Góc khuất của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ
Giờ đây ngân sách của Lầu Năm Góc đã cán mốc gần 800 tỷ USD, nó có vẻ như là một “tượng đài” cho sự lãng phí. Nhiều người cho rằng nếu người Mỹ muốn giải quyết những thách thức trong thời đại này như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng toàn cầu thì cách tốt nhất là đừng nên vung tiền quá trớn vào quân đội.
Năm 2021, Quốc hội Mỹ đã ký một khoản chi không tưởng lên tới gần 778 tỷ USD chi tiêu cho Lầu Năm Góc cùng các công việc liên quan đến đầu đạn hạt nhân tại Bộ Năng lượng (DoE). Số tiền trên cao hơn mốc 25 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đã yêu cầu.
Không thể biết đích xác rằng hiện có bao nhiêu khoản ngân sách công đổ vào Lầu Năm Góc. Gần đây, kế hoạch Build Back Better (Phục hồi tốt hơn) của Tổng thống Joe Biden đã tăng ngân sách lên hơn 4 lần so với phiên bản trước đó, việc này gây nên sự phản đối dữ dội của Thượng nghị sỹ Joe Manchin và những nhân vật bảo thủ tài khóa khác.
Điều thấy rõ hơn hết, tổ hợp công nghiệp – quân sự Mỹ đang ngốn nhiều ngân sách hơn hết thảy. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã quả quyết rằng nếu những khuynh hướng hiện tại vẫn tiếp tục thì Lầu Năm Góc có thể cán mốc 7.300 tỷ USD trong vòng một thập niên tới tức hơn một thập niên cao trào của 2 cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq, khi đó chỉ riêng ở 2 nước này đã hiện diện tới 190.000 lính Mỹ.
Buồn thay, quyết định lui binh và nhà thầu Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden đã không mang lại lợi nhuận hòa bình nào dù là nhỏ nhất. Một thực tế là Mỹ chi gấp 3 lần chi tiêu quân sự so với Trung Quốc. Ngân sách Lầu Năm Góc không những khổng lồ mà còn quá sức lãng phí: phụ phí quá lớn cho linh kiện, cho đến các loại vũ khí chưa cần thiết để sử dụng cho chiến tranh tương lai... Nói tóm lại, mức chi tiêu hiện tại của Lầu Năm Góc bị đánh giá là vừa không cần thiết, vừa không hợp lý.
“Người thổi còi” Lầu Năm Góc
Việc nạp quá nhiều phụ tùng quân sự cho Lầu Năm Góc đã có một lịch sử dài hơi và cường điệu, đã đạt đến đỉnh cao trước công luận dưới thời Tổng thống Ronald Reagan hồi thập niên 1980. Các phương tiện truyền thông từng đưa tin rầm rộ về chiếc bồn cầu giá 640 USD và máy pha cà phê giá 7.600 USD khiến công chúng phẫn nộ và một chuỗi các phiên điều trần ở Đồi Capitol (Tòa nhà quốc hội), củng cố xương sống của các thành viên Quốc hội. Vào những năm đó, công luận gây sức ép nhằm hạn chế việc mở rộng quân sự thái quá của chính quyền Reagan.
Những chuyện này chỉ thực sự được công luận biết đến bởi Ernest Fitzgerald, “người thổi còi” Lầu Năm Góc. Ban đầu Fitzgerald ghi dấu ấn bằng việc phơi bày các nỗ lực của Không quân Mỹ che giấu hàng tỷ USD chi phí đối với chiếc không vận tải khổng lồ C-5A do hãng Lockheed chế tạo. Khi đó, nguyên Bộ trưởng Không quân Verne Orr đã mô tả Fitzgerald là “gã bị ghét nhất trong không quân”.
Fitzgerald cùng những người trong cuộc khác ở Lầu Năm Góc đã trở thành nguồn cung tin hấp dẫn cho bà Dina Rasor, một nhà báo trẻ đang thu hút sự chú ý của truyền thông và các dân biểu quốc hội đối với loạn giá phụ tùng cùng những sự bất thường khác trong quân đội. Cuối cùng, bà Rasor đã thành lập một tổ chức mang tên Dự án mua sắm quân sự (PMP) để điều tra và phơi bày những hoang phí, gian lận và lợi dụng.
Sau đó, PMP phát triển thành Dự án giám sát chính phủ (POGO), hiện là cơ quan giám sát hiệu quả nhất đối với các chi tiêu của Lầu Năm Góc. Ví dụ, một phân tích gần đây của POGO đã ghi lại hoạt động kém hiệu quả của TransGigm, nhà cung cấp phụ tùng quân sự mà tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng đã bắt quả tang Lầu Năm Góc tính phí quá cao lên tới 3.800% đối với những món hàng thông thường. Kỳ lạ thay, các quy tắc mua hàng của Lầu Năm Góc đã ngăn chặn viên chức hợp đồng biết được thông tin chính xác đối với bất kỳ danh mục nào, thế nên sẽ có chi phí ngoài sổ sách cho các công ty sản xuất.
Nói toạc ra thì nhờ những quy định này mà các quan chức giám sát hoàn toàn mù tịt khi kiểm soát chi phí theo đúng nghĩa đen. Và các công ty cung cấp phụ tùng cho quân đội đã tận dụng đối đa điều đó. Thực vậy, Văn phòng tổng thanh tra Lầu Năm Góc đã khám phá ra hơn 100 khoản tính phí quá cao chỉ riêng TransDigm với số tiền lên tới 20,8 triệu USD. Nếu thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện tất cả các nhà cung ứng phụ tùng thì chắc chắn sẽ tòi ra hàng tỷ USD lãng phí. Và sau rốt những hệ thống vũ khí hoàn thiện sẽ có giá thành cao chót vót. Như Ernest Fitzgerald từng mỉa mai “Một máy bay quân sự sẽ chỉ nằm trong bộ sưu tập phụ tùng đắt đỏ bay theo đội hình”.
Trang bị vũ khí không cần hỏi giá
Mức độ tiếp theo về độ lãng phí của Lầu Năm Góc liên quan đến vũ khí mà họ không đếm xỉa tới giá, những hệ thống vũ khí với số tiền cao kỷ lục. Có thể điểm mặt đến chiến cơ F-35, loại máy bay đa nhiệm. Lầu Năm Góc mua hơn 2.400 chiếc F-35 để trang bị cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến.
Chi phí trọn đời để mua và vận hành cho hạm đội F-35 là 1.700 tỷ USD khiến nó trở thành dự án vũ khí đắt tiền nhất từ trước đến nay của Lầu Năm Góc. Về lý thuyết, các phụ tùng của hàng ngàn chiếc F-35 sẽ được chế tạo giống nhau như đúc. Thế nhưng thiếu sót của dòng máy bay này thì nhiều không thể kể hết. Xuất phát điểm, F-35 nhằm mục đích hỗ trợ trên không cho bộ binh, song thực tế thì loại cường kích A-10 “Warthog” hiện có đảm trách tốt hơn và giá rẻ hơn nhiều.
Một đánh giá từ năm 2021 của Lầu Năm Góc về chiến cơ F-35 đã “soi” tới 800 lỗi trong máy bay! Điển hình cho sự lãng phí với loại máy bay này là chiếc mũ bảo hiểm công nghệ cao với giá thành lên tới 400.000 USD/chiếc, nhằm cung cấp cho phi công nhận thức đặc biệt về những gì đang xảy ra xung quanh, bên dưới máy bay cũng như đường chân trời. Và cũng đừng quên rằng F-35 có chi phí bảo trì đáng kinh ngạc lên tới 38.000 USD/giờ bay.
Hồi tháng 12 năm 2020, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ vũ trang Hạ viện, Adam Smith, tuyên bố: “Tôi quá ngán với việc ném tiền xuống mấy cái F-35”. Ngay cả cựu Tham mưu trưởng không quân, Tướng Charles Brown, cũng tỏ ra thất vọng khi F-35 không đạt được mục tiêu ban đầu, vì vậy cần phải bổ sung loại chiến cơ giá rẻ hơn. Bây giờ không còn lý do chính đáng nào để đổ tiền chế tạo thêm F-35 ngay tại thời điểm này.
Sau tất cả, tại thời điểm này, Lầu Năm Góc đang dồn toàn lực để phát triển tên lửa tầm xa, vũ khí siêu âm và những phương tiện không người lái để đủ sức đương đầu với kẻ địch ở bên kia bán cầu. Lầu Năm Góc còn viện dẫn lý lẽ rằng chế tạo F-35 là cách để tạo thêm công ăn việc làm tại các tiểu bang hoặc quận hạt của các thành viên chủ chốt của quốc hội. Nhưng việc áp dụng chế tạo vũ khí cho tăng trưởng việc làm từ lâu đã khiến chi tiêu của Lầu Năm Góc bị đẩy đi quá xa hơn cả những gì được xem là cần thiết nhằm bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh.
Bên cạnh đó, không chỉ F-35 mới bị ca thán lãng phí mà trong lịch sử còn có những hệ thống tương tự đã bị xem là rác, nổi bật trong số đó là Tàu chiến đấu ven biển Littoral (LCS) mà về cơ bản là một chiếc F-35 trên biển. Hải quân Mỹ hiện đang cố gắng trao một nhiệm vụ mới cho LCS nhưng không thành công. Việc này bao gồm mua lại các tàu sân bay cũ với giá 13 tỷ USD, và kế hoạch chi tiêu 250 tỷ USD cho loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới có tên Hệ thống răn đe chiến lược mặt đất (GBSD).
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Perry, thì “những hệ thống tên lửa mặt đất nằm trong số những thứ vũ khí quái quỷ đáng sợ nhất thế giới, do bởi Tổng thống chỉ có vài phút để quyết định có phóng hay không khi được cảnh báo về cuộc tấn công hạt nhân của địch”. Nói cách khác, một báo động giả có thể dẫn đến một vụ nổ hạt nhân trên hành tinh.
Tổ chức Global Zero đã chứng minh một cách thuyết phục rằng việc loại bỏ tên lửa đất đối không thay vì chế tạo những tên lửa mới sẽ khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới an toàn hơn. Việc loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ là bước đi đầu tiên có lợi và tiết kiệm chi phí để hướng tới sự tỉnh táo hạt nhân như lời cảnh tỉnh của nhà phân tích Daniel Ellsberg cùng các chuyên gia khác từng nói.
Chiến lược phòng thủ toàn cầu
Sau tất cả, thứ lãng phí lớn nhất của Mỹ là chiến lược bao phủ quân sự toàn cầu của nước này, bao gồm “dấu chân khắp hành tinh” của hơn 750 căn cứ quân sự, hơn 200 ngàn lính đồn trú ở hải ngoại, những lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay khổng lồ và tốn kém đang lênh đênh trên 7 vùng biển, cùng kho vũ khí hạt nhân kềnh càng có thể hủy diệt mọi sự sống (với hàng ngàn đầu đạn dự phòng).
Chỉ cần nhìn vào phí tổn kinh tế và nhân mạng của sự kiện hậu 11-9 là đủ hiểu vì sao nước Mỹ lại tốn kém cho một chiến lược như vậy. Theo dự án chiến phí của Đại học Brown (Rhode Island, Mỹ) thì các cuộc xung đột do Mỹ khởi xướng trong thế kỷ này đã tiêu tốn 8.000 tỷ USD với hàng trăm ngàn thương vong dân sự, hàng ngàn lính Mỹ tử trận, cùng hàng trăm ngàn người khác bị tổn thương não cùng các chứng rối loạn trầm cảm hậu chấn thương. Tổn thất nhiều thì để làm gì? Tại Iraq, Mỹ đã dọn đường cho một chế độ bè phái để tạo ra những điều kiện cho ISIS càn quét và xâm chiếm những khu vực quan trọng của nước này, thiệt hại nhiều nhân mạng và của cải.
Và ở Afghanistan, sau một thời gian xâm lược và phá hoại thì sau rốt Mỹ cũng phải lui binh, quyền điều hành nước này ngày hôm nay rơi vào tay Taliban. Bất chấp việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, chi tiêu cho các hoạt động chống khủng bố toàn cầu vẫn giữ mức cao, do các hoạt động liên tục của các lực lượng đặc nhiệm, những vụ không kích lặp đi lặp lại, viện trợ và huấn luyện quân sự tiếp diễn, cùng sự can dự trong cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Vào cuối năm 2021, trong bản đánh giá “Tư thế lực lượng toàn cầu”, Tổng thống Biden ưu tiên duy trì các căn cứ quan trọng ở Trung Đông, trong khi vẫn thúc đẩy sự hiện diện khiêm tốn của lính Mỹ ở Đông Á. Mặt khác, “mối đe dọa Trung Quốc” được Lầu Năm Góc cường điệu để giúp giữ nguyên hoặc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây. Trong số các tổ chức kêu gọi tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc, đáng chú ý là Ủy ban Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ (NDSC), đang làm việc với vai trò cố vấn trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. NDSC kêu gọi tăng từ 3% đến 5% ngân sách thường niên cho Lầu Năm Góc trong tương lai gần.
Theo một phân tích của tổ chức phi lợi nhuận “Người nộp thuế” thông thường thì ngay giữa thập niên này, Lầu Năm Góc có thể gia tăng ngân sách đến 1.000 tỷ USD. Tháng 3 năm 2022, Lầu Năm Góc dự kiến công bố chiến lược quốc phòng quốc gia mới và ngân sách cho năm tài khóa 2023. Đáng chú ý là chính quyền ông Biden sẽ từ bỏ những chương trình vũ khí hạt nhân nguy hiểm (và không cần thiết) vốn được nhen nhóm từ thời ông Donald Trump.