Tù nhân Guantanamo bị biến thành “chuột” thí nghiệm

11:35 19/09/2012

Mới đây, một bác sĩ Mỹ tiết lộ việc quân đội Mỹ sử dụng thuốc chống sốt rét gây tranh cãi mefloquine cho mọi tù nhân bị giam giữ ở căn cứ Hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo. Mefloquine liên quan đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: gây tổn hại cho hệ tiền đình, trầm uất, âu lo, tâm thần hoảng loạn, ảo giác, ác mộng, nôn mửa, đau nhức cơ thể và có suy nghĩ hay hành vi tự sát, giết người. Mefloquine trước đây được thương mại hóa dưới tên gọi Lariam.

Remington Nevin, bác sĩ hàm thiếu tướng làm việc ở Bệnh viện quân y Bayne-Jones trong căn cứ Fort Polk thuộc bang Louisiana, là tác giả bài báo phân tích nhan đề "Sự chỉ định hàng loạt thuốc chống sốt rét mefloquine cho các tù nhân Guantanamo" đăng trên tạp chí Y tế quốc tế và y khoa nhiệt đới (TMIH) số tháng 8/2012.

Đầu năm 2012, Remington Nevin đã có báo cáo trước Quốc hội Mỹ về những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc mefloquine. Theo đánh giá của Nevin, việc chỉ định liều cao mefloquine cho tù nhân Guantanamo được coi là hình thức tra tấn đặc biệt gọi là "waterboarding dược lý" với mục đích nghiên cứu tác dụng phụ của thuốc lên cơ thể.

Mặc dù biết rõ những tác dụng phụ nguy hiểm đến thần kinh, song Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) vẫn có quy định sử dụng mefloquine liều cao cho những tù nhân mới được chuyển đến Guantanamo bất chấp việc họ có mắc bệnh hay không nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh sốt rét trên căn cứ hải quân này.

Sự lạm dụng mefloquine ở Guantanamo được giới quan chức Mỹ biết đến lần đầu tiên sau cuộc điều tra của chính quyền nước này về vụ 3 tù nhân Guantanamo tự sát vào tháng 6/2006. Theo thông tin từ sĩ quan tham mưu Joe Hickman công tác tại Guantanamo vào thời điểm xảy ra những vụ tự sát, hồ sơ y khoa của cả 3 tù nhân tự sát cho thấy họ được chỉ định dùng thuốc mefloquine liều cao. Tất cả tù nhân được gửi đến Guantanamo vào tháng 1/2002 đều dùng thuốc mefloquine với liều lượng 1.250g, tức cao gấp 5 lần liều chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt rét.

Thiếu tướng quân y Remington Nevin nhận định sự chỉ định mefloquine quá liều như thế này có nguy cơ cao dẫn đến ý nghĩ muốn tự sát, đặc biệt khi mefloquine kết hợp với "những kỹ thuật tra tấn tăng cường". Mefloquine, hay Lariam, được quân đội Mỹ giao cho Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed (WRAIR) nghiên cứu phát triển trong thập niên 70 thế kỷ trước và được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) cấp phép sử dụng vào năm 1989.

Trong quãng thời gian nghiên cứu, những cuộc thí nghiệm mefloquine đầu tiên trên người được tiến hành đối với tù nhân bị giam giữ trong nhà tù Stateville Correctional gần thành phố Joliet, bang Illinois, nơi từng diễn ra cuộc thí nghiệm thuốc chống sốt rét gây tranh cãi vào đầu thập niên 40.

Mặc dù biết rằng mefloquine đặc biệt gây nguy hiểm cho những người đang được chữa trị chứng trầm uất hay những dạng rối loạn tâm thần khác, nhưng mọi tù nhân ở Guantanamo vẫn buộc phải dùng thuốc này mà không hề trải qua giai đoạn kiểm tra sức khỏe tâm thần và tiền sử bệnh.

Vào năm 2002, khi nhà tù Guantanamo được thành lập, mefloquine được sử dụng lần đầu tiên ở đây, có hàng chục vụ mưu toan tự sát được ghi nhận trong số những tù nhân bị giam giữ.

Theo cuốn sách "Nhân tố bổ sung ở Vịnh Guantanamo: Ký ức của một chiến binh thường dân" của tác giả Montgomery Granger, vào tháng 2/2002, có ít nhất 459 tù nhân bị giam tại Guantanamo và khoảng một tháng sau xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần trong nhà tù bắt đầu "xấu đi nhanh chóng". Nói cách khác, số tù nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần ngày một tăng ở Guantanamo.

Mefloquine, thuốc chống sốt rét gây tranh cãi được sử dụng cho mọi tù nhân ở Guantanamo.

Trong phiên họp ngày 19/2/2002 của Ủy ban Dịch bệnh quân lực Mỹ (AFEB) về những biện pháp đối phó với bệnh sốt rét ở Guantanamo, đại tá hải quân Alan J. Lund không hề tiết lộ việc sử dụng mefloquine cho tù nhân mà chỉ đề cập đến loại thuốc chống sốt rét khác gọi là primaquine. Theo tiết lộ của đại tá Elspeth Cameron Ritchie - nữ chuyên gia tâm thần hàng đầu làm việc cho bộ phận y tế của Văn phòng trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (OASD-HA) và là người từng có chuyến công tác đến Guantanamo vào tháng 10/2002, có sự liên quan chặt chẽ giữa việc sử dụng thuốc chống sốt rét mefloquine và những kỹ thuật tra tấn ở Guantanamo.

Các loại thuốc chống sốt rét có tác dụng phụ nguy hiểm như thế từng được nghiên cứu thử nghiệm trong chương trình bí mật có tên mã MKULTRA của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong quá khứ. MKULTRA là chương trình "kiểm soát trí não" của CIA hợp tác với Đơn vị Chiến dịch đặc biệt (SOD) -  bộ phận bí mật của ngành hóa chất quân đội Mỹ ở căn cứ quân sự Fort Detrick.

Tháng 12/1969, Tổng thống Nixon ra lệnh tiêu hủy các hóa chất và thuốc độc hại, bao gồm thuốc chống sốt rét cinchonine, sau khi chính quyền Mỹ ký kết một hiệp ước quốc tế về phá hủy các loại vũ khí sinh học và hóa học. Do đó, việc CIA bí mật lưu trữ cinchonine bị tiết lộ vào tháng 9/1975 đã gây bối rối không ít cho Washington.

Các tác nhân độc hại được CIA bí mật lưu trữ bất chấp lệnh buộc tiêu hủy của Tổng thống Nixon bao gồm: nọc độc rắn hổ mang, chất độc của cá, và rất nhiều chất chỉ được biết dưới tên mã như là "E-4640", "F-270" v.v… Cho đến nay người ta vẫn chưa biết những tác nhân gây chết người như thế từng được CIA sử dụng hay không và nếu có thì ở đâu hay với những đối tượng nào

Di An (tổng hợp)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文