Triệt phá đường dây buôn người để làm ''khổ sai'' trên biển

11:00 31/12/2017
Lần đầu tiên, cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá được một đường dây buôn người, bán cho các tàu cá để lao động khổ sai trên biển tại TP Đà Nẵng. Đáng lo ngại, các nạn nhân khi được giải cứu khỏi tàu cá, hầu hết đều trong tình trạng bị kiệt sức, tinh thần hoang mang lo sợ.


Và theo kết quả điều tra, nhóm buôn người này đã “cắm chốt” tại bến xe An Sương, “đón lõng”, dụ dỗ người lao động ở các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh để tìm việc. Sau đó giam lỏng, rồi chuyển ra Đà Nẵng bán với giá 15 triệu đồng/người cho các chủ tàu cá để bóc lột sức lao động…

Hành trình giải cứu thuyền viên bị bán cho tàu cá

Đầu tháng 11-2017, với mong mỏi thoát cảnh quê nghèo, có được một việc làm ổn định, cố gắng cật lực kiếm đủ tiền gửi về quê nhà nuôi vợ con, hỗ trợ gia đình trang trải khó khăn khi những ngày cuối năm đã cận kề… 4 người đàn ông từ các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long không quen, không hẹn mà gặp cùng bắt xe đò tìm lên TP Hồ Chí Minh theo “lời mời” tuyển dụng việc làm của một công ty.

4 nạn nhân thuyền viên vừa được Bộ đội Biên phòng giải cứu. 

Vậy nhưng, họ nào ngờ rằng chỉ chờ họ vừa đáp chuyến xe đến bến xe An Sương (TP Hồ Chí Minh), thì đã được “chào đón” bằng một hành trình dài ngày giam lỏng, bị ép làm lao động khổ sai trên biển. Cay đắng hơn, 15 triệu đồng/người là giá mà các nạn nhân bị bọn lừa đảo, buôn người bán cho các chủ tàu cá.

Còn họ lại chính là những “kẻ phải trả nợ”, đánh đổi bằng những ngày vật vờ trên biển, sức khỏe cạn kiệt, tinh thần hoang mang lo sợ bởi có thể bị chủ tàu đánh, chửi bất cứ lúc nào. Biết mình bị sập bẫy lừa của bọn buôn người, nhưng 4 nạn nhân cũng không thể “nhảy xuống biển”, bơi vào đất liền cầu cứu… cho đến khi được lực lượng Bộ đội Biên phòng giải thoát nhân cơ hội chủ tàu cho cập cảng cá Đà Nẵng để “giao dịch”…

Ngày 28-12, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết: Đơn vị vừa phá thành công Chuyên án về đấu tranh với hoạt động mua bán người trên địa bàn TP Đà Nẵng. Hiện Bộ đội Biên phòng đã khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với Công an TP Đà Nẵng để mở rộng chuyên án điều tra, truy tìm những đối tượng liên quan còn lại nằm trong đường dây buôn người này để sớm đưa ra xét xử trước pháp luật.

Trước đó, lúc 20 giờ ngày 16-12, tại khu vực Trạm Kiểm soát biên phòng Công trình 15 (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã kịp thời giải cứu 4 thuyền viên trên tàu cá BV5969TS do Trần Thế Tây (31 tuổi, trú ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) làm chủ tàu có hành vi giam giữ, cưỡng ép lao động.

4 thuyền viên được giải cứu gồm: Nguyễn Văn Huy Tâm (33 tuổi, trú ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang);  Sơn Thương (29 tuổi, trú huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), Lê Hữu Thành (30 tuổi, trú xã An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) và Phạm Văn Cảnh (41 tuổi, trú xã Trà Ôn, huyện  Phú Thành, tỉnh Vĩnh Long).

Cả 4 thuyền viên khi được phát hiện, giải cứu đều trong tình trạng kiệt sức, gầy gò, ốm yếu vì bị bóc lột sức lao động nhưng vẫn phải làm việc phục vụ khai thác thủy sản cho chủ tàu cá. Tại cơ quan điều tra (CQĐT), các thuyền viên này cũng phản ánh: Họ là nạn nhân của bọn mua bán lao động, nhưng vì bị đe dọa, giám sát, đánh đập, lại không thông thuộc địa bàn nên không có cơ hội bỏ trốn.

Cùng ngày, Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng cung cấp: Từ lời khai của các nạn nhân và nguồn thông tin xác minh từ Biên phòng tỉnh bạn phối hợp sàng lọc cung cấp, lực lượng Biên phòng Đà Nẵng xác định được hai đối tượng liên quan đến hành vi lừa, ép bán lao động cho các chủ tàu cá là Trần Văn Vũ (27 tuổi, trú tại 215/12A đường Lưu Chí Hiếu , phường 10, TP Vũng Tàu) và Nguyễn Ngọc Trung (29 tuổi, trú tại 105/120/15 đường Lê Lợi, TP Vũng Tàu). Ngay sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, hai đối tượng Trung, Vũ đã được “câu dụ” ra Đà Nẵng để điều tra làm rõ hành vi mua bán người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng..

Chân dung bọn buôn người

Theo khai báo của 4 thuyền viên vừa được giải cứu tại CQĐT thì: Ngay tại bến xe An Sương, do nôn nóng tìm việc làm nên đã nhẹ dạ làm theo chỉ dẫn của một đối tượng xe ôm tìm gặp Trần Văn Vũ để nhờ giới thiệu việc làm tại thành  phố Vũng Tàu.

Hai đối tượng trong đường dây lừa bắt cóc, buôn người bị tạm giữ tại Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng.

Sau khi gặp Vũ, họ được đối tượng ra giá chi phí giới thiệu việc làm 3 triệu đồng/người. Do không có tiền để đưa cho Vũ, cả 4 lao động lại được Vũ và một phụ nữ tên Vân bắt ép phải viết giấy “tạm ứng”. Tuy nhiên, thay vì được đưa đến Vũng Tàu để làm “việc nhẹ, lương cao” như hứa hẹn… cặp Vân – Vũ lại chiếm đoạt hết toàn bộ giấy tờ, điện thoại, đồ dùng tùy thân, rồi dồn các lao động vào một căn phòng nhỏ.

Chúng còn khóa trái cửa và cử hai thanh niên lực lưỡng, hung dữ trông coi, không cho đi lại tiếp xúc với người ngoài. Đến ngày 3/12, Vũ - Vân tiếp tục giao 4 lao động trên cho Nguyễn Ngọc Trung “áp tải” đi xe ra Đà Nẵng bán cho chủ tàu Trần Thế Tây với giá 15 triệu đồng/1 người. Rồi bị Tây khống chế đưa xuống tàu cá BV 5969TS, để đi khai thác hải sản trên biển lấy công trừ tiền mà Tây đã bỏ ra chi trả...

Cũng theo các lao động, trong suốt quá trình làm không công trên tàu cá, họ như bị đày đọa, không được ăn uống đầy đủ, lại làm việc đến kiệt sức, không có thời gian nghỉ ngơi và luôn bị chửi bới. Thậm chí, cứ làm sai một tí là bị chủ tàu chửi, đánh đập không cho ăn, đang ngủ cũng bị dựng dậy làm việc – một lao động chua xót kể.

Ngày đầu mới bị đưa xuống tàu cá, chủ tàu Tây còn “dụ dỗ”, nói các lao động cứ cố gắng làm việc cho đến khi nào thuyền cập bến Đà Nẵng, chủ tàu sẽ trả công đầy đủ. Nhưng thực tế, khi các lao động đòi tiền công, không những không nhận được tiền mà chủ tàu còn “khất nợ” bằng bạo lực hết lần này đến lần khác.

Và vì trong thời gian dài, tàu cá đánh bắt hải sản ngoài khơi, các lao động do không quen được với môi trường làm việc, nên sức khỏe ngày càng suy sụp, tinh thần bị ảnh hưởng do luôn sống trong lo sợ, thấp thỏm.

Cho đến giữa tháng 12-2017, qua các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra giám sát địa bàn Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng nhận thấy những dấu hiệu khả nghi, bất thường của tàu BV5969TS nên đã phối hợp cùng với lực lượng đánh án. Tổ chức “câu nhử” hai đối tượng Trần Văn Vũ và Nguyễn Ngọc Trung từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Đà Nẵng. Ngày 20-12, khi Trung và Vũ vừa đặt chân tới Đà Nẵng thì bị lực lượng đánh án bắt giữ.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng cho biết: “Qua quá trình đấu tranh khai thác thì các đối tượng rất ngoan cố, quanh co chối cãi. Tuy nhiên, từ những tài liệu hồ sơ thu thập được, lời khai nạn nhân cùng các biện pháp nghiệp vụ, suốt hơn 3 ngày đấu tranh thì các đối tượng phải thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm”.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, lực lượng Biên phòng đã chuyển đến Công an TP Đà Nẵng để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Đến ngày 25-12, Viện KSND quận Sơn Trà đã phê chuẩn quyết định khởi tố các đối tượng Nguyễn Ngọc Trung và Trần Văn Vũ về hành vi “Mua bán người” .

Hiện vụ án này còn liên quan đến nhiều người (trong đó có thuyền trưởng và chủ tàu) và cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra. 4 nạn nhân sau khi được khám, chăm sóc sức khỏe đã  ổn định và tạo điều kiện cho về địa phương để đoàn tụ với người thân.

Theo nhận định, đây là một trong nhữngđường dâymua bán người khá tinh vi, đã từng xảy ra nhiều lần trên biển và lần đầu tiên lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng phát hiện bắt được các đối tượng liên quan. Con số nạn nhân bị sập bẫy bọn buôn người chắc chắn sẽ không dừng lại ở 4 thuyền viên nói trên.

Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng và lực lượng Biên phòng thành phố khuyến cáo: Vụ việc trên là bài học cảnh giác cho những lao động đang nôn nóng tìm kiếm cơ hội việc làm tại các thành phố lớn, nhưng vì nhẹ dạ, cả tin đã sập bẫy bọn buôn người, bị bóc lột sức lao động như khổ sai.

Còn ai là nạn nhân, hay các thuyền viên chủ tàu cá nào biết thông tin về các đối tượng buôn người này đề nghị liên lạc và cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng để thu thập chứng cứ, sớm bắt những đối tượng liên quan và đưa bọn buôn người ra xét xử trước pháp luật.

Hoài Thu

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1 (giờ địa phương), Tổng tư lệnh quân đội Lebanon Joseph Aoun đã được bầu làm Tổng thống nước này, chấm dứt tình trạng bế tắc khiến Lebanon không có nguyên thủ quốc gia kể từ tháng 10/2022.

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND các quận, huyện liên quan nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đê điều và công trình thủy lợi theo kiến nghị của Thanh tra thành phố.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu ở mức 2 con số. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng trưởng điện gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%. Để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt xuống thấp, khu vực vùng núi nhiệt độ từ 11-14 độ, có nơi xuống dưới 5 độ C, trời rét đậm rét hại.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文