Giải mật vụ máy bay của CIA bị Sandinista bắn hạ 30 năm trước

10:42 13/10/2017
Ngày 5-10-1986, một máy bay dân sự do phi công người Mỹ là William J. Cooper điều khiển cùng phi công phụ Wallace "Buzz" Sawyer, nhân viên truyền tin người Nicaragua Freddy Vilches và Eugene Hasenfus, cựu lính Thủy quân lục chiến Mỹ, phụ trách thả dù, đã bị quân đội Sandinista, Nicaragua bắn rơi.

Hậu quả là Cooper, Sawyer, Vilches thiệt mạng, Eugene Hasenfus bị bắt. Trong quá trình thẩm vấn, Hasenfus khai nhận ông đang thực hiện một phi vụ viện trợ hàng quân sự cho Contra, một lực lượng chống Sandinista ở Nicaragua do Mỹ thành lập và tài trợ. Quan trọng hơn, Hasenfus còn khai rằng phi vụ được tiến hành bởi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)…

Bài 1: Bàn tay lông lá của CIA

Bối cảnh ra đời của Sandinista

Ngược dòng lịch sử, người Mỹ bắt đầu đặt dấu ấn lên đất Nicaragua là vào năm 1912, sau cuộc “chiến tranh chuối”, đưa Anastasio Somoza Garcia lên nắm quyền, bắt đầu từ năm 1937 với 3 triều đại, gồm: Anastasio Somoza Garcia, Luis Somoza Debayle (con trai đầu của Somoza) và Anastasio Somoza Debayle (con trai thứ) rồi sụp đổ vào năm 1979 sau cuộc cách mạng Nicaragua.

Trong suốt những năm cầm quyền, được sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, gia đình Somoza nổi tiếng về sự cai trị chuyên chế, tham nhũng chính trị cùng những cuộc đàn áp dã man những phong trào chống đối. Chính vì thế, đầu năm 1961, ba thanh niên trẻ là Carlos Fonseca Amador, Silvio Mayorga và Tomas Borge Martinez  đã đứng ra thành lập một tổ chức mang tên “Mặt trận giải phóng dân tộc Sandinista - viết tắt là FSLN”.

Một doanh trại giữa rừng của phe Contra.

Thoạt đầu, FSLN chỉ gồm khoảng 20 người nhưng với sự trợ giúp của các sinh viên, khá nhiều nông dân cùng các nhóm chống đối chính quyền Somoza ở Nicaragua đã tình nguyện gia nhập, chưa kể một số thành viên khác đến từ Cuba, Panama, Venezuela. Đến năm 1970, FSLN có một lực lượng đủ mạnh - gọi là Sandinista - để khởi động chiến tranh du kích, lật đổ Somoza.

Tuy nhiên, do non kém về chiến thuật, chiến lược, những cuộc tấn công của FSLN vào những thành phố ven biển như Matagalpa, Bocay Raiti đã gặp phải thất bại nặng nề - trong đó có cả việc 1 trong 3 thủ lĩnh của FSLN là Silvio Mayorga bị giết. Để bảo toàn lực lượng, FSLN quay lại tập trung vào việc xây dựng và củng cố hàng ngũ.

Giữa những năm 1970, khi thấy đã hoàn chỉnh về mặt tổ chức, thay vì tấn công vũ trang, FSLN lại tiến hành các chiến dịch bắt cóc con tin, dẫn đến việc quân đội và cảnh sát Nicaragua tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Thời điểm ấy, những vụ bắt bớ, tra tấn, giết người, kiểm duyệt báo chí diễn ra vô tội vạ khiến dư luận thế giới lên án về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Nicaragua. Ngay cả nước Mỹ trước đó vẫn ủng hộ chế độ độc tài Somoza thì gần cuối năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter quyết định cắt viện trợ cho quốc gia này. Đáp lại, Somoza ban bố tình trạng chiến tranh trong cả nước để làm áp lực, buộc Tổng thống Jimmy Carter phải tái viện trợ.

Trong khi Tổng thống Jimmy Carter còn đang xem xét, ngày 10-1-1978, Pedro Joaquin Chamorro Cardenal, biên tập viên của tờ La Prensa, đồng thời cũng là người sáng lập tổ chức “Liên minh Dân chủ giải phóng - UDEL”, bị quân đội Nicaragua sát hại. Hệ quả là một cuộc bạo loạn nổ ra tại thủ đô Managua rồi tiếp theo là một cuộc tổng đình công trong cả nước, kêu gọi lật đổ chế độ Somoza.

Các nhóm nổi dậy đốt cháy nhiều ngân hàng, trụ sở công ty, nhà xưởng…, phần lớn là của Mỹ. Ý thức được sức mạnh của làn sóng cách mạng, trong 2 ngày 23 và 24-1, Đại sứ quán Mỹ ra lệnh cho khoảng 80% doanh nghiệp Mỹ ở Managua và ở các tỉnh Leon, Granada, Chinandega, Matagalpa… phải đóng cửa.

Tình trạng bất ổn trong xã hội Nicaragua tiếp tục kéo dài. Ngày 22-8-1978, khi Quốc hội  Nicaragua đang họp ở Cung điện Quốc gia thì dưới sự chỉ huy của Eden Pastora, lực lượng Sandinista xông vào, bắt 2.000 người làm con tin để đòi tiền chuộc, đồng thời yêu cầu cảnh sát phải trả tự do cho các tù nhân Sandinista đang bị giam giữ. Sau 2 ngày thương thuyết, Chính phủ Somoza đồng ý trả 500.000USD cùng các tù nhân. Cuộc nổi dậy càng tăng thêm sức mạnh khi Sandinista nhận được sự ủng hộ vật chất của Venezuaela và Panama.

Tháng 6-1979, FSLN kiểm soát toàn bộ đất nước Nicaragua - ngoại trừ thủ đô Managua trong lúc người Mỹ bắt đầu buông tay vì họ thấy rằng Somoza không hề có ý định tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ. Ngày 17-7-1979, Tổng thống Somoza buộc phải từ chức. FSLN lên nắm quyền.

Rất nhanh chóng, đất đai, tài sản của người nước ngoài bị quốc hữu hóa, tòa án ngừng hoạt động, nông dân, công nhân được tổ chức thành những “Ủy ban phòng vệ dân sự”. FSLN cũng tuyên bố “mọi cuộc bầu cử để lập nên chính quyền mới là không cần thiết”. Bên cạnh đó, giống như chế độ Somoza, FSLN cũng tiến hành kiểm duyệt báo chí, bắt giam những người chống đối rồi kết án mà không cần phải đưa ra tòa

Sự ra đời của “Contra”

Chỉ một năm sau ngày FSLN nắm chính quyền ở Nicaragua, một phong trào chống lại FSLN đã hình thành tại một khu vực dọc theo biên giới giữa Nicaragua và Honduras, tiếng Tây Ban Nha gọi là “Sandinista Contrarrevolucion - Cuộc cách mạng ngược chống lại Sandinista - viết tắt là Contra”. Những thành viên ban đầu của Contra là sĩ quan, binh lính thuộc đơn vị Cảnh vệ Quốc gia dưới thời Tổng thống Somoza cùng những người vẫn trung thành với Somoza, sống lưu vong tại Honduras.

Eugene Hasenfus lúc bị quân Sandinista bắt.

Bên cạnh đó, lực lượng chống đối FSLN còn có các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng bờ biển Mosquito Coast. Họ đòi hỏi phải được quyền tự quyết, tự trị nhưng bị FSLN từ chối. Đến năm 1982, lại có thêm sự xuất hiện của “Mặt trận cách mạng Sandinista” và “Liên minh cách mạng dân chủ” do Eden Pastora cầm đầu, hoạt động ở phía nam Nicaragua.

Ngay lập tức, người Mỹ vào cuộc. Thông qua nhân vật đứng đầu Contra là Enrique Bermudez, Mỹ tiến hành các biện pháp thống nhất các phe nhóm trong Contra thành một tổ chức chung, gọi là “Lực lượng dân chủ Nicaragua - viết tắt là FDN”. 

Được sự hỗ trợ của Mỹ về vũ khí và tài chính, năm 1982, FDN trở thành tổ chức chống đối mạnh nhất ở Nicaragua. Theo quan điểm của Chính phủ Mỹ,  Sandinista là mối đe dọa lợi ích kinh tế của các tập đoàn Mỹ ở Nicaragua cũng như an ninh nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã cáo buộc Sandinista “nhập khẩu chủ nghĩa xã hội kiểu Cuba và trợ giúp du kích cánh tả ở El Salvador”.

Ngày 4-1-1982,  Tổng thống Reagan ký Chỉ thị 17 về an ninh quốc gia, trong đó Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) được quyền tuyển dụng nhân lực, mua sắm trang thiết bị nhằm chống lại Sandinista với kinh phí 19 triệu USD. 

Tuy nhiên, ngay từ trước đó, tháng 12-1981, CIA đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng Contra với súng đạn, quân phục, lương thực, máy truyền tin. Trong năm tài chính 1984, Quốc hội Mỹ chấp thuận khoản viện trợ không hoàn lại cho Contra trị giá 24 triệu USD. Và mặc dù các nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đã cho thấy Tổng thống Reagan cố tình phóng đại về “ảnh hưởng của Liên Xô ở Nicaragua”, nhưng các hoạt động ủng hộ Contra vẫn được tiến hành.

Ngày 1-5-1985, Tổng thống Reagan tuyên bố “Nicaragua là mối nguy hiểm bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Sandinista là những người cộng sản theo Cuba, Liên Xô, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, dân chủ ở Nicaragua và sự ổn định của châu Mỹ Latinh. Chúng ta phải có hành động phù hợp để đưa Nicaragua trở lại với Trung Mỹ, và đó là việc làm hợp lý theo tiêu chuẩn khu vực”.

CIA vào cuộc

Đi đầu trong các hoạt động chống lại Sandinista là Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA. Ngoài việc cung cấp tiền bạc, vũ khí, quân trang quân dụng, CIA còn đào tạo nghiệp vụ tình báo cho một số  thành viên Contra đồng thời chỉ điểm những mục tiêu phải tấn công. Thế nhưng, thay vì đánh vào những mục tiêu ấy, Contra lại nhắm vào trường học, bệnh viện, hợp tác xã nông nghiệp, những nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn dầu, cảng biển - là những nơi không hề có sự vũ trang, phòng vệ.

Quân Sandinista reo hò chiến thắng khi nghe tin Somoza từ chức.

Theo Contra, đó là những “mục tiêu mềm” và họ đã “vô hiệu hóa” thường dân Sandinista. Duane “Dewey” Clarridge, sĩ quan CIA phụ trách chiến tranh bí mật ở Nicaragua trong một buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ đã thừa nhận “phe Contra  thường xuyên giết hại thường dân và các quan chức Sandinista ở các tỉnh, cũng như những người đứng đầu các  hợp tác xã, y tá, bác sĩ và thẩm phán” nhưng cho rằng “điều này không vi phạm lệnh cấm ám sát của Tổng thống Reagan bởi vì đây là giết chứ không phải ám sát (?!).

Cuối năm 1984, nguồn viện trợ hàng năm của Mỹ cho Contra thông qua CIA lên tới 36,7 triệu USD. Để có thêm tiền hỗ trợ, theo chỉ đạo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Trung tá Oliver North thành lập một nhóm hành động mang tên The Enterprise.

Nhóm này có máy bay, phi công, sân bay, tàu thuyền riêng và tài khoản nặc danh ở ngân hàng Thụy Sĩ. Một trong những hoạt động nổi đình nổi đám nhất của The Enterprise là vụ bí mật bán vũ khí cho Iran để lấy tiền cung cấp cho phía Contra, được gọi là “vụ Iran-Contra”, xảy ra trong 3 năm 1985-1987. Nó đổ bể khi Quốc hội Mỹ tiến hành điều tra, trong đó Tổng thống Reagan phải là người chịu trách nhiệm sau cùng.

Nhiều quan chức khác cũng liên quan, chẳng hạn như Caspar Weinberger, Bộ trưởng Quốc phòng, bị buộc tội khai man và cản trở công lý, Robert C. McFarlane, Cố vấn An ninh quốc gia, Alan D. Fiers, Trưởng ban Đặc nhiệm Trung Mỹ của CIA bị kết án vì che giấu bằng chứng. Riêng Trung tá Oliver North, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia, người trực tiếp thực hiện vụ Iran Contra bị buộc tội nhận tiền thưởng bất hợp pháp, tiêu hủy hồ sơ và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội.

Đầu năm 1986, Contra bị Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra nhiều cáo buộc, như tham nhũng, buôn bán ma túy, bắt cóc, tra tấn thường dân, hãm hiếp, ép buộc trẻ em phải cầm súng chiến đấu, tấn công bừa bãi vào các cơ sở dân sự, cướp bóc tài sản dân sự, thất bại trong các trận giao tranh với quân Sandinista nên Contra buộc phải chứng minh thực lực của mình. Tuy nhiên, dù đã vạch ra những mục tiêu cụ thể nhưng Contra chưa bao giờ đánh được trận nào cho ra hồn.

Giải thích về điều này, người cầm đầu Contra là Edgar Chamorro cho rằng “ưu thế về vũ khí của Sadinista do Liên Xô viện trợ - cụ thể là trực thăng vũ trang MI 24 - đã làm lệch cán cân sức mạnh giữa Contra và Sandinista. Để có thể giành được chiến thắng, Charmorro đề nghị CIA cung cấp cho ông ta tên lửa đất đối không vác vai cùng những loại súng hạng nặng…

Cao Trí (theo History)

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文