Truy bắt kẻ ám sát nghị sỹ Bangladesh

13:47 09/01/2017
Mặc dù cảnh sát địa phương đã xác định có 3 kẻ tấn công lái xe máy xông vào nhà riêng của nghị sỹ Manzurul Islam Liton, người của đảng cầm quyền Liên đoàn Awami vào khoảng 1 giờ 45 phút ngày 31-12-2016 (theo giờ địa phương), nhưng cho đến nay danh tính và bóng dáng của sát thủ vẫn chưa được làm sáng tỏ.


Vì chưa bắt được những kẻ tấn công nên cảnh sát cũng không thể làm rõ nguyên nhân và động cơ gây án. Theo giới truyền thông, tuy được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau khi bị bắn 3 phát vào người, nhưng do vết thương quá nặng nên nghị sỹ Manzurul Islam Liton đã chết.

Theo cảnh sát, vụ ám sát diễn ra tại nhà riêng của ông Manzurul Islam Liton ở huyện Gaibandha, cách Thủ đô Dhaka 268km về phía Tây Bắc. Và vì vụ tấn công diễn ra sau hơn một năm ông Manzurul Islam Liton bị bắt do bắn một cậu bé 9 tuổi, khiến nạn nhân bị thương nặng, nên cảnh sát đang điều tra theo hướng trả thù.

Nghị sỹ Manzurul Islam Liton (áo trắng).

Ngoài ra, cảnh sát cũng không loại trừ khả năng đây là một vụ ám sát nhằm gây bất ổn xã hội bởi nghị sỹ Manzurul Islam Liton thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Awami.

Và nghi can lớn nhất là các tay súng thuộc tổ chức Jumatul Mujahedeen Bangladesh (gọi tắt là JMB), đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn 10 năm qua. Bởi trước đó (24-12-2016), cảnh sát đã tiêu diệt 2 tay súng có liên quan đến vụ tấn công quán cafe Holey Artisan Bakery ở Dhaka hôm 1-7-2016, khiến 22 người chết.

Chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của Bangladesh (RAB) cho biết, nhân viên của họ đã bao vây khu Dakshinkhan ở Dhaka, tiêu diệt 2 tay súng kể trên vào khoảng 16 giờ ngày 24-12-2016 (theo giờ địa phương) và chúng đều là thành viên của JMB.

Trước đó (21-10-2016), nhân viên của RAB cho biết, thủ lĩnh JMB Abdur Rahman bị cáo buộc đứng sau vụ khủng bố hôm 1-7-2016 đã chết tại bệnh viện sau khi nhảy từ tầng 5 của một tòa nhà ở ngoại ô Thủ đô Dhaka trong lúc bị truy bắt.

Nhân viên RAB đã thu giữ một số tài liệu, thư từ và email chứng tỏ Abdur Rahman là thủ lĩnh JMB. Gần 11 năm trước (tháng 3-2006), sau khi đầu thú, thủ lĩnh JMB Abdur Rahman cùng 2 cộng sự đã bị cảnh sát thẩm vấn.

Khi đó, bà Khaleda Zia làm Thủ tướng đã coi đây là "cú đấm đối với tổ chức cực đoan này". Bởi trước đó, Abdur Rahman và Siddiqul Islam (biệt danh Bangla Bhai) từng bị kết án vắng mặt 40 năm tù vì tội đánh bom giết chết 2 thẩm phán hồi tháng 11-2005.

Nhưng sau đó Abdur Rahman lại đào tẩu và công khai chống chính quyền nên đã bị truy bắt. Hơn 2 năm trước (hạ tuần tháng 10-2014), Cơ quan chống khủng bố của Ấn Độ từng phát hiện âm mưu ám sát Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina do các tay súng JMB tiến hành.

Ngoài Thủ tướng Sheikh Hasinia, JMB còn muốn ám sát cựu Thủ tướng Khaleda Zia, thủ lĩnh đối lập chính ở Bangladesh.

Mặc dù IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ khủng bố hôm 1-7-2016, nhưng Cảnh sát trưởng quốc gia Bangladesh Shahidul Hoque đã bác bỏ - không có bằng chứng cho thấy có sự dính líu của IS, và việc này chỉ do thành viên của JMB tiến hành.

Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan cũng khẳng định, IS không đứng sau vụ khủng bố tại quán cafe Holey Artisan Bakery, mà là thành viên của JMB và tổ chức này không liên quan tới IS.

Thủ tướng Sheikh Hasina cho biết, vụ khủng bố và bắt cóc con tin tối 1-7-2016 là hành động vô cùng tàn ác và là lần đầu tiên kiểu tấn công này xuất hiện tại Bangladesh. Theo lời khai của Ali Arsalan, chủ quán cafe Holey Artisan Bakery, các tay súng đã hét lớn "Allahu Akbar"  - Thánh Allah vĩ đại, khi xông vào tòa nhà, và ra lệnh cho mọi người trong quán phải đọc kinh Koran.

Cảnh sát Bangladesh.

Sau khi tấn công quán cafe Holey Artisan Bakery và bắt cóc con tin, các tay súng đã yêu cầu Bangladesh phóng thích một thủ lĩnh của JMB. JMB là nhóm vũ trang cực đoan bất hợp pháp, bị cáo buộc đã gây ra hàng loạt vụ đánh bom tại Bangladesh trong những năm qua.

Theo giới truyền thông, sau khi xác định JMB là nghi phạm lớn nhất, chính phủ Bangladesh đã mở chiến dịch trấn áp và đã có ít nhất 40 phần tử ủng hộ tổ chức này bị tiêu diệt.

Mặc dù diễn ra đã hơn nửa năm, nhưng cho đến nay cảnh sát vẫn chưa xác thực có 7 hay 9 tay súng tấn công quán cafe Holey Artisan Bakery tối 1-7-2016. Bởi cơ quan chức năng tuyên bố, đã tiêu diệt 6 tay súng và bắt giữ 1 nghi can, nhưng giới truyền thông và các nhân chứng cho rằng, có 9 tay súng tham gia vào vụ tấn công.

Ngày 2-9-2016, cảnh sát đã tiêu diệt Jahangir Alam Murad, đối tượng nằm trong danh sách truy nã và được coi là một trong những thủ lĩnh quan trọng của JMB. Cảnh sát cho rằng, Jahangir Alam Murad đã huấn luyện các đối tượng thực hiện vụ tấn công quán cafe Holey Artisan Bakery.

Cảnh sát cho biết, JMB đã tiến hành đánh bom tại 63/64 tỉnh, thành ở Bangladesh. Ngoài vụ khủng bố ngày 1-7-2016, chúng còn tấn công ở Thủ đô Dhaka hôm 17-8-2005 khiến 2 người chết và 150 người bị thương.

Mạnh Phong

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文