Tình báo Anh và cuộc cách mạng Hồi giáo Iran

12:50 14/11/2022

Tài liệu mới được giải mật vài ngày qua cho thấy Anh đã vũ trang cho chế độ chuyên quyền của Vua Iran (Mohammad Rezâ Shâh Pahlavi, gọi chung là Shah) cũng như trực tiếp hỗ trợ cho chế độ của ông ta trong suốt hàng thập ky,ã dẫn đến Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Tháng 4 năm 1975, trong một hồ sơ nội bộ, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) viết: “Iran là một quốc gia chuyên chế và mọi quyền lực đều chảy ra từ Shah”. Lúc đó, Anh có một loạt các nhóm huấn luyện quân sự ở Iran và một hợp đồng bán hơn 1.500 xe tăng cho nhà cai trị Mohammad Reza Pahlavi.

Cựu vương Iran, Mohammad Rezâ Shâh Pahlavi cùng vợ và con, trong thời gian cầm quyền. Ảnh nguồn: Chomun.org.

Trước năm 1979, cuộc cách mạng Hồi giáo đã quét sạch mọi quyền lực của Shah, chế độ đàn áp cực đoan của ông từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh ở Trung Đông trong suốt một phần tư thế kỷ. Đó là điều mà nhiều người Iran không thể nào quên. Đại sứ Anh, Peter Ramsbotham, năm 1973 phải thừa nhận rằng, “Shah thực sự là một nhà độc tài toàn diện”. Năm trước đó, Peter nói với chính quyền London rằng “Nhà vua Iran đang trở nên chuyên quyền hơn lúc nào hết… và mỗi năm Shah thâu đoạt quyền bính nhiều hơn”.

Đất nước Iran dưới thời Shah về cơ bản là khách hàng nhập khẩu vũ khí của Anh lớn nhất thế giới. Không chỉ mua xe tăng mà còn cả khu trục hạm, tàu hỗ trợ, xe bọc thép và đạn dược. Ông Anthony Parson, người kế nhiệm ông Peter Ramsbotham, nói: “Lợi ích mà người Anh bán vũ khí cho Iran là rất lớn và chúng tôi phải tiếp tục gặt hái chúng”. Whitehall thúc đẩy sự tồn tại của nhà độc tài.

Vệ binh hoàng gia của quân đội Iran trực tiếp bảo vệ sinh mệnh cho hoàng đế, họ sở hữu một tiểu đoàn tăng Chieftain do Anh cung cấp. Đội cố vấn và huấn luyện của Anh (CAAT) có các nhóm đào tạo quân sự như đã được đề cập ở trên, thậm chí cùng đặt trong lòng một tòa nhà tọa lạc ở Lavizan (Đông Bắc Tehran), đây là tổng hành dinh của quân đội Iran. Những cơ quan quan trọng khác cũng đặt trụ sở ở Lavizan. Một chỉ huy cánh của Không quân hoàng gia Anh (RAF) được biên chế và không lực Iran “đưa ra lời cố vấn trên bộ và cả trên không”, cũng như có một nhóm cố vấn nhỏ của Quân đoàn thủy quân lục chiến hoàng gia Anh (RM) chuyên hỗ trợ hải quân Iran nhằm “thành lập Đội biệt kích thủy quân lục chiến”.

Tham nhũng và chính trị

Năm 1953, MI-6 (Anh) kết hợp với CIA (Mỹ) đã đưa Shah lên cầm quyền sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ nhà lãnh đạo do dân cử Mohammed Mossadeq. Ban đầu, Anh và Mỹ cùng ủng hộ chế độ cai trị của Shah, tuy nhiên về sau chính quyền này ngày một trở nên hà khắc. Chính phủ Anh thời Edward Heath đã phê chuẩn bán một lượng lớn xe tăng cho Iran trong năm 1970 và năm sau đó là biệt phái một đội huấn luyện quân sự đến Iran.

Những dịch vụ này chủ yếu hoạt động bởi hàng trăm nhân viên làm việc cho công ty quân sự Millbank Technical Services (MTS)  và nó được quản lý bởi một vị Chuẩn tướng Anh đã nghỉ hưu. MTS là một nhánh của cơ quan nhà nước Anh, Crown Agents, và sau đó do MoD làm chủ và điều hành với cái tên mới là International Military Services Ltd (Công ty TNHH các dịch vụ quân sự quốc tế). 

Từ lâu đã có thông tin cho rằng MTS thực chất đóng vai trò là một cỗ máy ngầm thay mặt cho chính phủ Anh nhằm “trả tiền hối lộ” mỗi khi người Iran nhận vũ khí Anh mà không cần sự tham gia trực tiếp của Whitehall. Báo The Guardian (Anh) viết: “MTS mua xe tăng từ MoD trong hầu hết các giao dịch trên giấy tờ.

MTS cũng chuyển một khoản tiền bí mật cho Shah. Kế đó, MTS sẽ chuyển  xe tăng cho quân đội Iran, trưng ra một hóa đơn phồng to (cộng với cả tiền “hối lộ”). Dụng mưu của MTS đã được cấp cao nhất ở Anh phê duyệt”. Tháng 6 năm 1972, vua Iran và hoàng hậu viếng thăm Anh. Ông Peter cũng viết bản đánh giá thường niên gửi cho Bộ Ngoại giao Anh, ghi nhận rằng “sự bất bình ngày càng tăng cao trên khắp đất nước (Iran)”.

“Sự bất bình” đó là bởi vì “việc kiểm soát quá chi tiết và đời tư của Shah đối với mọi diện mạo hành chính và nền kinh tế đang tỏ ra ức chế không chỉ với các hoạt động đảng phái chính trị, mà còn với cả tinh thần trách nhiệm từ các cận thần, công chức cấp cao và các lãnh đạo khác nhau trong nước”. Năm 1974, các tài liệu của Anh có một báo cáo từ tờ Newsweek lưu ý rằng có khoảng 5 vạn tù chính trị ở Iran. Đâu đó có từ 3 đến 6 vạn người Iran làm việc cho Cục an ninh nội chính hết sức đáng sợ SAVAK.

Tổ chức ân xá quốc tế (AI) và các tổ chức đã ghi nhận nhiều trường hợp người bị tra tấn. Ông Nick Browne (quan chức tại Đại sứ quán Anh ở Tehran) tiết lộ với giới truyền thông rằng SAVAK cực kỳ tàn bạo như bất kỳ mật vụ nào trong khu vực”. Không điều nào ảnh hưởng tới chính sách của Anh ngoại trừ thái độ sâu sắc của Whitehall “chống lưng” cho chế độ của Shah.

Tháng 7 năm 1974, ông Patrick Wright từ văn phòng Trung Đông của Bộ Ngoại giao Anh, viết: “Iran là một ván đánh cược lợi hại cho lợi ích của Anh khi mà nhiều nước và cả tôi cùng nhất trí rằng Shah càng tại vị lâu thì cơ hội kế vị hòa bình càng tốt, và thậm chí với một chút may mắn rằng vẫn có cơ hội tốt cho sự tồn tại của một chính phủ mạnh mẽ và cơ bản là thân phương Tây trong trường hợp Shah đột nhiên “mất tích”.

Trong một bản tóm tắt cho Ngoại trưởng James Callaghan vào tháng 9 năm 1975, Bộ Ngoại giao Anh nêu quan điểm: “Chúng tôi coi Iran là một nhân tố quan trọng cho sự ổn định trong khu vực này, nơi chiếm hơn 70% lượng dầu thô nhập khẩu của chúng ta, và Shah coi người Anh là một đối trọng với người Nga trong khu vực… Iran là khách hàng hải ngoại nặng ký đối với thiết bị quốc phòng của Anh”.

Ông Hassan Pakravan, giám đốc tổ chức an ninh và tình báo (SAVAK) của Iran thời Shah.
Ảnh nguồn: Wikipedia.

Hoạt động tình báo

Sự hậu thuẫn của Anh đối với chế độ Shah bao gồm sự ủng hộ trong lĩnh vực tuyên truyền đã có từ đầu thập niên 1960. Cục nghiên cứu thông tin Anh (IRD – đơn vị tuyên truyền thời Chiến tranh Lạnh) đã đóng nhiều vai khác nhau nhằm làm củng cố khả năng của Shah chống lại những mối đe dọa nội bộ cho dù từ đảng Tudeh thân Liên Xô, hoặc từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Arab ủng hộ nhà lãnh đạo Ai Cập, Gamal Abdel Nasser. IRD cung cấp tài liệu cho  báo giới và truyền hình không thể phân bổ trực tiếp cho SAVAK”.

Các tài liệu này bao gồm “dịch sách, những đề tài cho báo chí và công tác tuyên truyền lật đổ các thể loại”, quan chức IRD bà Ann Elwell, viết vào tháng 12 năm 1964. Trợ lý Ngoại trưởng Anh, Leslie Glass đã viết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc lấy ý tưởng của từng loại chủ đề cùng những lập luận sẽ có hiệu quả tại địa phương (Iran)”, và rằng “Sự hợp tác của Anh với SAVAK là đặc biệt thỏa đáng và hiệu quả”.

Vài tháng trước đó bà Ann Elwell đã xúc tiến chuyến thăm vương quốc Anh cho một quan chức của SAVAK (Tổ chức an ninh và tình báo đất nước Iran), Tiến sĩ Zehtab, theo đề nghị của giám đốc SAVAK là Tướng Hassan Pakravan. “Trong đại sứ quán Anh ở Tehran, sĩ quan trợ lý thông tin chịu trách nhiệm làm việc cho IRD với sự tham vấn của một trong những cấp phó của Tướng Pakravan. Tiến sĩ Zehtab sẽ có 10 ngày ở Anh mà chi phí do IRD trả”.

Bà Ann Elwell lưu ý rằng, “Tướng Pakravan tỏ ra lo lắng khi Tiến sĩ Zehtab muốn tìm hiểu thêm về các hoạt động công khai chưa được cấp phép của chúng tôi. IRD đang giúp chế độ Shah thông qua hoạt động quan hệ đối ngoại của họ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là giữ cho SAVAK luôn an tâm”. Từ các hồ sơ mật cho thấy ông Zehtab đã được sắp xếp trước để ghé BBC và Cao đẳng St Anthony cũng như IRD.

Whitehall cung cấp thêm một ưu đãi khác cho SAVAK. Một quan chức ở Tehran tên là  Michael Elliott đã báo với bà Elwell rằng, SAVAK hỏi đại sứ quán Anh “liệu chúng ta có thể cung cấp tên của một số công ty ở London để tiện cho Iran quảng báo hình ảnh ra thế giới, một hoạt động xúc tiến du lịch bên lề”. Ông Elliott đề nghị nên chấp thuận và để cho Iran có thể chi 50.000 bảng/tháng. Bà Elwell nói rằng IRD đã thảo luận với Colman Prentis & Varley “một trong những hãng quảng cáo lớn nhất nước Anh”. Bà Elwell lưu ý: “Là một phần của gói công vụ, họ (Colman Prentis & Varley) có thể cung cấp các chuyến thăm được hỗ trợ bởi các nhà văn du lịch, một chiến dịch trong số các nhân viên lữ hành, những thư mời đặc biệt đến các nhóm báo cáo truyền hình và đài phát thanh”.

Nazanin Zaghari-Ratcliffe, người có 2 dòng máu Anh - Iran, đã bị Iran bắt giam vì tội hoạt động gián điệp. Ảnh nguồn: BBC News.

Lo sợ chính phủ cách mạng

Rồi thì một số quan chức Anh nhận ra rằng có thể có vấn đề với việc cung cấp quá nhiều vũ khí cho một chế độ mà có thể sụp đổ một ngày nào đó. Viết từ năm 1972, một nhà ngoại giao Anh ở Văn phòng Trung Đông cảnh báo: “Tất cả những thiết bị này có thể nằm gọn trong tay của một chính quyền cách mạng”. Điều đó không nhằm nhò gì. Cho đến cuối thập kỷ đó, Anh đã bán một lượng vũ khí cho Iran lên đến hơn 1 tỷ bảng.

Như đã biết, không dưới 1.200 xe tăng do Anh xuất khẩu cho Shah từ năm 1978 đến năm 1982 theo Dự án 4030. Vào tháng 12 năm 1978, Thủ tướng Anh-James Callaghan đã biên thư cho Tổng thống Mỹ - Jimmy Carter đại khái nói rằng “việc loại bỏ Shah sẽ tác động rất lớn đến chính trị, kinh tế và chiến lược của phương Tây”. Khi sự chống đối ngày càng gia tăng ở Iran, điện Whitehall cố sống cố chết bám lấy nhà độc tài đến ngày cuối cùng.

Ngày 9 tháng 11 năm 1978, tức chỉ vài tuần trước khi Shah bỏ trốn, Ngoại trưởng Anh, David Owen, cam kết trước Nội các của mình: “Dù lỗi của ông ấy là gì thì lợi ích của chúng ta là Shah vẫn nên nắm quyền. Chính phủ quân sự không có mặt Shah cũng chẳng làm nên trò trống gì, còn chính phủ đặt dưới quyền của thế lực chống Anh, thì tình hình càng tồi tệ hơn”. Khi Shah yêu cầu thiết bị an ninh nội bộ từ Anh sau các cuộc biểu tình trong tháng 8 và 9, bất đắc dĩ người Anh phải tuân theo.

Tháng 11 năm 1978, David Owen phê chuẩn việc bán 175.000 hộp tiếp đạn CS và 360 thiết xa vận không vũ trang. Một báo cáo của Nội các Anh vào tháng 11 năm 1978 có tựa đề “Tương lai chính trị của Iran” trong đó bày tỏ mối lo ngại của Anh về một nước Cộng hòa Hồi giáo có thể xảy ra. Báo cáo này lưu ý rằng, “Trong khi một số chính sách xã hội có vẻ phản động, thì các vấn đề kinh tế và đối ngoại lại đang có xu hướng đeo đuổi một chính sách cấp tiến và dân tộc chủ nghĩa”.

Báo cáo nói thêm: “Một chính phủ như thế sẽ tìm cách giải quyết bằng lời khuyên của nước ngoài và từ cộng đồng doanh nghiệp” trong khi chính sách đối ngoại của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo có lẽ sẽ là “trung lập”. Ông Anthony Parson (đại sứ Anh ở Tehran khi đó) đã mời riêng Richard Clutterbuck (chuyên gia hàng đầu của vương quốc Anh về chống nổi dậy) đến Iran. Vẫn chưa rõ là Clutterbuck đã khuyên Shah những gì.

Vào tháng 12 năm 1978 khi Owen nhận ra Shah đang ở trong tình thế “vô vọng” thì ông và Bộ Ngoại giao Anh quyết định chấp nhận sự sụp đổ của Shah. Ngày 16 tháng Giêng năm 1979, Shah chạy trốn khỏi Tehran. Giờ đây người Anh tự bảo vệ mình với chế độ Hồi giáo mới bằng cách tránh bất kỳ kết nối nào với Shah.

Cùng với Mỹ, London từ chối cấp phép cho Shah tị nạn chính trị một thời gian ở Anh. Trong tiểu sử của mình, ông Owen lưu ý: “Quyết định của tôi chỉ là vì lợi ích quốc gia”, và cảm thấy “đó là một hành động đáng nhục”. Trong khi đó chế độ Hồi giáo mới của Iran đã từ chối các hợp đồng mua xe tăng của Anh. Vì Shah từng trả tiền để mua một số xe tăng nên Tehran mất hàng thập kỷ để theo đuổi đòi Anh trả tiền. Chính món nợ này đã khiến Nazanin Zaghari-Ratcliffe, người mới được Iran thả ra thì nay lại tiếp tục bị bắt giam.

Văn Chương (Tổng hợp)

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文