Hé lộ nguồn tài chính của Taliban

23:00 23/08/2021

Một báo cáo mà đài RFE thu được cho hay, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2020, Taliban được cho là đã thu về hơn 1,6 tỷ USD. Mullah Yaqoob, con trai của cố thủ lĩnh tinh thần Taliban Mullah Mohammad Omar, người đã tiết lộ nguồn thu nhập của Taliban trong một báo cáo mật do NATO thu thập được khẳng định, các chiến binh Taliban ở Afghanistan thậm chí đã trở nên giàu có và hùng mạnh hơn kể từ khi chế độ Hồi giáo cực đoan này bị quân đội Mỹ lật đổ vào năm 2001.

Thu nhập gấp 30 lần ngân sách quốc phòng của chính phủ

Có thể thấy rõ rằng, qua các đoạn tin tức trên truyền hình, Taliban của năm 2021 trông rất khác so với hình ảnh Taliban của cuối những năm 1990. Đầu tiên, phải kể đến chất lượng ghi hình được cải thiện và những bộ trang phục của thành viên Taliban cũng sạch sẽ, mới và đẹp hơn. Tiếp đó, vũ khí của họ trông mới tinh và sáng loáng; loại xe Humvee đang hoạt động trên đường phố Afghanistan trống khá hiện đại.

“Nhìn chung, Taliban của năm 2021 không còn là những kẻ điên cuồng, rách rưới với những hình ảnh đánh đập và hành quyết phụ nữ. Giờ đây, họ trông như một quân đoàn kỷ luật gồm những chiến binh được ăn uống đầy đủ, sung túc trong sứ mệnh nắm quyền điều hành đất nước. Tại sao Taliban lại không thể không tự mãn được khi mà tổ chức của họ đầy tiền và mọi người đều biết rằng không có gì thành công tốt hơn một chiếc ví dày”, tờ Conversation bình luận.

Thực tế, cách đây 5 năm, tạp chí Forbes của Mỹ đã liệt kê Taliban giàu thứ 5 trong số 10 tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan. Khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có doanh thu 2 tỷ USD và đứng vị trí thứ 1 trong khi Taliban chỉ “khiêm tốn” với 400 triệu USD. Khi đó, Forbes cũng liệt kê các nguồn thu chính của Taliban là buôn bán ma túy, tiền bảo vệ và quyên góp.

Nhưng theo một báo cáo mật của NATO do RFE/Radio Liberty được tiếp cận, ngân sách hàng năm của Taliban trong năm tài chính 2019-2020 là 1,6 tỷ USD, tăng 400% so với thống kê của Forbes năm 2016. Báo cáo mật của NATO nêu rõ, nhiều năm qua, giới lãnh đạo Taliban đã theo đuổi chế độ tự cung tự cấp để trở thành một thực thể chính trị và quân sự độc lập. Cụ thể, tổ chức này đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản tài trợ và đóng góp của nước ngoài.

Các chiến binh Taliban tuần hành trên đường phố sau khi lật đổ chính phủ Afghanistan. Ảnh: Getty.

Trong năm 2017-2018, Taliban được cho là đã nhận được khoảng 500 triệu USD và ½  tổng số tiền đó là từ các nguồn nước ngoài. Nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 15% tổng doanh thu của tổ chức này vào năm 2020. Trong cùng năm tài chính đó, ngân sách chính thức của Chính phủ Afghanistan ở mức 5,5 tỷ USD, nhưng chỉ có chưa đến 2% là dành cho quốc phòng.

Tuy nhiên, phần lớn số tiền tài trợ cho dự án “ngăn Taliban hoạt động ở Afghanistan” đã được Mỹ tiếp nhận. Mỹ - quốc gia đang rất vội vã để rút quân đội khỏi Afghanistan, đã chi gần một 1.000 tỷ USD trong 19 năm để trực tiếp hoặc huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan chống lại Taliban. Bây giờ, có vẻ như Taliban là liên doanh kinh doanh tốt hơn ở Afghanistan và thu được nhiều lợi nhuận hơn so với Mỹ.

Và 6 nguồn tiền tài trợ

Hôm 15-8, Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul, chiếm hoàn toàn Phủ Tổng thống và tuyên bố kết thúc chiến tranh. Trước đó vài tuần, Taliban đã liên tục tấn công và giành lại quyền kiểm soát ở những vùng đất thuộc chính phủ Afghanistan hoặc do quân đội Mỹ nắm giữ. Một điểm đáng chú ý là quân đội Afghanistan với khoảng 300.000 binh sĩ đã nhanh chóng bị áp đảo bởi 80.000 chiến binh Taliban.

Vậy ai đã tài trợ cho Taliban trong suốt thập kỷ qua và cho phép họ trở lại “nổi bật” trong xã hội Afghanistan? Theo phân tích của hãng AP, trong suốt thời kỳ Mỹ tham chiến ở quốc gia Nam Á này, Taliban đã cố gắng duy trì nhân lực khi đối mặt với lực lượng quân sự lớn nhất và đắt đỏ nhất thế giới. Để làm như vậy, lực lượng vũ trang Hồi giáo này đã thu lợi từ các hoạt động bất hợp pháp khác nhau, chủ yếu từ việc sản xuất và phân phối heroin trong khu vực.

Các nhà phân tích chính sách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Afghanistan – một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Kabul chỉ rõ, dựa vào Báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2020 của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Afghanistan chiếm khoảng 84% sản lượng thuốc phiện trên toàn cầu trong 5 năm (kết thúc vào năm 2020) với giá trị hàng năm từ 1,5 đến 3 tỷ USD. Phần lớn lợi nhuận thu được từ ma túy bất hợp pháp thuộc về Taliban, ước tính gần 500 triệu USD/năm.

Tổ chức này quản lý thuốc phiện trong các khu vực do họ kiểm soát và đánh thuế 10% đối với mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất ma túy bao gồm: những người nông dân Afghanistan trồng cây thuốc phiện, thành phần chính trong thuốc phiện, các phòng thí nghiệm biến nó thành ma túy và những người buôn bán chuyển sản phẩm cuối cùng ra khỏi đất nước…

 Buôn bán ma túy mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Taliban.

Trong gần 20 năm có mặt tại Afghanistan, Mỹ đã cố gắng bóp nghẹt nguồn tài trợ từ ma túy của Taliban bằng cách kiềm chế hoạt động sản xuất ma túy trong khu vực. Quân đội Mỹ ước tính rằng khoảng 60% kinh phí cho Taliban đến từ ma túy. Tháng 8-2018, Mỹ tuyên bố đã xóa sổ một nửa số phòng thí nghiệm ma túy của Taliban nhưng tác động của thành công đó lại không quá lâu dài và không lấy gì đảm bảo cả.

Tháng 6 vừa qua, Nhóm Giám sát của LHQ về Afghanistan nhắc lại rằng Taliban duy trì lòng trung thành chặt chẽ với nhóm khủng bố Al-Qaeda và mối quan hệ này đã mang lại lợi ích cho cả hai bên. Một báo cáo mật do RFE thu được vào năm 2020 cũng tuyên bố rằng Taliban đã kiếm được hơn 1,6 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2020 từ các hoạt động bất hợp pháp này. “Sự độc lập về tài chính đó cho phép Taliban ở Afghanistan tự tài trợ cho cuộc nổi dậy của mình mà không cần sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc công dân các nước khác”, báo cáo có đoạn viết.

Cũng theo báo cáo này, nguồn tiền lớn thứ 2 của Taliban đến từ việc khai thác quặng sắt, đá cẩm thạch, đồng, vàng, kẽm và các kim loại khác cùng khoáng sản đất hiếm ở miền núi Afghanistan. Các hoạt động khai thác khoáng sản quy mô nhỏ và các công ty khai thác lớn của Afghanistan đều trả tiền cho các tay súng Taliban để duy trì hoạt động kinh doanh. Những người không trả tiền đã phải đối mặt với những lời đe dọa chết chóc. Theo Ủy ban mỏ và đá Taliban (hay còn gọi là Da Dabaro Comisyoon), tổ chức này kiếm được 400 triệu USD/năm từ việc khai thác; còn NATO ước tính con số này cao hơn, ở mức 464 triệu USD - tăng 35 triệu USD so với năm 2016.

Một điểm đáng lo ngại nữa là khi giành được quyền kiểm soát chính phủ Afghanistan hôm 15-8, Taliban cũng đạt được khả năng kiểm soát quyền truy cập vào các mỏ khoáng sản lithium khổng lồ có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu. Năm 2010, một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gọi Afghanistan là “Arab Saudi của lithium”, sau khi các nhà địa chất Mỹ phát hiện ra lượng khoáng sản khổng lồ của quốc gia này, trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD.

Lithium, kim loại bạc rất cần thiết cho xe điện và pin năng lượng tái tạo. 10 năm qua, do các cuộc xung đột, nạn tham nhũng và quan liêu của chính phủ Afghanistan, những nguồn lực đó hầu như vẫn chưa được khai thác. Và khi Mỹ đang tìm cách tháo gỡ chuỗi cung ứng năng lượng sạch của mình khỏi Trung Quốc - nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới thì việc để các khoáng sản của Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban là một đòn giáng mạnh vào lợi ích kinh tế Mỹ.

Rod Schoonover, người đứng đầu chương trình an ninh sinh thái tại Trung tâm rủi ro chiến lược, một tổ chức tư vấn của Washington nói: “Taliban hiện đang nắm trong tay một số khoáng sản chiến lược quan trọng nhất trên thế giới. Liệu họ có thể sử dụng chúng hay không là một câu hỏi quan trọng trong tương lai”.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu toàn cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp 40 lần vào năm 2040, cùng với các nguyên tố đất hiếm, đồng, coban và các khoáng chất khác mà các mỏ tự nhiên của Afghanistan có. Những khoáng sản này tập trung trong một số khu vực nhỏ trên toàn cầu, vì vậy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có khả năng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho Afghanistan. Trong quá khứ, các quan chức chính phủ Afghanistan đã treo lơ lửng triển vọng về các hợp đồng khai thác béo bở với các đối tác Mỹ như một lời dụ dỗ nhằm kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này. Dưới sự điều hành của Taliban, lựa chọn đó có thể không được bàn đến.

  Mỹ đã phong tỏa gần 9,5 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Afghanistan và ngừng vận chuyển tiền mặt cho quốc gia này trong nỗ lực ngăn chính phủ do Taliban lãnh đạo tiếp cận nguồn tiền này. Ảnh: AP.

Chiếm vị trí thứ 3 và 4 trong bảng danh sách những nguồn tài trợ cho Taliban là việc quyên góp từ thiện và xuất nhập khẩu với ước tính mỗi lĩnh vực mang về 240 triệu USD. Từ lâu, Taliban đã nhận được sự đóng góp tài chính bí mật từ các nhà tài trợ tư nhân và các tổ chức quốc tế trên toàn cầu. Nhiều khoản đóng góp của Taliban là từ các tổ chức từ thiện và quỹ tín thác tư nhân ở các quốc gia Vịnh Ba Tư - khu vực có lịch sử thiện cảm với phong trào nổi dậy tôn giáo của nhóm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách và nghiên cứu Afghanistan, những khoản đóng góp này lên tới khoảng 150 - 200 triệu USD mỗi năm và các tổ chức từ thiện này đều nằm trong danh sách tài trợ cho khủng bố do Bộ Tài chính Mỹ lập. Bên cạnh đó, theo cơ quan chống khủng bố của Mỹ, một đội ngũ công dân Arab Saudi, Pakistan, Iran và một số quốc gia vùng Vịnh Ba Tư cũng hỗ trợ tài chính cho Taliban với mức khoảng 60 triệu USD/năm, được chuyển thẳng tới Mạng lưới Haqqani có liên kết với Taliban.

Còn với xuất nhập khẩu, để rửa tiền bất hợp pháp, Taliban xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng khác nhau. Báo cáo được gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, các chi nhánh kinh doanh lĩnh vực xuất nhập khẩu của Taliban được biết đến có Noorzai Brothers Limited – hoạt động đa quốc gia, chuyên nhập khẩu phụ tùng ô tô, bán xe lắp ráp lại và phụ tùng ô tô thay thế. Thu nhập ròng của Taliban từ hoạt động này được cho là khoảng 240 triệu USD/năm.

Trong khi đó, việc đánh thuế người dân và các ngành công nghiệp ở Afghanistan phát triển tại khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Taliban  đã đem lại cho tổ chức này mức thu nhập khoảng 160 triệu USD. Các ngành “bị đánh thuế” bao gồm hoạt động khai thác, truyền thông, viễn thông và các dự án phát triển được tài trợ bởi viện trợ quốc tế.

Các lái xe cũng bị tính phí khi sử dụng đường cao tốc trong các khu vực do Taliban kiểm soát, và các chủ cửa hàng phải trả tiền cho Taliban để được quyền kinh doanh. Tổ chức này cũng áp đặt một hình thức đánh thuế truyền thống của Hồi giáo gọi là “ushr” - thuế 10% đối với thu hoạch của nông dân và “zakat”, thuế tài sản 2,5%. Họ thậm chí còn phát hành biên lai nộp thuế chính thức.

Nguồn thu nhập cuối cùng và ít quan trọng nhất của Talban là bất động sản. Mullah Yaqoob và Kênh truyền hình Pakistan SAMAA đưa tin, Taliban sở hữu bất động sản ở Afghanistan, Pakistan và nhiều nước khác với doanh thu hàng năm là khoảng 80 triệu USD.

Ngọc Khuê

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文