Đường trường xương máu tiến về Berlin: “Chiến tranh đã kết thúc!”
Bộ Tư lệnh Hồng quân từ trước đã vạch ra nhiệm vụ quan trọng là tiến tới con sông này và liên kết với một nhóm quân bất kỳ của phe Đồng minh với mục đích phá vỡ kế hoạch của giới chóp bu chính quyền Đức Quốc xã đang muốn kéo dài chiến tranh, thực hiện âm mưu ký kết những hiệp ước hòa bình riêng rẽ với Anh hoặc Mỹ.
Các cựu chiến binh Mỹ sau này nhớ lại rằng, cuộc hội ngộ với những người lính Hồng quân bên sông Elber diễn ra rất nồng ấm đúng với tinh thần của những người lính trên cùng một chiến tuyến. Các chiến sĩ Xôviết rót mời lính Mỹ những cốc rượu Vodka lừng danh của xứ Bạch dương, còn người Mỹ hậu hĩnh khoản đãi "các anh em" bằng món thịt hộp.
Hitler bước ra khỏi hầm ngầm để quan sát cảnh đổ nát sau trận ném bom của lực lượng Đồng minh. Ảnh: Business Insider. |
Nhưng những thiện chí được biểu hiện trong cuộc hội ngộ giữa 2 cánh quân đó không phải là sự kiện đánh dấu tình gắn kết chiến đấu của một liên minh trước kẻ thù chung - chủ nghĩa phát xít. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi: vì sao các đồng minh Anh và Mỹ của Liên Xô trong phe chống phát xít đã không tham gia chiến dịch công phá Berlin đến cùng.
John Fuller, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Anh đã gọi quyết định từ chối đánh chiếm Berlin của D. Eisenhower, vị chỉ huy quân Đồng minh là "một trong những quyết định kỳ quặc nhất trong lịch sử quân sự".
Thật ra, trong bức điện tín mật gửi cho D. Roosevelt ngay từ ngày 1-4-1945, Thủ tướng Anh W. Churchill đã đặt câu hỏi: "Chúng ta có cần đánh chiếm Berlin sớm hơn Hồng quân Liên Xô không?". Thủ tướng Anh đã hiểu và hình dung ra việc hình thành sắp xếp cấu trúc thế giới thời hậu chiến là việc không chỉ riêng của châu Âu mà là của cả thế giới.
Ngay trước khi chiến tranh kết thúc, W. Churchill đã lên kế hoạch thành lập một khối quân sự cùng Mỹ nhằm kiềm hãm và chặn đứng sức ảnh hưởng của Liên Xô - một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Hiển nhiên là W. Churchill trung thành với quyền lợi của đế chế Anh, nhưng xuất phát từ chiến lược chung của phe Đồng minh, có thể sẽ tốt hơn nếu ông chịu lắng nghe tiếng nói của công luận xã hội tại chính đất nước mình.
Giáo sư - tiến sĩ sử học Mikhail Myagkov thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Moscow nhận xét. "Cả tại Mỹ lẫn tại Anh vào thời gian đó đều ủng hộ quan hệ thân thiện với Liên Xô trong thời hậu chiến, quan điểm như vậy là của hơn 75% người dân. Lực lượng tiến bộ tại những nước này cho rằng, đóng góp quyết định vào chiến thắng chủ nghĩa Quốc xã chính là của Liên Xô. Thế nhưng, đáng tiếc là người ta đã nhanh chóng quên đi điều đó".
Trở lại với diễn biến cuộc chiến - Berlin đã trong vòng vây dày đặc. Hồng quân Xôviết bắt đầu giai đoạn tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của Đức Quốc xã ở mọi ngóc ngách nội đô. Berlin không dễ dàng bị khuất phục trong một sớm một chiều - quân Đức điên cuồng kháng cự đến cùng. Hai bên giao tranh kịch liệt giành giật từng khu phố, từng ngôi nhà.
Tại đây loại súng chống tăng không giật vác vai Panzerfaust của Đức được phát rộng rãi cho nhiều người dân Đức và các lực lượng bán vũ trang không thể xem thường: chỉ tính riêng trong phạm vi Berlin, qua các trận đánh đường phố, gần 2.000 xe tăng và cơ giới các loại của Liên Xô đã bị phá hủy.
Để "hạ gục" các ổ kháng cự của lính Đức cố thủ trong các ngôi nhà, Hồng quân phải tách nhỏ các đơn vị xe tăng và pháo binh, các đơn vị bộ binh được chọn làm mũi quân xung kích và hỗ trợ các cánh đại bác, xe tăng nã pháo thẳng vào các ô cửa sổ.
Trận này, Hồng quân lại chứng tỏ kinh nghiệm hơn hẳn đối phương: Họ tiêu diệt các khu kho tàng đạn dược trước tiên, sau đó chia nhỏ các khu vực kháng cự, tập trung hỏa lực cô lập và tiêu diệt dứt điểm từng khu. Quân Đức dù chống cự rất quyết liệt đến cùng nhưng khi hết đạn thì hoặc phải tự sát hoặc đầu hàng. Hơn nữa, các toán lính Đức cố thủ trong các dãy phố đã không còn vũ khí hạng nặng, không thể đấu lại được với xe tăng, máy bay và đại bác của Hồng quân.
Cũng trong ngày 28-4: Bộ Tuyên truyền Đức bắt được bản tin của đài BBC ở London với nội dung: Trùm mật thám Himmler đã bí mật tiến hành thương lượng để đề nghị quân đội Đức ở miền Tây đầu hàng quân Mỹ. Đối với Hitler, người không bao giờ ngờ vực lòng trung thành tuyệt đối của Himmler, đây là đòn đau đớn nhất. Ngoài kia, những toán SS và lực lượng dân quân tự vệ Volkssturm dần dần bị đẩy khỏi các khối nhà.
Đến ngày 29, toàn bộ lực lượng vũ trang còn lại của Đức, chủ yếu là các đơn vị SS trung thành nhất tập trung dày đặc tại khu vực nhà Quốc hội Đức (Reichstag) và Văn phòng đế chế (Reichschancellery), nơi có hầm ngầm của Hitler.
Từ trưa ngày 29-4 diễn ra trận đánh cuối cùng chiếm tòa nhà Quốc hội Đức. Được pháo binh và không quân hỗ trợ bằng các đợt nã pháo phủ đầu, các đơn vị bộ binh Hồng quân xông lên cận chiếm Reichstag. Chiến sự cực kỳ ác liệt và không khoan nhượng, hai bên giành giật từng căn phòng, từng đoạn cầu thang, từng tầng lầu.
Tới chiều ngày 30-4, một tổ xung kích của Hồng quân mới lọt được vào tòa nhà và vào lúc 21 giờ 50 phút ngày hôm đó, 2 người lính trinh sát Xôviết của Trung đoàn 756, Sư đoàn bộ binh 150 thuộc Tập đoàn quân xung kích số 3, Phương diện quân Belorussia 1: Trung sĩ Mikhail Alexeyvich Egorov (người Nga) và Hạ sĩ Meliton Varlamovich Kantarya (người Gruzia) đại diện cho các dân tộc Xôviết chiến thắng đã cắm lá cờ đỏ in hình búa liềm và ngôi sao vàng - quốc kỳ Liên Xô - lên mái vòm tòa nhà quốc hội của một đế chế đã gây ra Đại chiến thế giới lần II.
Những ngày đầu rút xuống hầm ngầm tại Văn phòng đế chế, Adolf Hilter vẫn mạnh mồm tuyên bố với thế giới rằng, đế chế do ông ta xây dựng "sẽ ngự trị suốt 1.000 năm", tuy nhiên, tính đến thời điểm quốc kỳ của Liên Xô tung bay trên mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức, đế chế Quốc xã do Hitler tạo dựng tồn tại chỉ 12 năm. Bức ảnh chụp Hilter bước ra ngoài boongke cùng một cận vệ để quan sát khung cảnh xung quanh tan hoang sau những trận ném bom của lực lượng Đồng minh và không quân Liên Xô ngay trước khi tự sát được cho là bức ảnh cuối cùng của trùm phát xít.
Phóng viên chiến trường Percy Knauth (trái) của tờ LIFE quan sát đống rác dưới một cái rãnh trong vườn của Thủ tướng Đức, nơi được cho là có xác của Hitler và Eva được chôn sau khi họ tự sát. |
Trước khi chết, Hitler, lúc ấy 56 tuổi, đã kịp làm lễ thành hôn chóng vánh cùng người bạn gái lâu năm Eva Braun, 33 tuổi. Sau lễ cưới, Hitler bắt đầu chuẩn bị bản di chúc cuối cùng và soạn thảo tuyên bố chính trị cùng thư ký Traudl Junge. Ông ta viết: "Tôi và vợ lựa chọn cái chết để tránh nỗi nhục đầu hàng hoặc bị hạ bệ. Mong ước của chúng tôi là được thiêu ngay tức khắc tại nơi tôi làm việc hằâng ngày trong 12 năm".
Cùng ngày, Hitler biết tin đồng minh phát xít người Italia - Benito Mussolini - đã bị hành quyết, xác treo trên đường. Ngồi trên ghế sofa cạnh nhau trong phòng khách dưới hầm, Eva Braun đã uống liều thuốc độc cyanide tự sát, còn Hitler (được cho rằng) đã dùng súng bắn vào đầu mình. Bấy giờ là 15 giờ 30 phút chiều thứ Hai, 30-4-1945, 10 ngày sau sinh nhật thứ 56 của Hitler, 12 năm 3 tháng sau ngày ông ta trở thành thủ tướng của nước Đức và thiết lập Đế chế Thứ ba. Đế chế này chỉ thọ hơn ông ta có một tuần.
Ngày 1-5, ngay trước khi Hồng quân tràn vào Văn phòng đế chế, vợ chồng Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Goebbels tự tay tiêm thuốc độc cho 6 đứa con nhỏ của mình rồi tự sát. Trong di chúc, Hitler trao quyền Tổng thống đế chế (Reichsprasident) cho Đô đốc Karl Donitz và Thủ tướng đế chế (Reichskanzler) cho Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels.
Đại tướng Hans Krebs, người từng là tùy viên quân sự Đức tại Moscow trước chiến tranh, được phái đi gặp lãnh đạo Hồng quân đề nghị đàm phán. Tư lệnh Hồng quân G.K. Zhukov cho phía Đức hơn 1 giờ để ra quyết định đầu hàng không điều kiện. Tối ngày 1-5-1945, sau khi biết tin Chính phủ Đức không chịu đầu hàng, Hồng quân dồn dập tung hỏa lực.
Đến ngày 2-5-1945, Tư lệnh phòng thủ thành phố Berlin - Trung tướng pháo binh Đức Helmuth Weidling - đã ra lệnh giương cờ trắng, tuy trong thành phố vẫn lác đác vang lên những tiếng súng tuyệt vọng từ các ổ kháng cự cuối cùng của quân SS, nhưng Berlin xem như đã hoàn toàn thất thủ.
Ngày 7-5-1945 tại Rheims (Pháp), Đại tướng Alfred Jold, Tổng tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân Đức thay mặt Chính phủ Đế chế của đô đốc Karl Donitz đã ký biên bản đầu hàng các quân đội Đồng minh cùng Hồng quân Liên Xô trước đại diện quân đội Anh, Pháp, Mỹ.
Hai người lính Hồng quân cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. |
Tổng Tư lệnh Tối cao Xôviết, Đại nguyên soái I. Stalin cực lực phản đối thể thức đầu hàng như vậy và yêu cầu nghi thức đầu hàng chính thức phải được diễn ra tại Berlin với đại diện cao nhất của lực lượng vũ trang Đức và dưới sự chủ tọa của đại diện quân đội Hồng quân để xứng đáng với sự đóng góp của Liên Xô vào sự nghiệp chung tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Lãnh đạo các nước Đồng minh nhất trí coi việc ký đầu hàng ngày 7-5 là Tuyên bố đầu hàng sơ bộ và sẽ tổ chức nghi thức ký chính thức đầu hàng của Đức tại Berlin.
Hôm sau, Thống chế Tổng Tư lệnh quân đội Đức Wilhelm Keitel cùng các đại diện hải, lục, không quân, các lực lượng vũ trang Đức đã được đưa đến Berlin. Đêm 8-5, trước các đại diện quân đội Đồng minh, Nguyên soái Liên Xô Georgy Konstantinovich Zhukov thay mặt phía Liên Xô chủ trì nghi lễ ký và tiếp nhận sự đầu hàng chính thức của Đức Quốc xã.
Khi quân Đồng minh tiến vào nước Đức, những trại tập trung đã khiến mọi người lính gan lì nhất phải kinh hoàng khi đối diện hàng trăm nghìn tù nhân không khác những thây ma biết đi và hàng triệu xác chết biến dạng bên trong. Đến mấy mươi năm sau, nhiều người vẫn giận dữ tột độ khi hồi tưởng lại: những bộ xương di động tiều tụy lảo đảo, ý chí sinh tồn là thứ duy nhất mà nhà nước phát xít còn để lại cho họ; những ngôi mộ, hầm và hố chôn tập thể; những dãy lò hỏa thiêu đầy ắp những bộ xương cháy đen, bằng chứng câm lặng của cuộc tàn sát "các tù nhân chính trị" một cách có hệ thống trên quy mô lớn.
Ở trại Ohrdruf do Tập đoàn quân số 3 của Mỹ kiểm soát từ ngày 12-4, tướng George S. Patton, sau khi rảo bước qua những căn phòng chết chóc, những gì lọt vào tầm mắt khiến ông choáng váng. Hôm sau, Patton ra lệnh cho cư dân trong ngôi làng gần đó đến chứng kiến, vì họ khẳng định mình không hề hay biết gì về tình hình bên trong trại tập trung này. Sáng hôm sau, vợ chồng ông trưởng làng treo cổ tự tử.
Trên đường tiến của quân Anh, Chuẩn tướng Hugh Glyn Hughes, sĩ quan quân y cấp cao thuộc Tập đoàn quân số 2 của Anh khi tới một trại tập trung ở Belsen còn vẹn nguyên hồi ức: "Không từ ngữ nào có thể truyền tải nỗi kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến. Trong trại, có 56.000 người còn sống trong 45 căn chòi gỗ. Ai có thể tưởng tượng, tại một nơi chỉ đủ chỗ cho không đầy 100 người lại phải nhồi nhét từ 600 tới 1.000 người bị dày vò vì cái đói, bệnh viêm ruột, sốt Rickettsia, thương hàn và bệnh lao...
Có tới hơn 10.000 cái xác nằm ngổn ngang trong các khu nhà, những hố chôn tập thể, trong các con hào, mương rãnh, bên hàng rào dây thép gai và bên những căn chòi gỗ... Lạy Chúa! Chiến tranh đã kết thúc!".