Bí ẩn vụ “điệp viên M” của CIA
Hoạt động tình báo của “M” rất nổi bật vì nó cho thấy các so sánh hành vi giữa 3 cơ quan tình báo khác nhau là CIA, Tình báo Hà Lan và Stasi (CHDC Đức cũ) cùng tồn tại trong một điệp viên. Tác giả bài viết, Eleni Braat, phó giáo sư về sử học quốc tế của Đại học Utrecht (Hà Lan) và Đại học Leiden (Hà Lan).
“Kẻ phản bội”
“Tôi bị lột trần truồng, bị còng tay vào ghế cứng. 3 hay 4 gã thể hình vạm vỡ mặc đồng phục đang đứng quanh tôi, một trong số họ tay cầm dùi cui đứng sau tôi và hét lên: “Mày là thằng phản bội!” .Đó là những lời thốt ra từ điệp viên kép, người có bí danh “M” đã từng làm việc cho tình báo Hà Lan và CIA nhằm chống lại Stasi suốt 22 năm trời. Đầu năm 1985, có vẻ như Stasi đã phát giác sự gian dối của “M” và biết anh ta thực sự trung thành với phương Tây. “M” đang ở Đông Berlin tại thời điểm đám người lạ đánh thức anh ta vào lúc 4 giờ sáng. Còn mặc nguyên đồ ngủ, “M” bị áp giải rời nhà mình đến một chiếc xe tải với cửa sổ tối thui dưới sự yểm trợ vũ trang đến thẳng nhà tù. Người của Stasi nói với “M” rằng anh ta sẽ ở trung tâm tạm giam trước khi xét xử tên là Berlin-Hohenschönhausen, nơi vốn là địa điểm ám ảnh suốt thời Chiến tranh Lạnh dưới sự kiểm soát của Bộ An ninh nhà nước (Stasi). “M” bị tra khảo sơ sơ khoang miệng (hết sức đau đớn) trước khi được đưa đến phòng thẩm vấn.
“M” bị tra tấn bằng nước lạnh (đổ từ đầu xuống chân) từ sáng đến chiều, và không ngừng bị chế nhạo bằng những câu đại loại như: “Mày làm cho CIA hả?” “M” cảm thấy yên tâm đến kỳ lạ vì hiểu rằng những người đang tra khảo mình thiếu bằng chứng. Nhóm tác giả bài viết này đã phỏng vấn “M” liên tục trong giai đoạn 2019 và 2021 về sự nghiệp gián điệp của ông trong thời Chiến tranh Lạnh. “M” kể về đời hoạt động tình báo của mình. Nhóm tác giả đã thực hiện nghiệp vụ kiểm tra chéo về cuộc đời gián điệp của “M” và nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí về tình báo và phản gián quốc tế. “M” đã hé lộ cho nhóm tác giả cái nhìn độc đáo về hoạt động mật của 3 cơ quan tình báo khác nhau, những vấn đề mà ông chưa từng hé môi với vợ mình.
Theo đó sự nghiệp gián điệp của “M” bắt đầu vào nửa cuối thập niên 1960 khi Cơ quan an ninh Hà Lan tức BVD (tiền thân của AIVD) tuyển dụng ông. “M” làm việc cho một công ty đa quốc gia của Hà Lan mà nhóm tác giả nhất trí không nêu tên. Công việc này quả lý tưởng cho “M” hoạt động khi tham gia nhiều vào lữ hành quốc tế. Suốt nhiều năm, “M” làm việc cho công ty Hà Lan và sau đó là đầu quân cho CIA. Người Mỹ dùng “M” vì họ biết ông được tuyển dụng bởi cánh tay tình báo hải ngoại của Stasi: Hauptverwaltung (giám đốc hành chính) hoặc được biết đến dưới ký hiệu HVA. Trong suốt hơn 20 năm (cuối thập niên 1960 đến cuối Chiến tranh Lạnh), HVA tin dùng “M” và trao thông tin CHDC Đức cho ông (thông qua công ty Hà Lan mà ông làm việc). Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, lòng trung thành của “M” dành cho cả HVA và CIA.
Theo “M”, chỉ có “sự phản bội” ngay trong CIA mới có thể giúp lý giải vì sao những người chủ đã quay lưng với ông: một “nội gián” trong CIA đã phản bội ông khi làm điệp viên kép cho KGB. Trong thời Chiến tranh Lạnh, lẽ dĩ nhiên KGB làm việc chặt chẽ với Stasi. Trong vài trường hợp, “M” ngờ rằng rất có thể một kẻ nào đó như Aldrich Ames (điệp viên KGB khét tiếng nằm vùng trong CIA giai đoạn 1985-1994) chịu trách nhiệm về vụ phản bội ông. Trong tất cả 6 cuộc phỏng vấn của nhóm tác giả, “M” nhấn mạnh bản chất đặc trưng từ những mối quan hệ của ông với 3 cơ quan tình báo mà ông tiếp xúc. Những cuộc gặp gỡ của “M” thường diễn ra ở Đông Berlin và thi thoảng trong khối Đông Âu như Bulgaria hoặc Nam Tư. “M” có thể dễ dàng thực hiện những chuyến công tác như thế đằng sau Bức màn sắt mà không bị nghi ngờ.
Buổi thẩm vấn kỳ quặc
Khoảng năm 1985, “M” đã là một điệp viên kép lão làng và dường như có những kết nối rất hữu hảo với các cấp trên Stasi là Wolfgang và Heinz. Về lần bị bắt thẩm vấn tại ngục thất Hohenschönhausen, lúc đầu “M” miễn cưỡng nói chi tiết, sau rồi cũng bộc bạch thẳng thắn chuyện này: “Đó là đầu mùa Xuân, trời khá lạnh. Hành vi của họ khá thô bạo. Sau khi tống tôi vào ngục, họ hạ lệnh tôi phải cởi sạch đồ và dùng tay kiểm tra mọi ngóc ngách trên cơ thể. Họ ném tôi vào buồng giam và sau một lúc lại đưa tôi ra, trần truồng đến phòng thẩm vấn. Các hành lang được chiếu sáng. Khi có ai đó đi hướng ngược lại, họ sẽ đẩy tôi quay vào tường...”. Hãy còn là một câu hỏi hóc búa rằng vì sao Stasi lại hạ nhục “M” bằng một cuộc thẩm vấn cay đắng. Phải chăng đã có sự hoài nghi từ HVA dựa trên “nội gián” của KGB ở CIA? Hay đó chỉ là cách để họ kiểm tra sự trung thành của “M” để toàn tâm phục vụ cho họ?
Cuộc thẩm vấn đã kết thúc hết sức kỳ lạ và bất ngờ. Đột nhiên Wolfgang và Heinz đi vào phòng thẩm vấn và chúc mừng “M” hết sức nồng nhiệt. “M” được tháo cùm tay, cởi trói và đưa đi tắm rồi chở đến một nhà an toàn khác, tại đó ông nhận được phần thưởng: Huy chương vàng phục vụ quân đội nhân dân. Đích thân Markus Wolf (chỉ huy huyền thoại của HVA, người có biệt danh “Quý ông không mặt”) đã trao huy chương đó. Wolf tự lái xe đến nhà an toàn của “M” và ra mặt thân tình: “Tôi thấy đồng chí là người khá thân thiện: Đồng chí đã làm một việc hết sức quan trọng cho chúng tôi (nhưng không tiết lộ cụ thể)”. Khi “M” phàn nàn về chuyện ngược đãi trong tù thì Wolf gạt đi. Cuộc gặp với Wolf kéo dài 1 tiếng. Lúc còn trẻ trong thời Đức Quốc xã (ĐQX), Wolf sống lưu vong ở Nga. Về trải nghiệm không vui đó, “M” nói: “Tôi hoàn toàn mất tinh thần. Tấm huy chương của HVA khiến trong tôi cảm xúc đan xen lẫn lộn”.
Lộ sáng những cái tên
Rõ ràng “M” đã có một cam kết ý thức hệ mạnh mẽ đối với phương Tây và không cảm thấy hổ thẹn khi đã phản bội Stasi như ông đã nói: “Tôi không xem mình lừa dối ai cả vì mình đang là người lính thời Chiến tranh Lạnh”. CIA đang hướng dẫn “M” những kỹ thuật mà người Mỹ dùng chúng để tuyển dụng các sĩ quan tình báo KGB – những người có thể đã biết về cách xâm nhập sâu vào cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Hoạt động này đã bắt đầu vào năm 1987, trong bối cảnh của “Tổn thất năm 1985” khi cả FBI và CIA đang gánh chịu làn sóng bắt giữ các điệp viên của họ ở Liên Xô. CIA dùng đòn tâm lý để thử thách mức độ sẵn sàng hợp tác của các sĩ quan KGB. “M” được CIA giao trọng trách phân tích hành vi các cán bộ cao cấp của Stasi bằng cách dùng các kỹ thuật của họ. Chiến dịch được CIA đặt tên mã là Racketeer bằng cách dùng Hệ thống đánh giá tính cách (PAS) được thiết kế bởi nhà tâm lý học John Gittinger (cựu nhân viên của CIA).
CIA hướng dẫn “M” quan sát hành vi của Wolfgang và Heinz bởi Stasi và KGB hợp tác chặt chẽ với nhau. Nghịch lý thay khi “M” lại thân thiết với hai người này. Những cuộc họp của họ diễn ra sau Bức màn sắt, giữa các cuộc họp, họ uống rượu cognac, ăn tối tại các nhà hàng hạng sang và cùng đồng hành đến các hộp đêm. Một trong những món quà cưới giá trị mà Stasi tặng cho “M” là một chiếc bình pha lê Bohemia tinh xảo. Nhưng với BVD (an ninh Hà Lan) thì lại là chuyện khác. Nhiều năm sau đó khi “M” tiếp cận hồ sơ BVD, cơ quan này không tặng quà cưới cho ông. Sau khi CHDC Đức sụp đổ, những ấn phẩm mới viết về Stasi và HVA bắt đầu xuất hiện. Với những nguồn tin mới này, “M” quyết định lùng tìm họ tên đầy đủ của những cán bộ cao cấp của Stasi, và đó là Wolfgang Koch và Heinz Nötzelmann. Nhưng mọi nỗ lực của “M” liên lạc với họ đã không thành công. Hai cái tên Wolfgang và Heinz cũng xuất hiện trong các lưu trữ của Stasi ở Berlin.
“M” là ai?
“M” xuất thân từ tầng lớp lao động. Sau khi hoàn tất chương trình trung học tại Hà Lan, ông có một năm học trung học phổ thông ở Mỹ. Sau khi lấy bằng kỹ sư, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong quân đội Hà Lan và bắt đầu sự nghiệp cho công ty đa quốc gia. Khi đó, “M” đã bắt đầu làm quen với cách thực hành gián điệp bao gồm những kỹ thuật căn bản của nó trong thời gian quân ngũ. Thông qua sự nghiệp ở vài nước Châu Âu, Phi Châu và Á Châu, “M” đã tạo dựng nhiều mối quan hệ quốc tế và dễ dàng có được thông tin mà các cơ quan tình báo mong muốn. Ban đầu, an ninh Hà Lan giao nhiệm vụ cho “M” xâm nhập vào các tổ chức cực đoan trong nước (cực tả và cực hữu) vốn là một phần của các mạng lưới quốc tế. Tuy nhiên, năm 1981, người Hà Lan đã giao “M” cho CIA do bởi các hoạt động gián điệp của ông đã vượt quá quỹ đạo của tình báo nước này.
Trong mùa Đông 1967-1968, trong lần thực tập ở Israel, một quý ông nói tiếng Đức tự giới thiệu mình là “Gerber” đã tiếp cận “M” và mời ông ăn tối. Gerber nói rằng mình rất quan tâm đến xuất thân của “M”, chẳng hạn như một số đề tài mà “M” đã học được tại trường trung học Mỹ: Những bước phát triển hạt nhân Israel ở hoang mạc Negev. Sau đó tại Tây Đức, một người lạ trên phố đã tiếp cận “M” và gửi lời của “Herr Gerber” muốn gặp ông ở Đông Berlin. Tình báo Hà Lan cho rằng cách tiếp cận này là một nỗ lực tuyển dụng của Stasi, và khuyến khích anh ta phản bội. “M” trở thành điệp viên kép: giả vờ làm nhân viên cho Stasi, mặt khác “M” sẽ lấy thông tin về các cấp trên của cơ quan này cho tình báo Hà Lan. “M” cũng bí mật thu thập thông tin về loại máy thu thanh sóng ngắn, các thiết bị liên lạc và mật mã được Đông Đức sử dụng cũng như loại tình báo mà họ muốn ông lấy ở nhiều quốc gia khác nhau nơi ông đến làm việc cho công ty Hà Lan.
Khi đính hôn với người vợ tương lai, “M” đã tâm sự trong một bữa tối thân mật rằng mình là một điệp viên chống Stasi. Người vợ không biết gì về công việc mà chồng mình làm, song bà có biết về nhiều chuyến đi mà “M” thực hiện sau Bức màn sắt để gặp các “chóp bu” Stasi. Người vợ kể sau mỗi lần về nhà, nhất là sau những ngày tiếp xúc với Wolfgang và Heinz, “M” trở về nhà với bộ dạng mệt lử. Trong suốt thời gian này, “M” khẳng định rằng không thể vì một phút bất cẩn mà hỏng vai trò điệp viên kép của mình. Chính người vợ cũng đồng hành cùng ông. Vài lần sau khi “M” trở về từ khối Đông Âu, người vợ đã bí mật thực hiện cuộc gọi với thông điệp được mã hóa cho CIA, ngụ ý chồng về nhà an toàn. Bỗng đột nhiên vào năm 1988, mối quan hệ của “M” với Wolfgang và Heinz trở nên nguội lạnh. Mối quan hệ bỗng chốc thay đổi khi Wolfgang và Heinz ngày càng xa cách hơn. “M” vẫn đang không hiểu liệu có tên “nội gián” CIA nào đó đã lật tẩy bí mật của ông?
Cuối cùng, đầu năm 1990 (không đầy 1 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ), HVA đột ngột hủy bỏ cuộc họp cũng đồng thời đánh dấu chấm hết sự nghiệp điệp viên kép của “M”. Không có tiếng súng, không có bom nổ, cũng chả còn ngục tối Stasi. Một cuộc họp như bao lần thốt nhiên bị hủy và đóng sập luôn sự nghiệp gián điệp của “M”. Mặt khác, cái kết của tình bạn giữa “M” với Stasi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, dẫn đến chứng trầm cảm và suy nhược cơ thể hồi đầu thập niên 1990 khiến ông phải nhập viện điều trị tâm thần. “M” đã nhận một số tài liệu liên quan đến mình khi kho lưu trữ của HVA bị phá hủy trong giai đoạn 1989-1990 thông qua cơ quan chính phủ Đức ở Berlin, đơn vị quản lý chúng. Các tài liệu chứng minh rằng “M” cũng là một điệp viên của HVA. Stasi đã cung cấp cho “M” một loạt hộ chiếu Hà Lan, Mỹ, Thụy Sỹ, Anh và Tây Đức để ông có thể đi lại bằng các tên giả, đặc biệt là khi ông cần gặp các “chóp bu” của Stasi.
Bị bỏ rơi
Người phụ trách CIA cũ của “M” (người mà ông cố gắng liên hệ trong những năm gần đây) đã tư vấn cho ông trong một email khuyên ông nên quên đi. Song rõ ràng là “M” không sao quên được những ngày tháng cũ. Những ký ức tổn thương đã đeo bám nhiều người suốt nhiều năm, nhất là với các cựu chiến binh. “M” cảm giác sau Chiến tranh Lạnh, CIA đã bỏ rơi ông vì ông không còn hữu ích cho họ nữa. Ông cũng cảm thấy BVD làm y như vậy khi họ chuyển ông cho CIA vào năm 1981, phủi tay mọi trách nhiệm với “M”. Hồi giữa thập niên 2010, khi “M” tiếp cận hồ sơ BVD, ông không được ghi chú hay sao chép nó. Trước sự sửng sốt của “M”, tài liệu này viết rằng: “BVD hoàn toàn không chịu mọi trách nhiệm với “M” khi quý vị (CIA) tiếp quản ông ấy”.