Liban: Hàng chục ngàn người mất tích bí ẩn

08:15 03/05/2014

Thân nhân của những người Liban mất tích bí ẩn trong cuộc nội chiến của nước này muốn có câu trả lời từ chính quyền và hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ đáp ứng nguyện vọng của họ dưới sức ép đấu tranh của một ủy ban do Wadad Halwani cùng với nhóm phụ nữ khác thành lập.

Adnan, chồng của bà Wadad Halwani, bị bắt vào tháng 9/1982 khi gia đình đang chuẩn bị ăn trưa. Cảnh sát mật tìm đến nhà Adnan ở thủ đô Beirut của Liban và cho biết họ cần thẩm vấn ông về một vụ tai nạn giao thông. Nhưng, kể từ đó bà Halwani không còn gặp được chồng mình nữa.

Hơn 30 năm qua, bà Halwani đã đấu tranh không ngừng nghỉ để biết chuyện gì đã xảy ra: "Không chỉ mình chồng tôi bị mất tích mà còn có khoảng 17.000 người khác nữa". Wadad Halwani cùng với một nhóm phụ nữ lập ra tổ chức gọi là “Ủy ban Các gia đình có người thân mất tích ở Liban” để đấu tranh đòi chính quyền nước này đưa ra những câu trả lời thỏa đáng.

Trong suốt 22 năm qua, Mary Mansourati - nay đã 82 tuổi - vẫn chờ đợi người con trai Daniel trở về nhà. Daniel bị tình báo Syria bắt lúc 30 tuổi và kể từ đó anh bặt vô âm tín. Daniel nằm trong số hàng chục ngàn người Liban mất tích trong cuộc nội chiến Liban, và cuộc nội chiến kéo dài ở Syria càng khiến thân nhân của những người mất tích thêm tuyệt vọng.

Bà Wadad Halwani (thứ 2 từ bên phải) trong cuộc mít tinh năm 2012.

Bà Mansourati đã tiêu tốn 200.000 USD trong nỗ lực tìm kiếm con trai. Daniel bị bắt cóc khi gia đình đến thăm thủ đô Damascus của Syria năm 1992 - tức 2 năm sau khi cuộc nội chiến ở Liban kết thúc. Lúc đó, Daniel là thành viên của một nhóm chiến binh Thiên Chúa giáo chống lại chính quyền Syria và lãnh đạo nhóm này xác nhận với bà Mansourati rằng Daniel bị giam giữ ở Syria. Bà Mansourati phải trả 500 USD cho mỗi lần nhận một thông tin về con trai, và bà luôn nuôi hy vọng mặc  dù có tin rằng Daniel đã bị giết chết trong thập niên 90.

Bà khẳng định: "Daniel vẫn còn sống và đang bị giam trong nhà tù ở Syria. Tôi chắc chắn con trai tôi vẫn còn sống". Cũng giống như nhiều thân nhân của người mất tích, bà Mansourati tin rằng chính quyền Liban hiện nay -  trong đó có một số người từng là thủ lĩnh chiến binh đứng về phe Syria trong cuộc nội chiến - dính líu đến việc che giấu sự thật về số mạng của những người mất tích.

Các nhóm nhân quyền gọi đây là "sự thông đồng im lặng" che giấu thông tin vì lo ngại sẽ bị điều tra về tội ác chiến tranh. Sau khi nội chiến Liban kết thúc, chính quyền không công bố tài liệu chính thức nào về số người chết, bị thương hay mất tích.

Báo cáo mới đây của Trung tâm Quốc tế Công lý xuyên quốc gia (ICTJ) - một tổ chức phi chính phủ tìm kiếm sự giải trình về các tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền - gọi đó là sự "quên lãng tập thể" cố ý do không muốn khơi lại một quá khứ phức tạp.

Một năm sau khi cuộc nội chiến Liban kết thúc, chính quyền tuyên bố các nhóm chiến binh đối đầu không giam giữ tù nhân nào. Năm 1995, chính quyền Liban thông qua sắc luật tuyên bố bất cứ người nào mất tích hơn 4 năm đều được coi là đã chết về mặt pháp lý. Khi các gia đình có người mất tích khăng khăng đòi được biết sự thật, chính quyền thì tuyên bố họ không thể giúp được gì bởi vì hành động đào sâu vào quá khứ có thể làm bùng phát sự thù địch và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khác nữa!

Hình ảnh những người Liban mất tích được ủy ban của Wadad Halwani sử dụng để gây sức ép đòi công lý trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Beirut.

Nizar Saghieh, luật sư đại diện cho hàng trăm gia đình người mất tích, nói rằng: "Chính quyền cố thuyết phục rằng chúng ta cần quên đi quá khứ mà hướng đến tương lai". Nhưng, những gia đình có người mất tích không muốn chấp nhận điều này và các nhóm nhân quyền cho rằng có khoảng từ 300 đến 600 người Liban đang bị giam cầm đâu đó ở Syria.

Ahmed, em trai của Majida Hassan Bashasha, bị binh sĩ Syria bắt giữ tại một chốt kiểm soát ở thủ đô Beirut vào năm 1976 - lúc đó quân đội Syria tiến vào Liban để giúp dập tắt cuộc xung đột giáo phái. Năm đó Ahmed chỉ mới 18 tuổi và Bashasha khẳng định em trai của mình không phải là chiến binh.

Cũng giống như trường hợp của Mary Mansourati, Bashasha - nay 59 tuổi - cố tin em trai của mình vẫn còn sống trong nhà tù nào đó trên đất nước. Và Bashasha đấu tranh không biết mệt mỏi suốt nhiều năm dài với hy vọng đem em trai mình trở  về. Ông cũng tích cực tham gia những cuộc mít tinh trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Beirut để đòi câu trả lời. Cách đây vài năm, có một số cựu tù nhân tham gia mít tinh nhận ra Ahmed khi Bashasha giương cao tấm ảnh của Ahmed.

Họ cho biết bị giam chung xà lim với Ahmed tại một nhà tù ở Damascus. Ban đầu, khi xung đột bạo lực bắt đầu nổ ra ở Damascus, Bashasha lo sợ em trai mình cùng với các tù nhân người Liban khác sẽ bị mọi người quên lãng. Nhưng bây giờ, khi các nhà tù ở Syria chật ních những tù nhân phe nổi dậy chống chính quyền thì Bashasha lại nhen nhóm hy vọng Ahmed cùng những tù nhân người Liban khác sẽ có ngày được trả tự do.

Cuộc nội chiến ở Syria cũng  làm dài thêm danh sách những người mất tích do chiến tranh. Mặc dù không có con số chính xác song các nhóm nhân quyền ước tính có đến hàng chục ngàn người Syria biến mất trong vòng 3 năm từ khi cuộc nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar Assad bắt đầu lan rộng khắp Syria. Ngoài ra, gần 70.000 người Iraq cũng mất tích từ các cuộc chiến tranh trong 30 năm qua ở đất nước này

Duy Ân (tổng hợp)

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文