Con đường sa đọa của một điệp viên quèn

09:00 03/04/2024

Thói quen nhậu nhẹt đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời con người này. Sau chiến tranh, vốn là một cựu binh Waffen-SS, y đóng giả người Do Thái để được nhận thức ăn và đồ dùng miễn phí của Mỹ ở Munich. Khi đến Palestine, y giả vờ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái để được phục vụ trong quân đội Israel. Còn sau khi bị sa thải, y gặp một tùy viên quân sự Ai Cập, và trở thành gián điệp kinh tế.

Trên đường bay từ Paris đến Lod, y liên tục uống rượu - hoặc vì sợ hãi, hoặc vì hoài niệm về những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời đã trôi qua ở Israel. Y đến nơi trong tình trạng say khướt, bước đi lảo đảo, làm xong thủ tục kiểm tra hộ chiếu, lên taxi về một khách sạn ở Tel Aviv. Có thể vào giây phút đó, y cảm thấy rằng mọi nguy hiểm đã ở lại phía sau.

Đột nhiên, ngay trước khi taxi chuyển bánh, có hai người lạ mặt vội vàng mở cửa bước lên xe. Chưa kịp phản ứng trước sự đường đột của họ, y nghe thấy một câu hỏi, khiến y giật mình đánh thót và nhận ra rằng mọi chuyện đã kết thúc.

- Tên ông là gì nhỉ - Ulrich Schnaft hay Gabriel Zisman? - một nhân viên của Cơ quan Tình báo nội địa Israel (Shin Bet) hỏi y bằng tiếng Đức.

Trại trẻ mồ côi ở Konigsberg, nơi Ulrich Schnaft sống những năm đầu đời.

Khi chiếc xe dừng lại trước phòng điều tra của Shin Bet ở Jaffa, Schnaft đã hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với các nhân viên điều tra, đồng thời kể lại một cách tỉ mỉ về cuộc đời kỳ quặc và phóng đãng của mình.

 Ngay từ thuở lọt lòng, Ulrich Schnaft đã không gặp may. Là đứa con ngoài giá thú, sinh ra ở thành phố Konigsberg thuộc Phổ, y đã trải qua những năm đầu đời trong trại trẻ mồ côi trước khi được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi. Trong gia đình mới của mình, Schnaft tốt nghiệp tiểu học và sau đó là trường dạy nghề, trở thành thợ sửa chữa ô tô.

Năm 1941, ở tuổi 18, Ulrich Schnaft gia nhập quân đội. Y được tuyển chọn vào đơn vị Waffen-SS tinh nhuệ và chiến đấu ở mặt trận phía Đông. Phải nói rằng y gặp may. Ngay lập tức y bị thương, chưa kịp gây tội ác. Ra viện, y lại được điều động ra mặt trận, lần này chiến đấu ở Nam Tư, rồi  Ý, nơi mùa hè năm 1944, y bị quân Mỹ bắt làm tù binh. Ngồi tù 3 năm, y được trả tự do vì không có bằng chứng nào về việc y phạm tội ác chiến tranh.

Sau chiến tranh, Schnaft chuyển đến Munich, ở trọ chung với một thanh niên Do Thái. Không có thu nhập gì và cuộc sống chật vật, y khâm phục lắng nghe anh bạn cùng phòng kể về việc các tổ chức từ thiện của Mỹ giúp đỡ người Do Thái về thực phẩm và tiền bạc. Không rõ vì tính ưa phiêu lưu hay đơn giản là bản năng sinh tồn của một đứa trẻ mồ côi mà chẳng bao lâu, trong danh sách những người nhận hỗ trợ của tổ chức cứu trợ “Joint”, xuất hiện  một cái tên mới. Những người Do Thái sống sót sau Holocaust thường không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, nên họ tin lời Schnaft nói.

Ulrich Schnaft trong quân phục Lực lượng Phòng vệ Israel.

Bốn tháng sau, không nhìn thấy bất kỳ triển vọng nào dành cho mình ở Đức, “người Do Thái” mới nhập vào một nhóm cựu tù nhân Do Thái đáp tàu thủy đến Palestine. Ngay trước khi lên đường, y đổi cái tên Đức của mình thành tên Do Thái. Bây giờ Ulrich Schnaft được gọi là Gabriel Zisman.

Tất nhiên, cựu quân nhân SS không trở thành người theo chủ nghĩa phục quốc, nhưng y cho rằng từ Palestine y dễ dàng di cư đến Canada hoặc một nơi nào khác.

Mùa thu năm 1947, việc đưa người Do Thái đến Palestine bị ủy trị là bất hợp pháp. Chính vì vậy mà ngay khi vừa cập bến, con tàu chở Schnaft (hay Gabriel Zisman) đã bị một tuần dương hạm Anh chặn lại và dẫn tới đảo Síp. Ở đó, tất cả các hành khách được đưa vào trại tị nạn dành cho người Do Thái.

Giữa tháng 5/1948, sau khi tuyên bố độc lập, Israel yêu cầu người Anh ngay lập tức thả tất cả tù nhân trong các trại ở đảo Síp. Tuy nhiên, mãi đến tháng 1/1949, Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin mới tuyên bố đóng cửa hoàn toàn các trại này. Hơn 10.000 người hồi hương, trong đó có Gabriel Zisman, được Nhà nước Israel chuyển từ Famagusta đến Haifa. Zisman được đưa đến khu định cư Kiryat Anavim gần Jerusalem, nơi y học tiếng Do Thái, và tháng 8/1949, sau khi chiến tranh kết thúc, y gia nhập Lực lượng Phòng vệ Israel. Y đã hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện tân binh, sau đó xuất ngũ, nhưng chẳng bao lâu, được đưa trở lại phục vụ lâu dài trong quân đội.

Con tàu chở Ulrich Schnaft tới Palestine.

Zisman hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo sĩ quan, được gia nhập lực lượng pháo binh và nhận cấp bậc thượng úy. Có thể nói, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời y. Y có bạn bè, công việc, chốn nương thân. Nhưng tai họa ở chỗ, trong cơn say, y thường cho các đồng đội xem những bức ảnh của mình mặc quân phục SS. Rốt cuộc, cuối năm 1952, hợp đồng quân sự của Zisman không được gia hạn. Quả thật, không rõ vì sao lúc bấy giờ người ta không điều tra những “bộc bạch trong cơn say” của y. Bằng cách này hay cách khác, sau khi xuất ngũ, Zisman lại rơi vào cảnh túng thiếu. Thuê một căn phòng của hai vợ chồng người Do Thái gốc Đức, y bắt đầu làm những công việc lặt vặt để kiếm sống, và lại nghĩ đến việc di tản.

Trẻ và đẹp trai, y nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà chủ, Margot. Tình yêu cuồng nhiệt của họ không bị ngăn cản bởi sự chênh lệch tuổi tác (Margot hơn y gần 20 tuổi). Chẳng bao lâu, ông chủ yêu cầu Zisman ngay lập tức rời khỏi căn hộ và y đã làm điều đó, quả thật, mang theo cả Margot. Cặp uyên ương dọn đến Haifa và mơ ước trở lại Đức, nơi lúc bấy giờ đang diễn ra “phép màu” về sự hồi sinh của nền kinh tế mạnh nhất châu Âu từ đống tro tàn.

Quả thật, hai năm sau, cặp uyên ương đáp tàu thủy đến Genova, một thành phố của Ý, nơi họ liên lạc với lãnh sự quán Tây Đức. Nhưng trong khi Margot vẫn còn giấy tờ của Đức thì Zisman chỉ có mỗi hộ chiếu Israel, nên không được nhập cảnh Đức. Biết người tình không thể đến Đức, Margot bỏ anh ta ở Genova và ra đi một mình. Chẳng bao lâu, chồng cũ của Margot đuổi theo cô, tuy nhiên, Zisman-Schnaft vẫn chưa biết điều đó. Trong túi y chỉ còn lại một trăm USD, và bản năng tự vệ mách bảo y một cuộc phiêu lưu khác.

Schnaft xuất hiện tại lãnh sự quán Ai Cập và nói rằng y từng phục vụ trong quân đội SS, còn sau đó, dưới vỏ bọc người Do Thái, phục vụ trong quân đội Israel. Cán bộ lãnh sự đưa y đến Rome gặp tùy viên quân sự, từ đó Schnaft được đưa đến Cairo, nơi các nhân viên tình báo chuyên nghiệp tiến hành thẩm vấn y. Kết quả là các nhân viên tình báo Ai Cập tin vào sự thành khẩn của y, rằng những thông tin mà cựu thượng úy pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Israel cung cấp cho họ không có giá trị lớn.

Họ đề nghị y trở lại Israel tham gia hoạt  động bí mật, nhưng điều đó hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của Schnaft, kẻ đang tìm cách đến Đức để gặp người tình  của mình. Cuối cùng, người Ai Cập từ bỏ ý định tuyển mộ Schnaft và cung cấp cho y giấy tờ để nhập cảnh Đức. Cuối năm 1954, Ulrich Schnaft lần theo dấu vết của Margot ở Berlin và phát hiện ra rằng cô đã quay lại với chồng cũ.

Trong danh sách những người nhận hỗ trợ của “Joint”, xuất hiện cái tên mới.

Trong cơn tuyệt vọng, Schnaft đã kể hết với Margot - cả nguồn gốc lính SS của mình, cả thiên sử thi Ai Cập. Có lẽ, y hy vọng người tình rủ lòng thương. Tuy nhiên, câu chuyện của y lại có tác dụng ngược. Bằng cách này hay cách khác, Margot từ chối mọi lời cầu xin của y và tuyên bố rằng sẽ ở lại với chồng cũ. Schnaft tội nghiệp thông báo với cô rằng y sẽ về với mẹ nuôi ở Frankfurt, và để lại địa chỉ cho Margot phòng khi cô đổi ý.

Và Schnaft thực sự chuyển đến Frankfurt. Tuy nhiên, cuộc sống của y hoàn toàn bế tắc. Thu nhập quá ít ỏi, nhưng lại uống nhiều, y trở thành một kẻ gần như bê tha. Đầu tháng 11/1955, tại một hộp đêm, y gặp Adnan ibn Adnan, tùy viên quân sự Đại sứ quán Iraq ở Pháp. Họ trở thành bạn bè và chẳng bao lâu, Schnaft  kể cho anh ta nghe câu chuyện ly kỳ của mình. Sau đó, Adnan mời người bạn Đức mới làm “một công việc nhẹ nhàng” ở quốc gia Do Thái: gián điệp kinh tế. Adnan cho biết cách đây không lâu, ở vùng Ashkelon của Israel, người ta phát hiện ra một mỏ dầu. Thông tin này khiến người Iraq rất lo lắng và muốn tìm hiểu chi tiết. Tất cả những gì Schnaft được yêu cầu là đến Israel và chụp ảnh cơ sở khai thác dầu ở Ashkelon.

Tuy có phần lưỡng lự, nhưng Schnaft đã nhận lời. Họ thỏa thuận về cả giá cả và thời gian lên đường - ngay sau Tết. Tuần cuối cùng trước khi đi, họ cùng có mặt ở Paris. Adnan đưa Schnaft đến các nhà hàng và quán bar, gần như không bao giờ để y một mình, như thể sợ y đổi ý và biến mất. Schnaft rất ngại trở lại Israel, nhưng viên đại úy người Iraq đã thuyết phục ông bạn rằng với giấy tờ mới y sẽ không gặp nguy hiểm. Cuối cùng, ngày 2/1/1956, chiếc máy bay của Air France đã đưa Ulrich Schnaft đến Lod. Chỉ nửa giờ sau, y bị bắt và đưa đi thẩm vấn.

Trại tị nạn người Do Thái ở đảo Síp.

Ulrich Schnaft hợp tác gần như hoàn toàn với các cán bộ điều tra. Thậm chí y còn kể về tình bạn của mình với Adnan ibn Adnan, quả thật, không nói gì về việc y nhận  nhiệm vụ đến Israel làm gián điệp kinh tế. Kết quả là y bị kết tội hợp tác với điệp viên Ai Cập, cung cấp thông tin mật cho kẻ thù và lĩnh án 7 năm tù.

Tháng 8/1955, chồng của Margot viết một lá thư cho chi nhánh của Shin Bet ở Tel Aviv thông tin chi tiết về sự phản bội của Schnaft. Mặc dù thiệt hại do thượng úy Zisman gây ra không đáng kể, nhưng Shin Bet quyết định trừng trị y để làm gương cho những người khác. Lúc đầu, Shin Bet định thủ tiêu tên vô lại, nhưng người đứng đầu cơ quan tình báo lúc bấy giờ Isser Harel đã ngăn cản.

Schnaft được trả tự do trước 2 năm, ngay lập tức y bị trục xuất về Đức. Theo một số nguồn tin, cuối đời, Schnaft trở thành mục sư và  “bạn thân của Israel”. Xem ra điều đó có lý; xét cho cùng, đối với một tên cựu phát xít và điệp viên quèn, những năm phục vụ trong quân đội Israel là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời y.

Anh Duy

Chồng của Na là Nguyễn Văn H, đã mất cách nay 5 năm. Sau khi chồng mất, đến tháng 5/2021 thì con trai út của vợ chồng Na là cháu Nguyễn Văn H (SN 2018) mất. Tiếp đó, đến đầu năm 2023 thì anh kế của H là cháu Nguyễn Văn H cũng qua đời, đến nay được Cơ quan CSĐT xác định do Na nhẫn tâm ra tay sát hại.

Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý I/2025 ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

Sáng 6/4, Thượng tá Nguyễn Thành Long - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra lệnh tạm giữ hình sự Trần Như Lâm (SN 2002; thường trú thôn Phổ Trung, xã An Phú, TP.Quảng Ngãi), để tiếp tục phối hợp với Công an các phường, điều tra làm rõ về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại tài sản”.

Sau 2 tuần công chiếu “Quỷ nhập tràng” chạm mốc doanh thu 131 tỷ đồng, trở thành phim kinh dị ăn khách nhất màn ảnh Việt. Thể loại kinh dị đang bùng nổ về mặt số lượng với doanh thu ngất ngưởng. Song chất lượng phim có xứng đáng với thành tích đạt được? Những màu sắc khác của điện ảnh Việt đang ở đâu?

Khi bị CSGT chặn lại để kiểm tra hành chính do phát hiện hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nam thanh niên cố tình điều khiển xe máy SH tông cán bộ CSGT rồi tẩu thoát. 

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng" liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2025 đánh dấu 50 năm ngày giải phóng quê hương Quảng Trị (1975-2025) - cũng là cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công Quảng Trị. Trên mảnh đất từng là tuyến lửa khốc liệt của chiến tranh, lực lượng Công an Quảng Trị không chỉ là lá chắn thép gìn giữ bình yên, mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của nhân dân trong hành trình vượt khó, vươn lên.

Một vài món đồ thậm chí chưa bao giờ được HLV Kim Sang-sik bỏ ra, trong chiếc vali mang từ Hàn Quốc sang Việt Nam cách đây 1 năm về trước…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文