Truy tìm kho báu của “Vua hải tặc” Samuel Bellamy

08:15 15/03/2010
Một vệt tối thẫm hiện ra dưới ánh đèn rọi khiến nhóm thợ lặn rùng mình. Một quái vật dưới đáy đại dương chăng? Rồi thấp thoáng một miệng súng thần công của tàu chiến cổ. Lần đầu tiên trong suốt 3 thế kỷ trở lại đây, người ta đã tìm được một kho báu bị chìm dưới đáy biển đáng giá nhất.

Nhà thám hiểm hiện đại Barry Klifford đã tìm ra vết tích của con tàu Whydah, được mệnh danh là "chiến hạm Đô đốc" của tên cướp biển khét tiếng trong thế kỷ XVIII Samuel Bellamy, hay còn được gọi là "Sam đen", hoặc "vua hải tặc". Whydah bị bão đánh đắm đầu năm 1717 ở ven vùng nước gần Welflee (tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ). Đây chính là kho báu lớn nhất được tìm thấy cho tới nay ven hải phận nước Mỹ, với tổng trị giá ước tính lên đến 400 triệu USD.

Ý nghĩa lịch sử còn to lớn hơn, bởi Whydah là con tàu cướp biển đầu tiên được tìm thấy dưới đáy đại dương trong tình trạng nguyên vẹn chưa bị sứt mẻ gì cả. Thực tế là trước đó chưa ai khám phá ra nơi này. Cho tới nay, mọi điều chúng ta biết về bọn hải tặc thời trước chỉ là những điều giả tưởng, huyền thoại hay những sản phẩm điện ảnh do Hollywood hư cấu.

Qua nghiên cứu Whydah, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về thế giới cướp biển: chúng sống ra sao, cướp bóc như thế nào? Chúng tuân thủ theo những luật lệ riêng gì? Ví như dạng hình ảnh cướp biển truyền thống: tay luôn cầm kiếm, mặt bịt kín cùng trang phục quái dị xem ra đều được Whydah khẳng định là đúng. Bằng chứng là vô số các hiện vật cá nhân đã được tìm thấy trên tàu: đồ trang sức, vũ khí, vòng kim loại quý...

Người ta cũng đang nghiên cứu hợp chất hóa học của thứ vàng được tìm thấy trong Whydah với hy vọng hiểu được xuất xứ của chúng, cũng như lộ trình mà con tàu thường hoạt động. Ngoài ra các hiện vật tìm được cũng cho phép bổ sung thêm vào "huyền thoại Whydah" đã từng lôi cuốn các nhà khoa học suốt mấy thế kỷ qua.

Mô hình phục chế chiến hạm Đô đốc.

Whydah bị bão đánh đắm kề mũi Cape Cod, là phương tiện lớn nhất trong đội tàu cướp biển do S.Bellamy cầm đầu. Tên tướng cướp đã gieo bao nỗi kinh hoàng trong vùng biển Caribbean. Tài sản mà hắn đánh cướp được có thể sánh ngang với William Kidd - "Hoàng đế cướp biển" lừng danh của mọi thời từng bị người Anh bắt và treo cổ.

Barry Klifford, người có công tìm ra kho báu sẽ được sở hữu số tài sản kếch xù. Nhưng trước khi tập trung được mọi hiện vật dưới Whydah lại, phải mất nhiều thời gian nữa cùng với khoản kinh phí trục vớt không nhỏ. "Một vài triệu USD phí tổn có thấm tháp gì so với mấy trăm triệu USD trị giá hiện vật? Sẽ tới một ngày...", B.Klifford cười nói suốt kể từ ngày tìm ra kho báu. “Nhưng sao ông không bán bớt một ít đồ vớt được đi để xúc tiến các công việc còn lại?”. "Ồ, không, tôi không cho phép đụng tới kho báu. Trước tiên tôi muốn mọi vật phải được nghiên cứu đã, bởi đây là những sản phẩm nghệ thuật vô giá...", Barry khảng khái đáp.

Tuy có một vài nhà tài trợ góp tiền giúp ông, bản thân Klifford cũng đã bỏ vào đây cả trăm nghìn USD rồi. Ông buộc phải giới hạn các công việc khác của mình (Barry Klifford chuyên buôn đồ cổ từ các tàu đắm).

"Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước về Whydah. Tôi linh cảm thấy con tàu này còn quan trọng hơn là kho báu nó mang theo. Gần 3 thế kỷ nay, dân chúng ở Cape Cod đã nghĩ ra hàng ngàn cách nhằm truy tìm kho báu của Bellamy. Chú tôi cũng là một người trong số đó. Ông kể cho tôi nghe huyền thoại về Whydah lần đầu khi tôi mới lên 8 tuổi và nó cứ ám ảnh tôi suốt. Nguồn tin đầu tiên tôi biết được về Whydah qua các báo cáo lưu trữ của Siprien Suntek, người được nguyên Thống đốc bang Massachusetts cử đi tìm kho báu Whydah hồi cuối thập niên 20 thế kỷ XVIII. Tôi đã tự nhủ nếu tìm được Whydah, tôi sẽ lập một bảo tàng về cướp biển, để con trẻ thuộc các thế hệ tiếp nối có thể thấy tận mắt những hiện vật lừng lẫy một thời, để mà suy ngẫm...", nhà thám hiểm hiện đại thổ lộ.

Khẩu thần công mà nhóm thợ lặn mục kích dưới nước cũng chính là khẩu súng đã bắn vào... bão trước khi tàu chìm. Hai thủy thủ sống sót sau đó kể lại rằng, Bellamy khi ấy quá phẫn uất đã hạ lệnh cho thần công khạc đạn khắp nơi: vào bão, vào sóng biển, vào sấm chớp... để trả thù cho hả dạ những thế lực đã dám xé nát chiến hạm Đô đốc ra nhiều mảnh và nhấn chìm nó xuống. Họ khai trước phiên tòa ở Boston và được xử trắng án vì bị bắt buộc phải phục dịch trên tàu hải tặc. Nếu bị quy tội cướp biển, họ sẽ bị treo cổ ngay.

Tuy là một người đàn ông điềm đạm, nhưng Barry Klifford đã nhảy cẫng lên khi vớt được đồng xu Tây Ban Nha đầu tiên từ dưới nước. Ông kể lại: "Tôi giữ  chặt nó trong tay và nhìn thật kỹ. Trên đó có khắc dấu chữ thập bằng bạc và niên hiệu 1684. Từ giây phút này, huyền thoại Whydah đã biến thành thực tế. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy: vòm trời đen kịt, mặt biển còn đen hơn, ở giữa là từng đàn hải âu trắng". --PageBreak--

Đồng xu Tây Ban Nha nói trên chỉ là một trong hàng nghìn đồng xu cổ được vớt lên từ Whydah. Kho báu nằm cách Welflee độ 400m, dưới độ sâu 7,5m nước. Whydah bị một lớp cát đáy biển dày khoảng 2m phủ lên. B.Klifford và đội thợ lặn thiện nghệ  9 người thuộc con tàu khoa học mang tên Đức vua West UK Exsplorer đệ nhị chuyên khảo sát đáy biển đã  làm việc dưới sự chỉ đạo của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ Đại dương, có trụ sở tại Hải cảng Bristol (tiểu bang Maine).

Giám đốc viện, Giáo sư Tiến sĩ Woren Riss là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc nghiên cứu cổ vật được vớt lên từ đáy các đại dương. "Có vô số những cuốn sách viết về hải tặc thời cổ - Giáo sư W.Riss nói - Nhưng hầu hết đều dựa theo các truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể mục kích một cỗ tàu hải tặc thực sự. Hiện viện chúng tôi đang xúc tiến để sớm hoàn thành những bản nghiên cứu đầy đủ về Whydah".

Suốt gần 3 thế kỷ qua, có rất nhiều người đã đi tìm kho báu và con tàu của Bellamy. Nhưng tên tuổi của Barry Klifford được ghi nhận là người tìm ra nó. Ông đã dày công bỏ ra 9 năm ròng lục tìm trong các kho lưu trữ, các thư viện về hải dương học cũng như các hiệu sách hiếm, tham khảo tra cứu các bản đồ, hải đồ vẽ tay cùng các tọa độ. Thật không dễ gì áp dụng các thông số từ thế kỷ XVIII vào thực tại, bởi đơn giản nhiều địa danh đã biến mất theo thời gian. Với biệt tài của một nhà thám tử  thượng thặng, cùng sự trợ giúp của các máy móc điện tử tân kỳ, B.Klifford  đã tìm ra nơi Whydah đắm.

Hiện kho báu của tên “vua hải tặc” Samuel Bellamy được bảo quản trong một hầm sắt lớn thuộc Bank of New England (chỗ chính thức cất giấu được giữ bí mật vì lý do ngại vấn đề an ninh, chỉ có các chuyên gia mới được phép thấy chúng). Hàng ngàn đồng xu bằng vàng và bạc được bảo quản trong các túi nhựa kín và được ngâm trong nước để tránh sự phá hủy của ôxy trong không khí.

Một phần hiện vật được vớt lên từ đáy đại dương. Cuốn sách khảo cứu dạng best-seller về con tàu Whydah và kho báu huyền thoại.

Một đồng xu bạc cổ thời Bellamy có giá tới cả chục nghìn USD trên thị trường chợ đen. Một đồng tiền vàng Tây Ban Nha niên hiệu 1642 giá 50.000 USD. Một cái cốc uống rượu bằng gỗ mun niên đại 1352 lên tới nửa triệu USD... Giữa các hiện vật là đồ trang sức, vũ khí, những đồ đồng lớn, có cả chiếc đồng hồ mặt trời nữa... Kho báu đối với B.Klifford không chỉ là tiền bạc, tuy rằng theo luật định thì Klifford có quyền hưởng 75% tổng trị giá cổ vật, 25% còn lại thuộc tiểu bang Massachusetts nơi có tàu đắm.

"Tôi muốn giữ nguyên trạng cổ vật như gìn giữ di sản của gia đình. Được bảo quản những kỷ vật từ thời Bellamy đối với tôi còn quan trọng hơn là giữ tiền. Huyền thoại về Whydah và Bellamy cần phải được mọi người biết đến", nhà thám hiểm kỳ cựu khảng khái nói.

Huyền thoại Bellamy, cũng như nhiều huyền thoại khác trong lịch sử thật thú vị cho những ai muốn khám phá nó. Samuel "Black" Bellamy vốn là một thủy thủ người Anh, từng sống một thời gian dài tại Cape Cod, cùng với người bạn Poll Williams đi tìm các kho báu giấu trên quần đảo Bahamas.

Theo huyền thoại, trước đó Bellamy yêu cô gái Maria Hallet 15 tuổi và rồi họ có với nhau một đứa con. Samuel và Poll sau khi vỡ mộng về các kho báu, liền quyết chí làm giàu bằng con đường... hải tặc, trở thành nỗi kinh hoàng khắp vùng Caribbean. Đầu năm 1717 chúng cướp được con tàu Whydah của người Anh chuyên chở nô lệ sang châu Mỹ và đang trên đường quay về, sau khi đã dỡ hàng ở Jamaica. Sau khi đã thả viên thuyền trưởng cùng những người khác không muốn trở thành cướp biển, Bellamy đích thân nắm lấy quyền chỉ huy chiếc Whydah. Đây là con tàu lớn nhất mà hắn cướp được, dài tới 30m và hoạt động trong điều kiện hết sức hoàn hảo, được “Sam đen” tôn là chiến hạm Đô đốc.

Vào đêm 26/4/1717 Whydah gặp một trận bão khủng khiếp, đã nhấn chìm tướng cướp Bellamy cùng đồng bọn đang say khướt vì rượu rum xuống đáy Đại Tây Dương. Tuy nhiên, cũng như nhiều huyền thoại khác, câu chuyện này cũng không thiếu sự thêm thắt. Có người cho rằng Bellamy đã thoát nạn, cùng vợ con trốn qua sống bên tiểu bang Maine, nơi hắn định tạo dựng "dinh lũy cướp biển". Những người khác lại nói con trai của Bellamy bị chết, còn Maria Hallet bị đuổi khỏi nơi cư ngụ và sống vất vưởng đến hết đời...

T.Q.Long (theo Discovery)

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文