Điều tra hoạt động của các đài phát thanh Trung Quốc trên đất Mỹ:

Tinh xảo chiêu thức “Mượn thuyền giặc đánh giặc”

17:45 14/11/2015
Ngày 2/11, Hãng tin Reuters đã đăng một loạt bài phóng sự điều tra dài về hệ thống các trạm phát sóng truyền thanh đặt ở ngoại ô các thành phố lớn của Mỹ. Đây là hệ thống phát sóng truyền thanh nằm trong mạng lưới truyền thanh toàn cầu chuyên đưa những thông tin và những chương trình quảng bá "quyền lực mềm" của Trung Quốc.

Ngay sau khi phóng sự điều tra của Reuters được đăng tải, một cuộc điều tra chính thức của chính quyền Mỹ đã được thông báo bởi người phát ngôn của Ủy ban Kiểm soát truyền thông liên bang (FCC), Neil Grace. Ông Grace cho biết, cuộc điều tra chỉ nhằm mục đích xem xét các trạm phát thanh này có vi phạm các quy định của nước Mỹ về truyền thông do nước ngoài làm chủ hay không. Đây là tuyên bố bao hàm nhiều khả năng cuộc điều tra sẽ nhằm vào các nội dung phát sóng mà các trạm phát thanh do Trung Quốc kiểm soát đã thực hiện trong thời gian qua.

Cánh tay truyền thông đối ngoại và quảng bá Trung Quốc trên đất Mỹ

Theo phóng sự điều tra của Reuters, trên toàn nước Mỹ hiện có 15 đài, trạm phát thanh do Trung Quốc kiểm soát. Các đài phát thanh này đặt tại khu vực ngoại ô các thành phố lớn, có tầm phủ sóng rộng ra khu vực lân cận. Các đài phát thanh này thực hiện nhiệm vụ tương tự như cách Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã làm.

Một số chương trình phát sóng được cung cấp trực tiếp từ Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (CRI), Cơ quan của Chính phủ Trung Quốc, hoặc được sản xuất và cung cấp bởi Công ty G&E Studio, trụ sở đặt tại West Covina, bang California. Nội dung phát thanh của các đài này tuy cùng một nơi cung cấp nhưng không đồng nhất về giá trị văn hóa do phục vụ 3 nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm:  những người Trung Quốc di cư thế hệ thứ nhất, khả năng nói tiếng Anh hạn chế; người Trung Quốc thế hệ thứ hai ở Mỹ muốn tìm hiểu về cội nguồn quê cha đất tổ; và những thính giả không phải Trung Quốc mà Bắc Kinh hy vọng có thể tác động, gây ảnh hưởng được.

Doanh nhân Tô Ngạn Đào cùng CRI liên doanh lập ra công ty G&E Studio để kiểm soát và cung cấp nội dung cho 15 đài phát thanh tại Mỹ.

Một giờ phát sóng điển hình tại tất cả các đài, trạm phát thanh này sẽ bắt đầu bằng tin tức xen kẽ giữa tin tức Trung Quốc và tin tức về tội phạm bạo lực ở Mỹ. Ngoài ra còn có nhiều đề tài tin tức khác về tình hình tài chính thế giới, tình hình hoạt động của phái đoàn kinh tế Trung Quốc, tin về giải trí, thời trang,… Thường thì trong phần tin tức, các đài phát thanh này chỉ nêu "một phía" của vấn đề.

Chẳng hạn, vào ngày 29/10 vừa qua, sau khi tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, WCRW phát chương trình "The Hourly News". Phát thanh viên của WCRW chỉ nói qua loa rằng: "Các đô đốc đang nói chuyện giữa lúc đang có căng thẳng do Mỹ tạo nên", hoàn toàn không nhắc chi tiết về các phát biểu của các chỉ huy Hải quân Mỹ nêu bật việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo là trái phép và nước Mỹ "thách thức vấn đề đó".

Theo Reuters, hoạt động của mạng lưới 15 trạm phát thanh phục vụ lợi ích của Trung Quốc tại Mỹ đều đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Công ty G&E Studio do một doanh nhân Mỹ gốc Trung Quốc tên là Tô Ngạn Đào sáng lập. Nói chính xác hơn, G&E Studio nắm quyền sở hữu một phần và kiểm soát gần như toàn bộ nội dung phát thanh của các trạm này. Và điều đặc biệt quan trọng là, 60% quyền sở hữu G&E Studio thuộc về Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (CRI) thuộc quyền quản lý của Chính phủ Trung Quốc.

Nhân vật đi đầu trong việc xây dựng và vận hành hệ thống đài, trạm phát thanh Trung Quốc tại Mỹ chính là Tô Ngạn Đào. Sinh năm 1970 tại Thượng Hải, Tô Ngạn Đào theo gia đình sang Mỹ vào năm 1989, định cư tại West Covina, ngoại ô thành phố Los Angeles, bang California. Tô hiện đã được cấp quốc tịch Mỹ. Khoảng đầu thế kỷ XXI, Tô bắt đầu phất lên trong ngành truyền thông, với Công ty EDI Media Inc. Từ năm 2003, Tô Ngạn Đào, khi đó 33 tuổi, đã tự phác họa cho mình một tầm nhìn chiến lược kinh doanh trong ngành truyền thông, với phương châm vừa có lợi nhuận vừa có thể giúp Trung Quốc truyền bá thông điệp "quyền lực mềm" ở Mỹ. Tô xác định việc kinh doanh đó cần phải được cấu trúc cho phù hợp với luật pháp về chủ sở hữu kinh doanh của Mỹ, đồng thời "bảo đảm tư tưởng Trung Quốc". Trong một bài phát biểu trước các kiều bào Trung Quốc tại Mỹ năm 2003, Tô đã hô hào, kêu gọi mọi người hướng về Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc".

Tô Ngạn Đào (trái) và Vương Cảnh Niệm, Tổng Giám đốc CRI.

Năm 2009, Tô ký một giao kết với Công ty Guoguang Century Media - công ty con 100% vốn của CRI tại Mỹ - để thành lập Công ty G&E Studio, với 60% vốn của Guoguang Century Media. Tô làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Từ đây, tài sản của Tô ngày càng gia tăng. Trên trang web của Công ty G&E Studio, Tô đã mô tả CRI là một đối tác "gần gũi". Còn trang web của EDI thì tự xem mình là "cánh tay truyền thông đối ngoại và quảng bá" của Trung Quốc tại Mỹ. Ngoài hai công ty G&E và EDI, Tô còn sở hữu thêm một công ty nữa cũng trong ngành truyền thông, là Công ty Golden City Broadcast LLC. Năm 2013, Tô được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt khen thưởng do các đóng góp truyền thông đối ngoại.

Lấy pháp nhân Mỹ lách luật Mỹ

Tân Hoa xã đã trích một đoạn trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2014, tại một buổi nói chuyện trong nước về chính sách quốc gia như sau: "Chúng ta nên tăng cường “quyền lực mềm” của Trung Quốc, đưa ra một câu chuyện tốt đẹp của Trung Hoa và truyền tải tốt hơn thông điệp của Trung Quốc ra thế giới". Quán triệt tư tưởng này, Tổng giám đốc CRI Vương Cảnh Niệm mô tả hoạt động xây dựng hệ thống các đài truyền thanh Trung Quốc ở hải ngoại như một nỗ lực "mượn thuyền giặc để đánh giặc", tức lợi dụng các phương tiện truyền thông nước ngoài để truyền bá thông điệp Trung Quốc ngay tại nước đó.

Bên trong một đài phát thanh của Trung Quốc tại Mỹ.

Theo phóng sự điều tra của Hãng Reuters, hệ thống phát thanh toàn cầu của Trung Quốc tổng cộng 33 đài, trạm phát thanh được thiết lập tại 14 quốc gia trên thế giới, kể cả các đài, trạm ở Mỹ. Các đài này được các nhà báo Reuters cho là một bộ phận trong mạng lưới truyền thông mang tính chất truyền bá "quyền lực mềm" mà Trung Quốc đã và đang triển khai. Các đài phát thanh do Trung Quốc tài trợ và kiểm soát được lắp đặt và phủ sóng phát thanh đến phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều quốc gia, từ Bắc Mỹ, đến châu Âu, Australia và một phần thuộc Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

Doanh nhân Zhao Yinong.

Công ty G&E Studio của Tô Ngạn Đào là một trong 3 công ty bình phong kiểm soát các trạm, đài phát thanh tại 4 châu lục. CRI nắm 60% sở hữu ở cả 3 công ty này. Tại châu Âu có Công ty GBTimes đặt trụ sở tại Tampere, Phần Lan, nắm quyền sở hữu hoặc cung cấp nội dung cho ít nhất 9 đài, trạm phát thanh khắp cựu lục địa. Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Global CAMG Media Group tại đặt trụ sở tại Melbourne, Australia, nắm cổ phần sở hữu và cung cấp nội dung cho ít nhất 8 đài, trạm phát sóng. Ở khu vực Bắc Mỹ, ngoài 15 đài, trạm tại Mỹ, G&E Studio còn cung cấp nội dung phát thanh cho một đài ở Vancouver, Canada.

Ở châu Âu, theo Reuters, GBTimes do doanh nhân Trung Quốc Zhao Yinong làm chủ, kiểm soát hoạt động của 14 đài phát thanh phủ sóng từ Phần Lan (nơi đặt trụ sở GBTimes) cho đến Hungary, Italia, phát thanh bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Cũng giống như G&E Studio ở Mỹ, GBTimes cũng nắm sở hữu một phần hoặc cung cấp nội dung tin tức cho các đài này phát sóng. Một số đài châu Âu chủ yếu phát các chương trình ca nhạc, nhưng một số đài cũng phát những chương trình truyền bá văn hóa, xu hướng xã hội Trung Quốc, như "Colorful East", Pop Rock Dragon",… Đài Klasszik Radio ở Hungary cho biết, nhiệm vụ của đài là "nói chuyện về những vấn đề xã hội lớn nhỏ của Trung Quốc, về văn hóa Trung Hoa, các thú vui và rằng Trung Hoa không xa lạ như chúng tôi tưởng".

Ở châu Á, Đài Canberra FM 88 ra đời vào năm 2009 do một doanh nhân gốc Trung Quốc khác làm chủ là Tommy Jiang, liên doanh với CRI thông qua một công ty truyền thông Australia, trụ sở tại Melbourne. Ở châu Á, một số nhân viên làm việc tại các đài phát thanh được CRI trực tiếp tập huấn. Chẳng hạn, một nhân viên ở Đài Capital FM 92.4 ở Kathmandu, Nepal, nói rằng các nhân viên Nepal đã được đưa đến tập huấn tại bộ phận tiếng Nepal của CRI ở Bắc Kinh.

Nhờ đâu một hệ thống truyền thông đồ sộ như vậy có thể tồn tại và hoạt động công khai phục vụ lợi ích Trung Quốc tại nhiều quốc gia mà không bị "hỏi thăm"? Câu trả lời là người Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ luật pháp sở tại và đã tìm cách lách tất cả các quy định phá luật đó để các công ty, đại lý của họ hoạt động một cách hợp pháp, dù được Chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Tại Mỹ chẳng hạn, quy định của luật pháp Mỹ liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động phát thanh có yếu tố nước ngoài nghiêm cấm chính phủ ngoại quốc hoặc các đại diện của chính phủ ngoại quốc đứng tên giấy phép hoạt động cho một trạm phát thanh tại Mỹ. Theo Luật Truyền thông của Mỹ, các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài được phép nắm giữ tối đa 20% sở hữu trực tiếp và đến 25% sở hữu trong công ty mẹ của một trạm phát thanh.

Căn cứ theo quy định này thì FCC sẽ rất khó có thể cấm các đài, trạm phát thanh do CRI kiểm soát hoạt động, bởi danh nghĩa trực tiếp nắm cổ phần sở hữu và kiểm soát trực tiếp các đài, trạm phát thanh tại Mỹ không phải là CRI hay Guoguang Century Media, công ty con của CRI, mà là G&E, mà G&E cũng chỉ là một liên doanh giữa Guoguang Century Media với EDI Media của Tô Ngạn Đào, vốn được thành lập hợp pháp tại Mỹ do một công dân Mỹ là Tô Ngạn Đào đứng tên đăng ký kinh doanh. Tô Ngạn Đào còn khôn ngoan ở chỗ, ông ta không nắm nhiều cổ phần trong G&E, mà chủ yếu bỏ vốn vào ít nhất 6 đài, trạm phát thanh, nắm cổ phần kiểm soát các đài, trạm này nhằm hợp thức hóa chúng.

Điều quan trọng là tất cả các công ty của Tô Ngạn Đào đều được đăng ký là pháp nhân Mỹ, do công dân Mỹ  - Tô Ngạn Đào - đứng tên, do đó Chính phủ Mỹ không thể xem chúng là bất hợp pháp.

Nguyên Khang (tổng hợp)

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文