Sự thật về tổ chức khủng bố “Con đường sáng”: “Con thú lớn” làm thợ săn bất ngờ (kỳ 2)

17:30 22/01/2016
Theo tin tình báo, xưởng sản xuất ma túy nói trên mỗi tháng cho ra lò khoảng 5 tấn cocain, do Victor Quispe Palomino điều hành nhưng “con thú lớn” của cuộc đi săn lại là Antonio, người lãnh đạo tối cao của SL. Bằng nhiều con đường, cocain sẽ đến Mỹ và các nước châu Âu để phục vụ cho dân nghiện.


Manh mối từ 2 kẻ đào ngũ

14 giờ 54 phút ngày 2-9-2015, tại một sân bay dã chiến ở thị trấn Pirachi, tỉnh Virgenccasa, đông nam Peru, 120 biệt kích thuộc “Lữ đoàn Chó sói - Wolf Brigade” và 220 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Lực lượng đặc biệt số III lần lượt leo lên 17 chiếc trực thăng Mi-171 trong lúc 4 trực thăng vũ trang Mi-35 làm nhiệm vụ yểm trợ cũng đang chuẩn bị cất cánh.

Antonio, kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố “Con đường sáng” từ 2013 đến nay.

Mục tiêu của họ là một xưởng sản xuất chất ma túy cocain của tổ chức khủng bố “Con đường sáng” (SL) đặt tại thung lũng  Vraem, nằm trong vùng hợp lưu của ba con sông Apurimac, Ene và Mantaro. Được che phủ bởi những cánh rừng rậm rạp với nhiều cây cao mà tán cây có thể phủ bóng đến 50m² nên trong thung lũng, ánh sáng ban ngày hầu như chưa bao giờ lọt xuống mặt đất.

Theo tin tình báo, xưởng sản xuất ma túy nói trên mỗi tháng cho ra lò khoảng 5 tấn cocain, do Victor Quispe Palomino điều hành nhưng “con thú lớn” của cuộc đi săn lại là Antonio, người lãnh đạo tối cao của SL. Bằng nhiều con đường, cocain sẽ đến Mỹ và các nước châu Âu để phục vụ cho dân nghiện. Tiền thu về từ các phi vụ mua bán ma túy ngoài việc nuôi sống 450 thành viên SL hiện đang hoạt động ở nhiều vùng trên đất nước Peru, nó còn được những kẻ cầm đầu SL mua vũ khí, chất nổ nhằm tiến hành những vụ đánh bom khủng bố, ám sát, đốt phá các cơ quan công quyền của chính phủ và một số các tập đoàn nước ngoài như Mỹ, Nhật, Argentina, Đức…, có trụ sở hoặc nhà xưởng ở Peru.

Thật ra, việc triệt hạ xưởng sản xuất ma túy không khó lắm bởi nếu xác định được mục tiêu thì chỉ cần vài đợt oanh kích, Không quân Peru thừa sức san bằng thung lũng Vraem, mà trong số những “công nhân” tại xưởng, có hơn 70 thổ dân bản địa thuộc tộc người Ashaninka bị SL bắt cóc từ năm 1990 - thậm chí có người còn bị bắt cóc từ những năm 80 thế kỷ trước. Họ bị buộc làm việc như những lao động khổ sai nhưng không được trả lương, các trẻ em gái từ 10 tuổi trở lên đều bị hãm hiếp, nhiều bé gái sinh con khi chỉ mới 13 tuổi.

Tư lệnh đơn vị chống khủng bố Peru, tướng Jose Baella Malca cho biết, dựa vào những thông tin thu lượm được, nhiều thanh niên trong số các nạn nhân bị ép buộc phải cầm súng cho SL, số khác thì được tuyên truyền là hãy tích cực tham gia lao động trong các “trại sản xuất” để phục vụ “cách mạng” - nhưng với điều kiện sống vô cùng thiếu thốn và tồi tệ.

Sự việc chỉ bị phanh phui khi đầu tháng 7-2015, 2 tên khủng bố bí danh là “Cristobal” và “Joaquin” làm nhiệm vụ bảo vệ do không chịu được gian khổ nên đã đào ngũ rồi ra trình diện cảnh sát huyện Rio Tambo. Kinh hoàng trước những lời khai của hai kẻ này, Cảnh sát trưởng Rio Tambo vội vã đưa họ về tỉnh Virgenccasa. Tại đây, sau khi điều tra sơ bộ, Cảnh sát trưởng Virgenccasa chuyển họ đến thủ đô Lima.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Peru Ivan Vega và tướng Cesar Astudillo, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Lực lượng đặc biệt số III nghe Tư lệnh Lữ đoàn Chó sói tường trình cuộc tấn công tiêu diệt Antonio.

Suốt một tháng, các sĩ quan chống khủng bố Peru liên tục thẩm vấn Cristobal và Joaquin, đưa họ lên trực thăng bay qua bay lại thung lũng Vraem nhiều lần để họ chỉ điểm xưởng sản xuất ma túy. Tuy nhiên, do rừng quá rậm rạp, từ trên nhìn xuống chỉ là một màu xanh thẫm nên việc tìm kiếm một cái xưởng rộng 1.500m2 trong một khu vực diện tích 20.000km² là điều không tưởng. Hơn nữa, trực thăng lại không thể hạ độ cao hay đứng yên một chỗ do lo ngại bọn SL ở dưới đất nghi ngờ nên kết quả chỉ là áng chừng.

Những ngày tiếp theo, Cristobal và Joaquin dẫn một toán biệt kích “Chó sói” tiến hành lùng sục. Xuất phát từ huyện Rio Tambo, 2 kẻ đào ngũ đưa  toán biệt kích đi suốt 3 ngày rồi nói là… lạc đường! Vòng sang một hướng khác, đi thêm 4 ngày nữa nhưng kết quả chỉ là con số không. Hỏi Cristobal từ xưởng ra huyện bằng lối nào thì anh ta ú ớ bởi lẽ cả hai đã ở trong rừng suốt 14 năm, chưa một lần ra khỏi thung lũng. Khi quyết định đào ngũ, họ nhắm mắt đi bừa và chẳng hiểu sao lại đến được huyện. Tuy nhiên, cả Cristobal lẫn Joaquin đều không biết Antonio, lãnh đạo SL cũng có mặt trong xưởng bởi lẽ họ chỉ là những kẻ canh gác vòng ngoài!

Con đường đất hạ “Con đường sáng”

Khi tất cả mọi cuộc tìm kiếm đều không mang lại kết quả, có ý kiến đề nghị rải chất dioxin làm rụng lá cây như người Mỹ đã thực hiện trong chiến tranh Việt Nam nhưng ý kiến này nhanh chóng bị bác bỏ bởi lẽ ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, nó còn có thể đánh động bọn khủng bố ở dưới đất.

Một nhóm các tay súng SL ở căn cứ Vraem.

May mắn thay, một kỹ sư cầu đường người Peru, được đặt cho bí danh là “Pedro”, chỉ huy một nhóm công nhân thi công một con đường xuyên qua những cánh rừng thuộc tỉnh Virgenccasa nhân lúc vui miệng đã kể cho một sĩ quan thuộc Lữ đoàn Chó sói, được cài cắm ở vùng này nhằm dò tìm vị trí của xưởng sản xuất cocain rằng mỗi tháng, anh ta phải nộp thuế bảo kê cho SL một hoặc hai lần tại một địa điểm nằm ở giữa rừng, cách thị trấn Pirachi khoảng 30km, và lần nộp thuế sắp tới là 15 giờ ngày 2-9-2015. Đặc biệt hơn nữa, Pedro cho biết, người trực tiếp nhận tiền thuế là Antonio, căn cứ đặt cách đó chừng 3km. Chưa hết, Antonio còn nhờ anh ta mua giùm 2.000 lít axit hydrochloric, là chất không thể thiếu trong việc điều chế cocain.

Tiến hành dùng máy bay chụp ảnh khu vực mà Antonio thường nhận tiền, các chuyên gia quân sự đi đến kết luận Antonio quả là kẻ có nhãn quan chiến lược. Đó là một đoạn đường đất vòng qua một ngọn đồi nằm cạnh dãy núi Andes. Tại nơi này, các tay súng SL có thể quan sát mọi cuộc xâm nhập bằng đường bộ từ xa và dễ dàng tổ chức đánh chặn trước khi đội quân tấn công nhìn thấy họ. Phương tiện nhanh nhất là trực thăng nhưng tiếng ồn của động cơ thì chẳng thể che giấu được. SL sẽ phát hiện và bắn hạ bằng hỏa lực phòng không trước khi trực thăng kịp thả quân xuống đất.

Thế nên, khi bàn đến phương án tiêu diệt Antonio, một số nhà lãnh đạo Lữ đoàn Chó sói cho rằng đây là việc rất mạo hiểm. Trên lối đi độc đạo ấy, hai bên là rừng rậm xen lẫn những vách núi cao, đội quân tấn công dù có đông hơn, vũ khí tối tân hơn cũng không thể triển khai một cách ồ ạt được, chưa kể bọn khủng bố sống ở đây đã nhiều năm, thông thuộc mọi đường đi lối lại và rừng rậm là lợi thế của họ. Sự thất bại trong trường hợp này sẽ được coi là một bước lùi trong cuộc chiến chống khủng bố, chưa kể chính phủ còn có thể bị chỉ trích khi mà cơ hội tiêu diệt Antonio đã cầm chắc trong tay.

Tuy nhiên, phái chủ chiến nêu ra ý kiến rằng theo lời kỹ sư Pedro, mỗi lần nhận tiền bảo kê, Antonio chỉ đi với 4 tay súng, trong lúc về phía Pedro, ngoài ông ta thì còn có một tài xế lái chiếc Toyota Hilux và một thủ quỹ. Phương án đặt ra là 2 biệt kích “Chó sói” sẽ cải trang thành tài xế và thủ quỹ. Đợi Antonio nhận tiền xong, họ sẽ tiêu diệt ông ta cùng 4 cận vệ với sự yểm trợ của những biệt kích đi theo chiếc xe tải chở axit. Cùng lúc đó, trực thăng sẽ đổ quân xuống, chặn đánh bọn tiếp viện rồi tiến vào xưởng, giải thoát các nạn nhân bị bắt cóc.

Mất vài ngày thuyết phục, Pedro mới đồng ý hợp tác. Sáng 27-8-2015, để tránh mọi sự nghi ngờ, lấy lý do ra tỉnh khám bệnh, Pedro bảo tài xế đưa anh ta đi. Đến thị trấn Pirachi, người tài xế được Lữ đoàn “Chó sói” mời vào trại giam nhưng đối đãi rất tử tế để giữ bí mật.

Trong khoảng 2 tiếng, một đơn vị kỹ thuật tháo tung lớp composite bên trong cánh cửa của chiếc Toyota Hilux rồi gắn vào đó một khẩu tiểu liên XM18, khóa an toàn mở ở chế độ bắn liên thanh và một băng đạn được chế tạo riêng gồm 40 viên - những viên đạn sẽ quyết định cuộc đời ông trùm Antonio cùng 4 tay cận vệ. Tiếp theo, họ gắn tấm composite vào vị trí cũ. Bằng một cái chốt được lắp rất khéo léo, tài xế chỉ việc bẩy nhẹ là nó rơi xuống, khẩu súng lộ ra ngay tầm tay. Riêng chiếc xe tải, cánh cửa phía bên tài xế cũng được cải tạo để lắp một khẩu XM18, còn thùng xe được cắt, hàn thành 2 lớp, lớp trên chở 10 phuy axit, mỗi phuy 200 lít còn lớp dưới là 6 biệt kích Chó sói nằm ép sát vào nhau.

Theo kế hoạch, đúng 15 giờ ngày 2-9-2015, khi đến điểm hẹn, nhằm tránh bị kiểm tra khiến kế hoạch bại lộ, Pedro và Jose - bí danh của người lính biệt kích “Chó sói” đóng vai thủ quỹ sẽ bước xuống nhưng không mang theo vũ khí, trao chiếc túi đựng 15.000USD tiền thuế bảo kê cho Antonio. Tiếp theo, ngay khi Antonio và bọn cận vệ vừa quay lưng bước đi, Jose ra hiệu cho Pedro bằng cách đưa tay che miệng húng hắng ho rồi lăn xuống đất. Nghe tiếng ho, Pedro cũng phải lập tức nằm ngay xuống đất để tài xế chiếc Toyata Hilux - bí danh là “Cinco” lao ra khỏi xe, bắn hạ Antoino.

Khi nghe tiếng súng của Cinco, cùng với người lái xe tải, 6 biệt kích “Chó sói” nằm trong thùng xe sẽ bật chốt để 2 thành xe bung ra rồi nhảy xuống bắn yểm trợ trong trường hợp vẫn còn có tên khủng bố nào đó sống sót. Tiến hành thực tập, chỉ 3 giây kể từ lúc Pedro và Jose nằm ngoài tầm đạn, khẩu XM18 trên tay Cinco đã nổ đùng đùng. 4 giây sau, những khẩu súng của nhóm biệt kích ở chiếc xe tải cũng hòa nhịp nhổ theo. Kiểm tra hiện trường là những thân cây chuối được đặt đúng với vị trí của Antonio và 4 cận vệ mà Pedro mô tả, mỗi thân chuối lĩnh ít nhất 10 viên đạn chì.

Ngày 29-8-2015, bộ chỉ huy cuộc đột kích tiêu diệt Antonio được triển khai tại thị trấn Pirachi dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Ivan Vega, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Peru cùng Tư lệnh Lữ đoàn Chó sói và tướng Cesar Astudillo, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Lực lượng đặc biệt số III. Theo hợp đồng tác chiến, đúng 14 giờ 54 phút, 4 máy bay trực thăng vũ trang Mi-35 làm nhiệm vụ tấn công bọn khủng bố cứu viện và 17 trực thăng Mi-171 đổ quân tiêu diệt những tên còn lại đồng thời phá hủy xưởng sản xuất cocain, giải cứu tù nhân sẽ xuất phát từ Pirachi, thời gian bay đến điểm nộp thuế là 9 phút. Như vậy, chỉ 3 phút sau khi Antonio và những tên cận vệ bị bắn chết, lực lượng hỗ trợ sẽ có mặt.

Thế nhưng có một điều mà bộ chỉ huy cuộc tấn công và 9 biệt kích “Chó sói” trực tiếp tham gia tiêu diệt Antonio không ngờ tới là lần này, khi đến điểm hẹn để nhận tiền bảo kê, thay vì đi với 4 tay súng như thường lệ, Antonia dẫn theo… 19 tên! Chưa kể tại một điểm cao cách chỗ nhận tiền 800m, Antonio còn cho bố trí 1 khẩu đại liên PKT 12,8mm và 4 thùng đạn, mỗi thùng 250 viên tháo ra từ một chiếc trực thăng của quân đội Peru bị SL bắn rơi. Với khẩu súng ấy, những tên khủng bố thừa sức ghìm đầu một đại đội lính thiện chiến.

Đến điểm hẹn sớm hơn 15 phút, Antonio chỉ để 3 người ở cạnh ông ta. 16 tên còn lại, Antonio bố trí thành 2 nhóm, mỗi nhóm 8 tên, trang bị súng AK và súng phóng lựu, nằm phục trong những lùm cây rậm rạp ở hai bên đường, cách ông ta khoảng 5m -  nơi chiếc Toyota Hilux dự kiến sẽ dừng lại.

Và thế là, cuộc “long tranh hổ đấu” chuẩn bị mở màn.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo In Sight Crime - Shining Path)

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến 13h20’ chiều nay 16/12, quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn ách tắc do chưa thu dọn xong đất đá sạt lở tại điểm đầu tiên thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở tại một số điểm khác.

Ngày 16/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang làm rõ loại hóa chất dạng lỏng được thu giữ cùng 120kg pháo nổ vào ngày 15/12 vừa qua.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những bức ảnh lộng lẫy, cuộc sống xa hoa trở thành cách để nhiều người tạo dựng hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là “sân khấu” hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo khoác lên mình chiếc áo doanh nhân thành đạt, nhà đầu tư tài ba, chuyên gia tài chính, bậc thầy dạy làm giàu… nhằm lôi kéo các nạn nhân sập bẫy.

Ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của Hàn Quốc, tuyên bố từ chức, nhấn mạnh rằng ông không thể tiếp tục nắm vị trí này sau khi ủng hộ việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Như đã thành quy luật, cứ mỗi dịp cuối năm thì cánh đầu nậu hàng lậu ở bên kia biên giới lại tăng cường hoạt động. Chúng đóng gói sẵn những kiện thuốc lá hero, jet, 555..., những bao đường cát, hóa mỹ phẩm và nhiều loại nhu yếu phẩm khác rồi cho tay chân tìm cách tuồn qua biên giới đưa vào nước ta tiêu thụ. Hoạt động này không những gây mất an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, mà còn gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường trong nước và những nhà sản xuất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文