Những điệp viên nằm vùng thành công nhất trong lịch sử tình báo

21:29 14/07/2023

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của các cơ quan tình báo là cài cắm điệp viên ở nước ngoài. Một người như vậy phải có trình độ ngoại ngữ hoàn hảo và nhiều phẩm chất khác, anh ta có thể bị lộ bất cứ lúc nào chỉ vì một sơ suất nhỏ, chẳng hạn như một cử chỉ sai hoặc một lời nói tình cờ. Trong lịch sử ngành tình báo có những điệp viên nằm vùng đã tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng dưới cái tên giả.

Teodoro Castro/ Joseph Grigulevich

Không còn nghi ngờ gì nữa, Joseph Grigulevich là một trong những trường hợp độc đáo nhất trong lịch sử tình báo. Ông không chỉ xâm nhập thành công vào môi trường khác mà còn tạo dựng cả một sự nghiệp ngoại giao ở đó. Chỉ nửa thế kỷ sau sự mất tích bí ẩn của Teodoro Castro, nhà ngoại giao Costa Rica, người đã từng phát biểu tại Liên hợp quốc, cả thế giới mới ngạc nhiên nhận ra rằng núp dưới tên ông là một công dân Liên Xô, điệp viên Bộ Dân ủy Nội vụ Joseph Grigulevich.

Điệp viên Teodoro Castro/ Joseph Grigulevich.

Sinh ra trong một gia đình dược sĩ ở Liva lúc bấy giờ thuộc Nga, Joseph Grigulevich đã sống một cuộc đời đầy sóng gió. Thời trẻ, ông theo bố đến Mỹ Latinh, nơi ông làm việc cho tình báo Liên Xô. Ở Chile, nhờ sự giúp đỡ của nhà văn cộng sản Gutierrez, Grigulevich xin được hộ chiếu của Costa Rica. Với tấm hộ chiếu này, Grigulevich trở lại châu Âu sau chiến tranh, nơi ông bắt đầu cuộc sống mới theo chỉ thị của Liên Xô.

Ông định cư ở Rome dưới danh nghĩa một doanh nhân buôn bán cà phê. Trong tiểu sử của mình, Grigulevich (Castro) khai ông là con ngoài giá thú của một thương gia cà phê giàu có người Costa Rica. Vì ngoại hình rất giống người miền Nam và nói tiếng Tây Ban Nha sành sỏi, lời khai này xem ra hoàn toàn hợp lý.

Đồng thời, Grigulevich kết bạn với nhiều người ở Vatican, điều này rất hữu ích cho công việc sau này của ông. Vào cuối những năm 1940, nhân phái đoàn của ứng cử viên Tổng thống Costa Rica Ulate Blanco đến Rome, với tư cách một doanh nhân thành đạt Grigulevich (Castro) đã tổ chức một buổi tiếp kiến với đoàn ở Vatican.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, Blanco không quên người bạn của mình - Castro được bổ nhiệm làm Đại sứ của Costa Rica tại Ý. Có được quyền miễn trừ ngoại giao là thành công lớn nhất mà một nhà tình báo có thể giành được.

Đầu những năm 1950, Grigulevich (Castro) được chuyển sang làm Đại sứ tại Nam Tư. Thời kỳ này, Tito đang cầm quyền ở đây. Vì điệp viên Liên Xô hiện hay lui tới phòng làm việc của Tito, kẻ thù riêng của Stalin, nên Liên Xô bắt đầu vạch ra một kế hoạch táo bạo để thủ tiêu Tito.

Trong hồi ký của mình, trung tướng an ninh Liên Xô Pavel Sudoplatov viết rằng một số kịch bản ám sát Tito đã được chuẩn bị với sự trợ giúp của Castro. Tuy nhiên, năm 1953, Stalin qua đời, vì vậy ban lãnh đạo Liên Xô quyết định thiết lập lại quan hệ với Belgrade. Ở Moscow, các cơ quan tình báo bắt đầu sắp xếp lại nhân sự, còn ở Costa Rica, tổng thống mới lên cầm quyền, vì vậy Grigulevich được triệu hồi về Liên Xô.

Tháng 12/1953, đại sứ Costa Rica, Teodoro Castro biến mất không dấu vết sau khi rời Rome. Thực ra, Castro đến Vienna với hộ chiếu giả, rồi từ đó ông trở về Moscow, nơi ông được trả lại tên thật của mình. Sau này, với bút danh Lavretsky, ông đã công bố các tác phẩm về lịch sử Mỹ Latinh và thậm chí còn trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học. Cuộc đời thực của Grigulevich (Castro) chỉ được biết đến vào những năm 90, nhưng ông không kịp sống đến thời kỳ đó. Ông qua đời năm 1988.

 Fyodor Konar/ Fyodor Palaschuk

Năm 1920, Fyodor Konar, người từng chiến đấu bên phe Áo - Hung trong Thế Chiến thứ nhất, bất ngờ chuyển sang hàng ngũ những người Bolshevik.

Sự nghiệp của ông ở Liên Xô thăng tiến rất nhanh. Mặc dù một lần do bị nghi ngờ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa quá mức, Konar tạm thời bị khai trừ ra khỏi đảng, nhưng về sau, ông không những khôi phục được vị thế của mình mà còn tiến xa hơn.

Điệp viên  Fyodor Konar/ Fyodor Palaschuk

Konar làm quen với rất nhiều người ở Moscow. Đến cuối những năm 20, ông trở thành cán bộ cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là cuộc gặp gỡ của Konar với Nikolay Yezhov, người đứng đầu tương lai của Bộ Dân ủy Nội vụ lúc bấy giờ làm việc trong bộ máy của Ủy ban Trung ương. Konar và Yezhov trở thành đôi bạn thân và thường xuyên gặp gỡ nhau.

Có nguồn tin cho rằng chính Konar là người xin cho Yevgenya Khayutina, cô vợ mới của Yezhov, về làm Tổng Biên tập tạp chí "Liên Xô trên công trường". Bản thân ông là thành viên hội đồng biên tập của ấn phẩm này. Để có đi có lại, Yezhov đã bố trí cho Konar vào làm việc ở Bộ Dân ủy Nông nghiệp, nơi cuối cùng, ông ta trở thành phó ủy viên nhân dân (thứ trưởng) phụ trách các trạm máy kéo.

Năm 1933, Konar bị bắt và bị buộc tội làm gián điệp, sau đó ông bị xử bắn. Điều thú vị là vào thời điểm đó, tình bạn này không ảnh hưởng đến sự nghiệp của Yezhov, nhưng mấy năm sau, khi người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ bị thất sủng, quan hệ với Konar là lý do đầu tiên khiến ông bị buộc tội.

20 năm sau, trong cuốn sách xuất bản ở phương Tây, Aleksandr Orlov, đại tá cảnh sát mật Liên Xô chạy sang Mỹ, đã viết rất chi tiết về các cuộc đàn áp chính trị ở Liên Xô. Orlov tuyên bố rằng hầu hết các vụ xét xử gián điệp ở Liên Xô đều sai, trừ trường hợp của Konar, người thực sự là điệp viên Ba Lan.

Theo Orlov, thực ra, Fyodor Konar là đảng viên cộng sản Ukraine đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Liên Xô - Ba Lan. Còn Fyodor Palaschuk là người có ngoại hình giống Konar, được cơ quan tình báo Ba Lan cài cắm vào hàng ngũ những người Bolshevik dưới cái tên Fyodor Konar. Suốt 13 năm, ông ta mang tên người khác và cung cấp cho Ba Lan những thông tin rất có giá trị, nhờ giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước Xôviết. Nhưng một lần, ông ta tình cờ bị một người biết rõ Konar thật vạch mặt và thông báo với chính quyền rằng Thứ trưởng Bộ Dân ủy Nông nghiệp không phải là người ông ta mạo nhận.

Tuy nhiên, cho đến nay danh tính của Konar (Palaschuk) vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu thiên về giả thuyết của Orlov, số khác cho rằng Orlov đã nhầm lẫn, và Konar chỉ là nạn nhân của những cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Liên Xô vào những năm 30.

Camille Amin Taabeth/ Eli Cohen

Năm 1961, ở Argentina xuất hiện doanh nhân người Syria rất giàu có tên là Camille Amin Taabeth. Ông tích cực làm quen với cộng đồng người địa phương, đồng thời bộc lộ cảm tình với cương lĩnh của đảng Baath. Thời điểm đó, đây là phong trào chính trị đối lập, các nhà lãnh đạo của nó sống ở nước ngoài và cần hỗ trợ tài chính.

Điệp viên Camille Amin Taabeth/ Eli Cohen.

Rốt cuộc, sự hào phóng của Taabeth đã giúp ông tiếp xúc với những người Syria có thế lực và kết bạn với họ. Đặc biệt, ông trở nên thân thiết với Amin al-Hafez, tùy viên quân sự Syria ở Argentina.

Hai năm sau, ở Syria xảy ra một cuộc đảo chính và al-Hafez, người bạn thân lúc bấy giờ của Taabeth, trở thành nguyên thủ quốc gia mới. Chẳng bao lâu, Taabeth trở về Damascus, nơi ông được giới thiệu với giới tinh hoa chính trị và quân sự thủ đô. Taabeth được coi là chàng trai tốt bụng, vì vậy trong nhà ông xuất hiện một cái gì đó giống như diễn đàn chính trị phi chính thức, nơi các đại diện của giới tinh hoa có thể bàn luận về những vấn đề thời sự của đất nước rất cởi mở.

Và tất cả những thông tin này ngay lập tức được chuyển đến Israel, vì núp dưới vỏ bọc của doanh nhân Syria này là điệp viên của “Mossad” Eli Cohen. Chỉ một năm rưỡi sau, nhận thấy có điều gì đấy bất ổn và thông tin bị rò rỉ từ một trong những cấp cao nhất, tình báo Syria bắt đầu theo dõi rất cẩn thận. Kết quả là Cohen bị bắt quả tang trong lúc đang gửi thông tin về Israel.

Năm 1965, Cohen bị treo cổ vì tội làm gián điệp mặc dù Israel và nhiều quốc gia khác đã phát động một chiến dịch ủng hộ ông mạnh mẽ. Ở Israel, ông được phong Anh hùng dân tộc.

Gunter Guillaume

Tháng 4/1974, Gunter Guillaume, thư ký riêng của Thủ tướng CHLB Đức, bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho CHDC Đức. Một thời gian sau, vì vụ bê bối này, Thủ tướng Willy Brandt, người đã được trao giải Nobel Hòa bình ba năm trước, buộc phải từ chức.

Điệp viên Gunter Guillaume.

Vào đầu những năm 1950,  nhiếp ảnh gia trẻ người Berlin Gunter Guillaume được Bộ An ninh Quốc gia của CHDC Đức Stasi tuyển mộ và gửi sang Tây Đức với tư cách là một "điệp viên ngủ quên". Lúc đầu, ông không được giao bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ chính của ông là hợp pháp hóa và bắt đầu sự nghiệp.

Sau đó, theo yêu cầu của các cơ quan tình báo Đông Đức, Guillaume gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đảng chủ chốt của Tây Đức, nơi ông bắt đầu tạo dựng sự nghiệp và thành công ngoài mong đợi. Mười năm sau, Guillaume trở thành nhân vật nổi bật của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và được chính Willy Brandt, chủ tịch đảng và là một trong những chính trị gia hàng đầu của Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh, tin cậy.

Trở thành thư ký riêng của Brandt, Guillaume có quyền tiếp cận nhiều tài liệu bí mật, nắm được các dự định và kế hoạch của Brandt. Tất cả những thông tin này ngay lập tức được chuyển cho Stasi.

Rõ ràng, Guillaume là thành công lớn nhất của cơ quan tình báo CHDC Đức trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ một "điệp viên ngủ quên" không có nhiều triển vọng, ông đã trở thành cộng sự thân cận nhất của Thủ tướng CHLB Đức.

Guillaume bị phát hiện vào cuối năm 1973, nhưng các cơ quan an ninh Tây Đức vẫn tiếp tục theo dõi ông vài tháng nữa để thu thập thêm bằng chứng và lần ra các mối liên hệ của ông. Sau khi bị bắt, ông bị kết án 13 năm tù vì tội làm gián điệp, nhưng 5 năm sau ông được đổi lấy 8 điệp viên bị bắt ở CHDC Đức.

Ở Đông Đức, Guillaume được chào đón như một vị anh hùng dân tộc và nhanh chóng được thăng cấp đại tá. Sau đó, ông giảng dạy tại các lớp học về tình báo ở CHDC Đức. Chủ nhân của vụ bê bối gián điệp lớn nhất trong lịch sử Tây Đức qua đời vì bệnh ung thư không lâu sau khi nước Đức thống nhất.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文