Lật lại bệnh án của các đời tổng thống Mỹ

15:30 20/09/2016
Lịch sử Mỹ cho thấy nhiều ứng cử viên và tổng thống Mỹ đã gặp không ít vấn đề về sức khỏe, nhưng không ai muốn tiết lộ.

Bầu cử Mỹ trong những ngày qua nóng lên với chuyện sức khỏe của các ứng cử viên tổng thống sau khi bà Hillary Clinton bị bắt gặp bước đi loạng choạng, suýt ngã và cần người dìu vào xe khi rời lễ tưởng niệm vụ khủng bố 11-9. Cử tri thắc mắc liệu bà Clinton có đủ sức khỏe để làm tổng thống nếu như đắc cử?

Thực tế lịch sử Mỹ cho thấy nhiều ứng cử viên và tổng thống Mỹ đã gặp không ít vấn đề về sức khỏe, nhưng không ai muốn tiết lộ.

Tuổi tác và sức khỏe

Bà Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, hiện nay 68 tuổi, còn đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump 70 tuổi. Họ là cặp đôi ứng cử viên tổng thống nhiều tuổi nhất lịch sử Mỹ. Nếu thắng cử, bà Clinton sẽ là người nhiều tuổi thứ hai làm tổng thống, chỉ sau ông Ronald Reagan. Còn với ông Trump, nếu thắng bà Clinton, ông sẽ là tổng thống già nhất nước Mỹ từ trước tới nay.

Thực ra vấn đề tuổi tác của hai ứng cử viên năm nay không được dư luận quan tâm mấy. Chỉ khi bà Clinton xảy ra sự cố hôm 11-9 lúc dự lễ tưởng niệm vụ khủng bố ở Khu vực số 0 thì vấn đề sức khỏe mới trở thành một đề tài chiếm lĩnh cuộc tranh cử tổng thống. Ban quản lý chiến dịch của bà Clinton cho biết bà đã quá nóng bức trong buổi lễ và bị mất nước. Sau đó, họ thông báo bà vừa bị chẩn đoán viêm phổi hôm 9-9.

Bà Clinton đã 68 tuổi khi tranh cử Tổng thống.

Cả bà Clinton và ông Trump dự định công bố chi tiết hồ sơ y tế trong những ngày tới. Mới đây, ông Trump đã công bố bức thư ngắn từ một bác sĩ nói rằng nếu thắng cử, ông sẽ là người khỏe mạnh nhất từng được bầu làm tổng thống. Dù vậy, bức thư không có bằng chứng nào khẳng định điều đó. Vậy là cử tri Mỹ sẽ phải cân nhắc cả tình trạng sức khỏe của bà Clinton và ông Trump khi quyết định bầu cho ai vào tháng 11 tới.

Trước đây, các ứng cử viên tổng thống và tổng thống thường giấu kín bệnh tật, còn cử tri cũng coi đây là vấn đề cá nhân. Ví như ông Dwight Eisenhower, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông trông giống như một ông già. Ông từng lên cơn đau tim nghiêm trọng năm 1955 và phải nhập viện thường xuyên. Về sau, ông còn bị đột quỵ.

Người kế nhiệm là John F. Kennedy trông có vẻ năng động, trái ngược với vẻ lụ khụ của ông Eisenhower. Thực ra ông Eisenhower không già lão lắm. Ông chỉ 62 tuổi khi được bầu làm tổng thống lần đầu tiên. Còn ông Kennedy lại không hề tràn trề năng lượng như vẻ ngoài nếu không muốn nói là bị nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh suy thượng thận Addison mà ông và những người thân cận che giấu người dân.

Ông Eisenhower trông già cả khi tranh cử Tổng thống năm 1952.

Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của Mỹ, năm 1919 đã bị đột quỵ và mất hết khả năng hoạt động. Người dân mãi nhiều tháng sau mới được biết. Năm 1893, khi Tổng thống Grover Cleveland có khối u ung thư trong miệng, ông đã bí mật làm phẫu thuật trên một du thuyền của người bạn trên Đại Tây Dương.

Các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ cho thấy cử tri có xu hướng không quan tâm tới tuổi tác của các ứng cử viên. Với nền y học hiện đại, con người có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Các ứng cử viên hiện nay thường chạy đua vào Nhà Trắng khi họ đã ở độ tuổi thất thập. Tuy nhiên, cuộc chạy đua không hề đơn giản, thậm chí còn nghiệt ngã. Trở thành tổng thống có thể khiến một người phải trả giá bằng sức khỏe. Bốn tổng thống Mỹ đã chết khi đương chức vì bệnh tật, gồm Henry Harrison, Zachary Taylor, Warren G. Harding và Franklin Delano Roosevelt.

Bệnh tật và che giấu

Theo sử gia Matthew Algeo, tác giả cuốn sách về ca phẫu thuật ung thư của Tổng thống Cleveland (The President is a sick man – Tổng thống là người ốm yếu), chính vì muốn giữ bí mật bệnh tình của mình mà nhiều tổng thống Mỹ đã tránh gặp những bác gĩ giỏi nhất. Ông nói: “Với các tổng thống, rất nhiều lần họ không được chăm sóc tốt nhất. Người ta sẽ cho rằng họ được chăm sóc tốt nhất nhưng họ quá sợ việc ai đó biết vấn đề của mình nên đã mời bác sĩ gia đình quen thuộc”.

Như với ông Cleveland, ông đã che giấu ca phẫu thuật một phần vì bệnh ung thư là căn bệnh đáng sợ. Ông cũng cho rằng chuyện sức khỏe là chuyện của mình và ông càng không tin cánh báo chí.

Năm 1932, khi ông Franklin Delano Roosevelt tranh cử tổng thống, cử tri Mỹ cũng không biết gì về tình trạng sức khỏe của ông. Báo chí tránh đề cập tới việc ông Roosevelt đã sử dụng xe lăn. Thời điểm ông tranh cử lần thứ 4 năm 1944, ông mắc bệnh tim, liên tục mệt mỏi và không thể tập trung. Bác sĩ phẫu thuật Frank Lahey đã kiểm tra cho ông Roosevelt và ghi vào hồ sơ rằng, ông sẽ không thể sống hết nhiệm kỳ thứ 4. Mãi đến năm 2011, thông tin này mới được tiết lộ.

Ông Harry Truman, đối thủ chạy đua cuối cùng của ông Roosevelt, đã sốc khi lần đầu tiên gặp ông Roosevelt sau một năm. Ông nói với một trợ lý rằng về mặt thể chất, ông Roosevelt như “sắp vụn thành từng mảnh”. Tuy nhiên, dư luận không hề biết gì. Ông Thomas Dewey, một đối thủ của ông Roosevelt đã chế nhạo “lão già mệt mỏi” trong Nhà Trắng. Lão già là ông Roosevelt ấy vẫn chiến thắng vào tháng 11 năm đó. Tuy nhiên, ông đã chết tháng 4/1945, chỉ vài tháng sau khi đắc cử lần thứ 4.

Với Tổng thống Eisenhower, các vấn đề sức khỏe của ông lúc đầu cũng bị giấu nhẹm. Trong cuốn sách “Whistlestop”, tác giả John Dickerson cho biết sau khi ông Eisenhower lên cơn đau tim lần đầu tiên, các phóng viên được thông báo là ông bị “rối loạn tiêu hóa trong đêm”.

Theo tờ Los Angeles Times, ông Kennedy đã phải bí mật dùng thuốc kích thích steroids và các loại thuốc khác để cắt triệu chứng bệnh Addison. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960, các đối thủ của ông Kennedy đã nói rằng ông bị bệnh Addison. Các bác sĩ của ông Kennedy sau đó đã ra một tuyên bố chắc nịch rằng ông không hề có bệnh Addison và vụ việc được bỏ qua. Ông Kennedy đã bị té xỉu hai lần vì bệnh này, một lần vào cuối cuộc diễu hành trong một chiến dịch tranh cử, một lần trong chuyến thăm Anh.

Tổng thống Kennedy mắc bệnh suy thượng thận.

Sử gia Robert Dallek nhận định rằng việc tiết lộ tình trạng sức khỏe có thể khiến ông Kennedy không thể trở thành tổng thống. Tuy nhiên, sử gia Dallek đưa ra một quan điểm khác về các vấn đề sức khỏe mà giới lãnh đạo chính trị gặp phải. Ông cho rằng nếu ứng viên mắc bệnh ung thư chết người mới không nên chạy đua vào Nhà Trắng, còn các vấn đề sức khỏe khác thì không có vấn đề gì với việc tranh cử.

Theo ông Dallek, ông Franklin Roosevelt bị liệt hai chân và vẫn làm tổng thống được 12 năm. Ông Kennedy gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và vẫn là một tổng thống tốt. “Con người vượt qua thử thách, khó khăn”. Điều đó đúng với ông Franklin Roosevelt và giúp ông hoàn thành nhiệm vụ tổng thống xuất sắc. Người dân thời kỳ suy thoái cho rằng ông đã khỏi bệnh liệt và là người dẫn dắt đất nước phục hồi kinh tế. Về mặt tâm lý, niềm tin đó cho ông điểm tựa thực sự hữu ích”.

Các đời tổng thống Mỹ trước đó đã tận dụng uy tín khi vượt qua khó khăn về sức khỏe. Tổng thống Andrew Jackson từng có hai viên đạn găm trong người sau một cuộc đấu súng tay đôi thời trẻ và thường bị chảy máu trước khi đi ngủ. Theodore Roosevelt thời bé thường ốm yếu và ông đã bù đắp cho bất lợi đó khi nỗ lực hết sức trong cuộc sống. Năm 1912, khi ông đang thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống thì bị bắn.

Viên đạn xuyên qua tập bài phát biểu dày 50 trang và hộp đựng kính mắt để trong túi áo khoác, găm vào giữa hai xương sườn. Dù chảy máu nhưng ông Roosevelt vẫn tiếp tục bài phát biểu: “Tôi đề nghị các bạn càng trật tự càng tốt. Không rõ các bạn có biết tôi vừa bị bắn hay không nhưng muốn giết tôi thì cần nhiều hơn thế”.

Với ông Ronald Reagan, tuổi 69 của ông là một vấn đề khi tranh cử tổng thống  năm 1980. Tuy nhiên, trông ông khỏe mạnh khi lần đầu nhậm chức. Ông thường xuyên tập tạ và cưỡi ngựa trong điền trang. Ông sống sót sau khi bị bắn vào ngực trong một âm mưu ám sát. Khi tranh cử lần hai năm 1984, ông bối rối khi bị đối thủ là Walter Mondale nói về tuổi tác. Sau đó, ông đã lấy lại phong độ trong cuộc tranh luận khi nói đùa rằng ông sẽ không lợi dụng tuổi trẻ và sự non nớt kinh nghiệm của đối thủ vì mục đích chính trị.

Sau này, ông Reagan bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer năm 1994. Báo chí và các sử gia, thậm chí cả con trai ông Reagan, đã đoán rằng ông có dấu hiệu bệnh này khi đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Lúc đó ông hơn 70 tuổi. Điều này vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều phụ tá khăng khăng rằng ông Reagan không mắc bệnh Alzheimer khi còn đương chức.

Tu chính án thứ 25 của Mỹ yêu cầu chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống nếu tổng thống mất khả năng điều hành. Năm 2002 và 2007, Tổng thống George W. Bush đã viện dẫn tu chính án này để chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Dick Cheney khi ông thực hiện nội soi ruột già. Mỗi lần chuyển giao quyền điều hành chỉ kéo dài vài giờ.

Những tình huống như vậy khiến chính trị Mỹ thay đổi phần nào. Theo bà Nicole Hemmer, giáo sư dự khuyết nghiên cứu về tổng thống tại Trung tâm Miller, Đại học Virginia, các phó tổng thống ngày càng được lựa chọn kỹ càng hơn và tham gia nhiều hơn vào hoạt động của chính trị. Do đó, trong trường hợp phải kế vị tổng thống nếu người này bị bệnh hoặc chết, tình hình sẽ không bị gián đoạn mạnh.

Nhật Minh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文