Khi những “tượng đài của lòng hận thù” bị… xét lại

07:14 31/08/2017
Các vụ bạo động chết người ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, hồi giữa tháng 8, không chỉ khiến Tổng thống Donald Trump bị cô lập và chỉ trích, mà còn đang thổi bùng làn sóng đòi xét lại những "bức tượng của lòng hận thù" trên khắp nước Mỹ.


Bất đồng từ cách nhớ về lịch sử

Xin nhắc lại đôi chút sự kiện khiến nước Mỹ nói chung và Tổng thống Doanald Trump nói riêng điên đảo trong hai tuần qua. Mọi chuyện bắt đầu từ quyết định của thành phố Charlottesville trong việc dời bức tượng của Tướng Robert E. Lee, một tướng bại trận của miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến giai đoạn 1861-1865, khỏi một công viên ở trung tâm thành phố.

Tượng tướng Robert E. Lee tại Charlottesville, Virginia.

Tướng Lee là một người muốn duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ của người da trắng vào thời kỳ đó. Nhiều tài liệu cho thấy Robert E. Lee rất tàn nhẫn với nô lệ của mình và thường cho các đốc công đánh đập dã man những nô lệ bị bắt trở lại khi chạy trốn.

Mặc dù thua trận trước liên quân miền Bắc muốn xóa bỏ sự độc tôn của người da trắng, nhưng ông Lee vẫn được người dân Mỹ khi ấy dựng tượng vì thất bại của phe phản đối việc xóa bỏ chế độ nô lệ đã khiến "người hùng của Liên minh miền Nam" trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ nghiễm nhiên biến thành biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Cần biết rằng, sau khi bại trận, tướng Lee đã công khai phản bác và từ chối những gợi ý xây tượng cho ông, thay vào đó, ông ngỏ ý muốn nước Mỹ được nhanh chóng hàn gắn sau nội chiến.

Trong Ngày hội Sách của bang Virginia năm 2012, bà Kristin Szakos, ủy viên Hội đồng Thành phố Charlottesville, đã châm ngòi cho một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đưa ra gợi ý về việc phá bỏ tượng tướng Lee. Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới nhằm tìm cách tháo dỡ tượng đài tướng Lee.

Tháng 2-2017, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm. Những người phản đối nộp đơn kiện vào tháng 3, cho rằng hội đồng không có thẩm quyền làm như vậy theo luật của bang Virginia. Ngày 12-8-2017, Jason Kessler, một thành viên phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng khá nổi tiếng ở Charlottesville, đã tổ chức biểu tình nhằm phản đối quyết định tháo dỡ tượng tướng Lee.

Họ xuống đường với bảng hiệu "Alt-right" có nghĩa "Cánh hữu khác", mang tư tưởng cực hữu, chối bỏ chủ nghĩa bảo thủ dòng chính tại Mỹ. Những nhóm khác chống lại lực lượng cánh hữu cũng xuống đường phản đối và thế là đụng độ đã xảy ra làm một phụ nữ thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương.

Tổng thống Trump cho rằng, lỗi ở cả hai phía. Tuyên bố này không những bị những người chống kỳ thị chủng tộc phản bác, mà còn bị nhiều cựu tổng thống Mỹ phản đối từ cha con nhà ông Bush, tới các cựu tổng thống khác như Obama, Bill Clinton, Jimmy Carter… Những người này cho rằng nước Mỹ phải luôn luôn bác bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và lòng hận thù dưới mọi hình thức.

Tuyên bố đổ lỗi cho cả hai phía trong cuộc bạo loạn ở Charlottesville của ông Trump thật khó có thể diễn giải là ông chống hay theo chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Bất chấp những lời chỉ trích đó, ngày 17-8, ông Trump đã tuyên bố trên Twitter về việc dỡ bỏ những bức tượng tại Charlottesville. Ông viết: "Thật đáng buồn khi thấy lịch sử và văn hóa chúng ta bị phá vỡ cùng với những bức tượng này". Vấn đề là lịch sử đó là gì và của ai?

Sử gia người Mỹ Carl Becker viết rằng, lịch sử là cái gì mà hiện tại lựa chọn để nhớ về quá khứ. Và những tượng đài kỷ niệm, một trong những biểu tượng của quyền lực, chính là cái mà những người có quyền lực lựa chọn để người ta nhớ về lịch sử như thế nào tại những nơi công cộng. 

Thành ra các tượng đài mặc dù bằng đá cẩm thạch hay đúc bằng kim loại cốt để tồn tại mãi mãi cũng không thể tránh được những thăng trầm của thay đổi lịch sử. Một số bị lật đổ trong một lúc sôi sục nào đó chẳng hạn như pho tượng của ông Saddam Hussein tại Baghdad khi mà quân đội ông tan rã vào năm 2003. Những tượng đài khác có thể âm thầm bị gỡ ra và đưa vào một nghĩa địa tượng nào đó như tại Ấn Độ với các tượng đài của "British Raj" (Ðế quốc Anh).

Có những pho tượng còn sống nhưng là đề tài của những tranh cãi gay gắt. Những người phản đối tại Nam Phi đi đầu trong phong trào đòi hạ bệ tượng đài kỷ niệm Cecil Rhodes. Chiến dịch "Rhodes must fall" của họ nhắm vào "những tên thực dân da trắng" thời xưa đã thành công trong việc hạ bệ pho tượng của Rhodes tại khuôn viên trường Ðại học Cape Town nhưng đã không thành công trong việc hạ bệ một pho tượng tương tự tại trường Ðại học Oxford.

Ðức được thanh lọc sạch các tượng đài kỷ niệm chế độ Quốc xã nhờ vào một lệnh rõ ràng của lực lượng Ðồng minh chiếm đóng bắt phải tiêu hủy tất cả "các đài kỷ niệm, tượng, tên đường, biểu chương, văn bia có dính dáng đến chế độ Quốc xã" nhưng Italy thì không và những tượng đài kỷ niệm, kiến trúc gợi nhớ về chế độ của Mussolini vẫn còn tồn tại và cũng là một điều làm nhức đầu nhà chức trách Roma.

Năm 2000, thị trưởng Luân Ðôn, Ken Livingstone đề nghị dỡ bỏ hai pho tượng của những người khai phá ra Đế quốc Anh đặt tại quảng trường Trafalgar Square vì những tội ác mà họ tạo ra.

Hai pho tượng này, một của Sir General Henry Havelock vốn là người đã đàn áp cuộc nổi dậy của những người lính Ấn Độ năm 1851 trong đó làm cho 800.000 người thiệt mạng và một của General Sir Charles Napier, người đã "có công" đàn áp các cuộc biểu tình của công nhân tại Anh và sau đó sang vùng bây giờ là Pakistan để đàn áp các cuộc nổi dậy tại đó. Mặc dù ông Livingstone muốn vậy nhưng các pho tượng này vẫn còn đứng tại nguyên chỗ vì "chẳng ai biết họ là ai".

Xét duyệt tất cả "những biểu tượng của lòng thù hận" trong thành phố New York

Vấn đề các tượng đài kỷ niệm phe nổi loạn chống lại chính phủ liên bang trong thời kỳ nội chiến Mỹ thì gay gắt hơn nhiều so với việc tháo gỡ những pho tượng tại các cựu lục địa. Trên một phương diện nào đó, sự ủng hộ hoặc chống đối việc gỡ bỏ các pho tượng này chính là biểu tượng bề ngoài của một cuộc tranh cãi về bản chất dân tộc Mỹ.

Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc là một cuộc thử thách giữa hai quan điểm đó về bản chất dân tộc Mỹ với các tiểu bang miền Nam chiến đấu để bảo vệ cái bản chất da trắng của họ. Chiến thắng của miền Bắc tưởng là đã đem lại một sự bình đẳng giữa các sắc tộc, nhưng tại miền Nam, sau giai đoạn Tái thiết (Reconstruction) một loạt các đợt khủng bố của các tổ chức kỳ thị chủng tộc như Ku Klux Klan đã dần dà lật đổ các chính quyền chủ trương cởi mở và đưa miền Nam trở lại tình trạng da trắng độc tôn. Chính vào thời kỳ này, tượng của tướng Lee được dựng lên.

Khi ông Trump lên tiếng bảo vệ những pho tượng kỷ niệm những người lãnh đạo miền Nam như là một phần quan trọng của "lịch sử và văn hóa chúng ta", dường như ông đã vinh danh giai đoạn đen tối này. Giống như các tượng đài kỷ niệm khác, những pho tượng này nói rất nhiều về thời đại mà chúng được dựng lên.

Giai đoạn mà hầu hết các pho tượng này được dựng lên xảy ra vào những năm 1890 khi mà chế độ cũ miền Nam được lý tưởng hóa và một chế độ phân biệt chủng tộc gay gắt được thiết lập để giữ những người da đen và những người da màu khác ở vị thế thấp kém.

Các pho tượng này chính là một phần của một cố gắng chính đáng hóa chế độ kỳ thị chủng tộc vốn đã kéo dài cho đến những năm 1960 và chỉ trên nguyên tắc kết thúc khi đạo luật về Quyền Công dân của Tổng thống Lyndon Johnson được thông qua. Ðiều đáng buồn là trên nửa thế kỷ kể từ khi đạo luật này ra đời, vẫn có người đòi thách thức nó.

Công nhân di chuyển tượng 2 vị Tướng của Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ, Robert E. Lee và Thomas Jackson, khỏi công viên Wyman ở Baltimore, Maryland.

Cuộc bạo động ở Charlottesville làm khơi mào cuộc tranh cãi trên cả nước Mỹ đối với những đài tưởng niệm cùng các nhân vật liên quan đến phe nổi loạn chống lại chính phủ liên bang thời nội chiến Mỹ. Thành phố New York ngày 24-8 cho biết đang tiến hành cuộc xét lại "các biểu tượng của lòng thù hận" khắp trong thành phố. Theo đài truyền hình NBC News, tượng của ông Christopher Columbus, người được coi là khám phá ra châu Mỹ, cũng có thể bị nằm trong tầm ngắm.

Thị trưởng Bill de Blasio của New York thông báo rằng một ủy ban sẽ bỏ ra 90 ngày để xét duyệt tất cả "những biểu tượng của lòng thù hận" nằm trong phạm vi thành phố. Quyết định này mở ra nhiều thắc mắc đối với nhiều tượng đài tưởng niệm khác nhau tại thành phố, trong đó có tượng Christopher Columbus, nằm tại trung tâm vòng xoay Columbus Circle ở Manhattan. New York.

Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Christopher Columbus thường được đa số các thế hệ người Mỹ xem là một nhân vật anh hùng. Ông cũng thường được ca tụng là người can đảm, anh dũng và có niềm tin sắt đá: hải trình nhắm hướng tây tiến vào những vùng biển chưa từng được biết tới, và kế hoạch độc nhất vô nhị của ông cũng thường được coi là biểu hiện của sự mưu trí và lòng can đảm. Columbus đã viết về chuyến đi của mình, "Chúa cho tôi niềm tin, và sau đó là sự can đảm".

Tượng ông Christopher Columbus ở trung tâm New York.

Sự sùng bái tính cách anh hùng của Columbus có lẽ đã đạt tới đỉnh điểm năm 1892, nhân kỷ niệm lần thứ 400 ngày ông đặt chân tới châu Mỹ. Các công trình tưởng nhớ và vinh danh Colombus (Như bảo tàng về  Christopher Columbus tại Chicago) được dựng lên khắp Hoa Kỳ và một số nước châu Mỹ Latinh, ca ngợi ông như một vị anh hùng. Nhiều thành phố, thị trấn và đường phố được đặt theo tên ông, gồm cả các thành phố thủ phủ của hai bang (Columbus của bang Ohio và Columbia thuộc Nam Carolina).

Các hiệp sĩ Columbus, một tổ chức hữu nghị của những người đàn ông Cơ đốc giáo, đã được bang Connecticut cấp phép hoạt động từ gần 2 thập niên trước. Ở Mỹ, sự sùng bái Columbus xuất hiện đặc biệt nhiều trong các cộng đồng người Mỹ gốc Italy, Mỹ Latinh và Cơ đốc giáo. Những cộng đồng này xem ông là đại diện của riêng họ để chứng minh rằng, giáo phái Cơ đốc giáo vùng Địa Trung Hải có thể và đã có những đóng góp to lớn cho nước Mỹ.

Một số người cho rằng, trách nhiệm của những chính phủ và nhân dân thời ấy với cái gọi là cuộc diệt chủng chống lại những người thổ dân châu Mỹ đã bị che đậy bởi những câu chuyện hoang đường và những giai thoại nhằm lý tưởng hóa Columbus. Những người này cho rằng, những thông tin sai trái về Columbus đã được sử dụng để biện minh cho những hành động của ông và cần phải làm sáng tỏ sự sai lầm đó. Bà Melissa Mark-Viverito, Chủ tịch Hội đồng thành phố New York, nói, theo bà lịch sử về ông Columbus và sự ngược đãi đối với dân bản xứ ở quần đảo Caribbean "phải được xem xét lại".

"Tôi sẽ chờ ủy ban quyết định, vì như tôi nói, ông Christopher Columbus là nhân vật đầy tranh cãi đối với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt ở vùng Caribbean mà theo tôi là cần phải nhìn lại. Khi quý vị phải nhìn lại lịch sử quý vị phải nhìn thật kỹ và thấu suốt", bà Mark-Viverito giải thích.

Nhận xét của bà được đưa ra trong một cuộc tuần hành kêu gọi tháo gỡ một bức tượng khác, đó là bức tượng của ông J Marion Sims, nhà y sĩ giải phẫu được ca ngợi như là cha đẻ của ngành phụ khoa hiện đại, nhưng thành tích của ông có được xuất phát từ những thí nghiệm trên cơ thể nô lệ da đen mà không dùng đến thuốc mê.

Mộc Thạch-Quang Học (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文