Những bí ẩn về nữ anh hùng dân tộc Pháp Jeanne d'Arc

07:10 22/06/2016
Cách đây đúng 585 năm, tại thành phố Rouen phía tây bắc nước Pháp, sau quá trình xét xử kéo dài 4 tháng, phiên tòa xử Jeanne d'Arc với sự hiện diện của 800 binh sĩ Anh và hàng ngàn cư dân địa phương, nữ tướng lừng danh xứ Orléans mới 19 tuổi đã bị quân xâm lược Anh thiêu sống.

Đúng 1/4 thế kỷ sau, cũng tại Rouen lại diễn ra một phiên tòa minh oan cho Jeanne, với kết luận bản án tử hình cách đấy 25 năm hoàn toàn dựa trên những bằng chứng giả cùng kiểu kết tội quy chụp.

Suốt gần 6 thế kỷ qua, cuộc sống ngắn ngủi nhưng lẫy lừng của nữ anh hùng dân tộc Pháp Jeanne d'Arc (1412-1431) luôn được các nhà sử học lỗi lạc nhất dành cho vô số lời ca ngợi và là chủ đề sáng tác cho giới tinh hoa văn hóa nghệ thuật như William Shakespeare, Voltaire, Friedrich Schiller, Mark Twain, hay Bernard Shaw (1856-1950)…

Nhưng cho tới ngày nay, không có một tài liệu cá nhân nào liên quan đến Jeanne còn tồn tại. Xung quanh nhân vật Jeanne d'Arc, người ta đã thêu dệt đủ mọi giả thuyết khác nhau. Bản thân tiểu sử của bà cũng có những mâu thuẫn và nhiều điều khó lý giải nổi.

Tượng nữ thánh trước lối vào ngôi làng Domrémy quê hương.

Trong một văn tự có từ thế kỷ XV hiện đang được lưu trữ ở Viện bảo tàng Anh, thủ đô  London, viết: "Người ta thiêu sống Jeanne d'Arc hay là một người nào khác giống bà - như lời đồn đại - để cho tới nay vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau".

Trong một tài liệu lưu trữ khác của Pháp, ông Pierre Mavro, ngụ ở thành phố Rouen, người từng tham dự phiên tòa xử Jeanne, nhớ lại: "Jeanne đã kịp trốn thoát và có ai đó đã thế mạng". Ngay cả ngày xử Jeanne d'Arc cũng khó xác định từ thời đó: 30-5, 14-6 hay 6-7-1431? Còn đức Hồng y Sen Tibau, vị linh mục cai quản thành phố Messé, miền trung nước Pháp ghi trong nhật ký của mình: "Hôm 20-5-1436 gần làng Grande Oz Orme xuất hiện "nữ tướng Jeanne", sau lấy nhà quý tộc Rober d'Armoaz và sinh hạ được 2 người con trai. Nhưng đấy chỉ là kẻ mạo nhận Jeanne để đánh lừa mọi người".

Còn chính trong lịch sử của thành phố Orléans lại ghi một điều bất ngờ rằng: "Vào ngày 28-7-1439 (8 năm sau ngày bị đưa lên giàn hỏa), Jeanne d'Armoaz về đến thành phố, được công chúng nồng nhiệt đón chào. Tất cả mọi người, trong đó có mẹ Jeanne là bà Isabela Roumer cùng 2 người anh trai đều nhận ra nữ tướng. Tòa thị chính Orléans còn thưởng công cho quá trình bà từng phục vụ những 210 đồng quan vàng. Được đoàn người ngưỡng mộ tháp tùng, bà rời thành phố Orléans hướng về kinh đô Paris. Nhưng dọc đường bà bị bắt, đem về tra khảo và trước sự chứng kiến của giới quý tộc thủ đô Pháp, kẻ mạo danh nữ tướng đã cúi đầu nhận tội".

Sang năm sau tại Messé lại xuất hiện một Jeanne "rởm". Kế tiếp lại thêm 2 Jeanne nữa: một ở Anzu vào năm 1452 và một tại Lio Mane trong năm 1455. Hầu như người dân không chấp nhận sự thật là nữ tướng đã chết nên họ tiếp tục tạo nên các huyền thoại về người anh hùng. Cùng với các huyền thoại này là việc xuất hiện những ấn phẩm cùng nhiều giả thuyết khó tin.

Vào đầu thế kỷ XIX, học giả lỗi lạc Pierre Caziot cho xuất bản cuốn khảo cứu dày 2 tập, trong đó ông thử chứng minh là Jeanne d'Arc đã được cứu thoát khỏi giàn hỏa và sau đó sống dưới cái tên Jeanne d'Armoaz. Sử gia P. Caziot cũng đưa ra một giả thuyết khác: Nữ tướng không phải là một cô gái thôn quê nghèo khổ thất học chào đời vào đầu năm 1412, mà là đứa con ngoài giá thú của Hoàng hậu Isabeau de Bavière (1371-1435) với Công tước xứ Orléans, Louis I (1372-1407) - anh trai của Vua Charles VI (1368-1422).

Lịch sử Pháp ghi nhận vào ngày 10-11-1407, Hoàng hậu I. D'Bavière sinh hạ một người con trai, nhưng đứa bé chết yểu ít ngày sau đó. Đúng 2 tuần sau, Công tước Louis I chết vì một trận đấu súng ở Paris. Còn các nhà sử học khác thì cho rằng Hoàng hậu I. D'Bavière sinh con gái chứ không phải con trai. Có người lại nói là sinh đôi - trong đó cậu bé chết, còn cô bé vẫn sống. Cô bé được đưa đi khỏi triều đình và giao cho gia đình De Arc ở làng Domrémy-la-Pucelle xứ Lorraine nuôi.

Giả thuyết trên cũng được khẳng định trong các cuốn sách như "Những chiến dịch bí mật của nữ tướng xứ Orléans" phát hành tại Paris vào năm 1970 của tác giả Pierre De Sarmoaz, "Jeanne - công chúa với dòng máu Hoàng cung" (1971) của Jean Bencanl và "Điều bí mật lớn của nữ tướng Jeanne" (1972) của E. Veil-Reinal, cũng là tác giả của 2 tập "Jeanne d'Arc là ai?" (ấn hành năm 1976) và "Jeanne d'Arc có tồn tại thật không?" (1978).

Cả 3 tác giả trên đều cố trả lời cho câu hỏi còn bỏ ngỏ: Một cô gái con nhà nông của thế kỷ XV, một cô bé chăn cừu sao lại có tài năng thao lược quân sự, giỏi chính trị, hùng biện và thông thạo địa lý đến thế? Người như thế với tư cách gì mà ngay sau khi tới Hoàng cung, bà đã thuyết phục để Vua Charles VII (1403-1461) cho mình cầm đầu binh đội Pháp chống lại quân Anh xâm lược?

Nhà chép sử gạo cội Jean-Paul Sartre mô tả cuộc gặp này như sau: "Khi tới trình diện nhà vua, nữ tướng mang cung cách như một người sống lâu năm trong cung đình, với lời chào: "Chúa sẽ ban cho ông cuộc sống hạnh phúc, thưa đức vua quyền thế!", dù rằng từ xưa tới giờ Jeanne chưa hề gặp vua. Charles VII bông đùa: "Nhưng tôi có phải là đức vua đâu!", rồi ông chỉ một vị đại quan: "Nhà vua kia kìa!". Jeanne liền nói: "Nhân danh Chúa, thưa đức vua quyền uy, đây chính là ngài, chứ không là ai khác".

Nhiều nhà chép sử khác cũng đều ghi lại sự kiện khó tin này: "Sau khi nữ tướng nhận ra vua, họ kéo nhau ra một chỗ khác và tọa đàm rất lâu với vẻ thân tình". "Điều bí mật lớn nhất" mà Jeanne nói tới vào đầu phiên tòa lịch sử nói trên, sau lại khăng khăng không chịu khai thêm, phải chăng đó là bí ẩn về nhân thân là con cùng mẹ khác cha với Vua Charles VII? …

Cảnh hỏa thiêu nữ tướng - tranh của họa sĩ Đức Hermann Anton Stilke vẽ trong thế kỷ XIX.

Còn một điều nữa, nếu là một nông dân, tại sao tên đệm của bà lại có chữ "d'' vốn dùng làm tên đệm của những dòng họ danh giá? Rồi làm sao giải thích được điều này: Jeanne sinh ra ở Lorraine, nhưng lại không biết thổ ngữ địa phương mà chỉ nói tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ chỉ bắt đầu phổ biến tại xứ này mãi 2 thế kỷ sau cái chết của bà?

Trong cuốn sách khảo cứu của P. Sarmoaz có ghi: "Không phải Jeanne d'Arc bị thiêu ngày 30-5-1431, mà là "một nhân vật khác". Cũng ngày hôm đó nữ tướng đã được bí mật cứu thoát khỏi Rouen và một thời gian dài sau thì bà lấy chồng- Bá tước R. D'Armoaz- tại thành phố Arlon, gần biên giới Luxembourg, bà mất năm 1449 ở Piulini gần thành phố Nancy thủ phủ xứ Lorraine, được chôn trong một giáo đường với bia mộ hẳn hoi".

Còn tác giả cuốn sách "Điều bí mật lớn của nữ tướng Jeanne" đưa ra giả thuyết: "Lúc đó quân Anh chuẩn bị thiêu Jeanne cùng với 2 người nữa. Theo một người trong đội hành quyết, khi lửa đã được châm, viên đao phủ xé quần áo người tử tù thì thấy là một phụ nữ, nhưng khuôn mặt và thân thể là của một bà già, không bị xây xát gì. Jeanne lúc đó mới 19 tuổi, mình đầy thương tích sau những cuộc đọ gươm với quân Anh".

Cũng có một giả thuyết nữa khẳng định rằng, viên Chủ tịch Hội đồng xử án - Tổng giám mục Pierre Cosson - không phải là kẻ theo quân Anh: "Ông ta là một người yêu nước, đã khôn khéo đánh lừa kẻ thù, tổ chức thành công cuộc chạy trốn cho nữ tướng trước lúc hành quyết".

Những câu chuyện xoay quanh người nữ anh hùng trong Cuộc chiến tranh Trăm năm (1337-1435) luôn là những bí ẩn đối với các nhà sử học thế giới nói chung, cũng như nước Pháp nói riêng. Để tưởng nhớ cô gái trẻ có tài điều binh khiển tướng, dẫn đầu binh đội Pháp chống lại quân xâm lược Anh, Tòa thánh Vatican vào năm 1920 đã phong tước Thánh cho Jeanne d'Arc - biến bà thành nữ anh hùng bất tử của dân tộc Pháp. Jeanne d'Arc sau này được nền Cộng hòa Pháp lấy làm biểu tượng "Người mẹ Tổ quốc".

Chính sử Pháp ghi lại: Tháng 5-1429, Jean D'arc giải phóng Orléans sau 90 ngày bị vây hãm. Ngày 11-6-1429, 3 thành Jargeau, Meung, Beaugency bên sông Loire được giải phóng. Ngày 17-4-1429, làm lễ tôn vương vua Charles VII tại Thánh đường Reims: Vua được xức dầu thánh, đội vương miện, ban phép lành. Jeanne đứng bên cạnh nhà vua, tay cầm cờ trắng.

Ngày 21-9-1429, Jean dẫn một đạo quân giải cứu Reims và Paris nhưng thất bại, Jeanne d'Arc bị bắt sống cùng với vài phụ tá và bị giải về cho Pierrre Cauchon, Giám mục địa phận Beauvais. Vua Anh thưởng cho bà 10.000 livres. Cuối tháng 12-1430, nữ tướng bị chuyển về Rouen.

Tượng nữ thánh Jeanne d'Arc đặt tại Nhà thờ ngã sáu quận 5, TP HCM.

Phiên xử công khai diễn ra vào ngày 21-2-1431, trước nhà nguyện lâu đài nơi Jeanne d'Arc bị giam giữ. Không ai có thể chối bỏ sứ mạng và sự hy sinh của nữ tướng nên tòa tìm cách bôi nhọ tên tuổi Jeanne d'Arc với các lời cáo buộc về tội dị giáo và sử dụng ma thuật. Jeanne d'Arc một mực không nhận tội nên bị kết án tử hình và bị thiêu sống trên giàn hỏa vào ngày 30-5-1431.

Vào năm 1456, người mẹ và hai anh của bà kháng án xin mở lại hồ sơ. Đức Giáo hoàng Callistus III đã chấp thuận. Sau cuộc điều tra của Giáo hội, bà được tuyên vô tội. Bà được Ðức Giáo Hoàng Benedic XV phong Thánh năm 1920, và được tuyên xưng là "quan thầy của nước Pháp" vào năm 1922.

Ở Sài Gòn, vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đã phát triển rất mạnh, họ có hội quán riêng, bệnh viện, nghĩa địa riêng… Ở vùng này, ngoài nhà thờ Cha Tam dành cho người Hoa còn có một ngôi nhà thờ khác dành cho người Việt, đó là nhà thờ Tổng Lãnh Thiên thần Micae. 

Năm 1919, cha Joan Baptis Huỳnh Tịnh Hướng về cai quản nhà thờ Micae. Vì nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng nặng, cha Hướng quyết định xây một ngôi nhà thờ mới to lớn hơn ở một vị trí khác. Lô đất ông mua nằm trong khu vực nghĩa địa của người Hoa, mà người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux Saigon (cánh đồng mả Sài Gòn). 

Cha Hướng mua khu đất này với lý do chính là giá rẻ vì là đất nghĩa địa và lúc đó các giáo xứ không có nhiều tiền. Sau này khi nghĩa địa được giải tỏa, ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh đan chéo nhau vây quanh nhà thờ như một bông hoa sáu cánh, cho nên người dân quen miệng gọi đây là "nhà thờ Ngã Sáu". 

Không có nhiều nhà thờ ở Sài Gòn có thánh bổn mạng là thánh nữ nên việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d'Arc (người Việt gọi là thánh Giăngđa) làm thánh bổn mạng nhà thờ có lẽ cũng không khó hiểu, vì đây là nữ thánh anh hùng dân tộc Pháp. 

Cũng có người cho rằng việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d'Arc có ẩn ý vì Việt Nam lúc đang bị người Pháp đô hộ; hình tượng nữ thánh biểu trưng cho tính bất khuất chống lại ngoại bang. Năm 1989, linh mục  Antôn Huỳnh Thủ Hơn về kế nhiệm, ông rất ngạc nhiên khi thấy nhà thờ không có tượng thánh bổn mạng và càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra pho tượng thánh Jeanne d'Arc khi bị hỏa thiêu được cất trong nhà kho. 

Ông quyết định mang pho tượng lên đặt ở cung thánh, cho sơn màu đỏ nơi khắc ngọn lửa cháy dưới chân thánh Jeanne d'Arc như để mọi người nhìn rõ hơn về khoảnh khắc anh hùng cuối cùng của bà. 

Đến năm 2005, linh mục Philippe Trần Tấn Bình ở Tây Ninh đến thăm nhà thờ Ngã Sáu và ngỏ ý muốn tặng một pho tượng thánh Jeanne d'Arc. Pho tượng nữ thánh Jeanne d'Arc mới này mặc áo giáp, một tay cầm cờ, một tay cầm gươm. Cha Hơn đã quyết định đặt pho tượng mới ở cung thánh và đưa pho tượng cũ về đặt tại nhà xứ.

Đ.L.

Thu Hường (theo L'Historie)

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文