Tình báo Xôviết trong chiến thắng Phát xít

21:45 12/05/2020
Cùng điểm lại những chiến công của các chiến sĩ trong mặt trận thầm lặng vào các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến…

Chỉ huy Cơ quan Tình báo Quân đội của Bộ Tổng tham mưu, Anh hùng Liên Xô, Tướng P.I.Ivantushin từng có những dòng hồi ức sau chiến tranh: “Thông tin đáng lo ngại về việc Đức phát xít chuẩn bị chiến tranh chống Liên Xô và chính sách giả dối của giới cầm quyền các nước phương Tây đã được truyền về Moscow từ năm 1938, và đặc biệt vào giữa năm 1939. Giá trị của những thông tin này là ở chỗ, chúng được khai thác tại các nước phương Tây và phương Đông, cho phép hình dung rõ nguy cơ đang chín muồi nhằm vào Liên Xô… Tất cả những thông tin tình báo trên đều được báo cáo kịp thời cho giới lãnh đạo Đảng, nhà nước, Hội đồng Dân ủy và Bộ Tổng tham mưu”.

Những nhận xét trên của Tướng Ivantushin đã phần nào ghi nhận những đóng góp vô giá của tình báo Xôviết trong chiến thắng cuối cùng của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cùng điểm lại những chiến công của các chiến sĩ trong mặt trận thầm lặng vào các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến…

Ngay trước chiến tranh

Các kịch bản cuộc chiến của Đức phát xít chống Liên Xô được soạn thảo tại Berlin trong những điều kiện bí mật nghiêm ngặt nhất. Tuy vậy, cơ quan tình báo quân đội ngay từ tháng 5/1939 đã cảnh báo giới lãnh đạo Xôviết về việc quân Đức chuẩn bị đánh chiếm Ba Lan.

Đến tháng 2/1940, các điệp viên quân sự tiếp tục khai thác được thông tin về việc Đức chuẩn bị tấn công qui mô lớn nhằm vào Pháp, cũng như về âm mưu gây chiến chống lại Liên Xô.

Rudolf Ressler.

Ngày 8/4/1940, một nguồn tin từ Berlin thông báo, Hitler “dự định giải quyết vấn đề phía Đông bằng cách chia tách Liên Xô thành vài quốc gia riêng biệt”. Từ tháng 9/1940, trung tâm bắt đầu liên tục nhận được thông tin của các điệp viên tình báo quân sự từ London, Stockholm và Tokyo về việc phát xít Đức chuẩn bị chiến tranh chống Liên Xô. Một báo cáo từ Bucharest vào ngày 4/9/1940 cũng khẳng định: “Đức và Hungary đã ký kết một liên minh quân sự chống lại Liên Xô”.

Mặt khác, các thông tin tình báo cũng nhận định chính xác về việc quân Đức không dự định tổng tấn công nhằm vào Anh để chuẩn bị dồn sức cho mặt trận phía Đông. Chẳng hạn như một báo cáo vào ngày 27/9/1940 cho biết: “Quân Đức đã từ bỏ kế hoạch tấn công Anh, công việc chuẩn bị đang được tiến hành chỉ nhằm ngụy trang che giấu việc điều chuyển các lực lượng chính sang phía Đông. Tại khu vực này hiện đã có tổng cộng 106 sư đoàn”.

“Người đảo Corse” (mật danh của nhà lãnh đạo tổ chức chống phát xít tại Berlin trong giai đoạn 1939-1942) đã từng thông báo cho giới lãnh đạo tình báo Xôviết về việc nước Đức đang chuẩn bị tấn công Liên Xô. Cụ thể vào ngày 16-6-1941, ông này chuyển cho Korotkov (một điệp viên tại đại sứ quán Liên Xô) thông tin về phát biểu của Rosenber tại một cuộc họp kín của các quan chức hành chính Đức, dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào cương vị cai quản các vùng của Liên Xô sau khi rơi vào tay quân Đức. “Khái niệm về Liên Xô cần phải được gỡ bỏ khỏi bản đồ địa lý” – Rosenberg đã phát biểu như vậy trong cuộc họp.

Một điệp viên khác có mật danh “Chuẩn úy” cũng đã chuyển cho Korotkov những thông tin quan trọng sau cuộc gặp vào ngày 30/4/1941 với Gregor, một sĩ quan liên lạc của trùm phát xít Hermann Goring.

Theo đó, vấn đề Đức tham chiến chống Liên Xô đã được quyết định và chỉ còn tính từng ngày. 10 ngày sau, chính xác là ngày 9/5/1941, “Chuẩn úy” cũng cảnh báo Korotkov về việc, bộ tham mưu không quân Đức đang khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Liên Xô.

Thông tin về khả năng Đức tấn công Liên Xô còn đến từ rất nhiều điệp viên khác; đáng chú ý trong số này có những gương mặt đáng chú ý như Zorge, Minevich… Số lượng và chất lượng của hàng loạt các báo cáo như vậy từ các tùy viên và điệp viên quân sự vào nửa đầu năm 1941 đã giúp cho giới lãnh đạo Xôviết triển khai kịp thời hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường an ninh và đưa lực lượng vũ trang vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu kịp thời trước mối đe dọa ngày càng lớn tại khu vực biên giới phía Tây.

Giai đoạn đầu chiến tranh

Sự phát triển tình hình trong giai đoạn đầu của chiến tranh có thể coi là bất ngờ và rất khó khăn đối với tình báo quân sự Xôviết. Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, cơ quan này đã đánh mất liên lạc với một loạt các nguồn tin và điệp viên quan trọng tại Đức và nhiều quốc gia khác. Thời điểm cuối năm 1941 cho tới cuối năm 1942 đã ghi nhận hàng loạt những thất bại từ các mạng lưới tình báo tại Bulgaria, Nhật, Đức, Bỉ, Pháp…

Bất chấp những tổn thất nghiêm trọng, tình báo Xôviết vẫn thành công trong việc bảo tồn một lực lượng nhất định, đồng thời gấp rút huấn luyện bổ sung hơn chục tiểu đoàn tình báo viên quân sự để tung vào các chiến trường.

Đáng chú ý là mạng lưới tình báo tại nước ngoài đã dần dần hồi phục và đẩy mạnh hoạt động. Đến mùa thu năm 1941, tình báo quân sự đã khai thác được nhiều thông tin giá trị về các tập đoàn quân phát xít, cụ thể về số lượng quân, những hướng tiến công chính, cũng như về quan điểm của lãnh đạo một loạt các quốc gia khác.

Điệp viên huyền thoại Richard Zorge.

Cụ thể như trong báo cáo của điệp viên Zorge (tại Nhật) và Rado (tại Thụy Sĩ) vào mùa thu năm 1941 đã khẳng định, Nhật không có kế hoạch tham chiến với Liên Xô vào năm 1941, giúp cho Bộ Tổng tư lệnh rút phần đáng kể các lực lượng ở Viễn Đông để bổ sung kịp thời cho mặt trận phía Tây, trong đó có cả Moscow.

Tại khu vực Bắc Âu, điệp viên có mật danh Karl thường xuyên chuyển về những báo cáo và chỉ thị được giải mã của quân đội Đức, giúp cho giới lãnh đạo Xôviết trong một thời gian dài nắm được gần như về tình hình hàng ngày của quân đội Đức tại mặt trận phía Đông. Tình báo cũng hoạt động rất hiệu quả tại các khu vực bị quân Đức chiếm đóng ngay sau chiến tuyến.

Riêng trong mùa thu năm 1941, Liên Xô đã huấn luyện và tung vào hậu phương quân địch gần 500 điệp viên, 17 đơn vị du kích và 29 nhóm trinh sát-phá hoại. Ngoài việc gây bất ổn, tiêu hao số lượng lớn sinh lực địch; lực lượng này còn kịp thời báo về thông tin liên quan đến các hoạt động điều động binh lực lớn của địch phía sau chiến tuyến, nhờ đó xác định được kịp thời và chính xác các đòn tấn công sắp tới của quân thù.

Cuộc chiến bảo vệ Moscow, Stalingrad và Kavkaz

Trong hồi ký của mình, chỉ huy lực lượng tình báo của Bộ Tham mưu mặt trận phía Tây, Tướng T.Korneev đã viết: “Vào ngày 23/9/1941, tình báo mặt trận đã xác định được quân địch đang chuẩn bị tấn công, chuẩn bị một nhóm tập đoàn quân lớn tại khu vực mặt trận phía Tây và mặt trận dự phòng. Chỉ riêng trong hai khu vực này đã tập trung gần 80 sư đoàn, trong đó có 20 sư đoàn xe tăng và cơ giới. Tình báo vô tuyến điện đã đóng vai trò cơ bản trong việc khám phá ra các tập đoàn quân này”.

Hoạt động hiệu quả của tình báo đã giúp Bộ Tổng tham mưu xác định kịp thời âm mưu tấn công nhằm chiếm Moscow của kẻ thù để kịp thời điều động lực lượng bổ sung cho tuyến phòng thủ phía trước thủ đô. Kết quả là Mocsow không những đã đứng vững, mà còn là mặt trận ghi nhận chiến thắng quan trọng đầu tiên của Hồng quân trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Hoạt động của tình báo quân sự đã giúp Hồng quân đập tan kịp thời âm mưu của Hitler nhằm đánh bại Liên Xô trong năm 1942.

Ngay từ tháng 3/1942, tình báo đã trình lên Tổng hành dinh những thông tin quan trọng về âm mưu và các kế hoạch của quân Đức trong mùa hè năm 1942: cụ thể là tập trung đòn đánh chính vào Kavkaz và Stalingrad, sau khi chiếm được những khu vực này sẽ hướng nhóm tập đoàn quân chủ lực lên phía Bắc, cắt đứt thủ đô với hậu phương, sau đó tổng tấn công Moscow từ phía Đông và phía Tây.

Khi bước vào giai đoạn phản công, các nhóm tình báo được tung vào hậu phương quân địch đã nắm được thông tin chính xác tới từng tiểu đoàn trong hệ thống phòng ngự của địch, từ vị trí cho tới quân số và trang bị. Chiến dịch phản công tại Stalingrad nhờ đó đã thành công vang dội, đi vào lịch sử như một bước ngoặt cơ bản của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Chiến dịch “Citadel”

Ngay từ tháng 5/1943, tình báo đã nhận được thông tin về kế hoạch quan trọng mang mật danh “Citadel” của Bộ chỉ huy quân sự Đức tại khu vực vòng cung Kursk. Có thể nói, ngay từ gần hai tháng trước khi chiến dịch diễn ra, Moscow đã có đầy đủ thông tin đa dạng và chính xác về kế hoạch trên. Đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát hiện ra kế hoạch về chiến dịch “Citadel” chính là nhóm tình báo của Shandor Rado tại Thụy Sĩ, nơi đang điều hành nhiều nguồn tin có giá trị, nổi bật nhất là Rudolf Ressler tại Đức.

Shandor Rado.

Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) là Allen Dulles đã phải thừa nhận như sau trong cuốn sách “Nghệ thuật tình báo” của mình: “Phía Liên Xô đã tận dụng được một nguồn tin không tưởng của mình tại Thụy Sĩ là Rudolf Ressler. Qua một số nguồn tin khác (cho tới giờ vẫn chưa được tiết lộ), Ressler đã liên tục thu thập được mọi quyết định của Bộ chỉ huy tối cao quân Đức tại Berlin về mặt trận phía Đông chỉ sau mỗi 4 tiếng đồng hồ”.

Cho tới khi bắt đầu trận đánh tại vòng cung Kursk, cơ quan tình báo đã giám sát được gần như mọi hướng di chuyển của quân đội Đức, nhờ sự hoạt động hiệu quả của khoảng 50 nhóm trinh sát-phá hoại ngay trong hậu phương kẻ thù. Công lao của tình báo tại trận đánh Kursk còn được ghi nhận không chỉ nhờ việc họ đã khám phá ra kế hoạch của quân Đức, mà còn cả thời điểm bắt đầu chiến dịch.

Nếu như Hitler vào ngày 1/7 đã ấn định thời điểm tấn công là ngày 5/7/1943, thì tình báo đã báo cáo lên cấp trên ngay từ ngày 2/7. Việc các chiến sĩ tình báo bắt giữ được một tên lính công binh Đức còn giúp xác định rõ được cả giờ tấn công của kẻ thù, giúp cho Hồng quân kịp thời có đòn phủ đầu bằng pháo binh trước nhằm tiêu hao đáng kể sinh lực địch.

“Thành lũy phía Đông”

Trong số một loạt những nhiệm vụ được giao cho cơ quan tình báo sau trận Kursk, đáng kể nhất là chiến công phát hiện ra hệ thống phòng thủ “Thành lũy phía Đông” – một tuyến phòng thủ chiến lược của quân phát xít, được xây dựng sau thất bại của chúng tại Stalingrad và hoàn tất vào mùa thu năm 1943. Được thiết kế dựa theo địa hình tận dụng tối đa vật cản thiên nhiên là các con sông, bộ chỉ huy quân Đức đặt rất nhiều hy vọng vào tuyến phòng thủ này có thể chặn đứng đà phản công của quân đội Xôviết.

Tuy nhiên, Hồng quân đã đập tan tuyến phòng thủ khổng lồ này chỉ trong tháng 9/1943. Thắng lợi trên dựa rất nhiều vào những thông tin đầy đủ được tình báo cung cấp về các công trình phòng ngự, lực lượng và phương tiện quân sự của Hitler được tập trung tại đây.

Đóng vai trò hàng đầu trong việc giải quyết nhiệm vụ này là nhóm điệp viên hoạt động tại hậu phương địch ở Ukraina và Belarus của Thiếu tá Gnidosh, trước đó đã phát triển được một mạng lưới nguồn tin rộng khắp tại hai nước cộng hòa trên. Đáng tiếc là vào tháng 6/1944, Thiếu tá Gnidosh và nữ điện đài viên Klara Daviduk đã bị quân Đức phát hiện và bao vây. Để không rơi vào tay quân thù, cả hai đã dùng lựu đạn tự sát. Sau chiến tranh, cả hai chiến sĩ tình báo này đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Có rất nhiều điệp viên xuất sắc và anh hùng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng tựu trung, những phẩm chất hàng đầu của họ vẫn là sự nhạy bén và linh hoạt cao, lòng trung thành tuyệt đối với tổ quốc, nghệ thuật hoạt động chuyên nghiệp và sẵn sàng hy sinh tất cả để có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Thành tích xuất sắc của lực lượng này luôn được đánh giá rất cao.

Tính ra có gần 600 chiến sĩ trong mặt trận thầm lặng này đã được trao tặng danh hiệu cao quí nhất – danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1943-1945, có gần 200 ngàn huy chương, huân chương khác nhau đã được trao tặng cho các chiến sĩ tình báo.

Người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong thời gian chiến tranh cũng là Zoya Kosmodemianskaya, một nữ điệp viên. Sự xuất sắc của các chiến sĩ tình báo Xôviết đã khiến cho kẻ thù cũng phải nể phục. Theo thừa nhận của tên trùm chỉ huy tình báo Đức Walter Schellenberg, Hitler ngay từ cuối năm 1941, đặc biệt là sau thất bại tại Stalingrad, đã cho rằng tình báo Xôviết đang vượt trội so với tình báo của Đức.

Hồng Sơn (tổng hợp)

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文