Vẫn khó khăn chặn dòng người di cư
- Gia tăng cuộc chiến "người di cư"
- Cảnh sát Macedonia sử dụng hơi cay trấn áp người di cư tại biên giới
- Nhà chức trách Pháp giúp người di cư bằng những chiếc container
- EU dành 3 tỷ Euro để kiểm soát dòng người di cư từ cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 4-3, Quốc hội Slovenia đã thông qua dự luật mới, siết chặt các điều kiện đối với người xin tị nạn nhằm hạn chế số người di cư đổ về quốc gia này.
Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Vesna Gyorkos Znidar cho biết, mục đích của dự luật nhằm đẩy nhanh và tăng cường tính hiệu quả của các quy trình xét duyệt tị nạn đối với những người thực sự đủ điều kiện tị nạn, đồng thời đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồi hương đối với những người không đủ điều kiện. Theo thống kê, gần 500.000 người di cư tới Áo và Đức đã đi qua lãnh thổ Slovenia kể từ tháng 10-2015 sau khi Hungary tạm đóng cửa biên giới đối với người di cư.
Cùng ngày 4-3, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã chỉ trích mạnh mẽ lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gây ra cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời yêu cầu được hỗ trợ. Cũng trong ngày 4-3, Chính phủ Croatia đã đề xuất sửa đổi các đạo luật về kiểm soát và phòng thủ biên giới nhằm cho phép các lực lượng vũ trang giúp cảnh sát quản lý dòng người di cư tại biên giới nước này.
Bởi kể từ tháng 9-2015 tới nay, đã có khoảng 650.000-700.000 người di cư đi qua Croatia. Trước đó (3-3), Bộ trưởng Nhập cư, Hội nhập và Nhà ở Đan Mạch Inger Stojberg thông báo, nước này đã quyết định gia hạn hoạt động kiểm soát tạm thời tại biên giới chung với Đức thêm 30 ngày, tức tới ngày 3-4.
Người tỵ nạn đứng run rẩy trong mưa rét ở biên giới Hy Lạp- Macedonia. |
Ngày 3-3, Hy Lạp thông báo sau khi các quốc gia Balkan và Áo bắt đầu hạn chế số người di cư vào lãnh thổ nước mình, số người mắc kẹt tại quốc gia cửa ngõ châu Âu này đã tăng lên gần 32.000 người. Liên hợp quốc đã cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra nếu tình hình không được cải thiện và số người di cư tới Hy Lạp có thể lên tới 70.000 người chỉ trong vài tuần tới. Hy Lạp đã yêu cầu EU hỗ trợ khoảng nửa tỉ euro từ các quỹ khẩn cấp để giúp tạo chỗ trú ngụ cho 100.000 người tị nạn. Đồng thời cảnh báo, dòng người tị nạn đang vượt mức ngân sách dành cho khủng hoảng của nước này.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế, đã có hơn 125.000 người mạo hiểm vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp từ đầu năm nay, và hàng chục nghìn người vẫn đang mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp và các nước EU. Và Ủy ban châu Âu cũng đã bày tỏ mối quan ngại về các vụ xô xát ở biên giới Hy Lạp-Macedonia, nơi có hàng trăm người di cư đã bị nhà chức trách Macedonia dùng hơi cay để đẩy lui. Macedonia là nước đầu tiên trên tuyến đường Balkan mà người di cư vẫn thường đi qua sau khi đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 2-3, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã kêu gọi Berlin áp đặt mức hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn hàng ngày và đón người tị nạn trực tiếp từ các trại ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan về Đức. Đồng thời khẳng định, Áo không thể trở thành điểm phân bổ người tị nạn của châu Âu.
Cùng ngày 2-3, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẵn sàng ký thỏa thuận với 14 quốc gia về việc tiếp nhận lại người di cư bất hợp pháp nhằm hạn chế dòng người di cư đổ về châu Âu. Đồng thời nhấn mạnh, việc ngay lập tức ngăn chặn dòng người di cư đổ về châu Âu là không thể. Theo số liệu mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã tiếp nhận ít nhất 2,5 triệu người nhập cư. Thổ Nhĩ Kỳ là mũi nhọn của Liên minh châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Trong khi đó, một tòa án thành phố cảng Bodrum phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết án hơn 4 năm tù đối với 2 kẻ buôn người Syria là Muwafaka Alabash, 36 tuổi và Asem Alfrhad, 35 tuổi, liên quan tới cái chết của bé Aylan Kurdi và 4 người di cư khác trong vụ lật thuyền năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành điểm trung chuyển của người dân từ Syria, Afghanistan, Iraq, những người tị nạn và di cư từ các quốc gia khác tìm mọi cách để vào biên giới các nước thành viên EU.
Và khi phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 29-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry coi cuộc khủng hoảng người di cư Trung Đông sang châu Âu là một thách thức toàn cầu và Washington sẵn sàng hỗ trợ các nước đối phó với vấn nạn này. Mỹ hiện là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho người tị nạn với 5,1 tỷ USD, nhưng Washington lại tuyên bố chỉ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016.
Ông Frank-Walter Steinmeier cho rằng, các nước thành viên EU cần phối hợp với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư đang làm đau đầu châu Âu và tránh đổ lỗi cho nhau.