Vệ binh Nữ hoàng Anh nghiện ma túy
- Thống kê bê bối của Cơ quan mật vụ Mỹ
- Vatican xét xử vụ bê bối tài chính Vatileaks 2
- Loạt bê bối liên quan đến Thủ tướng Italia
- Điều tra bê bối trong gia đình Thủ tướng Italia
Vụ bê bối xảy ra trong Doanh trại Quân đội Pirbright ở Surrey, cơ sở Vệ binh xứ Welsh trực thuộc binh đoàn hộ giá gia đình Nữ hoàng Anh. Theo người tố giác vụ việc, có 10 binh sĩ đã bị sa thải khỏi Quân đội sau khi xét nghiệm ngẫu nhiên nước tiểu cho thấy họ nghiện ma túy nặng.
Cơ quan điều tra Quân đội cho biết, nhóm sĩ quan bị sa thải đã sử dụng ma túy tại các quán rượu và hộp đêm xung quanh doanh trại gần Camerley. Tuy nhiên, trên số ra ngày 28-2, tờ Sunday People khẳng định: "Hôm nay, chúng tôi có thể tiết lộ đối tượng cung cấp ma túy là một binh sĩ đang tại ngũ kiếm tiền bằng buôn bán bất hợp pháp".
Đội vệ binh hộ giá, bảo vệ Nữ hoàng Anh. |
Tiết lộ của tờ báo Anh trùng với thời điểm một vụ điều tra tiếp tục được thực hiện ở gần khu vực Woking đối với cái chết của binh sĩ Cheryl James, 18 tuổi, người đã tự sát khi đang làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài Doanh trại Deepcuts vào năm 1995. Trước khi chuyển đến Deepcut, James có hơn 2 tháng đóng quân tại Pirbright. Ngoài ra, cũng vì nghiện ma túy, 3 binh sĩ khác xả súng bắn nhau ở Deepcut, những vụ bê bối đó xảy ra trong năm 1995 và 2002.
Sau những thảm kịch đó, quân đội làm việc tích cực để cố gắng thay đổi văn hóa ở 2 đơn vị Deepcut và Pirbright, nhưng tờ Sunday People khẳng định vấn nạn ma túy vẫn còn tồn tại. Những bức ảnh do phóng viên điều tra Sunday People chụp được cho thấy một binh sĩ trẻ đang chia nhỏ một lượng cocain thành 3 phần trong một căn phòng bên trong doanh trại Pirbright vào đầu tháng 2.
Ngay sau đó, một tân binh trẻ dí mũi hít toàn bộ số ma túy trước sự chứng kiến của một nhóm lính đã hết giờ thực hiện nhiệm vụ. Một nguồn tin báo động: "Tình trạng sử dụng ma túy rất công khai, cho nên anh ta cảm thấy thoải mái khi dùng ma túy trước mặt những người khác". Điều đó cho thấy tệ nạn lan tràn và thâm nhập vào đời sống của các đơn vị quân đội. Những người làm chứng cho cuộc điều tra đã nói về rượu, ma túy và thậm chí cưỡng ép tình dục. Nguồn tin của Sunday People cho biết: "Người ta thường nghĩ sau 4 cái chết, sẽ có một chiến dịch trấn áp lớn, thế nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra".
"Đó là môi trường tương tự mà Cheryl từng trải qua. Ma túy phục vụ cho tiệc tùng luôn có sẵn và trong thời điểm đó có những thanh niên sẵn tiền trong tay. Đó quả là niềm mơ ước cho một kẻ buôn lẻ ma túy. Một số người đi nghĩa vụ quân sự dưới ảnh hưởng của ma túy và bạn có thể thấy chất gây nghiện ảnh hưởng đến họ thế nào", nguồn tin cho biết.
Một vệ binh hộ giá Nữ hoàng Anh đang hít cocain ngay trong đơn vị (ảnh do phóng viên tờ Sunday People chụp làm bằng chứng cho phóng sự điều tra bê bối ma túy trong quân đội Anh). |
"Họ thường chậm chạp hơn và không nhanh nhẹn, và ma túy khiến họ tỏ vẻ rất tự tin, họ luyện tập có vẻ tích cực. Nhưng các sĩ quan cấp trên thường không để ý đến dấu hiệu đó", tờ báo Anh viết. Một người phát ngôn quân đội Anh cho biết: "Chính sách Quân đội đối với lạm dụng ma túy đã được thực hiện rất nghiêm ngặt và những ai không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức, thể chất cao của chúng tôi sẽ bị sa thải".
Đây không phải lần đầu tiên đơn vị quân đội bảo vệ Hoàng gia Anh dính đến bê bối ma túy. Năm 2008, có 5 cận vệ của Nữ hoàng bị sa thải sau khi Quân đội bất ngờ kiểm tra ma túy bắt buộc. Bấy giờ, người phát ngôn Bộ quốc phòng Anh không dám thảo luận về chất gây nghiện có liên quan hoặc biện pháp kỷ luật cần phải thực thi đối với 5 binh sĩ, nhưng người ta tin rằng tất cả đều phải rời khỏi Quân đội sau khi một loại ma túy tinh chế cực kỳ nguy hiểm được phát hiện trong những mẫu nước tiểu của họ".
Người phát ngôn Quân đội Anh tuyên bố mạnh mẽ: "Lạm dụng ma túy trong Quân đội sẽ không bao giờ được tha thứ". Tờ Daily Mirror đưa tin 2 trong số 5 người bị sa thải là phụ nữ và 2 người khác từng tham chiến ở Iraq vào năm 2001.
Binh đoàn hộ giá Hoàng gia hiện đồn trú tại quận Saint John's Wood, thành phố Westminster, cách thủ đô London khoảng 4km.