Nam tước Đức trở thành điệp viên Liên Xô

22:41 25/04/2023

Tháng 12/1942, Nam tước Rudolf von Scheliha đã bị xử tử tại Đức. Trước chiến tranh, nhà ngoại giao quý tộc cấp cao này đã trở thành điệp viên Liên Xô có giá trị nhất từng hoạt động tại Đệ tam Quốc xã.

Gần một năm trước khi bắt đầu chiến tranh, ông là người đầu tiên thông báo cho Moscow về cuộc xâm lược của Đức sắp xảy ra. Hơn thế, sau đó von Scheliha đã cung cấp các dữ liệu chi tiết nhất về cuộc xâm lược, hướng chính xác của các cuộc tấn công cũng như tên của những viên tướng chỉ huy chiến dịch sắp tới. Nhưng đến thời kỳ hậu chiến, những đóng góp lớn của ông chỉ được công nhận muộn màng bởi các lý do chính trị.

Giác ngộ

Rudolf von Scheliha sinh năm 1897, có xuất thân quý tộc cả hai bên nội và ngoại. Về phía nhà nội, tổ tiên mấy đời đều là đại điền chủ, quan lại. Ông ngoại của ông là Von Mikel, người thời trẻ từng là bạn của Karl Marx, sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phổ trong nhiều năm.

Vợ chồng Scheliha (phải) với giới ngoại giao tại Đức.

Von Scheliha đã trải qua toàn bộ Thế chiến I trong lực lượng kỵ binh và được trao tặng 2 Chữ thập sắt. Không lạ rằng với những ưu thế đó, ông đã nhanh chóng có sự nghiệp trong ngành ngoại giao, cuối cùng là nhân vật đứng đầu Đại sứ quán Đức tại Ba Lan. Tại đây, vào năm 1937, Scheliha được người quen là nhà báo Rudolf Gernstadt tuyển dụng làm việc cho tình báo Liên Xô.

Hầu hết các điệp viên Liên Xô ở Đức tùy từng mức độ đều đồng cảm về lý tưởng. Nam tước Von Scheliha là một ngoại lệ, ông được thôi thúc hợp tác không chỉ vì lợi ích riêng mà còn bởi không chấp nhận chính sách của Đức Quốc xã, nhất là ở thời đỉnh điểm vào cuối những năm 1930. Mặc dù vì sự nghiệp, Scheliha đã gia nhập đảng sau khi Hitler lên nắm quyền, nhưng ông không đồng tình với các nguyên tắc của cương lĩnh chính trị này. Ông thấy dần chán ghét khi Đức Quốc xã đã trở nên cực đoan và ông đặc biệt phẫn nộ trước chính sách công khai bài Do Thái của chế độ phát xít.

Năm 1937, Von Scheliha bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô. Trong ba năm rưỡi sau đó, với 50 nghìn USD (tương đương 1 triệu USD hiện thời) đã được chuyển vào tài khoản của mình tại Thụy Sĩ, ông trở thành người được trả lương cao nhất trong số các điệp viên Liên Xô được biết đến. Tất nhiên, ở Liên Xô người ta không trả tiền cho một người vô dụng. Nam tước đã đền đáp rất xứng đáng với mức đãi ngộ được hưởng, ông là người cung cấp thông tin đáng giá nhất trong số các thông tin viên Liên Xô từ các quốc gia khác nhau.

Hoạt động tình báo

Nam tước Scheliha có biệt danh hoạt động là “Aryan”. Lúc đầu ông truyền thông tin qua Gernstardt, tuy nhiên sau đó buộc phải rời đi vì nguồn gốc Do Thái của mình. Scheliha bắt đầu làm việc với nữ nhà báo cộng sản Đức Ilse Stobe (biệt danh là Alta), dưới sự bảo trợ của Alta, ông nhận được một công việc trong bộ phận báo chí của Bộ Ngoại giao.

Ban Tham mưu Đức quốc xã thảo luận về kế hoạch “Barbarossa”.

 Ban đầu, nhiệm vụ chính của Von Scheliha là thu thập thông tin về kế hoạch của Đức Quốc xã theo hướng Ba Lan. Thông tin được gửi đến Moscow hóa ra lại đáng tin cậy một cách đáng ngạc nhiên. Sáu tháng trước khi bắt đầu Thế chiến II, Nam tước tuyên bố dứt khoát rằng Hitler dự định giải quyết vấn đề với Ba Lan chỉ bằng chiến tranh và thậm chí không hề muốn việc chuyển giao “hành lang sang Đông Phổ” một cách hòa bình. Ba tháng trước khi bắt đầu chiến tranh, Aryan đã dự đoán ngày này rất chính xác sau khi gửi thông tin rằng, cuộc chiến đã được ấn định vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 1/9).

Sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan, ông được triệu hồi về Berlin và làm việc tại Văn phòng trung ương Bộ Ngoại giao Đức. Một lần nữa, Aryan đã khẳng định giá trị của mình vào tháng 5/1940. Một tuần trước khi quân Đức xâm lược Hà Lan, ông đã thông báo rằng cuộc tấn công sẽ được bắt đầu.

Kể từ khi danh tính các đặc vụ Liên Xô được giải mật vào những năm 1960, cuộc tranh luận được tiếp tục về việc ai là người dự đoán chính xác hơn ngày Đức tấn công Liên Xô. Trong một thời gian dài, người ta tin rằng đó là Richard Sorge. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù Richard Sorge đã cảnh báo về một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Đức, và trong năm 1941 ông đã thông báo điều này khoảng 10 lần, nhưng chưa lần nào Sorge có thông tin chính xác ngày tấn công. Chỉ đến cuối tháng 5 ông mới đưa ra thời gian áng chừng là vào cuối tháng 6.

Dữ liệu từ Willy Lehman, một điệp viên của Liên Xô ở Gestapo cũng khá đúng. Ông chỉ ra được chính xác ngày xâm lược, nhưng thông tin này chỉ có vào thời điểm cuối cùng - ngày 19/6/1941. Còn Von Scheliha không chỉ là người đầu tiên đã thông báo về cuộc tấn công, mà rất lâu trước cuộc xâm lược đó, ông đã cung cấp được cả các thông tin rất chi tiết về những tên chỉ huy của quân đội sẽ xâm lược Liên Xô.

Trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu, tình báo Liên Xô từ nhiều nguồn khác nhau đã có khoảng 50 báo cáo về cuộc tấn công. Phần lớn được diễn đạt khá mơ hồ “sau thất bại của Anh”, “năm nay”, “khi có cơ hội”... Các thông báo của Aryan nổi bật bởi sự đầy đủ. Hiện nay phần lớn những thông tin đó được công bố trong niên giám “Nước Nga - thế kỷ XX”.

 Trở lại thời điểm tháng 9/1940, Scheliha chuyển thông tin tới Moscow rằng Hitler đã có kế hoạch chiến tranh với Liên Xô và dự định “giải quyết vấn đề ở phía Đông” vào mùa xuân năm 1941. Điều đáng chú ý là khi đó quân Đức mới đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào Anh và nói chung là không có dấu hiệu nào về một cuộc chiến với Liên Xô. Ngay cả ở Đức, chỉ có rất ít người biết về những kế hoạch tương tự của Hitler.

Liên tục cập nhật

Ngày 18/12/1940, Hitler ký chỉ thị về việc chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô, có tên kế hoạch “Barbarossa”. Cho dù nó được bảo mật tuyệt đối, chỉ 10 ngày sau, Aryan đã gửi một bản mật mã ngắn tới Moscow: “Hitler đã ra lệnh chuẩn bị chiến tranh”. Theo tin tức của Von Scheliha, dự tính điều này sẽ được công bố vào tháng 3/1941. Tuy nhiên, kế hoạch về ngày cụ thể tấn công vẫn chưa được đoán định, thậm chí những người đề ra kế hoạch khi đó cũng không biết thời gian chính xác.

Xe tăng Đức bị phá hủy gần Moscow.

Bản mật mã đã được trình lên Stalin, là người yêu cầu sự chi tiết. Năm ngày sau, Aryan đã gửi một bản mật mã mới qua điệp viên Alta, trong đó có nói rằng những thông tin mà ông có được là từ một quân nhân cấp cao và không phải là tin đồn, mà được nhận từ mệnh lệnh tối mật của Hitler và chỉ có các tướng lĩnh quân sự hàng đầu mới được tiếp cận.

Vào cuối tháng 2, Aryan đã gửi dữ liệu mới cho thấy rõ ràng rằng ông đã nhận được nguồn tin từ một người tiếp cận trực tiếp với kế hoạch Barbarossa. Nên biết rằng, bốn tháng trước khi bắt đầu chiến tranh mà Von Scheliha đã dự đoán hoàn toàn chính xác tất cả các hướng tấn công chính của Đức (vào Leningrad, Moscow và Kiev) và liệt kê chính xác tên của ba viên chỉ huy các nhóm quân là: Von Leeb, Von Rundstedt và Von Bock. Cũng trong bản báo cáo, ông nhận định rằng ngày dự kiến cho cuộc xâm lược là 20/5.

Vào tháng 3/1941, Aryan thông báo rằng có 120 sư đoàn Đức đã được chuyển đến Ba Lan, và cuộc xâm lược dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian giữa 15/5 - 15/6. Cuối cùng, ngày 12/6 ông thông báo rằng thời điểm có nhiều khả năng xảy ra cuộc tấn công nhất là 15-20/6/1941.

Sự cố

Sau khi chiến tranh bùng nổ, các đầu mối thông tin đã không thể giữ liên lạc bằng các phương pháp cũ. Tuy nhiên, tại Liên Xô, Aryan được coi là một nguồn tin đáng giá nhất. Để đổi mới cách liên lạc với ông, một hoạt động đồng bộ đặc biệt đã được tổ chức vào năm 1942. Ba người Đức di cư là Heinrich Konen, Wilhelm Fellendorf và Erna Eifler đã được thả dù xuống gần khu vực Ostroda của Ba Lan. Từ đó, họ phải đến một ngôi nhà bí mật ở Berlin, liên lạc với người cộng sản Bernhard Bestlein và với sự giúp đỡ của ông này sẽ tìm Ilsa Stobe và thiết lập liên lạc với Aryan.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó thì Ilsa Stobe, người từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Gestapo, đã bị bắt. Một cuộc phục kích đang chờ đợi họ tại ngôi nhà bí mật của các đặc vụ. Sau sự cố này, Gestapo đã bắt giữ hàng chục thông tin viên Liên Xô tại Đức. Schellenberg nhớ lại trong hồi ký của mình: “Trong số nhiều người bị bắt có cố vấn đại sứ quán Von Scheliha, Bí thư thứ nhất của Bộ Ngoại giao, người đã thực hiện các nhiệm vụ của Nga tại đó. Ông đã hành động bằng các phương pháp “gián điệp quý tộc”. Von Scheliha không chỉ biết về mọi thứ đã xảy ra trong Bộ mà ông ta còn mở trong căn hộ của mình một salon, nơi được toàn bộ giới ngoại giao trong nước nhiệt tình ghé thăm. Trong khi nói chuyện với các vị khách của mình, ông ấy thu thập thông tin mật một cách khéo léo, lạnh lùng và có phương pháp”. Scheliha và Stobe đã bị tử hình vào tháng 12/1942.

Sự công nhận muộn màng

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Aryan ở trong tình trạng “không thuộc về nơi nào”. Tại Liên Xô vào những năm 1960, danh tính của nhiều đặc vụ đã được giải mật và quá trình truy tặng giải thưởng danh dự được bắt đầu. Sorge đã được tặng ngôi sao Anh hùng, Stobe, Schulze-Boysen, Harnack nhận Huân chương Cờ đỏ. Tên tuổi của họ được vinh danh ở CHDC Đức. Von Scheliha không được nhận gì cả và không phải vì nguồn gốc quý tộc, mà vì những lý do chính trị. Tất cả những người nói trên hoặc đều là người cộng sản hoặc thuộc cánh tả. Còn Aryan, cho dù với toàn bộ giá trị thông tin thì ông vẫn không phải là “người của mình ở Đức”, mà là “người làm thuê”. Cũng như vậy, Willy Lehman, tuy là một đặc vụ có giá trị, cũng không phải là người cộng sản và cũng không được truy tặng danh hiệu ở Liên Xô.

Thời gian đó tại CHDC Đức đã tiến hành sự phục hồi cho tất cả những chính trị phạm trong thời kỳ của chủ nghĩa Quốc xã. Von Scheliha cũng không có tên trong danh sách này. Mặc dù, người ta biết rằng ông có những quan điểm chống phát xít và trong thời gian ở Warsaw, ông đã nhiều lần cứu người bằng cách tạo ra “vỏ bọc ngoại giao” cho những người Do Thái và Ba Lan. Hơn nữa, một số bạn của ông như tướng Von Treskow và Bá tước Von Moltke, những người tích cực tham gia vào âm mưu chống Hitler, đã được truy tặng danh hiệu anh hùng dân tộc tại CHDC Đức, còn “Aryan” Scheliha thì vẫn là một “điệp viên Liên Xô”. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, ông đã bị khước từ sự phục hồi vì những lý do chính trị.

Chỉ đến những năm 1990, án tích của Nam tước - điệp viên Rudolf von Scheliha mới được hủy bỏ, ông được xếp vào hàng ngũ những anh hùng kháng chiến chống phát xít thời Đệ tam Quốc xã.

Hải Yến (Tổng hợp)

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

Ngày 16/11, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã di lý đối tượng Bùi Văn Hồng (SN 1988), từ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh về địa phương để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文