PRB – Công cụ kiểm duyệt thông tin của CIA

20:40 08/07/2012

Đã từng có nhiều va chạm, xung đột lợi ích xảy ra giữa Hội đồng Kiểm duyệt xuất bản (PRB) của CIA với các tác giả xuất bản sách mang nội dung liên quan đến hoạt động của CIA. Một cuộc điều tra nội bộ CIA đang được tiến hành nhằm xác định có hay không, mức độ như thế nào việc kiểm duyệt xuất bản sách đó, và liệu trong một số trường hợp việc mạnh tay cắt xén, bôi xóa vô tội vạ của PRB có mang động cơ chính trị hay không.

Cuộc điều tra đang tiến hành nhằm vào PRB của CIA. PRB là cơ quan chuyên trách về kiểm duyệt xuất bản sách có nội dung liên quan đến các hoạt động của CIA. Những quyển sách của các tác giả là cựu nhân viên hoặc điệp viên CIA nghỉ hưu đều bắt buộc phải thông qua kiểm duyệt tại PRB trước khi xuất bản.

Nhiệm vụ của PRB là xem xét, đánh giá nội dung sách có tiết lộ những bí mật nghề nghiệp hoặc những thông tin thuộc dạng bí mật quốc gia hay không, đặc biệt là tập trung cao độ vào những nội dung sách có đe dọa đến lợi ích an ninh quốc gia hay không. Mục đích tích cực của công tác kiểm duyệt tại PRB là giúp các tác giả tránh gặp rắc rối do vô tình tiết lộ các bí mật quốc gia.

Theo nguồn tin trong cộng đồng tình báo Mỹ, cuộc điều tra không phải do Tổng thanh tra nội bộ tiến hành mà là do một hội đồng điều tra tập hợp nhiều cá nhân khác nhau trong CIA. Cuộc điều tra được tiến hành nhằm làm sáng tỏ dư luận phản ánh ngày càng nhiều về các hoạt động thiếu trung thực, có phần thái quá và có động cơ chính trị, và việc cắt xén quá mức đã gây ảnh hưởng đến nội dung quyển sách, làm giảm giá trị của sách khi xuất bản.

Một số tác giả là cựu nhân viên CIA có sách qua kiểm duyệt tại PRB đã lên tiếng phàn nàn về việc sách của mình được "chiếu cố" quá mức, trong khi một số khác thì chỉ kiểm duyệt qua loa, cho qua quá dễ dàng mặc dù nội dung thậm chí còn tiết lộ những thông tin mật của CIA một cách lộ liễu. Thường thì sách của các tác giả là những người "phe ta" hoặc các lãnh đạo, quản lý thì được đặc biệt ưu ái cho qua, còn sách của các tác giả có thái độ thiếu thiện cảm hoặc đối chọi với CIA thì "xén" thẳng tay, nhất là những quyển sách liên quan đến các biện pháp tra tấn nhiều tai tiếng như ván nước hay các biện pháp tra khảo khác.

Một trong những quyển sách bị cắt xén một cách oan uổng là quyển sách xuất bản năm 2011 nhan đề "The Black Banners: The Inside Story of 9/11 and the war against Al-Qaeda" (Đằng sau những dải băng đen: Câu chuyện bên trong vụ 11/9 và Cuộc chiến chống Al-Qaeda) của tác giả Ali Souvan - một cựu đặc vụ FBI. Quyển sách của Souvan đã bị "chiếu cố" quá mạnh tay khiến cho tác giả vô cùng bức xúc. Souvan cho biết, ông viết quyển sách này dựa theo những thông tin mình nắm được cộng với các cuộc phỏng vấn tù nhân do CIA giam giữ và các trích dẫn phát biểu của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ.

Tác giả Ali Souvan và bìa quyển sách "The Black Banners".

Souvan cho biết, quyển sách của ông đã được FBI duyệt cho phép xuất bản, thế nhưng khi trình qua CIA thì bị kiểm duyệt nát vụn, nội dung mang đầy những mảng bôi đen chi chít. Đáng nói hơn, Souvan không hề làm việc cho CIA, vì thế sách của ông cũng không thuộc diện bắt buộc kiểm duyệt như quy định đối với các cựu nhân viên CIA.

Trong khi đó, một quyển sách của tác giả Jose Rodriguez Jr. lại được ưu ái đặc biệt. Ông Rodriguez - cựu Thủ trưởng bộ phận tác chiến bí mật của CIA - đã cho xuất bản quyển hồi ký nhan đề "Hard Measures: How Aggressive CIA Action After 9/11 Saved American Lives" (tạm dịch: "Các biện pháp mạnh tay: Hành động của CIA sau sự kiện 11/9 đã cứu mạng người Mỹ như thế nào"). Dụng ý của ông Rodriguez là sử dụng quyển sách này để "biện hộ" cho việc sử dụng các biện pháp tra tấn mạnh tay của CIA từng gây nên giông bão chính trị tại nước Mỹ những năm vừa qua.

Điều gây ngạc nhiên cho nhiều tác giả có sách bị kiểm duyệt gắt gao là quyển sách của ông Rodriguez đã không hề bị kiểm duyệt mặc dù nội dung quyển sách còn tiết lộ nhiều điều nhạy cảm - những đoạn kể lại chi tiết các thủ thuật tra tấn, các hoạt động bí mật chống khủng bố của CIA - mà CIA nhất quyết phải xén bỏ trong các quyển sách khác.

Với việc quyển sách bị bôi đen chi chít như thế, ông Souvan khiếu nại CIA đòi bồi thường được không? Rất khó trả lời câu hỏi này. Do quyền hạn gần như tuyệt đối của PRB, nên thường thì khi đụng chạm với PRB, các tác giả không còn cách nào khác hơn là phải vác đơn ra tòa để đòi lại công bằng cho mình. Tuy nhiên, thường thì phần thắng tại tòa thuộc về "bị cáo" CIA. Ngược lại, nếu tác giả nào phớt lờ các kiểm duyệt của PRB thì hình phạt trước mắt là tịch thu tiền thu được từ việc bán quyển sách đó.

Một số trường hợp khác nặng hơn thì phải ra hầu tòa. Tiêu biểu cho trường hợp này là cựu điệp viên CIA John Kiriakou, hồi tháng 1/2012 đã bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc các tội nói dối với PRB và tiết lộ thông tin bí mật quốc gia. Các cáo buộc được căn cứ vào các thư điện tử trao đổi thông tin giữa Kiriakou với đồng tác giả quyển sách cùng nhau bàn bạc kế hoạch để qua mặt PRB.

Do sự kiểm duyệt nhiều khi quá mạnh tay của PRB nên có một số tác giả đã "lách" kiểm duyệt để cho xuất bản quyển sách một cách nguyên vẹn. Đơn cử trường hợp xảy ra gần đây là quyển sách nhan đề “Yếu tố con người: Cận cảnh văn hóa tình báo kém cỏi của CIA” do một cựu nhân viên CIA chủ biên, lấy bút danh là Ismail Jones, không trình qua kiểm duyệt PRB và đã cho phát hành trên thị trường. Hiện các công tố viên đang tìm cách để làm sao tịch thu tiền doanh thu xuất bản quyển sách này

Nguyên Khang (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文