên hỗn loạn. Và đó là một trong 50 đoạn ghi âm giữa bà Dilma Rousseff và ông Lula da Silva được Thẩm phán Sergio Moro, người phụ trách cuộc điều tra vụ tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras cung cấp cho giới truyền thông.
Đoạn ghi âm kể trên được tiết lộ chỉ vài giờ sau khi bà Dilma Rousseff bổ nhiệm ông Lula da Silva làm Chánh văn phòng nội các. Theo luật pháp Brazil, thành viên nội các nằm trong số khoảng 700 quan chức cấp cao được hưởng quyền miễn trừ và chỉ có thể bị xét xử nếu Tòa án tối cao liên bang ra lệnh.
Tại đây, nhiều Thẩm phán là người từng được ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff bổ nhiệm. Và vì công bố tài liệu mật nên Thẩm phán Sergio Moro đang bị Văn phòng Tổng thống cáo buộc vi phạm pháp luật và hiến pháp. Luật sư của ông Lula da Silva cảnh báo, nếu trong những đoạn ghi âm mà Thẩm phán Sergio Moro nhắc tới được công bố, nó sẽ gây ra hiệu ứng xã hội không mong muốn.
Thẩm phán Itagiba Catta Preta cho biết, muốn ngăn cựu Tổng thống làm Chánh văn phòng nội các để ông Lula da Silva không được hưởng quyền miễn truy tố. Bởi cơ quan chức năng đang cáo buộc ông Lula da Silva từng nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ những hợp đồng giữa các công ty xây dựng với Petrobras.
Giới truyền thông Barzil cho rằng, việc chỉ định ông Lula da Silva làm Chánh văn phòng nội các nhằm giúp cựu Tổng thống được miễn trừ đối với bất kỳ lệnh khởi tố nào của tòa. Nhưng theo bà Dilma Rousseff, việc bổ nhiệm ông Lula da Silva làm Chánh văn phòng nội các xuất phát từ kinh nghiệm của cựu Tổng thống. Chủ tịch Công đảng cầm quyền Rui Falcao cũng ủng hộ cựu Tổng thống tham gia chính phủ và coi đây là quyết định của cá nhân ông Lula da Silva.
Trước đó (14-3), Tổng thống Dilma Rousseff đã họp với các bộ trưởng thân cận và công bố quyết định bổ nhiệm tân Bộ trưởng Tư pháp, lần thứ 3 trong 2 tuần qua. Ông Eugenio Aragao được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp, thay thế người tiền nhiệm Wellington Cesar Limae Silva vừa từ chức chỉ sau 11 ngày giữ cương vị này.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa Brazil (PRB) vừa quyết định rút khỏi chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff. Trong tuyên bố hôm 16-3, Chủ tịch PRB Marcos Pereira cho biết, Bộ trưởng Thể thao George Hilton sẽ không tiếp tục tham gia thành phần nội các. Tuy PRB chỉ có 21 trong tổng số 513 thành viên tại Hạ viên và 1 ghế ở Thượng viện, nhưng sự ra đi của họ càng khiến cho bà Dilma Rousseff phải đối mặt với một phiên xét xử tại Quốc hội do phe đối lập thúc đẩy nhằm bãi nhiệm Tổng thống.
Điều đáng nói là sự ra đi của Bộ trưởng Thể thao George Hilton tại thời điểm này được dư luận đặc biệt quan tâm khi Brazil đang gấp rút chuẩn bị cho Thế vận hội Olympics 2016 chuẩn bị khai mạc trong tháng 8 tới. Trước đó, đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Dilma Rouseff cũng tuyên bố, trong 30 ngày tới họ sẽ quyết định việc có tiếp tục ở lại trong chính phủ hiện nay hay không.
Và nếu không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ, Tổng thống Dilma Rousseff sẽ bị bãi nhiệm trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 1-1-2019. Giới truyền thông cho biết, cảnh sát đã có đủ tài liệu chứng minh các doanh nghiệp lớn như OAS, Odebrecht, Camargo Correia, Mendes Junior, Galvao, Iesa, Engevix... từng làm ăn mờ ám với Petrobras, và tên tuổi của bà Dilma Rousseff và ông Lula da Silva có trong danh sách của họ.