Kia
Mobifone

Vụ nổ đường ống dẫn dầu khí đốt xuyên Siberia của Liên Xô vào năm 1982 là tai nạn hay phá hoại?

Thứ Ba, 05/08/2008, 08:00

Vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khủng hoảng chính trị và ngoại giao đã xảy ra giữa Mỹ và một số quốc gia Tây Âu từ việc chính phủ các quốc gia này mặc cho sức ép của Mỹ, đã hỗ trợ tài chính giúp Liên Xô thi công tuyến ống dẫn khí đốt quy mô nhất thế giới xuyên Siberia. Trong tình hình như vậy, vào ngày 15/6/1982, đã xảy ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tại vùng Tobolks cách thành phố Chelyabinsk của Liên Xô 100km về hướng tây.

Vụ nổ mạnh đến nỗi Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Mỹ (NORAD) của Mỹ phải ra lệnh báo động khi nhận được tín hiệu từ các vệ tinh do thám cảnh báo có thể đó là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay phóng tên lửa chiến thuật của Liên Xô. Theo kiểm tra, sức nổ của vụ nổ mạnh tương đương 3.000 tấn thuốc nổ TNT.

Hai ngày sau khi vụ nổ xảy ra, Chính phủ Liên Xô ra thông báo xác nhận vào chiều ngày 15/6/1982, đã xảy ra một tai nạn nổ đường ống dẫn khí đốt tại vùng Tobolks nhưng không gây thiệt hại nhân mạng.

Chỉ một thời gian ngắn sau, vụ nổ đã được khắc phục, khí đốt khai thác từ mỏ khí lớn nhất thế giới tại vùng Urengoy lại được tiếp tục chuyển đến Chelyabinsk rồi từ đó phân phối đến các quốc gia Đông Âu và Tây Âu.

Năm 1996, sáu năm sau khi Liên Xô tan rã, Kho Lưu trữ tài liệu quốc gia tại thủ đô Moksva trở thành mục tiêu săn tìm tài liệu mật liên quan đến Liên Xô, đến thời kỳ Chiến tranh lạnh, của nhiều nhà nghiên cứu, các phương tiện truyền thông và cả những cơ quan tình báo nước ngoài.

Do thiếu kinh phí bảo quản tài liệu nên Chính phủ Nga đã cho phép Kho Lưu trữ tài liệu quốc gia bán một số tài liệu để lấy tiền sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị bảo quản tài liệu.

Trong bối cảnh như vậy, Gus Weiss, một cựu chuyên viên về kỹ thuật tình báo của Mỹ đã mua được một số tài liệu, trong đó có tài liệu liên quan đến vụ nổ đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia vào năm 1982. Theo nội dung tài liệu này, vụ nổ không phải là một tai nạn mà là một vụ phá hoại có chủ ý mang yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, Weiss đã không cho công bố tài liệu này cho đến khi xuất hiện vào năm 2003 một cuốn sách có tựa đề “At the Abyss: An Insider’s History of the Cold War” của tác giả Thomas Reed, trong đó có đề cập đến những âm mưu phá hoại nền kinh tế Liên Xô của tình báo Mỹ.

Reed nguyên là một sĩ quan tình báo không quân cao cấp từng làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Trong cuốn sách của mình, Reed cho biết chính Tổng thống Reagan đã ra lệnh cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổ chức phá hoại đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia của Liên Xô vào năm 1982.

Đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, còn được gọi là đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia, là một công trình kinh tế lớn của Liên Xô được xây dựng từ năm 1980 nhằm khai thác, vận chuyển khí đốt tại mỏ Urengoy cung cấp cho nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô, các quốc gia XHCN Đông Âu và bán cho các quốc gia Tây Âu.

Toàn bộ hệ thống đường ống có chiều dài 4.500km và được hỗ trợ về tài chính bởi các ngân hàng lớn của Đức, Pháp, Nhật với số vốn lên đến 3,4 tỉ USD. Vào thời kỳ đó, Mỹ chủ trương bao vây và phong tỏa kinh tế Liên Xô nên một mặt nghiêm cấm các công ty Mỹ cung ứng máy móc thiết bị phục vụ cho việc thi công công trình đường ống dẫn khí đốt, mặt khác gây sức ép buộc chính phủ các quốc gia Tây Âu và Nhật trừng phạt những ngân hàng và công ty cung cấp tài chính và cung ứng thiết bị cho công trình này.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chính phủ Reagan đều gặp thất bại khi các quốc gia Tây Âu từ chối làm theo yêu cầu của Mỹ, vì vậy đã bùng nổ cuộc khủng hoảng chính trị và ngoại giao giữa Mỹ và các quốc gia Tây Âu vào những năm đầu thập niên 80.

Không còn chọn lựa nào khác, cuối cùng chính phủ Reagan quyết định chọn phương án tổ chức phá hoại đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia và giao nhiệm vụ này cho CIA. Đích thân giám đốc CIA James Casey chỉ huy vụ phá hoại này.

Vào tháng 1/1982, tình báo Pháp đã cung cấp cho CIA một thông tin có giá trị cao liên quan đến tài liệu mà một điệp viên hai mang tên Vladimir Vetrov chuyển giao cho tình báo Pháp. Vetrov là một sĩ quan tình báo làm việc tại Ban Công nghệ Kỹ thuật của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB).

Năm 1976, Vetrov được tình báo Pháp tuyển dụng làm điệp viên nội gián. Thông tin mà tình báo Pháp chuyển giao cho CIA liên quan đến Công ty điện tử Unbeknownst của Canada ký được hợp đồng lắp đặt toàn bộ hệ thống máy tính điều hành hoạt động của đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia với tập đoàn Gazprom của Liên Xô.

Theo đó việc khởi động các hệ thống bơm khí từ các trạm bơm trung chuyển, khóa và mở van của ống dẫn đều vận hành tự động nhờ hoạt động của một hệ thống máy tính có tên gọi Scada do Công ty Unbeknownst sản xuất và lắp đặt. Biết đây là thời cơ duy nhất để tổ chức phá hoại nên CIA đã cho dùng tiền mua chuộc một chuyên viên máy tính của Công ty Unbeknownst đánh cắp bản sao bộ mã khóa của hệ thống máy tính Scada.

Sau khi có được bản sao mã khóa, các chuyên viên máy tính của CIA đã tìm cách thâm nhập vào mạng máy tính điều hành hoạt động của đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia và thả vào đó một quả bom lôgíc, là một virus máy tính cực mạnh thâm nhập vào phần mềm của hệ thống máy tính Scada và gây tê liệt.

Đến chiều ngày 15/6/1982, CIA đã cho kích hoạt quả bom lôgíc làm cho hoạt động của hệ thống máy tính Scada bị tê liệt khiến khí đốt bị nén với khối lượng lớn trong đường ống dẫn ngang qua khu vực Tobolks và phát nổ dữ dội.

Theo kế hoạch, sau đó ba tháng, CIA cũng sẽ gây ra một vụ nổ thứ hai, lần này ngay tại thành phố Chelyabinsk. Và nếu xảy ra thì đây sẽ là một thảm họa vì sẽ gây chết người hàng loạt

Hoàng Phú (theo CiCentre Archives)

.
.