Vì sao Philippines đầu tư mạnh cho hải quân?

14:12 26/05/2020
Ngày 23-5, tàu chiến trang bị tên lửa mang tên BRP Jose Rizal đã về đến căn cứ hải quân Philippines tại vịnh Subic.


Lễ ra mắt và bàn giao tàu dự kiến tổ chức vào ngày 19-6, được cho là đánh dấu bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu của hải quân Philippines là có được hệ thống và cơ sở trang thiết bị vũ khí hiện đại, trở thành một lực lượng hải quân đa năng.

Tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên

Theo tin từ hãng Rappler, lễ ra khơi của tàu BRP Jose Rizal được tiến hành hôm 18-5 tại xưởng đóng tàu của Công ty Công nghiệp nặng Hyundai (HHI) ở Ulsan, Hàn Quốc. Năm ngày sau, tàu chiến này cập cảng của Hải quân Philippines tại vịnh Subic. 

Đại diện Hải quân Philippines cho hay BRP Jose Rizal (FF150) "có khả năng chiến đấu với 4 chiều. Tàu chiến được trang bị tên lửa, ngư lôi và các hệ thống vũ khí khác. Tàu dài 107m, có khả năng chống mặt nước, chống không quân, chống ngầm và tác chiến điện tử. 

Tàu có tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và có thể ở ngoài biển tới 30 ngày liên tục. Philippines đã đặt mua con tàu với giá 8 tỷ peso. Đây cũng là tàu mạnh nhất trong các tàu chiến của hải quân Philippines hiện nay.

"Tuyên bố khẳng định việc tiếp nhận tàu chiến BRP Jose Rizal (FF150) đánh dấu một bước tiến lớn trong hoàn thành mục tiêu của Hải quân Philippines là có được hệ thống và cơ sở trang thiết bị vũ khí hiện địa, trở thành một lực lượng hải quân đa năng.

Đáng lẽ tàu chiến đã được giao vào tháng 4 nhưng bị trì hoãn do hạn chế đi lại bởi đại dịch COVID-19 gây ra. Trước lễ kiểm tra và chấp nhận kỹ thuật tàu, thủy thủ đoàn sẽ phải trải qua kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày", hãng Rappler thông tin.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cố gắng duy trì chiến lược quan hệ tốt với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trong khi đó, một nguồn tin khác từ tờ Philippines Inquirer cho hay, BRP Jose Rizal (FF150) là tàu chiến đầu tiên trong số hai tàu chiến được Philippines mua từ công ty HHI. Tàu thứ hai được đặt tên là BRP Antonio Luna, dự kiến sẽ được giao vào tháng 9 năm nay.

Tháng 11-2019, BRP Antonio Luna hạ thủy lần đầu tiên tại xưởng đóng tàu HHI ở Ulsan, Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bay tới Hàn Quốc để dự lễ hạ thủy này. Trước đó, vào tháng 8-2019, Philippines cũng chính thức tiếp nhận tàu tuần tra hải quân mạnh nhất từ trước tới nay. Đây là một tàu hộ tống cỡ nhỏ của Hàn Quốc được quân đội Philippines đánh giá có thể tăng cường các cuộc tuần tra và sứ mệnh bảo vệ tại "ranh giới lãnh thổ" của nước này trên biển. Mang tên BRP Conrado Yap - tàu tuần tiễu 39 thuộc lớp Pohang này có thể di chuyển với vận tốc tối đa là 32 hải lý/giờ và có khả năng tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và phòng không…

Hãng Foreign Brief bình luận: "Philippines đang tích cực hợp tác với hải quân các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Nước này cũng phải đối mặt với một trong những mối đe dọa hàng hải sắp xảy ra trong khu vực, khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng các công trình trái phép trên Biển Đông. 

Tàu chiến có khả năng đa nhiệm vụ là bước đầu tiên trong kế hoạch chèo thuyền chiến lược của Hải quân Philippines để xây dựng một hạm đội mạnh mẽ và đáng tin cậy. Philippines dường như đang áp dụng một chiến lược trực tiếp hơn để bảo vệ các khu vực thuộc chủ quyền, quyền tài phán và thềm lục địa của mình ở Biển Đông trước sự xâm lấn của Trung Quốc".

Những hình ảnh về tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên của Philippines. Ảnh: Hải quân Philippines.

Bước đi quyết liệt để đối phó với Trung Quốc

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng việc các quốc gia trong khu vực chú tâm vào chống dịch COVID-19 để gia tăng các hành động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế trên Biển Đông thì việc Philippines nhận tàu chiến mới như "lời đáp trả đanh thép".

"Thực tế, Philippines đang ngày càng thể hiện sự cương quyết hơn đối với Trung Quốc. Đã 5 năm kể từ khi Philippines mở cửa trở lại căn cứ hải quân trên vịnh Subic, quân đội nước này đang mở rộng hoạt động bởi đây là căn cứ mang tính chiến lược cao. Nếu cần triển khai lực lượng tới Biển Đông Philippines đã có căn cứ Subic sẵn đó…", hãng tin Asia Times phân tích.

Cũng theo hãng truyền thông này thì nằm cách bãi cạn Scarborough chưa đầy 200 km về phía Đông và cách Thủ đô Manila chừng 2 giờ chạy xe về phía Bắc, căn cứ ở vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ với cái gọi là đường chín đoạn… 

"Giá trị của Subic với tư cách là căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc biết điều đó", Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh của Philippines cho biết.

Nhắc đến vụ việc hồi tháng 2-2020, khi tàu BRP Conrado Yap của hải quân Philippines phát hiện liên lạc radar của một tàu màu xám, sau đó được xác định là tàu chiến Trung Quốc với tên gọi 514, hãng tin Asia Times cho biết, Philippines cáo buộc tàu chiến của Trung Quốc theo dõi các mục tiêu Philippines và sẵn sàng khai hoả. 

Một quan chức Philippines sau đó trả lời với hãng AP rằng, Trung Quốc đang muốn gây sự và những hành động đó đã tạo nên sự phẫn nộ trong dân chúng Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cũng tăng cường chỉ trích Trung Quốc, đả kích những hành động của Bắc Kinh mà ông mô tả là vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines. 

Chưa hết, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã nổ ra ở Philippines và nhiều người Philippines đã cáo buộc Bắc Kinh che giấu hành động nhằm hợp pháp hóa các yêu sách và chủ nghĩa bành trướng của mình tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông.

Philippines tập trung đầu tư mạnh cho hải quân để nâng cao năng lực tác chiến.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đệ trình các cáo buộc, phản đối Trung Quốc về các khu vực hành chính mới… Và trong khi cộng đồng mạng Philippines chỉ trích Trung Quốc là một thế lực đế quốc cơ hội, thì giới chức quốc phòng nước này lại có vẻ thận trọng hơn trong các tuyên bố công khai. 

Tuy nhiên, theo tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon, lực lượng đặc nhiệm quốc gia Philippines trên Biển Đông, một cơ quan liên ngành điều phối chính sách quốc gia trên Biển Đông, đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vụ việc để xác định một hành động tiếp theo. 

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thừa nhận rằng "các hành động của tàu chiến Trung Quốc là không thể chấp nhận được và Philippines quyết bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông…".

GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cảnh báo, sự việc mới đây được xem là "giọt nước tràn ly"; và chính quyền Philippines cần phải nhanh chóng bắt đầu có những hành động thiết thực và cứng rắn đáp trả Trung Quốc nhằm tránh để lại tiền lệ về sau.

"Ba năm duy trì chính sách "hảo hảo" với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte dường như không đem lại kết quả mà chỉ có những thách thức lặp đi lặp lại từ phía Bắc Kinh. Chính phủ Philippines không nên để sự việc này trôi qua mà không xem xét hoặc cân nhắc chính sách của mình về khu vực Biển Đông. 

Điều cần nhất là phải đưa ra những thay đổi và điều chỉnh; nếu không có thay đổi, thì Trung Quốc sẽ coi đây là một tín hiệu cho thấy việc làm này có thể lặp lại mà không gặp phải nguy cơ nhận lấy phản ứng bất lợi từ Philippines", GS Jay Batongbacal nhấn mạnh.

Huyền Chi (tổng hợp)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文