Nỗi ám ảnh về chủ nghĩa khủng bố ở Somalia

14:15 03/11/2022

Sáng 30/10, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud thông báo, đã có ít nhất 100 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương trong 2 vụ đánh bom xe liên tiếp bên ngoài trụ sở Bộ Giáo dục nước này ở thủ đô Mogadishu hôm 29/10.

Bạo lực và chủ nghĩa khủng bố

Vụ nổ đầu tiên nhằm vào Bộ Giáo dục xảy ra gần 1 giao lộ đông đúc ở Mogadishu, trong khi vụ thứ hai xảy ra khi xe cấp cứu đến hiện trường và mọi người tập trung để cứu giúp các nạn nhân trong vụ đầu tiên.

Hiện trường vụ đánh bom ngày 29/10 ở Somalia.

Sau chuyến thị sát hiện trường vụ nổ, Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud cho biết trong một tuyên bố đưa ra đầu giờ sáng 30/10 rằng, những nạn nhân đã “bị thảm sát”, trong đó những người thiệt mạng bao gồm cả người lớn, trẻ em và các học sinh.

Theo ông Mohamud, con số thương vong còn có thể tăng lên. Ông đã chỉ thị cho chính phủ hỗ trợ y tế khẩn cấp cho những người bị thương, trong đó nhiều người hiện đang ở tình trạng nguy kịch.

Nhà chức trách nước này đã cáo buộc Al Shabaab thực hiện vụ tấn công trên. Theo đó, phát ngôn viên cảnh sát Sadiq Doodishe cho biết, “những kẻ khủng bố Al-Shabaab” đã thực hiện 2 vụ nổ nhắm vào dân thường, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người già. Nhóm phiến quân Al-Shabaab có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công trên nhằm vào Bộ Giáo dục Somalia. Nhóm Al-Shabaab thường đánh bom và thực hiện các vụ tấn công bằng súng tại Mogadishu và nhiều nơi khác.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SONNA cho biết, các vụ nổ đã gây ra "nhiều thương vong dân sự, bao gồm cả 1 nhà báo độc lập Mohamed Isse Kona". Tổ chức Nhà báo Somali (SJS) xác nhận rằng Kona, một phóng viên truyền hình, đã thiệt mạng trong vụ việc.

Địa điểm xảy ra vụ đánh bom kép nói trên cũng là nơi đã diễn ra vụ đánh bom lớn nhất Somalia từ trước đến nay vào tháng 10/2017, khiến hơn 500 người thiệt mạng. Ở thời điểm đó, một xe tải có gắn bom đã phát nổ bên ngoài một khách sạn ở giao lộ K5 sầm uất, nơi tập trung các văn phòng chính phủ, nhà hàng và nhiều ki-ốt.

Bạo lực và chủ nghĩa khủng bố phát triển mạnh ở Somalia.

Gần đây nhất, hồi tháng 8 vừa qua, ít nhất 20 người đã thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương khi các tay súng Al-Shabaab xông vào khách sạn Hayat ở Mogadishu và bắt giữ con tin ở khách sạn này, làm nổ ra cuộc giao tranh kéo dài 30 giờ với lực lượng an ninh Somalia.

Phản ứng trước vụ đánh bom kép, cộng đồng quốc tế đã có những động thái lên án mạnh mẽ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, trong đó có cả nhân viên của LHQ, cũng như chính phủ và người dân Somalia. Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric, ông Guterres cũng "lên án mạnh mẽ các hành động tấn công tàn ác này và tái khẳng định sự đoàn kết của LHQ với Somalia chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực".

Phái bộ LHQ tại Somalia cũng cam kết sát cánh với Somalia chống khủng bố. Phái bộ Chuyển tiếp Liên minh châu Phi tại Somalia cũng cho rằng các vụ tấn công này cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn nhóm phiến quân Al-Shabaab.

Mỹ lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Mogadishu, đặc biệt là vụ tấn công này nhằm mục tiêu vào Bộ Giáo dục Somalia. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington duy trì cam kết hỗ trợ Somalia trong cuộc chiến ngăn chặn các hành động khủng bố như vậy.

Theo các nguồn tin khác, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công ở Mogadishu. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào trụ sở cơ quan giáo dục của Somalia càng củng cố cam kết của EU sát cánh với người dân Somalia và buộc những kẻ thực hiện "các cuộc tấn công hèn nhát này" phải chịu trách nhiệm.

Giáo hoàng Francis cũng gửi lời chia chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong các vụ tấn công đẫm máu này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Somalia điều trị cho các nạn nhân bị thương.

Ông Hassan Sheikh Mohamud, Tổng thống Somalia.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Somalia vốn là một quốc gia nghèo đói nằm ở khu vực Đông Phi. Hơn hai thập kỷ trước, Al-Ittihad al-Islami, nhóm được xem như tiền thân của Al-Shabaab, đã hình thành và phát triển tại Somalia với mong muốn tạo ra một tiểu vương quốc Hồi giáo trong lòng đất nước này. Năm 1991, chế độ quân sự Siad Barre tại Somalia sụp đổ, đất nước này rơi vào hỗn loạn trong nhiều năm. Trong khi đó, Al-Ittihad al-Islami ngày càng lớn mạnh.

Đến năm 2003, nội bộ nhóm xảy ra tranh chấp. Những thành viên lớn tuổi của Al-Ittihad al-Islami muốn thiết lập một mặt trận chính trị mới, trong khi những người trẻ hơn lại muốn duy trì những nguyên tắc Hồi giáo cơ bản. Những thủ lĩnh cực đoan của nhóm này đã tách ra và thành lập Al Shabaab.

Al Shabaab trong tiếng Arab có nghĩa là “Thanh niên”. Nhóm này đã tiến hành một chiến dịch cai trị Hồi giáo trên khắp Somalia, liên minh với Liên hiệp Tòa án Hồi giáo để nắm quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu vào năm 2006. Sau đó, Al-Shabaab đã giành thêm quyền kiểm soát các tỉnh miền Trung và Nam Somalia. Tháng 2-2008, Mỹ chính thức liệt Al Shabab là một tổ chức khủng bố nước ngoài.

Ngoài Al Qaeda, Al Shabaab còn có liên hệ với nhóm khủng bố Boko Haram tại Nigeria. Có nguồn tin cho biết, Boko Haram và Al Shabaab đã tham gia các đợt tập luyện và trao đổi, chia sẻ chiến binh với nhau. Các thành viên của hai nhóm này cho rằng cần phải chiến đấu chống lại những “kẻ thù của Hồi giáo”, cả ở trong và ngoài nước. Phiến quân Al Shabaab còn coi sự sụp đổ của các chính phủ hiện nay là hoàn toàn công bằng, và “đúng ý Thánh Allah”, bởi các nhà lãnh đạo bị các nhóm này coi là “thân thiết” với các kẻ thù của Hồi giáo.

Al Shabaab có thể lớn mạnh do những bất ổn vì an ninh lương thực tại châu Phi nói chung và Somalia nói riêng. Somalia đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, khiến quốc gia Đông Phi đối mặt nguy cơ mất mùa, kéo theo một cuộc khủng hoảng lương thực có thể đẩy Somalia lại rơi vào thảm cảnh nạn đói như năm 2011 làm 260.000 người tử vong. Kể từ giữa năm 2021, khoảng 3 triệu gia súc chết do hạn hán - một tổn thất nghiêm trọng đối với người dân Somalia vốn chủ yếu dựa vào chăn nuôi để mưu sinh. Ngoài ra, giá lương thực tại Somalia cũng tăng cao do sản lượng trong nước thấp còn chi phí nhập khẩu biến động mạnh.

Việc mất an ninh lương thực khiến đất nước Somalia càng thêm bất ổn.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), hơn 770.000 người ở Somalia đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nước và thức ăn, trong đó nông dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng khô hạn khiến mùa màng thất bát và gia súc chết hàng loạt; khoảng 1,4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Cùng với dịch COVID-19, hạn hán càng đẩy Somalia, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với hơn 70% dân số có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Vì thế, để ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ Somalia xây dựng một chính phủ mạnh và một nền kinh tế ổn định. Somalia đang đứng trước một vấn nạn, đó là số thanh niên gia nhập các nhóm phiến quân Hồi giáo chống chính phủ đang gia tăng mạnh. Giới trẻ Somalia phó mặc tương lai cho các nhóm phiến quân Hồi giáo bởi họ coi đây là lối thoát khỏi đói nghèo và thất nghiệp.

Dư luận vốn chẳng lạ gì về tình hình bất ổn tại Somalia từ nhiều năm nay do xung đột sắc tộc và chia rẽ phe phái gây nên. Tuy nhiên, diễn biến bạo lực tại quốc gia này trong mấy ngày gần đây là thực trạng đáng báo động, nó chứng tỏ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế vẫn là chưa đủ nhằm đảm bảo an ninh tại mảnh đất này.

Điều đáng lo ngại ở chỗ, khủng hoảng tại Somalia không chỉ là vấn đề của nước này mà nó còn ảnh hưởng tới an ninh khu vực và toàn thế giới. Somalia đang trở thành cái nôi cho tội phạm cướp biển và là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa khủng bố phát triển. Hiện nay, lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Somalia có xu hướng bắt tay với các phần tử khủng bố Al Qaeda để tiến hành các vụ tấn công đẫm máu và bạo lực không dừng lại ở địa phận Somalia mà đang lan dần sang các nước láng giềng ở vùng Sừng châu Phi.

Có thể nói, cũng giống như bao cuộc xung đột khác vào thời điểm hiện tại trên thế giới, khủng hoảng chính trị dẫn tới bạo lực tại Somalia có thể giải quyết thông qua đối thoại. Song xét trên bình diện hiện nay, cơ hội đàm phán hòa giải dân tộc tại Somalia là hết sức mong manh. Bộ máy quyền lực tại Somalia là một chính phủ chuyển tiếp, vốn yếu kém và chỉ kiểm soát được một vài khu vực ở thủ đô Mogadishu. Trong khi đó, lực lượng phiến quân Hồi giáo thì không ngừng lớn mạnh nhờ việc mở rộng hoạt động và lôi kéo thêm các tay súng mới. Vì thế, sẽ chẳng thể có cuộc mặc cả nào một khi chính phủ không thể cầm trịch trong các vấn đề quốc gia.

Cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng việc tái thiết Somalia là quan trọng nhưng lại chưa có một kế hoạch thỏa đáng để thực hiện nó. Tiến hành các kế hoạch tái thiết Somalia khó khăn hơn nhiều so với tiến hành các chiến dịch quân sự với các mục tiêu tấn công cụ thể. Song nếu muốn giải quyết tận gốc mâu thuẫn chính trị và bạo lực tại Somalia thì đây là vấn đề không thể lảng tránh.

Đỗ Tiến

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文