Giải pháp bảo vệ lãnh hải của một số nước châu Á – Thái Bình Dương

13:20 28/06/2011

Do đã nhìn thấy trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và thái độ của nước này trong các vụ tranh chấp lãnh hải với một số nước láng giềng ở Đông Nam Á, chính quyền Australia đã đưa ra kế hoạch mua sắm vũ khí hiện đại để đẩy lùi các đợt tấn công từ biển trong tương lai. Và không chỉ có mỗi Australia mới làm vậy, một số nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng thấy trước được điều này.

Sách Trắng về quốc phòng của Australia, công bố vào tháng 5/2009, dự đoán trong 20 năm tới Trung Quốc sẽ thách thức ngôi vị bá chủ hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong lúc Mỹ bận tâm với cuộc chiến hao người, tốn của tại Iraq và Afghanistan, rồi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài gây thâm thủng ngân sách trầm trọng thì Trung Quốc âm thầm đầu tư năng lực quốc phòng, mở rộng hoạt động của hải quân tại Thái Bình Dương.

Nội dung trong Sách Trắng này tỏ ý quan tâm khả năng xuất hiện một số cường quốc quân sự mới trong vùng trong vòng 2-3 thập niên tới, đi đầu là Trung Quốc, sau đó đến Ấn Độ và Nga. Vì vậy, Sách Trắng cho hay Australia cần tích cực chuẩn bị khi trật tự thế giới sắp thay đổi và thời điểm Mỹ không còn đóng vai cường quốc duy nhất về hải quân như trước.

"Điều dễ hiểu là thay đổi về cán cân quyền lực sẽ dẫn tới cạnh tranh về quyền lợi chiến lược, đôi khi tạo căng thẳng, mầm mống của các sự cố hay những tính toán nhầm lẫn" - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Joel Fitzgibbon, phát biểu trong buổi công bố hồ sơ quan trọng nhất về quốc phòng tại Australia.

Khi thế và lực của Trung Quốc mạnh hơn trước, nước này sẽ tìm cách thách thức ngôi vị bá chủ của Mỹ. Nhiều chuyên gia dự đoán chỉ trong hai thập niên thôi, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Đi cùng với vị thế mới này là chính sách ngoại giao "pháo thuyền" trong việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới.

"Khi hai siêu cường “kình nhau”, châu Á sẽ không còn như xưa. Sẽ xảy ra nhiều thứ phức tạp hơn, nhiều điểm tranh chấp hơn" - Giáo sư Hugh White, chuyên gia về quốc phòng, Đại học Quốc gia Australia, người từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng của Bộ Quốc phòng Australia nói với Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia.

Tàu khu trục HMAS Darwin của Australia.

Trong bối cảnh đó, ông White cho biết, nếu Australia vẫn muốn duy trì vị thế của một "cường quốc hạng trung", có khả năng tự bảo vệ mình trước các ý đồ xâm lấn từ các quốc gia trong khu vực hoặc đảm nhiệm trọng trách gìn giữ hòa bình ở những nước láng giềng thì Australia cần phải có lực lượng vũ trang quy mô lớn và hiện đại hơn hẳn những gì quân đội Australia có trong 40 năm hòa bình vừa qua.

Quan trọng hơn cả là Australia cần tập trung tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng hải quân nhằm chặn đứng, đẩy lùi các cuộc tấn công trên biển cũng như để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, chống lại ý đồ xâm nhập của kẻ thù và trợ giúp các nước láng giềng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Giáo sư White cho rằng để làm được điều đó, Australia cần có nhiều hạm đội tàu ngầm và các tàu chiến. Còn các dự án tốn kém mua tàu đổ bộ và tàu tuần dương thì có lẽ không thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Australia bởi "chúng không có khả năng đánh trả một cuộc tấn công trên biển của kẻ thù nước Australia trong các thập niên tới" như nhận định của ông White.

Australia hiện đang theo đuổi chương trình mua sắm vũ khí quy mô lớn, tập trung vào việc hiện đại hóa hải quân và không quân, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và tác chiến trên bàn cờ chiến lược mới tại châu Á. Đây là đợt mua sắm vũ khí lớn nhất của quân đội Australia kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, theo đó, hạm đội tàu ngầm sẽ tăng gấp đôi lên 12 chiếc và nhóm tàu ngầm đời Collins sẽ dần được cho "nghỉ hưu". Bên cạnh đó, chính quyền Canberra sẽ chi ra 10 tỉ đôla Australia để mua 2 tàu sân bay với tên gọi HMAS Adelaide và HMAS Canberra.

Về không quân, Australia sẽ mua 100 máy bay chiến đấu đời mới, loại F-35 Joint Strike Fighters của Mỹ, cùng 8 phi cơ thám thính đường trường. Ngoài ra, một số tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa tới 2.400km cũng sẽ được Australia mua lần đầu tiên.

Vào tháng 7/2010, Hải quân Australia điều 4 chiến hạm và 2.000 thủy thủ tập trận RimPac bắn đạn thật, được Mỹ tổ chức hai năm một lần tại Trân Châu Cảng, căn cứ của Hạm đội 7 của Mỹ ở Hawaii với sự tham gia của 11 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.

Việc Trung Quốc ngày càng tỏ rõ quyết tâm trong việc tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo đang tranh chấp ở biển Đông khiến Mỹ quan ngại bởi khu vực này có đường hàng hải quan trọng trong hoạt động giao thương quốc tế. Phía Australia cũng bày tỏ sự quan tâm trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Theo một cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu Lowy về vị thế đang lên của Trung Quốc đối với an ninh Australia thì 44% người được hỏi cho rằng, trong 20 năm tới Australia sẽ trở thành "mục tiêu" của Trung Quốc về tài nguyên.

Trong bối cảnh bàn cờ chiến lược đang thay đổi ở châu Á nghiêng về phía Trung Quốc, thông điệp của cuộc thao diễn quân sự RimPac lớn nhất toàn cầu là liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu đang chuẩn bị tình huống đối đầu với hải quân của một cường quốc mới, rất có thể là Trung Quốc trong một ngày không xa.

Cũng tại cuộc tập trận RimPac, năng lực tác chiến của Hải quân Australia được tôi luyện và thử thách với việc bắn thử nghiệm loại tên lửa đất đối không tầm xa có độ chính xác cao hơn và sức hủy diệt lớn hơn. Có thể nói đây là lần đầu tiên chiến hạm của Australia bắn thử nghiệm loại tên lửa tối tân nhất này. Bên cạnh đó, Hải quân Australia còn có cơ hội vận hành thử loại tàu đổ bộ đời mới với sức chiến đấu cao hơn và sẽ được bàn giao cho Australia trong hai năm tới.

Chuyên gia phân tích chiến lược người Pháp, Joseph Henrotin, nhấn mạnh rằng những năm gần đây khu vực châu Á Thái Bình Dương chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang về trang bị tàu ngầm. Theo dự tính của các chuyên gia quân sự tại khu vực châu Á, trong khoảng 10 năm tới, các nước khu vực này sẽ đầu tư trên 50 tỉ USD để mua hơn 90 tàu ngầm.

Henrotin cũng cho biết, một đặc trưng giống nhau cơ bản nhất của hầu hết các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là đều có biển bao quanh hoặc một phần lãnh thổ tiếp giáp biển. Vì vậy, những quốc gia này cần phải có một lực lượng hải quân lớn mạnh và khả năng chiến đấu cao trên biển nhằm bảo vệ lãnh hải của quốc gia đó. Chính vì vậy, tàu ngầm được coi là một trong những vũ khí bảo vệ hiệu quả nhất và rất thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ này.

Tàu ngầm mới "Rồng đen" của Nhật Bản được tăng cường tới các hòn đảo phía Tây Nam, nơi có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Ngoài những gì đã thấy trong Hải quân Trung Quốc, Việt Nam cũng khẳng định mua 6 tàu ngầm của Nga, Australia mua thêm 6 chiếc, nâng tổng số tàu ngầm nước này có lên 12. Thái Lan cũng mua thêm 2 chiếc, Bangladesh thêm 1 chiếc. Singapore hiện có 4 chiếc tàu ngầm, Malaysia có 2 chiếc và Hàn Quốc có đến 18 chiếc.

Không thể ngồi nhìn các nước láng giềng trong khu vực mua sắm tàu ngầm, Philippines cũng dự định sẽ sở hữu những chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2020. Đến thời điểm này vẫn chưa xác định được liệu Philippines sẽ mua loại tàu ngầm nào, đã sử dụng rồi hoặc mua mới hoàn toàn. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, hiện nay Philippnies chưa thể đủ khả năng tài chính để sở hữu tàu ngầm mới. Do vậy, rất có thể họ sẽ phải mua lại tàu ngầm đã qua sử dụng.

Sự hiện diện của tàu ngầm trong biên chế của Hải quân Philippines sẽ giúp cho Philippines có thể giám sát mọi hoạt động ngầm dưới mặt nước ở hải phận của họ, nơi có nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Đây cũng là khu vực nguồn lợi tiềm năng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc. Theo Henrotin, cuộc chạy đua vũ trang này không còn mục đích gì khác là nhằm đối phó với những lo ngại đến từ Trung Quốc.

Những định hướng mới về chính sách quốc phòng của Nhật tháng 12/2010 ghi rõ rằng sự thiếu minh bạch trong chiến lược quân sự của Trung Quốc tiếp tục là mối lo của cộng đồng quốc tế và của châu Á. Việc tái cấu trúc hệ thống quốc phòng của Nhật trong đợt chỉnh sửa trên cho thấy quân đội Nhật đã chuẩn bị để đối phó với đà tiến của quân đội Trung Quốc: bảo vệ các hòn đảo thuộc chủ quyền của Nhật Bản ở xa, đảm bảo an ninh hàng hải. Để làm được điều này, Tokyo đã tăng cường binh lính tới các hòn đảo phía tây nam (Nasei) và cũng điều thêm tàu ngầm tới khu vực này.

Thực tế các nước trong khu vực châu Á đang cố cân bằng lực lượng với Trung Quốc bằng cách dựa vào Mỹ. Washington mới đây tái khẳng định bảo vệ các đồng minh chính trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN rằng nước Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải và phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự. Phát biểu trên đã cho thấy, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi xảy ra khủng hoảng giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN

Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp)

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文