Phân tích thông tin tình báo ở Mỹ: Khoa học hay nghệ thuật?

16:36 30/04/2022

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, cộng đồng tình báo Mỹ đã cải tiến mạnh mẽ các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn và kỹ thuật mới với mục đích chuyên nghiệp hóa và hợp lý hóa công việc của các nhà phân tích thông tin tình báo.

Ba loại kỹ thuật phân tích chính được đưa vào ứng dụng đó là: kỹ thuật chẩn đoán, kỹ thuật đối nghịch và kỹ thuật tưởng tượng. Sự phát triển của kỹ thuật phân tích thông tin tình báo có được là nhờ vào những tương tác thường xuyên giữa cộng đồng tình báo và giới học thuật, một trong những nét đặc thù của nước Mỹ.

Chuyên nghiệp hóa công việc phân tích tình báo

Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã nhanh chóng trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực tình báo. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của cộng đồng tình báo Mỹ, ngoài việc tận dụng các ưu thế kỹ thuật, là việc quy chuẩn hóa nghề nghiệp và công việc thực hành phân tích tình báo.

Ở Mỹ, Sherman Kent, giáo sư lịch sử tại Đại học Yale, người đã tham gia hoạt động nghiên cứu và phân tích của Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS) trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai và sau đó là nhà phân tích tại CIA, luôn được coi là cha đẻ của kỷ luật phân tích thông tin tình báo hiện đại.

Theo Kent các nguyên tắc và các giải pháp thực hành về phân tích tình báo cần tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về trí tuệ, cần thường xuyên hợp tác với các chuyên gia ở những lĩnh vực khác, bản phân tích luôn phải rõ ràng trong các đánh giá và tuyệt đối tránh bị ảnh hưởng bởi các thành kiến hay định kiến cá nhân.

Vụ Snowden đào tẩu đã hé lộ quy mô khổng lồ của các cơ quan tình báo Mỹ.

Tại Mỹ, cộng đồng tình báo luôn luôn gắn bó với giới học thuật, điều này đã giúp cho nghiệp vụ phân tích tình báo luôn có được những ý kiến đóng góp và những đề xuất cải tiến liên tục. Năm 1970, CIA đã lập ra Ban Phương pháp Phân tích như một sự đổi mới tự thân. Những đổi mới đầu tiên tập trung vào việc thiết lập các phương pháp định lượng trong phân tích tình báo.

Những cải tiến tiếp sau đó liên quan đến việc phân tích những giới hạn của nhận thức trong nghiệp vụ phân tích tình báo và các biện pháp giảm thiểu chúng nhờ vào những phương pháp do giới nghiên cứu đề xuất. Những phương pháp này, ví dụ như  phương pháp “các giả thiết thay thế”  sẽ giúp các nhà phân tích nhìn ra các định kiến cá nhân của mình.   

Kể từ giữa những năm 2000, cộng đồng tình báo Mỹ đã phát triển và sử dụng ngày càng rộng rãi các kỹ thuật phân tích có cấu trúc. Những kỹ thuật này, phần lớn vay mượn từ khoa học xã hội và khoa học hành vi, dẫu đã được biết đến từ trước đó nhưng chỉ đạt được những thành công lớn sau khi Đạo luật Cải cách tình báo và phòng chống khủng bố được thông qua vào năm 2004. Dựa vào đạo luật này, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) đã thiết lập một loạt các tiêu chuẩn mà các nhà phân tích tình báo phải tuân theo khi tác nghiệp.  

Nguyên tắc cơ bản của một báo cáo phân tích tình báo

Mười bảy cơ quan tình báo Mỹ, cũng giống như nhiều tổ chức tình báo lớn trên khắp thế giới, có nhiệm vụ cung cấp các báo cáo tình báo nhằm giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định. Một số báo cáo ngắn và thực tế, hầu như không vượt quá một hoặc hai trang, những báo cáo khác có thể dài hơn, chẳng hạn như một nghiên cứu sâu về toàn cảnh một quốc gia, một nhà lãnh đạo hoặc một hiện tượng chính trị.

Dạng báo cáo thứ nhất thường chỉ có giá trị chiến thuật trong ngắn hạn, dạng thứ hai mang bản chất chiến lược và hỗ trợ việc xây dựng các chính sách an ninh dài hạn. Tất cả các báo cáo này khác nhau về mục đích và nhu cầu của những người sử dụng thông tin tình báo, hầu hết là những người có thẩm quyền ra các quyết định chính trị, quân sự hoặc dân sự.

Cộng đồng tình báo Mỹ đã thiết lập một số quy tắc cơ bản áp dụng chung cho tất cả các báo cáo do các cơ quan thành viên soạn thảo. Những nguyên tắc cơ bản này không chỉ hữu ích cho giới tình báo Mỹ  mà còn cho bất kỳ tổ chức nào thường xuyên phải đối mặt với các tình huống phức tạp và mơ hồ.

Cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ để nghiên cứu các báo cáo của tình báo.

Ở cấp độ nội dung, người sử dụng thông tin tình báo cần tới các thông tin mới, phù hợp thực tiễn và được ngữ cảnh hóa một cách thích hợp. Giọng điệu mà nhà phân tích sử dụng phải mang tính khách quan, không thiên lệch cá nhân và văn phong phải chính xác và ngắn gọn. Những quy tắc này thường làm nảy sinh những khó khăn một khi các nhà phân tích phải đối mặt với một lượng thông tin gần như khó hiểu và nhiệm vụ chính của họ là sàng lọc ra “vàng từ đám quặng thô”, xác định chính xác các chi tiết quan trọng nhất và trình bày mọi thứ rõ ràng nhất có thể.

Nhiệm vụ này càng phức tạp hơn bởi những thông tin mà nhà phân tích tình báo có thể truy cập thường không đầy đủ và không thể dễ dàng kiểm tra tính xác thực của chúng, nguyên nhân đến từ việc đối phương luôn tìm cách che giấu hoặc làm sai lệch thông tin. Một báo cáo lý tưởng sẽ là một bản báo cáo ngắn gọn nhưng lại trả lời được nhiều câu hỏi cùng lúc: Điều gì mới xảy ra? Điều này có nghĩa là gì ? Làm thế nào để chúng ta hiểu được những thông tin có trong báo cáo? Điều gì có thể xảy ra tiếp theo, và hiện tượng được nêu trong báo cáo sẽ tạo ra những ảnh hưởng nào?

Các kỹ thuật phân tích có cấu trúc

Các kỹ thuật phân tích có cấu trúc, đôi khi được gọi là các kỹ thuật phân tích thay thế, ra đời nhằm mục đích giảm thiểu các khiếm khuyết trong việc phân tích thông tin tình báo. Những kỹ thuật này được cho là sẽ giúp các nhà phân tích đối phó với sự phức tạp của các diễn biến quốc tế, tính chất không đầy đủ của hệ dữ liệu mà họ phải làm việc và hạn chế sự không hoàn hảo trong suy nghĩ của con người.

Hàng trăm loại kỹ thuật phân tích có cấu trúc đã được sử dụng trong các cơ quan tình báo Mỹ, trong số đó một số kỹ thuật đã được đưa vào giảng dạy công khai trong các trường đại học hoặc các chương trình đào tạo khác chuyên về nghiên cứu tình báo.

Mỗi loại kỹ thuật có một công dụng đặc thù để đáp ứng cho một loại tình huống cụ thể. Điểm chung của chúng là đều hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng phân tích tình báo. Các kỹ thuật phân tích này có thể được chia thành ba loại chính: Kỹ thuật chẩn đoán; Kỹ thuật đối đầu; Kỹ thuật tưởng tượng.

Phương pháp thứ nhất tập trung vào việc đánh giá các giả thuyết và cố gắng làm nổi bật những điểm yếu của chúng. Phương pháp thứ hai buộc các nhà phân tích phải dỡ bỏ các lập luận của họ và xem xét lại chúng bằng cách đối đầu với những lập luận đối nghịch khác. Phương pháp thứ ba chú trọng đến các viễn cảnh mới và việc khai thác nó trong tương lai. Sau đó, nhà phân tích sẽ lựa chọn kỹ thuật nào phù hợp nhất với nhiệm vụ cụ thể của mình.

Kỹ thuật chẩn đoán: Phân tích các giả thuyết cạnh tranh. Một trong những kỹ thuật chẩn đoán phổ biến nhất là Phân tích các giả thuyết cạnh tranh (ACH). Nó được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1980 trong lĩnh vực phản gián, nhằm tính đến khả năng hoạt động nghi binh của đối phương nhằm đánh lừa các nhà phân tích Mỹ. Sử dụng phương pháp này nhà phân tích trước tiên chọn các giả thuyết loại trừ lẫn nhau, sau đó xác định một tập hợp các manh mối hoặc bằng chứng có vẻ phù hợp và cuối cùng tạo mối liên hệ giữa các chỉ số này với từng giả thuyết để kiểm tra chúng và phân biệt giả thuyết phù hợp nhất.

Văn phòng phân tích tình báo của Trung tâm Điều hành các chiến dịch ứng phó khẩn cấp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở ngoại ô Washington.

Kỹ thuật đối nghịch: vai trò “luật sư của quỷ”. Khái niệm “luật sư của quỷ” vay mượn từ những khái niệm đã được Giáo hội Công giáo biết đến và sử dụng từ thế kỷ 16. Kỹ thuật này thường áp dụng trong trường hợp không được phép có bất cứ sai lầm nào. Trong thực tiễn, người quản lý sẽ yêu cầu một nhóm các nhà phân tích, những người đã không tham gia vào việc xây dựng bản báo cáo sơ bộ sẽ đảm nhận vai trò “luật sư của quỷ”.

Các nhà phân tích này chọn ra một hoặc nhiều giả thuyết của bản báo cáo sơ bộ và đặt câu hỏi về độ tin cậy và giá trị của chúng. Bất kỳ manh mối nào hỗ trợ cho những giả thuyết thay thế các giả thuyết trong bản báo cáo sơ bộ đều sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Kết quả công việc của nhóm “các luật sư biện hộ cho quỷ” này sau đó được so sánh đối chiếu với báo cáo ban đầu và sẽ đi đến một báo cáo cuối cùng trong đó các phân tích ban đầu có thể bị loại bỏ hoặc được đưa vào. Kỹ thuật này, khi thành công, sẽ làm nổi bật những điểm yếu hoặc xác nhận mức độ phù hợp của bản phân tích trước đó.

Kỹ thuật tưởng tượng: Phân tích các viễn cảnh thay thế. Kỹ thuật nghiêng về tưởng tượng này sẽ khám phá một cách có hệ thống những viễn cảnh khác nhau mà một tình huống có thể tiến triển. Nó được sử dụng để đối phó với các tình huống đặc biệt phức tạp và không chắc chắn. Nó bao gồm việc tính đến nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến một tình huống và khám phá hậu quả của chúng.

Việc phân tích các “tương lai thay thế” dựa trên các suy ngẫm đi theo nhiều hướng và dựa trên một loạt các ý tưởng được tạo ra một cách ngẫu nhiên. Sau đó, các kịch bản sẽ được xây dựng, trong đó các chỉ số cụ thể gắn với các cột mốc thời gian trong tương lai sẽ được phác họa ra để tạo ra một kịch bản về một tương lai “thay thế”. Phương pháp phân tích các viễn cảnh thay thế này giúp chúng ta có thể so sánh nhiều khả năng tiềm năng, từ đó chọn ra những khả năng có vẻ hợp lý nhất và xem xét hậu quả của nó đối với các chính sách hiện hành.

Để viết ra một báo cáo phân tích tình báo, nhà phân tích có thể kết hợp cùng lúc nhiều kỹ thuật để tăng độ hoàn hảo của bản báo cáo. Trong vài thập kỷ qua, nước Mỹ đã có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực phân tích thông tin tình báo, những tiến bộ này chủ yếu đến từ sự cộng tác chặt chẽ giữa cộng đồng tình báo Mỹ và giới học thuật Mỹ, một trong các thế mạnh của tình báo Mỹ. Điều này cũng giải thích cho vì sao việc phân tích tình báo ngày càng trở nên giống như một bộ môn khoa học hơn là một bộ môn nghệ thuật.

Dương Thắng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文