Diễn tiến cuộc đảo chính nhằm lật đổ Nhật Hoàng Hirohito

16:00 13/09/2016
Ông Koichi Kido, cố vấn thân cận nhất của Nhật hoàng Hirohito - người được coi như đứng đầu "Cơ mật viện Hoàng gia" ghi lại trong nhật ký: "Những tờ truyền đơn sẽ khiến quân đội tức giận, và đảo chính quân sự là điều không thể tránh khỏi" trong lúc từ nơi trú ẩn, Nhật hoàng Hirohito ra chỉ thị: "Tôi mong muốn nội các chuẩn bị càng sớm càng tốt một thông điệp tuyên bố chấm dứt chiến tranh".

Bản tuyên bố đầu hàng cẩt giấu trong hoàng cung

Sáng ngày 14-8, thủ đô Tokyo và nhiều thành phố khác ở nước Nhật ngập tràn một màu trắng bởi những tờ truyền đơn do máy bay Mỹ thả xuống, nội dung gồm những thông tin mà Chính phủ Nhật trao đổi với phía Đồng minh về việc đầu hàng.

Ông Koichi Kido, cố vấn thân cận nhất của Nhật hoàng Hirohito - người được coi như đứng đầu "Cơ mật viện Hoàng gia" ghi lại trong nhật ký: "Những tờ truyền đơn sẽ khiến quân đội tức giận, và đảo chính quân sự là điều không thể tránh khỏi" trong lúc từ nơi trú ẩn, Nhật hoàng Hirohito ra chỉ thị: "Tôi mong muốn nội các chuẩn bị càng sớm càng tốt một thông điệp tuyên bố chấm dứt chiến tranh".

Nhật hoàng Hirohito đọc lời tuyên bố đầu hàng Đồng minh.

Tuy nhiên, Hirohito cũng hiểu rằng bản thông điệp đăng tải trên báo chí không đủ sức mạnh, vì có thể có ai đó sẽ nói "nó là đồ giả" nên ông quyết định đọc trước máy ghi âm rồi sau đó, phát trên đài phát thanh để toàn dân Nhật Bản có thể nghe thấy tiếng nói của ông. Trong nhật ký, cố vấn Kido viết: "Tôi cùng các trợ lý vội vã thu xếp giờ phát sóng với Giám đốc Đài NHK. Lúc vừa nghe tôi nói xong, ông giám đốc choáng váng vì không bao giờ ông nghĩ rằng Hoàng đế lên đài phát thanh chỉ để đọc lời… đầu hàng!".

Nhưng dẫu choáng váng vì quá bất ngờ, Đài NHK vẫn nhanh chóng cử một đội kỹ thuật viên tiến hành chuẩn bị máy móc, đặt tại hội trường trên tầng 2 để ghi âm lời nói của Nhật hoàng. Koichi Kido viết: "17 giờ, lúc quay lại Đài NHK, tôi thấy quân số của Lực lượng Vệ binh Hoàng gia đông hơn mức bình thường. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Tôi sợ những gì có thể xảy đến với Hoàng đế…".

20 giờ ngày 14-8, trong lúc các nhân viên Đài NHK ngồi im lặng chờ đợi thì bản thảo lời tuyên bố đầu hàng đã được nội các Nhật Bản chỉnh lý lần cuối cùng. Đó là một tờ giấy lụa, chi chít những chỗ sửa chữa - những đoạn không còn chỗ trống để sửa chữa thì người chỉnh lý dán ở bên cạnh một mảnh giấy nhỏ, ghi những câu, chữ cần phải bỏ đi hay thêm vào. Cuối cùng, nhân viên sao chép nắn nót viết lại theo kiểu thư pháp cổ với bút lông và mực đen.

21 giờ ngày 14-8, trong buổi phát thanh thời sự thường lệ, xướng ngôn viên Đài NHK thông báo có một bản tin vô cùng quan trọng sẽ được phát vào trưa ngày mai, 15-8, đề nghị mọi người dân Nhật chú ý đón nghe. Cùng lúc đó, bản sao lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito cũng được gửi đến tất cả những tờ báo lớn ở Tokyo với mệnh lệnh từ Thủ tướng Suzuki: "Chỉ được phép đăng tải sau khi Hoàng đế đã đọc bản tuyên bố này trên đài phát thanh".

23 giờ 30 phút ngày 14-8, Nhật hoàng Hirohito đến Đài NHK dưới sự hộ tống của Lực lượng Vệ binh Hoàng gia. Trong hội trường trên tầng 2, các kỹ thuật viên cúi người chào vị hoàng đế với đầy sự tôn kính. Có vẻ hơi bối rối, Nhật hoàng bước đến trước micro rồi hỏi: "Tôi nên nói bằng giọng như thế nào?". Ngập ngừng giây lát, một kỹ sư trân trọng đề nghị: "Thưa hoàng đế. Ngài hãy nói như bình thường".

Thời gian và không gian trong khu vực thu âm như dừng lại khi Nhật hoàng lên tiếng: "…Để bảo vệ những công dân tốt và trung thành với nước Nhật, sau khi cân nhắc sâu sắc các xu hướng chung của thế giới và các điều kiện thực tế trong đế chế của chúng tôi. Ngày hôm nay chúng tôi quyết định thực hiện một giải pháp cho tình hình hiện tại… Hãy để cho toàn dân tộc Nhật tiếp tục phát triển như một đại gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ vững đức tin của mình cùng với sự thiêng liêng và bất diệt của đất nước…".

Kết thúc lời tuyên bố, Hirohito quay lại. Ông hỏi: "Như vậy là xong tất cả rồi phải không?". Kỹ sư trưởng phụ trách ghi âm lắp bắp: "Thưa hoàng đế, không có lỗi kỹ thuật nhưng một vài phát âm cũng chưa hoàn toàn rõ ràng".

Hirohito đọc lại lời tuyên bố đầu hàng Đồng minh một lần nữa. Lần này mắt ông rơm rớm nước, hòa cùng nước mắt của tất cả mọi người có mặt trong phòng thu âm. Lời tuyên bố chỉ kéo dài khoảng 1 phút rưỡi, được sao chép thành 4 bản. Các kỹ thuật viên chọn 1 trong 4 bản này để phát sóng, còn lại họ cất vào một chiếc hộp bằng thép rồi cho vào một túi vải kaki.

Do đã nghe tin đồn về chuyện đảo chính nên các kỹ thuật viên quyết định ở lại trụ sở đài vì sợ rằng những kẻ nổi loạn sẽ tìm cách chiếm lấy và phá hủy bản ghi âm cũng như máy móc. Còn 3 bản ghi âm kia, được một sĩ quan cận vệ của Nhật hoàng đem về cung điện Kyujo, giấu trong một căn phòng nhỏ - vốn là phòng một thành viên trong đoàn tùy tùng của hoàng hậu, nơi nam giới bị hạn chế bước vào.

Đạn đã lên nòng

Một tiếng rưỡi trước lúc Nhật hoàng Hirohito đến Đài NHK để đọc lời tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh thì cỗ máy binh biến của Thiếu tá Kenji Hatanaka cũng bắt đầu chuyển động mà việc đầu tiên là thuyết phục bằng cách đánh lừa Đại tá Toyojiro Haga, chỉ huy Trung đoàn Vệ binh Hoàng gia số 2, ngả về phe đảo chính.

Bộ trưởng Anami: "Cái chết của tôi là lời tạ tội với Hoàng đế vì một tội ác mà tôi không ngăn cản được…".

Do đã dự báo trước tình hình, 21 giờ 30 ngày 14- 8, Trung đoàn Vệ binh Hoàng gia số 2 đổ quân xuống cung điện Kyujo, nâng lực lượng phòng thủ tại đây lên 2 trung đoàn. Nắm được tin này, Kenji Hatanaka cùng Trung tá Jiro Shiizaki đến cung điện Kyujo, nói với Đại tá Toyojiro Haga rằng: "Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami, tướng Umezu và các chỉ huy Quân khu Đông cùng toàn bộ Lực lượng Vệ binh Hoàng gia đều đã nằm trong kế hoạch". Bên cạnh đó, Hatanaka cũng đến văn phòng của tướng Tanaka Shizuichi, tư lệnh Quân khu Đông nhằm thuyết phục ông này tham gia đảo chính nhưng Tanaka từ chối, đồng thời ra lệnh cho Hatanaka chấp hành điều lệnh quân đội, trở về nhà.

Thế nhưng, "đạn đã lên nòng", kẻ cầm đầu cuộc đảo chính không thể nào thoái lui được nữa. Ban đầu, Hatanaka hy vọng rằng chỉ cần chiếm được cung điện và thành công trong việc quản thúc Nhật hoàng Hirohito là sẽ truyền cảm hứng cho phần còn lại của quân đội, ngả theo phe đảo chính, chống lại lời tuyên bố đầu hàng.

Niềm tin ấy đã khiến viên thiếu tá "trẻ người non dạ" lạc quan một cách mù quáng dù rằng anh ta có được rất ít sự đồng tình hỗ trợ từ các cấp chỉ huy cao hơn. Theo tính toán của Hatanaka, một bộ phận quân đảo chính sẽ chiếm cung điện Kyujo lúc 2 giờ sáng ngày 15-8 còn một bộ phận khác sẽ đến Đài NHK tìm lấy cuốn băng ghi âm lời đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito rồi phá hủy nó.

1 giờ sáng ngày 15-8, Kenji Hatanaka và hơn 1.000 binh sĩ tham gia đảo chính -  trên tay áo đều đeo một mảnh vải màu trắng để dễ nhận ra nhau - vây kín cung điện Kyujo. Cùng với Trung tá Shiizaki và Đại úy Shigetaro Uehara thuộc Học viện Không quân, Hatanaka đến văn phòng của Trung tướng Takeshi Mori, chỉ huy Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1, yêu cầu ông tham gia cuộc đảo chính.

Lúc này, Trung tướng Mori đang trò chuyện với anh rể ông là Đại tá Michinori Shiraishi về việc Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng. Theo đánh giá của Hatanaka, sự hợp tác của Mori rất quan trọng vì chỉ cần Mori nói một câu là toàn bộ Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1 sẽ làm theo lời ông. Việc thuyết phục kéo dài khoảng 20 phút và khi tướng Mori từ chối - sợ Mori ra lệnh cho lực lượng Vệ binh ngăn chặn cuộc nổi loạn - Hatanaka giết tướng Mori bằng một nhát kiếm. Riêng người anh rể của ông là Đại tá Michinori Shiraishi thì bị Đại úy Shigetaro Uehara chặt đầu. Đây là hai cái chết đầu tiên xảy ra trong đêm đảo chính.

Giết xong tướng Mori, Hatanaka thảo một văn bản, gọi là "mệnh lệnh 584", đặt  "tất cả mọi đơn vị thuộc Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1 dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Kenji Hatakana". Tiếp theo, Hatakana lấy con dấu của tướng Mori đóng vào bản mệnh lệnh rồi cho người đưa đến các trung đoàn quân phòng vệ. Bằng trò lừa ấy, sức mạnh của lực lượng đảo chính tăng lên đáng kể.

Quân đảo chính đeo băng trắng trên cánh tay áo để nhận ra nhau.

Cũng thời điểm này, Trung tá Takeshita, em rể Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami vẫn cố gắng thuyết phục Anami tham gia hàng ngũ quân đảo chính. Một lần nữa, Anami lại lắc đầu rồi điềm tĩnh bước vào phòng thờ cúng của gia đình. Quỳ xuống tấm thảm, hai tay ông cầm thanh gươm ngắn, trang trọng đưa lên ngang mặt rồi cúi xuống lạy.

Ông nói: "Cái chết của tôi là lời tạ tội với Hoàng đế vì một tội ác mà tôi không ngăn cản được…". Trước khi Takeshita kịp phản ứng, Anami đã đâm lưỡi gươm vào bụng mình rồi kéo ngược nó lên, máu tuôn đầm đìa cùng với một phần ruột. Tiếp theo, ông rút dao ra, đưa vào cổ. Biết là chẳng thể làm gì được nữa nhưng theo đúng truyền thống của lễ tự sát "harakiri", Trung tá Takeshita đẩy con dao sâu hơn vào cuống họng anh vợ mình cho đến khi Anami chết hẳn.

2 giờ sáng, quân đảo chính với súng trường gắn lưỡi lê hầu như kiểm soát toàn bộ cung điện Kyujo, bắt giam 18 thành viên Hoàng gia, tước vũ khí của những kẻ chống đối và cắt đứt tất cả mọi đường dây điện thoại liên lạc với bên ngoài. Thiếu tá Hidemasa Koga, sĩ quan tham mưu của Lực lượng Vệ binh - nay ngả sang phe đảo chính lôi kéo thêm được một số lính, tỏa ra khắp nơi lùng sục.

Mục tiêu của họ ngoài Nhật hoàng Hirohito, còn có  tướng Sotaro Ishiwata, sĩ quan tùy viên của Nhật hoàng và Koichi Kido, cố vấn thân cận nhất của Nhật hoàng - người được coi như đứng đầu "Cơ mật viện". Theo Kenji Hatakana, kẻ chỉ huy cuộc đảo chính, chỉ 2 người này mới biết cuốn băng ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng giấu ở đâu, và bản thảo lời tuyên bố ấy cất tại chỗ nào, nhưng cả Sotaro Ishiwata và Kido đã kịp thời trốn vào một căn hầm nằm dưới dãy nhà phía sau cung điện.

Phần lớn vệ binh và lính theo phe đảo chính lần đầu tiên mới được bước chân vào hoàng cung nên họ rất lúng túng. Nhiều người đứng ngây ra trước những tấm màn khổng lồ bằng nhung mà mục đích là che kín ánh sáng để máy bay Mỹ không phát hiện. Nhiều người khác ngồi bệt xuống, nhìn đăm đăm những viên đá hoa lát nền nhà hoặc khe khẽ chạm vào những tay nắm cửa mạ vàng.

Một số thành viên Hoàng gia - nay đã trở thành tù binh dẫn họ đi lang thang qua các mê cung, và họ không tài nào hiểu được những tấm bảng khắc những dòng chữ, gắn trên các cửa phòng nghĩa là gì, của ai, trong lúc Nhật hoàng Hirohito ngồi ở một nơi trú ẩn bí mật, lặng lẽ quan sát tình hình qua khung cửa chớp bọc thép.

Chừng nửa tiếng sau đó, đội lùng sục bắt được quan thị vệ Yoshihiro Tokugawa. Và mặc dù Kenji Hatanaka rút thanh gươm samurai ra, dọa mổ bụng ông này nhưng Tokugawa vẫn một mực cho rằng ông không hề biết cuốn băng ghi âm lời tuyên bố đầu hàng cất ở đâu.

Cùng lúc, tại thành phố cảng Yokohama, một nhóm quân đảo chính lãnh đạo bởi Takeo Sasaki đã đến văn phòng của Thủ tướng Suzuki với ý định giết ông. Khi không tìm thấy Suzuki, họ dùng súng máy bắn vung vãi rồi đốt cháy toàn bộ. Trước đó, Thủ tướng Suzuki được một người thân tín là Hisatsune Sakomizu thông báo nên ông đã kịp thời trốn thoát. Những đêm sau đó, ông ngủ mỗi lần ở một ngôi nhà khác nhau dưới sự bảo vệ cẩn mật của cảnh sát.

Sau khi châm lửa đốt văn phòng Thủ tướng của Suzuki, nhóm đảo chính đến nhà Kiichiro Hiranuma, một trùm bất động sản cũng với ý định giết ông này. Thấy binh lính súng ống rầm rập phá cổng tiến vào, Hiranuma chạy ra lối cổng sau, thoát chết. Không giết được Hiranuma, nhóm đảo chính liền châm lửa đốt nhà Hiranuma như đã làm với văn phòng của Thủ tướng Suzuki…

Cao Trí (theo History - The Kyujo Incident)

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày 6/1, thông tin từ Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, đơn vị sẽ tặng vé máy bay nội địa hạng Thương gia cho toàn bộ cầu thủ bóng đá nam Việt Nam và thẻ Bông Sen Vàng hạng Bạch kim cho huấn luyện viên Kim Sang Sik để tri ân những nỗ lực và thành tích xuất sắc trong hành trình vô địch ASEAN Cup 2024.

Sáng 6/1, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của 139 bị cáo (trong đó có 2 bị cáo nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – ĐKVN) và kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục ĐKVN) 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文