Đóng hồ sơ vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống El Salvador Francisco Flores

14:04 22/02/2016
Cái chết của cựu Tổng thống El Salvador Francisco Flores đã khép lại vụ án tham nhũng do một tòa án của nước này đưa ra trước đó. Bởi ông Francisco Flores từng bị tòa ra lệnh bắt tạm giam và khởi tố hôm 4-12-2015, nhưng chưa đầy 2 tháng sau (tối 30-1), quan chức trong đảng Liên minh Cộng hòa Quốc gia (Arena) cánh hữu của cựu Tổng thống đã ra thông báo.


Theo đó, người đứng đầu quốc gia Trung Mỹ trong giai đoạn 1999-2004 đã chết sau khi rơi vào hôn mê do một cơn đột quỵ trước đó mấy ngày. Giới truyền thông El Salvador cho biết, mặc dù cựu Tổng thống đã bị tòa ra lệnh bắt và khởi tố, nhưng ông Francisco Flores vẫn được hưởng chế độ quản thúc tại gia.

Bởi người ta đưa cựu Tổng thống tới bệnh viện cấp cứu sau cơn đột quỵ từ nhà riêng và ông Francisco Flores đã chết vài ngày sau đó, hưởng thọ 56 tuổi. Ông Francisco Flores ra đi để lại cựu Đệ nhất phu nhân Lourdes de Flores cùng 2 người con Juan Marco Flores và Gabriela Flores.

Vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống Francisco Flores

Mặc dù cựu Tổng thống Francisco Flores đã chết, nhưng vụ án tham nhũng trong thời gian đương nhiệm của ông vẫn được dư luận nhắc tới. Bởi ông Francisco Flores từng phải đối diện với nhiều phiên xét xử xung quanh cáo buộc biển thủ 15,3 triệu USD mà Đài Loan tặng cho các nạn nhân trong trận động đất năm 2001 ở El Salvador.

Cựu Tổng thống El Salvador Francisco Flores.

Và theo luật hiện hành của El Salvador, nếu bị tòa kết tội, cựu Tổng thống Francisco Flores sẽ phải nhận mức án lên tới 23 năm tù giam cùng khoản tiền phạt kha khá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của El Salvador, một cựu Tổng thống bị truy tố và đối mặt với bản án nặng như vậy.

Gần 1,5 năm trước (18-9-2014), Bộ trưởng An ninh Benito Lara từng tuyên bố, "ông Francisco Flores sẽ phải vào tù trong vài giờ tới, sau khi 2 Thẩm phán của Tòa hình sự sơ thẩm Guillermo Arevalo Dominguez và Carlos Sanchez hủy chế độ quản thúc tại gia và quyết định chuyển cựu Tổng thống tới Trung tâm DAN - nhà tù dành cho các tội phạm buôn bán ma túy".

Cựu Tổng thống El Salvador Francisco Flores (trái) và cựu Tổng thống Panama Mireya Moscoso trong chuyến thăm Panama năm 2004.

Bởi trước đó, Thẩm phán Levis Italmir Orellana của Tòa án Tối cao El Salvador đã quyết định thực hiện chế độ quản thúc tại gia đối với cựu Tổng thống kể từ ngày 5-9-2014, vì cho rằng điều kiện sống trong nhà tù hiện hành của nước này không đảm bảo sức khỏe cho ông Francisco Flores. Và quyết định của Thẩm phán Levis Italmir Orellana lập tức gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ tại El Salvador. Nhiều người dân thậm chí đã yêu cầu chính phủ cấm cửa Thẩm phán Levis Italmir Orellana không được tham gia xét xử vụ án này.

Bởi theo họ, cựu Tổng thống đã biển thủ và tham nhũng 15,3 triệu USD - số tiền trợ cấp của Đài Loan dành cho quốc gia Trung Mỹ này sau trận động đất năm 2001. Chính sự phản đối quyết liệt của người dân đối với phán quyết của Thẩm phán Levis Italmir Orellana nên cơ quan chức năng buộc phải điều Thẩm phán Guillermo Arevalo Dominguez và Thẩm phán Carlos Sanchez "sửa sai". Nhưng việc quyết định đưa cựu Tổng thống Francisco Flores tới nhà tù dành cho các tội phạm buôn bán ma túy cũng gây tranh cãi trong dư luận, cũng như giới luật gia.

Theo giải thích của Thẩm phán Levis Italmir Orellana, sở dĩ đưa ra quyết định gây tranh cãi kể trên vì cựu Tổng thống Francisco Flores đã ra đầu thú sau nhiều tháng đào tẩu. Bởi từ tháng 1-2014, ông Francisco Flores đã bỏ trốn sau khi bị buộc tội làm giàu bất chính và biển thủ 15,3 triệu USD tiền công quỹ do Đài Loan hỗ trợ nước này để khắc phục hậu quả của trận động đất năm 2001.

Trong khi đó, giới truyền thông cho biết, cựu Tổng thống Francisco Flores xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng vào tháng 2-2014 và không trình diện trước tòa sau lần triệu tập thứ ba. Ngày 10-6-2014, Tòa hình sự chính thức khẳng định, lệnh truy nã đối với ông Francisco Flores xuất phát từ những cáo buộc trước đó của tòa án El Salvador xung quanh tội làm giàu bất chính và biển thủ công quỹ.

Trước đó (6-5-2014), Tòa án Tối cao cũng ra lệnh phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống đầu tiên của nước này bị cáo buộc có dính líu tới tiền bạc và luật pháp. Đồng thời đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) giúp đỡ bắt giữ cựu Tổng thống, người được cho là đang lẩn trốn ở Panama. Cùng với lệnh bắt giữ, Tòa án Tối cao còn phát lệnh phong tỏa tài sản của ông Francisco Flores tại El Salvador.

Trước khi có quyết định của Tòa hình sự El Salvador, ngày 2-5-2014, Tổng chưởng lý Luis Martinez thông báo, El Salvador đã phát lệnh truy nã đối với cựu Tổng thống Francisco Flores vì tội làm giàu bất chính, tham nhũng và trốn tránh pháp luật. Đồng thời yêu cầu Interpol trợ giúp El Salvador trong quá trình xác định nơi ẩn nấu của ông Francisco Flores.

Bởi theo Tổng chưởng lý Luis Martinez, từ tháng 10-2003 đến tháng 4-2004, cựu Tổng thống Francisco Flores đã biển thủ ít nhất 5,3 triệu USD, tiền quà tặng của chính quyền Đài Loan. Đổi lại, El Salvador tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Tại thời điểm đó có tin nói rằng, cựu Tổng thống Francisco Flores tới ẩn náu tại Panama dưới sự bảo trợ của cựu Tổng thống Mireya Moscoso, bất chấp việc đang bị Interpol truy nã. Và sau khi ra đầu thú tại Tòa án Tối cao El Salvador cùng với các luật sư của mình, ông Francisco Flores đã nhận được phán quyết của Thẩm phán Levis Italmir Orellana.

Phát biểu sau khi nhận án quản thúc tại gia từ Thẩm phán Levis Italmir Orellana, ông Francisco Flores cho biết, quyết định đầu thú là hành động tôn trọng pháp luật El Salvador. "Tôi tự nguyện ra đầu thú vì tôn trọng luật pháp. Và tại thời điểm này tôi không thể đưa ra bất cứ lời bình luận nào", cựu Tổng thống tuyên bố.

Điều đáng nói là trong khi các tòa án ở El Salvador cho rằng, cựu Tổng thống đã làm giàu bất chính và biển thủ 15,3 triệu USD, nhưng theo báo cáo của Ủy ban đặc biệt thuộc Quốc hội nước này, số tiền bị thất thoát dưới thời ông Francisco Flores cầm quyền có thể lên tới 100 triệu USD và đây là vụ tham nhũng lớn nhất, chưa từng có tại quốc gia Trung Mỹ nghèo chỉ có khoảng 6,3 triệu dân.

Theo giới truyền thông, Quốc hội El Salvador đã quyết định thành lập Ủy ban đặc biệt để điều tra xung quanh số tiền 15,3 triệu USD trong tổng số 80 triệu USD mà chính quyền Đài Loan tài trợ cho quốc gia Trung Mỹ này khắc phục hậu quả thiên tai. Và sau một thời gian điều tra, ủy ban kể trên đã đưa ra kết luận, theo đó ngoài tội tham nhũng, cựu Tổng thống còn có hành vi rửa tiền, độc đoán và khai báo gian lận. Cựu Tổng thống Francisco Flores cũng từng khai trước Ủy ban đặc biệt rằng, tuy có nhận khoảng 10 triệu USD từ Đài Loan, nhưng ông không thể giải ngân số tiền này.

Quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ

Nhiều người nói rằng, cái chết của ông Francisco Flores đã giúp Tổng thống Sanchez Ceren thực hiện một trong những tuyên bố tại lễ nhậm chức cách đây gần 2 năm. Bởi tuyên bố khi nhậm chức (1-6-2014), Tổng thống Sanchez Ceren thề đấu tranh chống lại nạn tham nhũng và bạo lực.

Tổng thống Salvador Sanchez Ceren và phu nhân, Margarita Villalta de Sanchez trong lễ nhậm chức ở San Salvador, El Salvador.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách tân Tổng thống, ông Sanchez Ceren nhấn mạnh quyết tâm chống bạo lực và tham nhũng do người tiền nhiệm Mauricio Funes khởi xướng. Ông Sanchez Ceren (người của đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti) là Tổng thống cánh tả thứ hai của El Salvador, là Tổng thống đầu tiên xuất thân từ Tư lệnh của lực lượng du kích trước đây.

Và chỉ sau lễ nhậm chức hơn 1 tháng (8-7-2014), Tổng thống Sanchez Ceren đã biến tư dinh của mình thành phòng trưng bày nghệ thuật (đón khách 2 tuần/lần). Trong số những khách đầu tiên tới tư dinh của Tổng thống Sanchez Ceren có các nhà hoạt động nhân quyền và người thân của những nạn nhân trong cuộc nội chiến ở El Salvador hồi thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước.

Cựu Tổng thống Francisco Flores.

Và Tổng thống cánh tả đầu tiên của El Salvador là ông Mauricio Funes, xuất thân từ cựu phóng viên truyền hình. Tuy là người theo cánh tả, nhưng tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mauricio Funes, người ta thấy sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Washington từng ủng hộ nhóm đảo chính lật đổ chính quyền do quân đội cầm đầu trong một thời gian dài tại El Salvador hồi cuối thập niên 70 của thế kỷ trước.

Và sự có mặt của bà Hillary Clinton khi đó cho thấy, Washington muốn tìm cách hợp tác với một nhân vật cánh tả ôn hòa ở Mỹ Latin. Bởi ông Mauricio Funes đã đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 15-3-2009, sau khi giành được 51,3% số phiếu ủng hộ. Trong khi đó, đối thủ của ông Mauricio Funes là cựu chỉ huy trưởng cảnh sát Rodrigo Avila, người thuộc đảng Liên minh Cộng hòa Quốc gia cầm quyền Arena, chỉ giành được 48,7% số phiếu bầu.

Cựu Tổng thống El Salvador Francisco Flores.

Khi đó ông Rodrigo Avila hy vọng đắc cử để tiếp tục chính sách của các chính phủ bảo thủ đã liên tục nắm quyền tại El Salvador từ năm 1992. Nhưng chiến thắng của ông Mauricio Funes đã đặt dấu chấm hết, kết thúc sự lãnh đạo gần 2 thập kỷ trước đó của cánh hữu. Và dư luận coi chiến thắng của cựu phóng viên truyền hình là sự thay đổi quyền lực gây chấn động tại đất nước nghèo khổ, đầy bạo lực và tham nhũng.

El Salvador vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha và trong một thời gian khá dài, quốc gia Trung Mỹ này nằm dưới sự điều hành của tướng lĩnh quân đội. Mãi tới năm 1979, nhóm đảo chính mới lên cầm quyền và được Mỹ ủng hộ. Nhưng cuộc cải cách ruộng đất do Tổng thống J.N.Duarte tiến hành từ năm 1981 lại khiến El Salvador rơi vào nội chiến.

Sau khi chấm dứt 11 năm nội chiến, tới năm 1994, ông Armando Calderon Sol trở thành Tổng thống. 5 năm sau (1999), ông Francisco Flores trở thành Tổng thống. Và gần 2 năm sau (từ tháng 1-2001), Tổng thống Francisco Flores đã có quyết định mang tính lịch sử khi cho phép sử dụng đồng USD thay thế đồng colong nội tệ.

Mạnh Phong-Nhiệm Bình

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文