Kia
Mobifone

Cơ quan Tình báo Stasi có hàng ngàn điệp viên ở CHLB Đức

Thứ Sáu, 09/12/2011, 21:45

Cơ quan tình báo danh tiếng của CHDC Đức thời Chiến tranh lạnh đã quản lý một mạng lưới gián điệp có quy mô lớn hơn người ta vẫn tưởng. Mạng lưới này có hàng chục ngàn nhân viên thực hiện việc do thám đối với các đồng nghiệp và bè bạn của họ.

Một chương lãng quên trong lịch sử

Theo nguồn tin được tiết lộ mới đây, Stasi, Cơ quan  tình báo danh tiếng của CHDC Đức thời Chiến tranh lạnh đã quản lý một mạng lưới gián điệp có quy mô lớn hơn người ta vẫn tưởng. Mạng lưới này có hàng chục ngàn nhân viên thực hiện việc do thám đối với các đồng nghiệp và bè bạn của họ. Trong các nhân viên đó có một mục sư đã trình lên các báo cáo về một thanh niên có tên là Joseph Ratzinger.

Mục sư của thành phố Dorsten ở Tây Đức Josef Frindt đã ra đi ở tuổi 81. Với mật danh "Erich Neu"  mục sư đã cung cấp 95 báo cáo và một số trong đó là tin tức về một đồng nghiệp đầy triển vọng lúc bấy giờ là Joseph Ratzinger, người hiện đang là Giáo hoàng Benedict XVI. Frindt, là học viên và sau đó giảng dạy tại thành phố Münster đã cung cấp những thông tin về những con người có triển vọng phát triển trong các nhà thờ lúc bấy giờ cho Cơ quan mật vụ.

Hai năm sau khi Frindt qua đời, Cơ quan nghiên cứu hồ sơ Stasi liên bang đã khám phá ra các hoạt động hợp tác với tình báo CHDC Đức của Frindt. Sự tiết lộ này gây chấn động đối với Công đoàn Thiên chúa, nơi Frindt sinh sống ở Dorsten. Nhiều người đã cho rằng đây là chuyện không thể ngờ được. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Những tiết lộ về hoạt động thu thập tin tức của Cơ quan tình báo CHDC Đức Stasi là một điều lạ lẫm đối với những người ở CHLB Đức cũ. Danh từ cộng tác viên không chính thức thu thập thông tin trong nhân dân được mọi người biết đến và các báo cáo họ cung cấp cho Stasi được coi như là vấn đề riêng của CHDC Đức. Chính vì thế mà điệp viên trong lòng CHLB Đức như trường hợp mục sư Frindt trở thành một chương bị lãng quên trong lịch sử nước Đức.

Lãnh đạo của Stasi Markus Wolf (phải) cùng đồng nghiệp năm 1985.

Ủy ban phụ trách về vấn đề hồ sơ của Stasi sẽ xuất bản một cuốn sách về HVA, một nhánh của Cơ quan mật vụ điều hành mạng lưới ở nước ngoài do Markus Wolf, một điệp viên huyền thoại, lãnh đạo. Cuốn sách sẽ hé lộ về các hoạt động thực chất của Stasi ở CHLB Đức mà nhờ đó có thể tái hiện được những chi tiết chưa từng được biết đến về việc Stasi đã điều hành mạng lưới của mình như thế nào. Tổ chức này có 149 cộng tác viên ở Bonn, thủ đô của CHLB Đức cũ và 542 nhân viên ở Tây Berlin.

Những cái tên chưa được biết đến

Vào tháng 12/1988, có 1.929 công dân Tây Đức làm cộng tác viên hoặc kết nối với  CHDC Đức (GDR). Cho đến nay chỉ có một vài vụ điển hình mới được đưa ra ánh sáng. Đó là trường hợp của Willy Brandt, trợ lý của thủ tướng Günter Guillaume, người đã trở thành cộng tác viên của Stasi. Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức và các cơ quan cao cấp nhất của Đức cũng có mật vụ của Stasi.

Qua 40 năm hoạt động, HVA đã có khoảng 12.000 cộng tác viên không chính thức ở hầu khắp CHLB Đức. Một nhà nghiên cứu về Stasi, Helmut Müller-Enbergs đã bắt đầu điều tra về các cộng tác viên vùng Münster.

Stasi quan tâm đến vùng này bởi 2 lý do: Đây là căn cứ quan trọng của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, một đảng phái chính trị trung hữu và nơi đây còn có một trường đại học của cánh tả. Lãnh đạo của Stasi, Erich Mielke đã yêu cầu nhân viên tìm được cộng tác viên trong phái bảo thủ. Họ đã quan hệ mật thiết với cảnh sát, quân đội và tuyển lựa những sinh viên đầy hứa hẹn sau này có thể trở thành lãnh đạo của CHLB Đức và do đó trở thành cộng tác viên quan trọng của Cơ quan mật vụ CHDC Đức.

Dễ bị đe dọa?

Stasi có một mạng lưới rộng trong các nhà thờ, các nhóm Thiên chúa, nhà xuất bản ở Münster. Tài liệu lưu trữ gần đây tiết lộ cộng tác viên Erich Neu chính là mục sư Frindt. Là thành viên của giáo xứ Münster, mục sư đã làm quen với Werner Thissen, người sau này là Tổng giám mục Hamburg. Ông ta quen biết Ratzinger, người vốn có quan hệ mật thiết với Rome.

Động cơ nào khiến vị mục sư cộng tác với Stasi? Có thể ông ta cộng tác với Stasi để cải thiện mối quan hệ với người chị gái đang sống ở CHDC Đức hoặc có thể vì ông ta là tay nghiện rượu nên dễ bị khống chế chăng?

Tiền bạc cũng đóng vai trò nhất định đối với nhiều cộng tác viên ở CHLB Đức. Ở Münster, Stasi quản lý một mạng lưới cộng tác viên ở các cơ quan của chính phủ. Có ba doanh nhân ở Münster cũng là mục tiêu mà Stasi nhắm đến. Phần lớn các tin tức được báo cáo  có nguồn từ Đại học Münster. Một cộng tác viên có mật danh "Park" làm tại thư viện  trường đại học này cung cấp các tài liệu đặc biệt về các cá nhân. Tóm lại, Stasi muốn tìm được những điệp viên tiềm năng có thể có ích cho CHDC Đức trong tương lai.

Một vài cộng tác viên CHLB Đức vẫn tự hào về công tác của họ đối với Stasi. Peter Wolter là một ví dụ. Là sinh viên triết học và xã hội học tại Trường đại học Münster vào những năm 70 thế kỷ XX, anh tham dự nhóm cộng sản có tên là "Spartacus", nhóm này được CHDC Đức bí mật tài trợ. Peter sang CHDC Đức thường xuyên và trở thành cộng tác viên của HVA.

Anh ta tạo vỏ bọc là một nhà báo làm việc cho Cơ quan báo chí Đức (DPA) và nắm giữ vị trí quan trọng tại Hãng tin Reuteur. Stasi đặc biệt quan tâm đến những quan hệ của Wolter ở Văn phòng Bảo vệ Quốc hội ở Cologne. Peter cộng tác với Đông Berlin trong 12 năm.

Peter sớm bị bắt sau ngày nước Đức thống nhất. Anh ta thừa nhận là làm việc cho Stasi nhưng khăng khăng mình không phải là gián điệp. Hơn thế, Peter còn tự nhận mình là một "trinh sát". Một tòa án ở Düsseldorf đã kết án Peter Wolter 2 năm thử thách. Cho đến giờ, Peter vẫn bào chữa cho công việc của mình ở Stasi. Anh ta nói rằng mình đã "giúp châu Âu có nửa thế kỷ hòa bình"

Lương Lan (tổng hợp)

.
.