Một trong những điệp vụ nhạy cảm nhất lịch sử tình báo Israel:

Hồ sơ “Baba Batra”

19:05 18/11/2015
Cách đây hơn 50 năm, ngày 29/1/1965, nhân vật đối lập tại Morocco tên là Mehdi Ben Barka đã bị bắt cóc và sát hại tại Paris. Một cuộc điều tra của nhật báo Israel “Yediot Aharonot” đã đưa ra ánh sáng sự liên can của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) đối với nhân vật cánh tả này. Paris- Mehdi Ben Barka- Mossad, đó là bối cảnh cho tất cả những gì sẽ trở thành hồ sơ “Baba Batra”, một trong các điệp vụ nhạy cảm nhất trong lịch sử tình báo Israel.

"Một ngày mưa bay ảm đạm trong một khu rừng ở ngoại ô Paris, một vài người đào một cái hố rồi vất xuống đó một người đàn ông bị siết cổ chết trước đó ít lâu. Lúc ấy chẳng ai nghĩ rằng bóng ma của nạn nhân sẽ theo ám Mossad trong suốt nhiều năm dài". Cuộc điều tra của 2 phóng viên Israel Ronen Bergman và Shlomo Nakdimon khởi đầu như một truyện trinh thám. Cái chết của nhà hoạt động đối lập Mehdi Ben Barka đã kéo theo nhiều hệ quả, đặc biệt trong mối liên hệ của Mossad, Thủ tướng thời ấy là Levi Eshkol và Isser Harel, gương mặt huyền thoại của tình báo Israel, người được giao trọng trách điều tra vụ việc và cả về mối quan hệ Pháp-Morocco.

Vua Hassan II và Ben Barka.

Khoảng đầu thập niên 60, Mossad đã đặt chi nhánh tại Paris để tổ chức các chiến dịch tại châu Âu. Trong lĩnh vực an ninh, quan hệ giữa Pháp và Israel rất chặt chẽ. Lúc đó, Chính phủ Pháp đang kẹt trong "vũng lầy Algeria" và đang phải đối phó với Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN) nên cần đến sự giúp đỡ của Mossad. "Lúc đầu sự hợp tác này chỉ là trao đổi thông tin về tổ chức bí mật. Sau đó Mossad cung cấp vũ khí cho hàng loạt vụ ám sát mà Cơ quan an ninh Pháp thực hiện nhắm vào trụ sở FLN ở Cairô - Ai Cập".

Về phía mình, Mossad lợi dụng Paris như là "con đường tiếp cận châu Phi và châu Á". Cơ quan này tích cực thu thập thông tin về các nước Arập và Liên Xô để chia sẻ với Mỹ. Tuy Mossad kết nối quan hệ bí mật với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ethiopia nhưng vẫn còn thiếu một mục tiêu: Morocco. Là quốc gia ôn hòa, Morocco duy trì quan hệ với các đối thủ chính của Israel. Đó là chưa kể đứng đầu Morocco, Vua Hassan II được xem như là đồng minh của phương Tây.

"Trong ngành tình báo không có quà tặng miễn phí" - tờ Yediot Aharonot nhận định. Chính dựa vào câu này mà 6 tuần trước khi xảy ra vụ sát hại Ben Barka, Mossad đã mắc một khoản nợ với Morocco. Theo tài liệu của 2 phóng viên, Israel xem mối quan hệ với Morocco là "chiến lược" và cả 2 quốc gia có thể tìm thấy những lợi ích riêng. Vua Hassan II bị thuyết phục nên "để người Do Thái trong nước di dân sang Israel", bù lại Israel sẽ cung cấp hậu cần tiếp liệu, đào tạo các binh sĩ cho Morocco. Vào năm 1965, sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo 2 nước đã có những bước tiến quan trọng.

Tháng 9/1965, tình báo Morocco đã giúp các nhân viên Mossad có được những thông tin thiết yếu. Từ ngày 13 đến 18/9/1965, Liên minh Arập mở cuộc họp thượng đỉnh tại Casablanca. Vua Hassan II cung cấp cho Mossad mọi tài liệu và băng ghi âm liên quan đến cuộc gặp gỡ này. Tờ Yediot Aharonot kể lại: "Các thông tin rất quan trọng đó đưa ra một cái nhìn về tham vọng của những kẻ thù Israel. Trong hội nghị, những chỉ huy của các quân đội Arập thú nhận rằng, họ chưa được chuẩn bị cho một cuộc chiến với Israel". Qua các thông tin đó mà quân đội Israel đã yêu cầu chính phủ Levi Eshkol tung ra Cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Cuộc chiến đó Israel đã chiến thắng quân đội của Syria, Ai Cập và Jordan. 

Sau sự hợp tác chưa từng có đó, Morocco muốn được trả nợ một cách nhanh chóng. Tên của món nợ đó được nêu ra là Ben Barka, nhân vật cánh tả có ảnh hưởng nhất tại Morocco cũng như tại thế giới Arập. Vì thế chiến dịch Baba Batra được đưa lên bàn - ngoài các chữ đầu giống tên của Ben Barka, trong kinh Talmud nó còn chỉ một văn bản liên quan đến trách nhiệm cá nhân. Ben Barka ủng hộ cuộc cách mạng và cuộc chiến chống đế quốc, trở thành nhân vật đối lập quyết liệt với Vua Hassan II. Để "lại quả" sự hợp tác của Morocco trong hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Arập, Mossad cam kết theo dõi sự di chuyển của Ben Barka đang lưu vong tại châu Âu. Cuộc điều tra cho thấy Mossad đã tìm thấy Ben Barka tại Geneva. "Mossad cung cấp địa chỉ cho Ahmed Dlimi, trợ lý của Mohammed Oufkir, Bộ trưởng Nội vụ Morocco. Các nhân viên tình báo Morocco chỉ còn phải canh chừng ngôi nhà 24/24 giờ trong suốt 2 tuần cho đến khi mục tiêu xuất hiện".

Lúc này Mossad chỉ cần trợ giúp về kỹ thuật và giữ khoảng cách với chiến dịch, do các nhân viên Morocco đảm trách. Mossad cung cấp giấy tờ giả để thuê xe hơi và giấy thông hành cho các nhân viên Morocco và Pháp thực hiện nhiệm vụ để họ có thể trốn thoát nhanh chóng sau chiến dịch. "Mục đích của chiến dịch là gì đối với Morocco? Theo sử gia chuyên về các quan hệ Israel-Morocco Yigal Ben-Nun, ý tưởng lúc đầu là bắt cóc Ben Barka trước khi cho ông ta chọn lựa: hoặc là trở thành Bộ trưởng Giáo dục của Hassan II (điều này có nghĩa là ông ta phải tuân theo pháp luật của vua), hoặc ông phải ra trước tòa về tội phản quốc. Theo nhiều chứng cứ khác, đặc biệt là những băng ghi âm của Mossad và Thủ tướng Israel, mục đích vẫn là giết Ben Barka".

Mossad lập ra một cái bẫy bằng cách làm một phim tài liệu về Ben Barka để dụ ông ta đến Paris. Ngày 29/10/1965, Ben Barka đến Paris. Tại nhà hàng Lipp nổi tiếng tại đại lộ Saint-Germain, Ben Barka có cuộc hẹn với một phóng viên Pháp. Cách nhà hàng vài bước, 2 cảnh sát Pháp đến yêu cầu Mehdi Ben Barka đi theo họ. Cái bẫy sập xuống.

Hai phóng viên kể rằng, Ben Barka được đưa đến một căn hộ. Ông bị Ahmed Dlimi và các thủ hạ tra tấn dã man bằng cách châm thuốc lá, chích điện và trấn nước nhiều giờ liền. Hai phóng viên Ronen Bergman và Shlomo Nakdimon nói rõ rằng "Nhân viên Mossad không có mặt lúc xảy ra sự việc và đã không cho phép giết ông ta". Theo lời khai của các nhân viên tình báo Mossad thời ấy, sau thời gian thẩm vấn dài, Ahmed Dlimi gọi cho các đồng nghiệp Israel từ căn hộ và thông báo: "Tôi không muốn… nhưng ông ta đã chết". Phía Morocco yêu cầu Cơ quan Tình báo Israel thủ tiêu cái xác. Thi thể của Ben Barka được đem đi chôn vào đêm khuya trong rừng Saint-Germain, rồi bị tiêu hủy bằng acide. 

Tờ Yediot Aharonot cho biết, cái chết của Ben Barka đã gây ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Israel. Isser Harel, quan chức tình báo Israel, có nhiệm vụ điều tra vụ việc, yêu cầu Giám đốc tình báo Amit và Thủ tướng Levi Eshkol phải từ chức. Vụ bắt cóc Ben Barka tại Paris và vụ mất tích của người này trên lãnh thổ Pháp đã gây tổn hại cho mối quan hệ giữa Pháp và Morocco, giữa Pháp và Israel.

Những tin rò rỉ nhanh chóng đến tai giới thân cận của tướng De Gaulle và họ biết rằng Cơ quan Tình báo Morocco có can dự đến sự mất tích của Mehdi Ben Barka. Ngay lập tức Tổng thống Pháp phản ứng: ông giải thể cơ quan an ninh quốc nội cũng như quốc ngoại. Thậm chí ông còn yêu cầu Vua Hassan II giao cho ông Mohamed Oufkir và Ahmed Dlimi. Vua Hassan II không đồng ý khiến cho mối quan hệ Pháp-Morocco trở nên xấu đi và đến giờ vẫn còn lảng vảng "bóng ma Ben Barka".

Trang web Morocco "Tel Quel" nhắc rằng "cho đến nay vụ án Ben Barka vẫn chưa được luật pháp Morocco làm sáng tỏ". Đối với Israel, mọi việc lại khác. Trong khi vẫn nghi ngờ Mossad có liên quan bằng cách này hay cách khác đến vụ việc, sự hỗ trợ của Pháp cho Israel vẫn ưu tiên hơn việc làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên trong Cuộc chiến 6 ngày, tướng De Gaulle quyết định "cấm vận vũ khí tuyệt đối". Diễn từ của De Gaulle trước Quốc hội vào tháng 11/1967 đã đi vào các sách lịch sử: "Người Do Thái vẫn là chính họ trong mọi thời đại, một dân tộc tinh hoa, tự tin và thống trị". Hai ngày sau bài diễn từ đó, De Gaulle ra lệnh trục xuất các đại diện của Mossad ở Pháp về nước và đóng cửa chi nhánh Mossad tại Paris.

Minh Luân (tổng hợp)

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文