Triệt phá đường dây làm giả giấy tờ, tiêu thụ xe gian liên tỉnh

06:44 07/04/2017
Sau 3 tháng theo dõi và xác lập chuyên án điều tra, Công an quận Thủ Đức, TP. HCM vừa lập chiến công xuất sắc, triệt phá đường dây làm giả giấy tờ, tiêu thụ xe gian quy mô lớn.


Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, đường dây này đã làm giả nhiều loại giấy tờ, bằng cấp các loại, riêng đối tượng cầm đầu là Long “Bờm” khai nhận làm giả khoảng 1.000 giấy tờ.

Công an quận Thủ Đức cho biết đang tạm giữ các nghi can trong đường dây làm giả giấy tờ, tiêu thụ xe gian liên tỉnh. Trong đó, Dương Hoàng Long, còn gọi là “Bờm” (33 tuổi), thường trú TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Hữu Huy, tự Tài “Nhớt” (33 tuổi), trú TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Nguyễn Hoàng Vũ (26 tuổi) ở Bà Rịa-Vũng Tàu, được xác định là các đối tượng cầm đầu.

Qua điều tra, các trinh sát phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng giấy đăng ký xe giả giao dịch qua mạng Internet. Nhận thấy đây là đường dây tiêu thụ xe máy trộm cắp có quy mô lớn nên lãnh đạo Công an quận Thủ Đức đã tiến hành xác lập chuyên án đấu tranh.

Hai đối tượng cầm đầu đường dây - Long “Bờm” và Tài “Nhớt”.

Đến ngày 30-3-2017, cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức đã triệt phá thành công chuyên án này. Quá trình điều tra xác định, ba đối tượng Huy, Long và Vũ móc nối với một số đối tượng cộm cán ở các tỉnh miền Tây, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… mua xe gian rồi về làm giả giấy tờ bán lại kiếm lời.

Trung tá Nguyễn Mai Chức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thủ Đức cho biết, vào khoảng cuối tháng 12-2016, thông qua nguồn tin xác minh, Công an quận Thủ Đức đưa đối tượng Võ Phạm Thiện (23 tuổi) quê Quảng Ngãi, ngụ phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, về làm việc.

Đấu tranh với Thiện xác định, ngày 28-12-2016, Thiện lên mạng Internet thấy người có nick name “B.B.B” đăng tin bán chiếc xe môtô hiệu Honda Airblade, biển số 59X2-84240 giá 13,5 triệu đồng, Thiện liên lạc và gặp một thanh niên không rõ lai lịch ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức để mua chiếc xe này. Sau đó Thiện chạy xe về Biên Hòa rồi gọi điện bán cho Lê Khánh Phương (34 tuổi) giá 15,1 triệu đồng. Quá trình điều tra, Thiện khai, biết xe môtô 59X2-84240 là tài sản do phạm tội mà có nhưng ham giá rẻ nên mua để bán lại hưởng lợi.

Kết quả xác minh xe môtô 59X2-84240 của anh Thân Công Trí (42 tuổi) ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, bị mất trộm vào ngày 28-12-2016. Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ Võ Phạm Thiện để mở rộng điều tra vụ án.

Các đối tượng trong đường dây bị tạm giữ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 4-1-2017, các trinh sát phát hiện Lâm Quang Vinh (30 tuổi) quê TP. Quy Nhơn, Bình Định đang sử dụng xe môtô hiệu Honda Airblade biển số 60F1-07704 lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nên tiến hành kiểm tra hành chính. Vinh khai mua xe môtô biển số 60F1-07704 của một thanh niên (không rõ lai lịch) thông qua Facebook với giá 14 triệu đồng trước cây xăng “Satra” số 63, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh.

Kết quả xác minh chiếc xe trên là của ông Nguyễn Thành Minh (64 tuổi) ngụ phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa bị mất trộm tại TP. Biên Hòa trước đó. Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lâm Quang Vinh về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Mở rộng điều tra làm rõ đối tượng rao bán xe máy trên mạng có nick name “B.B.B”, Công an quận Thủ Đức đã thu giữ một xe môtô hiệu Ducati 1100cc biển số 59A3-109.81 bị mất trộm ngày 10-2-2017 tại khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Đến ngày 10-3-2017, Công an quận Thủ Đức đã xác định được băng nhóm liên quan đến các vụ trộm cắp xe môtô trên do tên C. cầm đầu; đối tượng làm giả giấy tờ và biển số xe do Tài “Nhớt” cầm đầu. Điều đáng nói, thủ đoạn của nhóm tội phạm này là đi giao giấy tờ xe và nhận tiền đều sử dụng dịch vụ xe ôm Grab bike.

Ban chuyên án đã có đủ cơ sở xác định đầu mối cung cấp giấy đăng ký xe giả, biển số giả do đối tượng Tài “Nhớt” sử dụng mạng xã hội Zalo để giao dịch.

Các biển số và giấy tờ xe bị làm giả.

Qua điều tra, lực lượng điều tra phát hiện Tài “Nhớt” đang sử dụng xe môtô hiệu Honda Vision, biển số 92M1-440.44 để đi giao giấy tờ giả. Chiếc xe trên có biển số thật là 86B6-200.07, do chị Trần Thị Minh Duyên (31 tuổi) thường trú thị xã La Ghi, Bình Thuận đứng tên chủ sở hữu, bị mất trộm vào ngày 18-2-2017 tại phường 5, quận Phú Nhuận.

Khoảng 14h30 chiều 20-3, Tài “Nhớt” sử dụng xe Honda Vision, biển số 92M1-440.44 đang lưu thông trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức để giao giấy tờ, lập tức bị Công an quận Thủ Đức áp sát tiến hành kiểm tra, khám xét trong người Tài “Nhớt” có một giấy đăng ký xe môtô biển số 29S1-016.80 và thu dưới đất ngay chỗ Tài “Nhớt” đứng ba giấy đăng ký xe môtô 59X2-908.12, 59L2-992.92, 59S1-563.06 (trong đó giấy tờ xe biển số 59X2-908.12 có số khung số máy trùng với số khung số máy xe Honda Vision Tài “Nhớt” đang sử dụng). 

Mở rộng điều tra, ngày 30-3-2017, cơ quan Công an đã bắt giữ các đối tượng có liên quan trong đường dây tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan tổ chức. Riêng với Long “Bờm” và Vũ thì ngày 21-3-2017, Công an quận Thủ Đức phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt quả tang hai đối tượng này đang mang giấy tờ, bằng lái xe làm giả đi giao cho “đối tác” ở Vũng Tàu. Khám xét nơi ở của hai đối tượng này, cơ quan Công an thu giữ nhiều dụng cụ sản xuất giấy tờ giả và phôi giả bằng lái xe, bằng đại học, cao đẳng…

Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức cũng bắt giữ thêm hàng chục đối tượng khác liên quan trong vụ án, trú ở các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Gia Lai… và thu giữ 16 xe máy các loại, 1 xe ôtô và nhiều giấy tờ giả...

Qua điều tra, Long “Bờm” khai đã làm giả khoảng 1.000 giấy đăng ký xe, bằng cấp và giấy tờ các loại từ tháng 7-2016 đến ngày bị bắt. Long “Bờm” được một người tên Phương chỉ cho cách làm giấy tờ giả. Sau khi nắm vững cách làm, Long “Bờm” mua các loại thiết bị về làm giả giấy tờ.  

Tháng 12-2016, Long “Bờm” thuê Vũ phụ làm giấy tờ giả và trả công 30.000 đồng/giấy. Ngoài việc bán giấy tờ giả cho Tài “Nhớt”, Long “Bờm” còn bán cho đối tượng Nguyễn Văn Tuyền (25 tuổi), quê Quảng Bình và nhiều đối tượng khác.

Xe ôtô và nhiều xe máy không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

Khám xét nơi ở của Tuyền, cơ quan điều tra thu giữ 12 giấy đăng ký xe môtô giả do khách gọi điện thoại đặt làm nhưng chưa giao. Số giấy đăng ký xe trên Tuyền đặt Long “Bờm” làm với giá từ 400 đến 500 nghìn đồng/giấy. Tuyền khai đã đặt Long “Bờm” làm khoảng 70 giấy đăng ký xe kiếm lời mỗi giấy l,5 triệu đồng…

Theo Trung tá Nguyễn Mai Chức, băng nhóm này hoạt động rất tinh vi, các đối tượng đều rành về công nghệ thông tin, chủ yếu trao đổi qua mạng internet.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng lập ra các “nhóm kín” trên trang Facebook, Zalo để trao đổi thông tin, giao dịch với nhau. Mỗi cuộc giao dịch chúng đều vào các “nhóm kín” này trên Facebook, Zalo bàn bạc rất kỹ lưỡng rồi mới hẹn địa chỉ để giao hàng và nhận tiền. Bất cứ thành viên nào trong nhóm có biểu hiện đáng ngờ đều bị xóa khỏi nhóm… Chính thủ đoạn ma mãnh này của các đối tượng đã gây khó khăn cho lực lượng Công an trong quá trình điều tra, khám phá.

Ánh Xuân

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文