Bìm leo khi giậu chưa đổ

09:00 09/07/2015
Con số 9 triệu USD/ngày trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà Mỹ mới hé lộ đang khiến dư luận băn khoăn về hiệu quả thực của các chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria.

Thống kê cho thấy, gần một năm kể từ khi nhận được sự đồng ý của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cho phép không kích các căn cứ của IS trên đất Syria, thắng lợi duy nhất mà Mỹ thu được mới chỉ dừng ở việc tiêu diệt được một thủ lĩnh cấp cao của IS là Abu Sayyaf và giành lại quyền kiểm soát thành phố vùng biên Kobani.

Nhưng bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ cho cái gọi là một cuộc chiến chống khủng bố. Nhiều người đã đặt câu hỏi, phải chăng chống IS chỉ là một chiêu thức làm bình phong cho việc Mỹ xây dựng quân đội của lực lượng chống đối để sớm lật đổ Chính phủ Syria?

Tiêu diệt hay nuôi dưỡng?

Theo thống kê của tổ chức Giám sát nhân quyền ở Syria (SOHR), cuộc chiến chống IS của Mỹ tại Syria dường như chỉ đem lại lợi nhuận cho các công ty vũ khí của Mỹ chứ chưa thực sự hiệu quả và đem lại cuộc sống mới cho người dân Syria.

Các chiến binh của lực lượng chống đối ở Syria được CIA đào tạo bài bản và hỗ trợ vũ khí từ năm 2013. Ảnh: Reuters.

Nói thế là bởi lẽ, hàng chục tên lửa Tomahawk cùng các máy bay ném bom hiện đại với những loại bom thông minh trị giá hàng triệu USD chỉ đổi được vài trăm mạng chiến binh IS. Cái giá này quá đắt.  Cho đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được thành công duy nhất là tiêu diệt được thủ lĩnh cấp cao của IS Abu Sayyaf và giành lại quyền kiểm soát thành phố vùng biên Kobani.

Tuy nhiên, việc chiếm lại được Kobani công đầu lại thuộc về lực lượng dân quân người Kurd. Chỉ vài nét sơ lược thôi cũng đủ thấy Mỹ thực sự chưa đạt được hiệu quả gì trong cuộc chiến chống IS. Ngược lại, IS ngày càng mở rộng hoạt động, tạo thành một liên minh chặt chẽ với nhiều tổ chức khủng bố và vũ trang khác như mạng lưới Al-Qaeda, các chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Arập, phong trào Taliban ở Pakistan và Afghanistan, nhóm khủng bố Boko Haram ở Nigeria…

Chưa hết, một tài liệu mật của cơ quan tình báo được một số tờ báo của Mỹ đăng tải hồi cuối tháng 5 còn chỉ rõ rằng, Mỹ đã "nuôi dưỡng" IS nhằm mục đích lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Nay khi IS đang vượt khỏi tầm kiểm soát thì Washington lại thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế vào cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố" để từ đó rảnh rang viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Syria xây dựng đội quân hùng mạnh cho mục đích đảo chính.

Cụ thể, tổ chức pháp lý phi lợi nhận Judicial Watch của Mỹ cho hay, từ một vụ khởi kiện liên bang, họ đã có một phần tài liệu mật từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó khẳng định: IS là sản phẩm của Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (DIA). Báo cáo này được soạn thảo ngày 12/8/2012, đóng dấu "mật", "không  chia sẻ với nước ngoài (Secret/Noforn)" mà chỉ được phổ biến tới các cơ quan trọng yếu trong chính quyền Mỹ như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), Bộ An ninh Nội địa (DHS), Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM)…

Trong báo cáo có một trích đoạn viết rằng: "Có khả năng sẽ hình thành nên một nhà nước được tuyên bố hoặc không được tuyên bố của phong trào hồi giáo Selafist ở miền Đông Syria (vùng Hasaka và Der Zor). Và đó chính là điều mà các cường quốc bên ngoài hậu thuẫn phe đối lập mong muốn, nhằm cô lập chính quyền Syria". Một điểm đáng chú ý là báo cáo còn thừa nhận rằng từ năm 2012, Mỹ đã có dự đoán về sự trỗi dậy của IS nhưng không hề chia sẻ thông tin này với các cơ quan tình báo khác mà lại được coi như là "động lực chi phối phong trào đối lập ở Syria".

Được biết, hồi năm 2013, tờ Al-Hayat cũng từng đưa tin về việc Mỹ sử dụng mạng lưới khủng bố Al-Qaeda để chống Syria. Khi đó, chính quyền Washington thường xuyên hỗ trợ và rót tiền cho một nhóm dân quân Hồi giáo có quan hệ với Al-Qaeda là Jabhat al-Nusra. Nhóm này có trong tay khoảng 10.000 chiến binh ở Syria và Mỹ đã giúp mở rộng mạng lưới hoạt động bằng cách thu hút thêm nhiều chiến binh của các nhóm Hồi giáo vũ trang nhỏ khác ở Syria gia nhập Jabhat al-Nusra.

Những khoản tiền khổng lồ

Trong một cuộc họp hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí cắt giảm đến 20% nguồn tài chính bí mật cung cấp cho chương trình của CIA tại Syria. Từ đây, người ta mới biết rõ hơn về việc mỗi năm CIA chi tới gần 1 tỉ USD cho các gọi là việc vũ trang và huấn luyện lực lượng chống đối ở quốc gia Trung Đông này.

Theo đó, các tay súng thuộc lực lượng chống đối ở Syria mà Mỹ huấn luyện để chống lại IS được trả lương từ 250-400USD/tháng, phụ thuộc vào khả năng và cấp bậc của từng người. Hiện Washington đã huấn luyện cho 200 quân nổi dậy ở Syria và tuyển mộ thêm 1.500 người khác. Khoảng 6.000 tay súng khác ở Syria cũng đang tình nguyện góp mặt trong chương trình đào tạo quân sự của Lầu Năm Góc. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steve Warren còn cho biết thêm, việc huấn luyện này được thực hiện từ tháng 5 và được tiến hành tại các căn cứ quân sự ở các nước lân cận, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng trên thực tế, CIA đã bí mật đào tạo quân cho lực lượng chống đối ở Syria từ năm 2013, và các tuyên bố mới này chỉ mang tính "hình thức" nhằm che đậy âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Nguồn tin từ tờ Indedpendent cho hay, đơn vị đặc biệt của lực lượng chống đối Syria do CIA đào tạo được tiến hành tại Jordan và đã bí mật trở về nước hồi giữa năm 2013.

Một thành viên của đơn vị này kể rằng, trong khóa học kéo dài 2 tuần, họ đã được các chuyên gia CIA huấn luyện bài bản và được trang bị những vũ khí tối tân bậc nhất của quân đội Mỹ, được dạy sử dụng súng 14,5mm do Nga thiết kế để chống lại xe tăng, tên lửa chống tăng và vũ khí chống máy bay 23mm… Tiếp sau khóa học đầu tiên này, các lực lượng tình báo của Anh, Pháp cũng đã hỗ trợ CIA mở các đợt huấn luyện khác tại Jordan với số lượng thành viên của lực lượng chống đối Syria tham gia mỗi đợt là 50 người.

Riêng về việc trả lương cho các thành viên của lực lượng chống đối, một nhà ngoại giao Arập đã hé lộ thông tin rằng, việc này được thực hiện từ năm 2012 khi Mỹ, Arập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ phân chia phạm vi viện trợ quân sự cho lực lượng đối lập. Người Mỹ giúp vũ khí, nhân lực đào tạo; hai chế độ quân chủ Arập cung cấp tiền và Thổ Nhĩ Kỳ cho mượn lãnh thổ. Việc cung cấp tiền của Arập Xêút và Qatar chính là trả tiền lương cho chiến binh thuộc lực lượng đối lập Syria theo một thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước. Khi đó, trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Hãng ABC, một chiến binh của lực lượng chống đối Syria tên là Brahim cho biết, nhóm chiến binh của anh nhận lệnh từ thủ lĩnh Abdel Hakim Belhadj, đến Syria tìm gặp thủ lĩnh của nhóm Quân đội Syria tự do.

Tại đây, Brahim đã gặp cựu Tư lệnh Lữ đoàn Tripoli của LIFG là Mehdi al-Hatari (nhân vật hành động tích cực trong phong trào "Mùa xuân Arập") cùng với nhiều thủ lĩnh của các nhóm quân nổi dậy ở nước này và được biết rằng, chính CIA đã đưa Mehdi al-Hatari từ Libya về Syria để phụ trách lực lượng tinh nhuệ của Lữ đoàn Tripoli do các chuyên gia cố vấn của CIA và Qatar đào tạo.

Mehdi al-Hatari đã kể lại với Brahim rằng, từ tháng 9/2011 đến trước khi tới Syria, hắn đã cùng với một số nhân viên CIA đi "thị sát" tình hình tại Bahrain, Sudan, Ankara; nhằm củng cố các cơ sở của CIA tại những quốc gia này và chuẩn bị cho một chiến dịch mới do CIA giật dây. Sau đó, khi trở về Libya, Mehdi al-Hatari nhận trách nhiệm tuyển mộ đội lính đánh thuê sang Syria với chi phí khoảng 30.000 USD/người… Từ đây, người ta mới bắt đầu lý giải được tại sao CIA mới chỉ đào tạo chiến binh của lực lượng nổi dậy của Syria chống IS từ tháng 5 nhưng số tiền 1 tỉ USD đã được cơ quan này chi từ cách đây vài năm.

Giám đốc CIA John Brennan khi được hỏi về vấn đề này đã giải thích rằng lý do viện trợ cho phe nổi dậy tại Syria vì không muốn thấy chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ trong hỗn loạn có thể tạo cơ hội cho các phần tử Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền. Nhưng khó ai có thể tin vào những biện luận này bởi không ít lần, Mỹ đã tuyên bố quan điểm của nước này là ông Bashar al-Assad không nên nắm giữ vai trò gì trong tương lai của Syria.

Ngọc Khuê (tổng hợp)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文