Nghiệt ngã “vàng bẩn” ở Cộng hòa Dân chủ Congo

09:39 04/01/2019
Nằm ở cực nam Trung Phi, mỗi năm Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) khai thác từ 16 đến 20 tấn vàng nhưng xuất khẩu chính thức chỉ khoảng 3,5 tấn. Số còn lại được đưa lậu sang các quốc gia láng giếng như Rwanda, Uganda, Burundi… rồi dừng lại ở Dubai, thủ đô các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, để biến thành những chi tiết trong các linh kiện điện tử, vàng thỏi và đồ trang sức.

Theo ước tính của chính quyền DRC, gần một nửa thợ mỏ vàng ở quốc gia này chịu sự chi phối của các nhóm vũ trang địa phương và các tổ chức tội phạm. Thế giới gọi đó là “vàng bẩn”.

1. 6 giờ chiều ngày 27-3-2018, hai nhân viên hải quan Congo chặn một phụ nữ là Nakulumba khi người này lén lút vượt qua cửa khẩu giữa Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Rwanda. Tiến hành khám xét, họ phát hiện 2,5 once vàng, được chia thành hai túi nhỏ, quấn chặt dưới bắp chân, bên ngoài là chiếc váy rộng thùng thình. Số vàng ấy nếu đưa ra thị trường, nó sẽ có giá 40.000USD.

Cách đó không xa, bên kia biên giời thuộc lãnh thổ Rwanda, vài người đàn ông ẩn sau một bụi rậm. Trong cái túi nhỏ khoác trên vai một người, có cái cân tiểu ly. Họ đang chờ để mua số vàng lậu của Nakulumba nhưng đợi hơn nửa tiếng mà không thấy chị ta xuất hiện, họ lặng lẽ đi đến chiếc xe bán tải nằm cách đó chừng 500m rồi nổ máy. Giây lát, chiếc xe biến mất sau một khúc quanh, để lại những đám bụi đỏ đục mờ.

Nakulumba là một trong những con “chim én” - tiếng lóng gọi những người vận chuyển vàng từ những mỏ khai thác lậu ở tỉnh Nam Kivu, DRC, đến tay các nhóm thu mua. 

Thông thường, “chim én” hoạt động sau 6 giờ chiều vì thời gian đó, việc kiểm soát ra vào cửa khẩu có phần lơi lỏng. Nếu lọt qua  bên kia biên giới thì chỉ chừng vài tháng sau, phần lớn số vàng lậu ấy sẽ biến thành đồ trang sức, linh kiện trong điện thoại thông minh, máy tính hoặc các thiết bị y tế công nghệ cao. Số còn lại biến thành vàng thỏi, cất trong những két sắt an toàn của một ngân hàng nào đó rồi được sử dụng vào những giao dịch hợp pháp lẫn bất hợp pháp, không cần phải thanh toán bằng tiền mặt.

Quản lý mỏ Butuzi đang cân vàng do thợ mỏ tìm được.

Cũng vào giờ mà Nakulumba bị hải quan biên giới DRC chặn lại khám xét thì trên một sườn núi nham nhở đất đá ở tỉnh Nam Kivu, nơi có trữ lượng vàng lớn nhất Congo, thợ mỏ Nmumba cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị đi ngủ sau 12 tiếng làm việc quần quật. Chỗ ngả lưng của họ chỉ là vài tấm ván kê dưới đất, bên trên che miếng nilon lớn, tựa như cái lều. Không xa chỗ họ nằm là miệng hầm dẫn vào khu khai thác, được chống đỡ bởi những thân cây. 

Ngay cạnh đó là lều của nhóm bảo vệ 6 người với mấy khẩu súng AK dựng cạnh bếp. Họ đang uống rượu và ăn thịt nướng. Không khí xung quanh ẩm ướt bởi nhưng cơn mưa gió mùa khiến những thanh củi không kịp khô, bếp không đỏ lửa mà chỉ bốc lên từng cuộn khói trắng. Thợ mỏ Tzumtazi cho biết có những thời điểm mà nhu cầu giao vàng cho người mua tăng cao, thợ phải làm việc cả ban đêm. Khi đó quản lý sẽ cho chạy máy phát điện, thắp sáng hàng trăm bóng đèn để thợ đào đãi. 

Tzumtatzi nói: “Tuy nhiên nó cũng ít xảy ra vì cho dù có đèn điện chăng nữa, cũng không thể bằng ánh sáng ban ngày, thợ mỏ dễ ăn cắp vàng nên thay vì làm đêm, hầu hết các mỏ đều tăng ca, từ 4 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 chiều, chỉ nghỉ trưa 30 phút”.

2. Butuzi chỉ là một khu mỏ nhỏ so với hàng trăm mỏ khai thác vàng ở tỉnh Nam Kivu, cách xa thành phố Bukavu 2 giờ lái xe trên những con đường gập ghềnh, quanh co uốn lượn ngang sườn núi Virunga. Mỏ có 235 người đàn ông trong tổng số hơn 200.000 người khai thác vàng trên khắp đất nước Congo. Phương tiện lao động của họ chủ yếu là tay chân cùng một số công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, chậu đãi. Máy móc hầu như không được sử dụng vì ngoài việc vận chuyển rất khó khăn, nó còn có thể bị cướp bởi các nhóm vũ trang khác. 

Thợ mỏ ở tỉnh Nam Kivu khai thác vàng dưới sự giám sát của “bảo vệ”.

Thợ mỏ Chubaka, 28 tuổi, nói với trang tin Global Witness - Nhân chứng Toàn cầu: “Tôi đã làm việc ở đây được một năm.Trung bình cứ đào xúc khoảng 2m3 đất tôi mới tìm thấy một mẩu vàng bằng đầu que diêm hoặc hạt đậu xanh - nếu đó là ngày may mắn…”. Ấy thế mà hàng năm, 200.000 thợ mỏ nêu trên vẫn khai thác được từ 16 đến 20 tấn vàng.

Với phương châm bất di bất dịch: “Có vàng mới có tiền”, hầu như tất cả thợ ở khu mỏ Butuzi người nào cũng mắc nợ. Họ nợ tiền mua bột ngô, lúa mì, đường, muối, dầu mỡ, thuốc lá, rượu và thậm chí nợ cả tiền… quan hệ tình dục với gái mại dâm! Ngweshe, thợ mỏ ở đây cho biết: “Nếu bạn tìm thấy vàng, quản lý mỏ sẽ cân mẩu vàng ấy, đối chiếu sổ sách xem bạn còn nợ bao nhiêu rồi trừ ngay. Để có sức làm việc, bạn vẫn phải ăn, phải uống và như vậy, nợ lại chồng nợ. Trong hơn 2 năm tôi làm ở mỏ, hiếm có người nào trả hết nợ chỉ trong một lần tìm thấy vàng…”. 

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo vệ  ånhân quyền Liên Hiệp Quốc, trung bình mỗi ngày mỗi thợ mỏ ở Butuzi chỉ kiếm được 3,94USD (tương đương 85 nghìn đồng Việt Nam) nên cũng dễ hiểu vì sao số phận của họ phải gắn chặt với thứ kim loại mà rất nhiều người ao ước sở hữu. Thợ mỏ Mutsombe nói: “Chúng tôi không bao giờ biết sự thật về số vàng mà chúng tôi tìm được. Nếu quản lý bảo vàng này độ tinh khiết thấp (vàng ít tuổi) thì chúng tôi đành chịu với phần tiền ít ỏi của mình. Chưa kể cái cân tiểu ly có chính xác hay không nữa bởi có nhiều tin đồn rằng quản lý đã ăn bớt vàng bằng cách chỉnh lại cân …”.

Để chống lại việc thợ mỏ ăn cắp vàng, khu mỏ nào cũng có những nhóm vũ trang làm nhiệm vụ canh gác. Ngweshe kể: “Hồi tháng 6-2017, một thợ mỏ là Mbakori tìm thấy 2 mẩu vàng lớn cỡ ngón tay út. Anh ta nuốt vào bụng một mẩu còn mẩu kia đưa cho quản lý. Sau khi đối chiếu công nợ, Ngweshe còn thừa được 42USD…”.

Hôm sau, Mbakori xin phép về quê vài ngày với lý do chuẩn bị lễ cưới cho đứa con gái. Lúc ra đến trạm kiểm soát, tên chỉ huy nhóm vũ trang nghi ngờ anh ta giấu vàng nên ra lệnh lục soát rất kỹ. Khi không tìm thấy gì trong mớ hành lý rách rưới, hắn bắt Mbakori phải uống một liều thuốc xổ mạnh. Ngweshe kể tiếp: “Chừng 2 tiếng sau, Mbakori đi ngoài ra một cục vàng. Anh ấy bị đánh một trận thừa sống thiếu chết. 42USD cũng bị tịch thu”.

Về nguyên tắc, các mỏ vàng thuộc quyền quản lý của một hợp tác xã địa phương, do các chức sắc cũng là người địa phương giám sát nhưng quyền lực lại nằm trong tay những kẻ có súng. Chính những kẻ này quyết định số vàng khai thác được bao nhiêu bán cho những công ty của Chính phủ DRC, bao nhiêu bán ra thị trường chợ đen. 

Theo Pascal Buyoya, một người buôn bán vàng ở thành phố Bukavu thì nếu mua từ hợp tác xã, ông sẽ phải trả 34USD cho 1 gam vàng rồi bán lại với giá 37USD. Vì vậy, ông phải tìm cách thương lượng với kẻ chỉ huy nhóm vũ trang bảo vệ mỏ để có thể mua được 1 gam với giá 32USD và dĩ nhiên số tiền ấy không bao giờ thuộc về Chính phủ DRC. Pascal Buyoya nói: “Các quốc gia trong khối EU, Mỹ và Canada, Nhật, không mua vàng của chúng tôi vì họ gọi đó là “vàng bẩn”. 

Để có thể tiêu thụ, chúng tôi phải chuyển nó cho những ông trùm vàng ở quốc gia láng giềng Rwanda hoặc xa hơn nữa là Burundi, nơi có những khu mỏ khai thác hợp pháp. Tại đó, qua bàn tay phù phép của các chuyên gia kế toán, vàng bẩn sẽ trở thành vàng sạch”.

Theo số liệu của trang tin Nhân chứng Toàn cầu, miền Đông Congo hiện có 32 nhóm vũ trang kiểm soát các khu mỏ khai thác vàng bẩn theo lối thủ công, trong đó có 5 nhóm liên kết với một số quốc gia láng giềng để tiêu thụ. Những nhóm này ngoài việc thu thuế, ép buộc hợp tác xã phải bán cho họ phần lớn số vàng khai thác được, họ còn tổ chức đánh cướp các mỏ khác. Năm 2015, qua thăm dò 1.615 mỏ vàng thủ công ở miền Đông Congo, trang tin Nhân chứng Toàn cầu cho biết 3/4 lượng vàng tìm thấy đều phải bán cho “người ngoài” thay vì cho các công ty chính phủ. 

Pascal Buyoya nói: “Người ngoài ở đây là những kẻ có súng. Sau khi mua vàng từ họ, tôi bán cho một nhà buôn lớn hơn ở thành phố Bukavu, người có khả năng đưa nó ra khỏi DRC, hoặc người đó sẽ bán cho những người có giấy phép xuất khẩu chính thức, gọi la â“comptoir”. Nhưng mặc dù có giấy phép chính thức, họ cũng chỉ khai báo một phần nhỏ trong lượng vàng xuất khẩu của mình để khỏi phải nộp thuế tỉnh, thuế quốc gia..”. 

Một báo cáo của Tổ chức Enough Project, chuyên nghiên cứu về “vàng bẩn”, có trụ sở tại Washington DC, Mỹ, cho thấy mỗi năm, một lượng vàng trị giá khoảng 600 triệu USD bị đưa lậu ra khỏi biên giới DRC nhưng không có cách nào để theo dõi đường đi của nó. Tuy nhiên, số liệu thống kê xuất khẩu chính thức từ các quốc gia có sản lượng khai thác vàng thấp, đã cung cấp những chỉ dấu chứng minh dòng chảy của vàng bẩn: Trong hai năm 2017-2018, xuất khẩu vàng của Rwanda đã tăng 900% còn Uganda là 1.000%!

3. Để chống “vàng bẩn”, với sự hỗ trợ của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc, Chính phủ DRC đã thành lập Dự án Just Gold, tiến hành thực hiện một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao nhằm truy xuất nguồn gốc vàng - từ mỏ đến thị trường. Kết quả là tháng 6-2017, Just Gold phát hiện một lô vàng bẩn có xuất xứ từ DRC mà người mua là một thợ kim hoàn Canada. Bên cạnh đó, Just Gold còn tạo điều kiện để các mỏ khai thác thủ công gia nhập thị trường vàng quốc tế nhằm cải thiện đời sống thợ mỏ. 

Một mẩu vàng bé tí cũng giúp thanh toán phần nào số nợ.

Ông Joane Lebart, giám đốc điều hành dự án cho biết: “Bằng những biện pháp ấy, chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn được việc bóc lột nhân công cũng như việc sử dụng chất xyanua bừa bãi…”. Tuy nhiên đến nay, Just Gold mới chỉ triển khai thành công trong việc truy xuất nguồn gốc vàng ở 6 mỏ tại Mambasa, tỉnh Ituri, là những mỏ không nằm dưới quyền kiểm soát của những nhóm vũ trang. 

Theo ông Mbayo, Giám đốc văn phòng tỉnh Bắc Kivu thuộc Bộ Mỏ, DRC, thì chính những quốc gia láng giềng đã tạo điều kiện cho việc buôn lậu vàng, làm cạn kiệt tài nguyên đất nước Congo, làm mất đi hàng triệu USD tiền thuế và tiền bản quyền của chính phủ. Ông nói: “Phần lớn các nhà buôn quốc tế đều không muốn mua vàng bẩn Congo, mà họ mua từ các nước láng giềng với Congo mặc dù họ biết rằng xuất xứ của vàng vẫn là ở Congo. 

Lẽ ra Chính phủ DRC đã có thể trao đổi nguồn tài nguyên quý báu ấy để đổi lấy các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường xá, lưới điện, trường học, bệnh viện… nhưng chừng nào việc khai thác vàng bẩn chấm dứt, các nhóm vũ trang bảo kê mỏ buông súng thì chừng ấy, DRC mới có thể sử dụng hiệu quả nguồn lợi của mình…”.

Với thợ mỏ Mutsombe, giải quyết những chuyện này là việc của “trên”. Còn với anh ta, khi chưa nằm xuống tấm ván và chưa nhắm mắt ngủ, anh ta đã biết ngày mai là như thế nào: 6 giờ sáng thức dậy, ăn một bát cháo ngô rồi tay cuốc tay xẻng, cùng các “đồng nghiệp” lội xuống hố nước đục ngầu bùn đất, xúc, đãi, dưới con mắt cú vọ của những tay súng bảo kê với hy vọng sẽ tìm được một vài mẩu vàng, dù chỉ đủ để trả phần nào số nợ…

Vũ Cao (theo Nhân chứng Toàn cầu)

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文