Tiết lộ việc NSA giám sát những nhân vật chống đối chiến tranh Việt Nam

15:30 12/10/2013

Khi ngày càng có thêm nhiều nhân vật phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ ở Việt Nam, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bắt đầu triển khai chương trình Minaret - bí mật thu thập những cuộc điện đàm của những người có tiếng nói mạnh nhất ở Mỹ.

Theo tài liệu lịch sử thời Chiến tranh Lạnh của NSA mới được giải mật. Đây là lần đầu tiên NSA giải mật tài liệu nhạy cảm này và được Văn khố An ninh quốc gia Đại học George Washington công bố. Nổi bật trong danh sách mục tiêu của NSA là hai lãnh đạo nhân quyền nổi tiếng Martin Luther King và Whitney Young, võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali, hai nhà báo Tom Wicker của tờ New York Times và Art Buchwald của Washington Post.

Ngoài ra, những cuộc giao tiếp của hai Thượng nghị sĩ hàng đầu của Quốc hội Mỹ - Frank Church và Howard Baker - cũng bị NSA nghe lén. Bản danh sách Minaret tiến hành từ năm 1967 và chấm dứt năm 1973 theo lệnh của Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson khi chính quyền Nixon chao đảo vì vụ bê bối Watergate.

Sự ra đời của chương trình "Minaret"

Khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam leo thang dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, làn sóng chỉ trích và phản đối cũng dâng cao ngay trong lòng nước này. Những người chống đối chiến tranh vây quanh Lầu Năm Góc vào mùa thu năm 1967 và hai năm sau bắt đầu xuất hiện rầm rộ những cuộc biểu tình phản chiến có tổ chức hẳn hoi, kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, tình hình này khiến cho Johnson cũng như người kế nhiệm là Richard Nixon luôn sống trong bất an, cuối cùng họ muốn có những câu trả lời từ cộng đồng tình báo Mỹ, đặc biệt là hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) của NSA. Kể từ đó, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thành lập Chiến dịch Hỗn mang (Operation Chaos), trong khi NSA hợp tác với các cơ quan tình báo khác để hoàn thành bản danh sách những người nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam nhằm mục đích giám sát mọi cuộc giao tiếp của họ ở hải ngoại.

Năm 1969, chương trình của NSA có tên gọi "Minaret" ra đời. Việc giải mật chương trình Minaret đầy tai tiếng được giữ kín trong hơn 40 năm qua cho thấy cỗ máy nghe lén khủng khiếp NSA đã lạm dụng quyền lực gần như vô hạn của mình như thế nào trong quá khứ cho đến tận hôm nay.

Minaret cùng với chương trình đồng hành mang tên Chiến dịch Shamrock được coi là khởi nguồn đích thực của chương trình nghe lén bất hợp pháp trong nước mà chính quyền Tổng thống George W. Bush theo đuổi từ năm 2001 đến 2004. Tiết lộ về sự tồn tại của Minaret vào năm 1975 bởi Ủy ban Church (với Chủ tịch là Thượng nghị sĩ Frank Church) là một trong những lý do thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) vào năm 1978.

Được tiến hành vào giữa các năm 1967 và 1973, bản danh sách mục tiêu của NSA bộc lộ chứng bệnh hoang tưởng trầm trọng của Nhà Trắng trong hai đời tổng thống Johnson và Nixon khi mà phong trào chống đối chiến tranh Việt Nam lan rộng. Thật ra, ý tưởng lập ra bản danh sách mục tiêu đã phát triển trước chiến tranh Việt Nam nhằm mục đích giám sát các mạng lưới buôn lậu ma túy và các mối đe dọa có thể xảy ra cho tổng thống Mỹ. Bản danh sách của NSA bắt đầu hình thành không chính thức vào mùa hè năm 1967 do Tổng thống Johnson tin rằng, Liên Xô và các đồng minh nước này đứng đằng sau phong trào phản chiến cũng như những cuộc xung đột chủng tộc đang quét qua nước Mỹ.

Năm 1969, dưới thời chính quyền Nixon, bản danh sách chính thức có tên gọi là Minaret. Trong 6 năm tồn tại của Minaret, NSA đã lén lút nghe lén mọi cuộc giao tiếp qua điện thoại và thu thập điện tín của khoảng 1.650 công dân Mỹ - phần lớn trong số đó là những người phản chiến, các lãnh đạo nhân quyền và thành viên Quốc hội Mỹ cũng như cả Nhà Trắng lúc đó được cho là phần tử cực đoan hay tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền.

Mục sư Martin Luther King.

Một tài liệu mật được tìm thấy trong Thư viện Tổng thống Gerald R. Ford ở Ann Arbor bang Michigan (trong khi không đề cập đến NSA) xác định từ năm 1967 đến 1973 cộng đồng tình báo Mỹ giám sát mọi cuộc giao tiếp cũng như các chuyến ra nước ngoài của những người phản chiến như là diễn viên điện ảnh Jane Fonda cũng như nhiều nhà hoạt động Mỹ gốc Phi như Eldridge Cleaver và Stokely Carmichael.

Mục sư Martrin Luther King được đưa vào danh sách Minaret vào năm 1967 vì hai lý do chính. Thứ nhất, một trong những cố vấn hàng đầu của King - Stanley Levison - là cựu thành viên Đảng Cộng sản Mỹ. Thứ hai, King là nhân vật công khai chỉ trích cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ ở Việt Nam một cách mạnh mẽ nhất. King bị NSA giám sát liên tục những cuộc gọi điện thoại và điện tín cho đến khi ông bị ám sát vào ngày 4/4/1968 ở thành phố Memphis bang Tennessee.

Những nhân vật mục tiêu nổi tiếng của NSA

Whitney Young - Giám đốc điều hành Liên đoàn Đô thị quốc gia Mỹ (NUL) và một trong những lãnh đạo nhân quyền nổi bật nhất ở Mỹ - có quan hệ tốt đẹp với Lyndon Johnson và thường xuyên được mời đến Nhà Trắng với tư cách là thành viên của "văn phòng nhân quyền" không chính thức của Tổng thống. Lúc đầu, Young cố tránh lên tiếng nói phê phán cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho nên không bị FBI liệt vào danh sách theo dõi.

Lãnh đạo nhân quyền Whitney Young.

Tuy nhiên vào tháng 10/1969, tức không lâu sau khi Nixon trở thành tổng thống, Young bắt đầu công khai lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chính lập trường chống đối chiến tranh quyết liệt của Young đã thúc đẩy một số cơ quan chính quyền Mỹ, nhất là FBI, đưa tên ông vào bản danh sách mục tiêu giám sát Minaret bất chấp việc lãnh đạo nhân quyền này chưa bao giờ phạm phải bất cứ hành động gì có thể được xem là bất hợp pháp hay âm mưu lật đổ chính quyền!

Võ sĩ Muhammad Ali.

Ngay đến những người không tham gia chính trường như võ sĩ Muhammad Ali cũng trở thành mục titêu của Minaret không lâu sau khi chương trình bắt đầu hoạt động vào năm 1967 bởi vì võ sĩ huyền thoại này công khai chỉ trích chiến tranh Việt Nam. Kể từ khi quy theo đạo Hồi không lâu sau việc giành được danh hiệu võ sĩ hạng nặng năm 1964, Ali đã lên tiếng chống đối chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, Ali cũng từ chối nhập ngũ do ông theo đạo Hồi. Do đó, Ali bị mang án 5 năm tù giam, đồng thời bị tước danh hiệu võ sĩ hạng nặng cũng như cấm thi đấu.

Cuối cùng, Tòa án Tối cao Mỹ hủy bỏ sự buộc tội đối với Muhammad Ali vào năm 1971 và cho phép ông thi đấu trở lại. Mặc dù vậy, Ali vẫn tiếp tục nằm trong danh sách Minaret cho đến khi chương trình gián điệp kết thúc năm 1973.

Tom Wicker, nhà báo kỳ cựu của tờ New York Times là một trong những nhà quan sát chính trường sâu sắc nhất của Mỹ, đảm trách mục tiêu điểm báo hằng tuần "Trong Nước" cho tờ New York Times thường xuyên chỉ trích hai tổng thống Johnson và Nixon đã đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam. Các bài báo của Wicker khiến cho Johnson điên tiết và tổng thống tin rằng tờ báo muốn ông thua trong cuộc chiến tranh!

Nhà báo Tom Wicker.

Wicker vẫn tiếp tục chống đối chiến tranh Việt Nam sau khi Nixon trở thành Tổng thống nước Mỹ vào tháng 1/1969 khiến cho Nhà Trắng phải đặt ông vào "danh sách những kẻ thù" vì đã gây “bất an” cho Phòng Bầu dục (phòng làm việc của tổng thống trong Nhà Trắng). Tuy nhiên, lý do đặt nhà báo chuyên mục chính trị Art Buchwald của tờ Washington Post vào danh sách Minaret của NSA vẫn còn là điều bí ẩn và người ta cho rằng có lẽ FBI chú ý đến những bài báo châm chọc của ông.

Người ta cho rằng chứng bệnh hoang tưởng của Tổng thống Mỹ khiến cho Thượng nghị sĩ Frank Church, người chỉ trích ôn hòa  chiến tranh Việt Nam là thành viên của Ủy ban Quan hệ Ngoại giao Thượng viện và đồng minh đáng tin cậy của Tổng thống Johnson. Nhân vật này từng bỏ phiếu cho Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ năm 1964 ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Nhưng, những năm sau đó, Church bắt đầu có thái độ chỉ trích chiến tranh Việt Nam ngày càng mạnh bạo, tin rằng nước Mỹ không thể chiến thắng.

Thượng nghị sĩ Frank Church.

Những chỉ trích của Church thật sự đã chọc tức Johnson, và giới chức Nhà Trắng mô tả quan điểm của Thượng nghị sĩ là "vô trách nhiệm". Tổng thống Johnson cho rằng, Church cùng với những người khác trong Thượng viện chỉ trích các chính sách về Việt Nam của ông ta do chịu ảnh hưởng của Moskva bởi vì vài người trong số họ từng gặp gỡ không chính thức các nhà ngoại giao Liên Xô. Sau khi Richard Nixon bước vào Phòng Bầu dục tháng 1/1969, Church vẫn tiếp tục chống đối chiến tranh Việt Nam và phần lớn các thành viên đảng Dân chủ trong Thượng viện, ngay đến một số lớn các thành viên đảng Cộng hòa cũng có chung quan điểm với ông.

Nhưng người ta vẫn không hiểu tại sao Thượng nghị sĩ Howard Baker - thành viên Thượng viện Mỹ từ năm 1967 đến 1985 và bao gồm thời gian là người lãnh đạo phe đa số từ năm 1981 đến 1985 - bị đưa vào danh sách Minaret của NSA. Không giống như Church, Baker là người ủng hộ nhiệt tình vai trò của quân đội Mỹ ở chiến tranh Việt Nam.

Baker chỉ trích chính quyền Johnson đã không hành động đủ mạnh để chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam, nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ cách giải quyết xung đột của chính quyền Nixon bất chấp làn sóng chỉ trích chiến tranh dâng cao trong Thượng viện. Người ta cho rằng, Baker bị đưa vào danh sách Minaret bởi vì Nixon muốn biết ông đã nói những gì về Tổng thống trong một số những cuộc đàm đạo cá nhân của Thượng nghị sĩ.

NSA thừa nhận, giai đoạn cao điểm của chương trình Minaret vào cuối năm 1969, khoảng 150.000 cuộc gọi điện thoại, telex và điện tín bị chặn bắt và phân tích vào mỗi tháng ở trụ sở NSA. Từ năm 1967 và 1973, NSA đã thực hiện gần 1.900 báo cáo tình báo liên quan đến khủng bố, âm mưu lật đổ chính quyền và đặc biệt là các nhóm được mô tả là "chống đối chiến tranh" Việt Nam! Rõ ràng là Minaret bất hợp pháp cho nên các báo cáo của chương trình được in ra hoàn toàn không có logo của NSA hay bất cứ con dấu nào khác ở đầu hay cuối báo cáo. Sau đó, các báo cáo mật được người của NSA trực tiếp trao tận tay cho vài nhân vật ở Nhà Trắng và những nơi khác ở Washington.

Hiện nay, ngoại trừ Ali và Baker vẫn còn sống thì những mục tiêu khác của Minaret đều đã mất. Mục sư King bị ám sát năm 1968, Young chết đuối năm 1971, Church chết năm 1984, Buchwald mất năm 2007 và Wicker qua đời năm 2011. Muhammad Ali hiện nay mắc bệnh Parkinson. Baker rời khỏi Thượng viện năm 1985 và sau đó trở thành tham mưu trưởng cho Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1987 đến 1988, rồi làm đại sứ ở Nhật Bản từ năm 2001 đến 2005.

Hiện nay, Baker sống với vợ là cựu Thượng nghị sĩ Nancy Kassebaum ở Huntsville, bang Tennessee, đồng thời làm cố vấn cho công ty luật gia đình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tiếp xúc với Baker để tìm kiếm bình luận về chương trình Minaret của NSA đều không có kết quả

Trang Thuần (tổng hợp)

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

Những năm vừa qua, chứng khoán luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia thử vận may. Bên cạnh những người có kiến thức, chịu khó tìm hiểu thì cũng không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư tài chính nhưng mong muốn đổi đời, giàu nhanh nên đã mất không ít tiền của để đi học và bị các “thầy” dạy chứng khoán online lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên từ vài trăm đến vài tỉ đồng.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文