Interpol hỗ trợ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt do tham nhũng

11:00 19/03/2015
Tham nhũng đã và đang là vấn nạn đau đầu với toàn cầu, là thách thức lớn đối với lực lượng thi hành pháp luật các nước trên thế giới. Số tiền mà tội phạm tham nhũng chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm, gây thiệt hại to lớn về kinh tế và an ninh trật tự cho mỗi nước.

Một trong những hướng ưu tiên của cảnh sát các nước khi điều tra tội phạm về tham nhũng là phải thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó vì tội phạm về tham nhũng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, che giấu tài sản dưới rất nhiều hình thức như đầu tư rửa tiền ở nước ngoài, cho người khác đứng tên tài sản, gửi vào các tài khoản bí mật ở các ngân hàng nước ngoài… Do vậy, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế cao của lực lượng cảnh sát các nước mới có thể thu hồi hiệu quả tài sản bị tội phạm về tham nhũng chiếm đoạt.

Bắt giữ đối tượng phạm tội về tham nhũng.

Từ tháng 4/2014, Interpol đã thiết lập mạng lưới có tên "Tiêu điểm toàn cầu" nhằm hỗ trợ cảnh sát các nước thu hồi tài sản bị tội phạm tham nhũng chiếm đoạt. Để tham gia mạng lưới này, cảnh sát và lực lượng thực thi pháp luật các nước thành viên phải đăng ký và phải được Ban Tổng thư ký Interpol đồng ý, cấp lệnh và mật khẩu truy cập cơ sở dữ liệu để bảo đảm tính bảo mật điều tra. Mạng lưới sẽ có cơ sở dữ liệu cập nhật, hệ thống chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ pháp lý và điều tra, điều phối điều tra quốc tế, thông báo các thủ đoạn mới…

Mạng lưới cũng có sự kết nối và trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức có chức năng thu hồi tài sản bị tội phạm tham nhũng chiếm đoạt. Cho đến nay, đã có 105 lực lượng cảnh sát các nước thành viên Interpol đăng ký tham gia mạng lưới này.

Khi tham gia mạng lưới "Tiêu điểm toàn cầu", cảnh sát các nước sẽ có cơ hội chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và được hỗ trợ điều tra tội phạm về tham nhũng. Toàn bộ lệnh truy nã quốc tế các đối tượng tham nhũng sẽ được cập nhật cùng với thông báo về yêu cầu đóng băng tài sản tham nhũng của cảnh sát các nước thành viên để kịp thời ngăn chặn đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản.

Một ban điều phối hoạt động 24/24 giờ sẽ thường xuyên tiếp nhận thông tin và hỗ trợ cảnh sát các nước trong hoạt động điều tra quốc tế và thu hồi tài sản bị tội phạm tham nhũng chiếm đoạt. Nhóm công tác gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Interpol trong lĩnh vực này cũng sẵn sàng trực tiếp đến hỗ trợ cảnh sát các nước trong các vụ án khó, phức tạp, có tính xuyên quốc gia. 

Đồng thời, thông qua hệ thống liên lạc đặc dụng có tính bảo mật tối tân mang tên I-SECOM, cảnh sát các nước thành viên Interpol có thể trực tiếp trao đổi qua điện thoại hoặc email với Tổng hành dinh Interpol hoặc song phương về thông tin có liên quan đến tội phạm tham nhũng, yêu cầu hỗ trợ điều tra, tương trợ tư pháp về hình sự trong hoạt động bắt giữ tội phạm, thu hồi tài sản bị tham nhũng chiếm đoạt…, giảm đáng kể được thời gian và công sức nếu theo phương pháp hành chính và ngoại giao trước kia, đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, kịp thời đấu tranh chống tội phạm.

Một cơ sở dữ liệu về các tài khoản đáng ngờ liên quan đến tội phạm tham nhũng (STAR) cũng được Interpol thiết lập với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới (WORLD BANK) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC). Khi sử dụng cơ sở dữ liệu này, cảnh sát các nước có cơ sở so sánh, căn cứ truy nguyên và lần ra nơi tội phạm tham nhũng có thể cất giấu, tẩu tán tài sản để phối hợp cảnh sát quốc tế kịp thời thu hồi.

Hiệu quả hoạt động của “Tiêu điểm toàn cầu” đã được chứng minh trong thực tế. Hàng ngàn vụ tham nhũng lớn có tính quốc tế, xuyên quốc gia đã được Interpol hỗ trợ cảnh sát các nước điều tra thành công, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội và thu hồi được số tài sản bị chiếm đoạt trị giá hàng tỷ USD. Ý nghĩa to lớn hơn đó là sự cảnh báo tội phạm tham nhũng sẽ không có vùng cấm, không có nơi an toàn nào trên toàn cầu cho chúng có thể che giấu tài sản bị chiếm đoạt.

Hoàng Đoàn

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文