Bí mật trại X trong Chiến tranh thế giới thứ 2
Mặc dù được chính thức gọi là Trung tâm đào tạo bí mật 103, nhưng cơ sở được biết đến nhiều hơn với biệt danh phản ánh tính chất bí mật cao của các hoạt động của nó. Trại X được thành lập bởi một nỗ lực chung giữa Chính phủ Anh và Canada và bắt đầu hoạt động vào ngày 6-12-1941, ngay trước khi Mỹ tham chiến.
Trại X nhằm tăng cường hỗ trợ tình báo giữa Mỹ và Anh, mặc dù về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn trung lập về chính trị vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau vụ đánh bom Trân Châu Cảng – tức 1 ngày sau khi Trại X chính thức mở cửa - nước Mỹ không còn trung lập, bắt đầu tham gia trực tiếp cả vào cuộc chiến và đào tạo điệp viên.
Trại X từ trên không vào năm 1943. |
Hơn 500 sĩ quan tình báo Đồng minh đã được đào tạo tại Trại X và hầu hết được chuẩn bị cho các nhiệm vụ đặc biệt đằng sau chiến tuyến kẻ thù. Những kỹ năng huấn luyện bao gồm ám sát bí mật, chiến đấu không vũ trang, phá hoại và cách nhận ra những người ủng hộ tiềm năng của các phong trào kháng chiến có thể giúp quân Đồng Minh trong nhiệm vụ tình báo.
Họ cũng được đào tạo về phương pháp tìm kiếm những tân binh phù hợp. Do tính chất rất nhạy cảm của việc tuyển dụng, cơ sở đào tạo phải được thực hiện thông qua các liên hệ trực tiếp hoặc thông qua các kênh được biết và tin cậy. Các kỹ năng khác được dạy tại trại bao gồm phá hủy những cơ sở quân sự quân Đức, đọc bản đồ và mã Morse.
Chương trình huấn luyện cũng bao gồm cả khía cạnh thể chất và tâm lý. Các tân binh ban đầu hoàn thành 10 tuần huấn luyện về tất cả các khía cạnh của tình báo và gián điệp. Sau này, một số người sẽ tiếp tục đào tạo chuyên sâu thêm trong khi những người khác đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đầu tiên của họ.
Ban đầu, tân binh chủ yếu đến từ Canada và bao gồm nhiều quốc tịch khác nhau. Canada có một lượng lớn người nhập cư châu Âu, những người cung cấp một loạt các kỹ năng ngôn ngữ hữu ích. Sau đó, các tân binh đến từ Nam và Trung Mỹ và Mỹ. Một số điệp viên Anh cũng được đào tạo ở Trại X.
Những nhân vật nổi tiếng đã đi qua Trại X bao gồm nhà văn Roald Dahl, người cũng là một phi công hạng Ace trong Chiến tranh thế giới lần 2. Nhà biên kịch Paul Dehn là một tân binh khác. Dehn đã viết kịch bản cho một số bộ phim gián điệp bao gồm “Goldfinger” (Ngón tay Vàng) và “The Spy who came in from the Cold” (Điệp viên đến từ Vùng đất lạnh).
Dehn giữ cấp bậc Thiếu tá và giữ vai trò của Sĩ quan Chiến tranh Chính trị. Người ta cũng đã suy đoán rằng Ian Fleming, cha đẻ của nhân vật điệp viên James Bond nổi tiếng, từng tham dự Trại X. Mặc dù Fleming làm việc cho Tình báo Hải quân Anh trong chiến tranh - nhưng mối liên hệ của nhà văn với trại vẫn còn đang trong vòng tranh cãi.
Một trong những phần quan trọng nhất của Trại là “Hydra”. Được đặt theo tên của con rắn nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp. Hydra là trung tâm liên lạc tinh vi được tạo lập để thu thập thông tin tình báo và truyền thông tin quan trọng. Vị trí của Hydra phù hợp với mục đích của nó do nhận được tín hiệu vô tuyến rõ ràng, mạnh mẽ. Tòa nhà trông khá bí ẩn. Đó là một cấu trúc 4 mặt đơn giản và hoàn toàn mở ở bên trong. Tất cả các cửa sổ được đặt cao trên mặt đất khoảng hơn 2 mét do tính chất bí mật của những gì diễn ra bên trong.
Lối vào duy nhất thông qua 2 cửa trước lớn được thiết kế để cho phép các thiết bị lớn được đưa vào và ra. Những bộ não đằng sau Hydra là kỹ sư điện tử người Canada tên là Benjamin de Forest Bayly.
Tại đây, các tân binh được đào tạo về phá mã, và những thành viên giỏi nhất vẫn ở lại làm việc trong Hydra thay vì được phái đi làm nhiệm vụ trên chiến trường.
Cả nam giới và phụ nữ đều đóng một vai trò quan trọng trong khu vực Hydra của Trại X. Hydra thường xuyên truyền đạt thông tin đến đối tác Anh là Aspidistra - một máy phát vô tuyến khổng lồ đặt trong một hầm ngầm bí mật ở hạt Sussex nước Anh.
Trong số các thông tin tình báo nhận bao gồm hàng loạt thông điệp tin nhắn nhạy cảm từ tàu ngầm Đức. Nhiều thông điệp trong số đó đã bị chặn bởi các đặc vụ làm việc ở Nam Mỹ, những người trước đây từng được huấn luyện tại Trại X.
Các thông điệp bị chặn sẽ được mã hóa lại bởi các điệp viên thu thập và sau đó gửi đến người viết mã ở Trại X để tiếp tục mã hóa. Các tin nhắn được mã hóa cũng được gửi đến trung tâm phá mã của Anh tại Bletchley Park (tọa lạc ở hạt Buckinghamshire miền nam nước Anh) để được các chuyên gia mới được đào tạo tại Hydra xử lý.
Sau chiến tranh, Hydra là phần duy nhất của Trại X vẫn được tiếp tục sử dụng. Lúc đó, Hydra được đổi tên thành Trạm không dây Oshawa và là trung tâm đánh chặn tín hiệu điện tử phục vụ cho Quân đoàn Tín hiệu Hoàng gia Canada (RCCS).
Trong thời gian này, trạm được sử dụng chủ yếu để “nghe” chứ không phải để “truyền”. Trung tâm này đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng chia sẻ thông tin tình báo sau Chiến tranh thế giới lần 2 của Canada, được biết đến với cái tên gọi là “Five Eyes” - liên minh hợp tác tình báo giữa 5 quốc gia: Canada, Anh, Mỹ, Australia và New Zealand.
Hydra ngừng hoạt động vào năm 1969 và từ đó Trại X không còn là nơi đào tạo các kỹ năng gián điệp thực tế như trong chiến tranh. Nhiều tài liệu nhạy cảm về Hydra và Trại X đã bị phá hủy vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh vì lý do an ninh. Khi cơ sở ngừng hoạt động vào năm 1969, các tòa nhà đã bị phá đổ xuống Hồ Ontario.
Hiện nay, một tượng đài được dựng lên trên khu vực Trại X ngày xưa và được gọi là Intrepid Park (Công viên Dũng cảm) nhằm tôn vinh những người đàn ông và phụ nữ được huấn luyện và làm việc ở đó đồng thời cũng để tưởng nhớ những đóng góp quan trọng của họ trong chiến tranh.