Triệt phá đường dây buôn bán vũ khí "nóng" của một "ông trùm"
- Kẻ ngáo đá tham gia đường dây mua bán vũ khí quân dụng, lấy tiền bao gái
- 44 năm tù cho 5 đối tượng mua bán vũ khí
Những "xưởng vũ khí" này đã gieo rắc nỗi bất an cho xã hội, khiến một thứ vũ khí nguy hiểm bị cấm như súng đạn được bán ra ngoài với số lượng lớn.
"Ông trùm" sa lưới
Mới đây, Công an TP Hải Dương đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán vũ khí quân dụng của một đối tượng cộm cán là Bùi Minh Hiến (45 tuổi, trú tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình).
Số súng đạn mà Hiến chuẩn bị bán ra thị trường. |
Là kẻ từng vào tù ra tội, sớm làm quen với các mánh khóe giang hồ, lại có mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng cộm cán trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận, nên Hiến rất nhiều chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng.
Để che chắn cho hành vi sai trái của mình, sau khi ra tù, Bùi Minh Hiến ngụy trang bằng nghề thợ mộc. Khi đó, ai cũng nghĩ tên này muốn làm lại cuộc đời bằng cái nghề được học trong những ngày bị giam giữ, nhưng đằng sau nơi làm mộc của Hiến, lại là một xưởng sản xuất, buôn bán vũ khí quân dụng. Chỉ cho đến khi bị bắt, nhiều người mới ngỡ ngàng vì không ngờ tên này lại che giấu kĩ đến như vậy.
Với những mối quan hệ xã hội của mình trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hiến nhận thấy nhu cầu sử dụng súng quân dụng của dân "xã hội đen", của "thế giới ngầm" cao đến như nào. Nhất là trong tình hình vũ khí quân dụng bị lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, không thể mua bán từ cửa khẩu vào trong nước. Vì thế, tên này đã lên trên mạng để mày mò, tìm cách chế tạo súng.
Sau khi thử nghiệm sản xuất nhiều lần, qua bao nhiêu thất bại, cuối cùng Hiến cũng chế tạo thành công và từ đó phát triển ra nhiều loại súng. Nhờ các mối quan hệ ở địa phương để bắt mối làm ăn, qua nhiều lần giao dịch trót lọt, thu được một số vốn kha khá, thấy mặt hàng này vô cùng "tiềm năng" nên Hiến bắt đầu gia tăng sản xuất.
Như đã nói trên, với những kinh nghiệm vào tù ra tội, Hiến đã tìm đủ trò để tránh được sự theo dõi của cơ quan chức năng địa phương. Thay vì bán tại chỗ, tên này thường sản xuất tại địa bàn này rồi hẹn gặp người mua tại tỉnh Hòa Bình và chỉ làm việc, giao dịch với khách quen.
Trước khi giao hàng, những kẻ đặt mua súng được Hiến cho xem trước ảnh rồi mới đặt hàng. Mỗi khẩu súng do tên này chế tạo có giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Đối tượng Bùi Minh Hiến. |
Sau khi thống nhất về thời gian, địa điểm giao hàng, Hiền sẽ hẹn gặp khách ở một địa điểm mà hắn cảm thấy an toàn để tiến hành giao dịch. Sau mỗi lần như vậy, tên này lại thay đổi địa điểm giao hàng, phương thức nhận hàng và di chuyển một cách rất bí mật, ngay cả khách hàng quen cũng không thể phán đoán được. Với những khách hàng muốn nhận hàng tại Hải Dương, Hiến thu thêm tiền công vận chuyển là 1 triệu đồng/khẩu.
Mặc dù gian manh, thủ đoạn như vậy, nhưng đối với những trinh sát của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Hải Dương, những chiêu trò của tên này không thể nào lọt qua được những con mắt dày dạn kinh nghiệm.
Sau khi nhận thấy sự nguy hiểm của xưởng buôn bán, sản xuất vũ khí của Bùi Minh Hiến, Công an tỉnh Hải Dương đã lập kế hoạch vây bắt, quyết không cho tên này có thời cơ bỏ trốn hay sử dụng hàng “nóng” hắn mang theo, tránh nguy hiểm cho nhân dân và cho chính những cán bộ, chiến sĩ tham gia bắt giữ.
Theo đó, vào ngày 26-5, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phòng PC45 biết được Bùi Minh Hiến sẽ đi giao hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhiều mũi trinh sát đã được huy động để phong tỏa và bắt giữ đối tượng bất ngờ.
Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, nhận thấy sự xuất hiện của đối tượng trước cửa quán cơm Cánh Đồng (phường Tứ Minh, TP Hải Dương), các mũi trinh sát bất ngờ đồng loạt tiếp cận, khống chế đối tượng khiến hắn không kịp trở tay.
Sau khi khám xét, bắt quả tang đối tượng này đang vận chuyển 5 khẩu súng ngắn kiểu ổ quay và 9 viên đạn. Theo kết quả giám định sơ bộ ngày 27-5 của viện Khoa học hình sự Bộ Công an, 5 khẩu súng thu giữ của Hiến là súng ngắn kiểu ổ quay, bắn đạn cỡ 5,6mm, có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng; 9 viên đạn thể thao cỡ 5,6 x 15,5mm, không phải đạn quân dụng.
Khám xét nhanh nơi ở của đối tượng này, các trinh sát còn thu giữ thêm 2 khẩu súng hơi, cùng nhiều công cụ phục vụ cho việc sản xuất, chế tạo súng như: máy khoan, máy hàn…
Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: "Sau khi bắt giữ đối tượng Hiến, đơn vị đã củng cố hồ sơ và chuyển sang cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hải Dương để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi, sản xuất buôn bán vũ khí quân dụng".
Tình trạng buôn vũ khí qua mạng
Ngoài những kẻ buôn bán hàng “nóng” bằng các mối quan hệ xã hội như Bùi Minh Hiến, cho tới nay vẫn còn tồn tại những đối tượng buôn các loại vũ khí quân dụng qua mạng xã hội.
Do cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ được thông tin mạng nên những đối tượng này đã tìm đủ mánh khóe để che giấu nhân dạng trên mạng xã hội, từ đó dễ dàng tìm các khách hàng có nhu cầu và sắp xếp mua bán.
Cuối năm 2017, Công an TP Hồ Chí Minh cũng bắt giữ một đối tượng buôn bán vũ khí với số lượng lớn là Bùi Đức Hoàng (23 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Mặc dù còn trẻ, nhưng tên này đã được mệnh danh là "ông trùm" đường dây "lái súng" qua mạng.
Ngày 16-11, tại địa bàn quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), Bùi Đức Hoàng bị Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam thuộc Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ cùng tang vật là 14 khẩu súng ngắn bắn đạn bi kim loại, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi, 37 bình gas các loại.
Số súng đạn Công an thu giữ sau khi triệt phá một xưởng sản xuất vũ khí (ảnh minh họa). |
Theo Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam, Hoàng là đối tượng chuyên mua bán trái phép nhiều loại súng ngắn trên phạm vi cả nước. Những loại súng này bắn bằng đạn bi kim loại và sử dụng bình gas CO2 để nạp nhiên liệu. Đây là loại súng do Trung Quốc sản xuất thời gian gần đây. Tuy không phải là súng quân dụng nhưng loại súng này có tỉ lệ sát thương rất cao, bắn chết người ở cự li gần.
Để nhập trái phép các loại súng này, Hoàng ra tỉnh Lạng Sơn móc nối với nhiều thành phần bất hảo khu vực biên giới để lấy "hàng" và vận chuyển về tập kết tại một tiệm Internet trên địa bàn TP Hà Nội.
Sau đó, Hoàng đăng lên các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để "chào hàng". Từ đầu tháng 10-2017 đến nay, Hoàng đã bán ra thị trường hàng trăm khẩu súng, chủ yếu là khu vực phía Bắc. Đến khi mở rộng "thị trường" vào phía Nam thì Hoàng bị Công an bắt giữ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 6-2017, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Đáng chú ý, tình trạng rao bán vũ khí ngày càng diễn ra công khai và phức tạp, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Chỉ tính từ ngày 1-7 đến 26-8-2017, trên mạng internet ghi nhận có gần 92.500 lượt tương tác bao gồm bài đăng, bình luận, chia sẻ, lượt thích liên quan đến hành vi mua bán vũ khí. Ngoài ra có trên 4.500 lượt tương tác liên quan đến rao bán vật liệu gây nổ. Theo đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, để phục vụ người mua, các chủ tài khoản đã móc nối lập đường dây nhập lậu nhiều loại súng, công cụ hỗ trợ… có giá thành từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, nhận thấy nhu cầu mua bán lớn và mang lại lợi nhuận cao, nhiều đối tượng còn dùng công nghệ 3D sao chép, sản xuất, nâng cấp tính năng các loại súng rồi bán ra thị trường. Đại tá Tuấn lo ngại việc ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này rất khó kiểm soát, còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc quy định của pháp luật. Chẳng hạn, nhiều loại vũ khí như súng săn, súng bắn cồn, bắn gas hay CO2 gây sát thương rất lớn, có thể chết người nhưng chỉ có thể xử lý hành chính chứ không thể khởi tố và xử lý theo quy định của điều 233 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép" hoặc "Chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ". |